Đường Văn
Sóng
Xuân Quỳnh
Dữ
dội và dịu êmỒN ÀO VÀ LẶNG lẽ
Sóng không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể.
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ.
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh- một phương
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vàn cách trở
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Ðể ngàn năm còn vỗ
(1967. Trích tập thơ Hoa dọc chiến hào)
SÓNG, ẨN DỤ - NGHỊCH LÝ
ĐƯỜNG VĂN
Cả
trong, ngoài nước, đã từng có rất nhiều bài thơ
hay, rất hay về biển, sóng, và nhờ biển, sóng nói hộ tình yêu, nỗi nhớ,
hoặc nhập hồn vào sóng biển để ca hát hoặc than khóc tình yêu. Các hình tượng: thuyền, biển, bến, bờ, sóng, gió… cơ hồ
đã trở thành những hình ảnh trượng trưng, biểu tượng truyền thống quen thuộc,
từ ca dao, Truyện Kiều đến Gửi biển (Puskin), Cánh buồm (Lermôn tốp,
Biển (Xuân Diệu), Tràng giang (Huy
Cận)…
Vậy mà giữa lúc cuộc chiến tranh chóng
Mỹ ở Việt Nam đang vào thời điểm sôi sục, quyết liệt nhất, vào ngày gần áp chót
năm 1967 (29 – 12), hái từ những bông hoa
dọc chiến hào,* nữ thi sỹ trẻ xinh đẹp Xuân Quỳnh (1942 – 1988) vẫn có thể
hiến cho đời và thơ một khúc tình ca ngọt ngào, tài hoa, mà mỗi dòng, mỗi chữ
cứ bồng bềnh trào dâng từng đợt sóng lạ, quen, cứ mênh mang, cồn cào nỗi nhớ
tình yêu và khát vọng.
Sóng
kết dệt bằng 38 câu thơ 5 tiếng (những không phải là thơ ngũ ngôn truyền thống). Trong đó từ sóng được điệp lại 10
lần ở các câu 4, 5, 9, 13, 14, 18, 19, 20, 28, 36. Mật độ 10/190 (~ 6%) khá dày đặc. Điệp khi ở đầu câu, đầu khổ, khi
lọt giữa câu, nằm cuối câu, cuối khổ, khi liên tiếp gối nhau trong 1 khổ, khi
bắc cầu giữa 2 khổ, khi giãn cách, khi ôm trùm một khổ thơ. Sóng, bằng lối điệp phong phú, đã có mặt hầu khắp, đóng vai trò
một ẩn dụ kéo dài, xuyên suốt cả bài thơ, góp phần tạo nên linh hồn, dáng vẻ
độc đáo riêng của bài thơ. Chúng tôi tạm đặt tên cho ẩn dụ kéo dài, xuyên suốt
này là Trường dụ(?!) Thú vị hơn nữa
là sự biến hóa, ẩn hiện, chuyển đổi rất linh hoạt của sóng được thể hiện một cách hết sức mềm mại, tự nhiên:
Sóng sông hòa tan cùng sóng biển, sóng đại
dương; sóng thì thầm với gió, sóng thao thức nhớ bờ, sóng thức, sóng ngủ, sóng
trò chuyện tâm tình cùng em. Sóng cũng là em, là tình yêu và khát vọng khôn
nguôi cháy bỏng của em. Sóng và em . Em và sóng. Sóng là em. Em là sóng. Hai mà
một, một mà hai. Song hành, đan cài, tiếp nối, đắp đổi, hòa nhập, tách chia…
lại nhập hòa… Tất cả đều diễn ra theo quy luật muôn đời, vĩnh cửu của tình yêu
và sự sống: mãi mãi trẻ trung, vô tận, vô cùng…
Tôi nghĩ rằng nét độc đáo đầu tiên tạo
nên sự hấp dẫn của bài thơ Sóng chính
là ở đó.
Ví ngầm tâm hồn mình với sóng, như
sóng:
Dữ dội mà dịu êm,
Ồn ào và lặng lẽ
Xuân Quỳnh đã đem đến cho thơ tình
Việt Nam thế kỷ 20 tiếng nói mới mẻ, xuất phát từ trái tim người phụ nữ thẳng
thắn, trung thực và mạnh bạo tỏ bày những tình cảm sâu kín, những trăn trở, day
dứt, những mơ ước da diết của mình trong mối mâu thuẫn thống nhất về tính tình,
tính cách người nữ đang yêu giữa bên ngoài và bên trong, hiện tượng và bản
chất, song song và đối lập, đối lập mà đồng quy và sẵn lòng nói thẳng trực tiếp
về cái bản ngã của riêng giới mình.
Nhưng Sóng còn hấp dẫn bạn đọc ở khá nhiều nghịch lý khác nữa, thể hiện những mâu thuẫn trong thiên nhiên và
lòng người, những quy luật rắc rối, phức tạp của đất trời, biển sóng và con
tim, nỗi lòng không phải bao giờ cũng được luận giải bằng lý trí, lôgich thông
thường, thậm chí bất khả giải, bất khả kháng! Sông không hiểu nổi mình/
nên Sóng tìm ra tận bể. Nhưng liệu
tới bể rồi thì chăc chi sông hay sóng đã hiểu hết mình?! Hay ngược lại, vẫn phải dò cho đến ngọn nguồn, lạch sông.
Bởi lẽ đây là việc chung thân, trọng đại của cả một đời người: Trăm năm tính cuộc vuông tròn, cơ mà! Tìm ra bể mới chỉ là một chiều trong nhiều chiều
kích của thiên nhiên và cuộc sống muôn màu muôn vẻ và thế giới nội tâm muôn
hình vạn trạng của con người. Con người đã, đang và còn mãi băn khoăn tìm lời
giải đáp cho câu hỏi triết lý về bản thể: - Ta
là ai? Câu thơ Xuân Quỳnh mới là 1 khái quát nghiệm sinh chưa đầy đủ nhưng đầy sức ám gợi về một triết
lí nhân sinh tồn tại tự bao đời.
Nghịch
lý, và cũng là sáng tạo đột xuất, nổi bật của tác giả, theo tôi, nằm ở khổ
thơ sau:
Dẫu xuôi về phương Bắc,
Dẫu
ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương!
Thật ra, đó chỉ là cách Xuân Quỳnh cố
ý nói ngược với cách nói thông thường
của mọi người: xuôi Nam ngược Bắc.
vấn đề là ở chỗ đọc đi đọc lại mãi mà sao chẳng thấy ai bận lòng về cái sự nói
ngược đó? Bà còn tạo thêm một phương mới sau 4 phương tám hướng: Phương Anh. Cũng chẳng ai lấy làm lạ!?
Ấy bởi những nghich lý trên chỉ là cái vỏ, cái hình thức bên ngoài, giấu bên
trong cái hạt nhân rất hợp lý, phù hợp với quy luật tâm lý của những người đang
nhớ, đang yêu, đang bị và muốn đốt cháy cả bản thân mình trong ngọn lửa tình
yêu và khát vọng được yêu, được gần gũi người yêu. Xuôi hay ngược, nam hay bắc,
nào có quan trọng gì! Kim la bàn nơi trái tim em không bao giờ quay về hướng
Bắc, cũng chẳng quay tới hướng Nam mà chỉ một mực quay về phương Anh! Với riêng
em, không cần phân biệt đông tây nam bắc gì hết, dù trời đất bao la phân định
rõ ràng 4 hướng 8 phương. Cuối cùng, trên hết và trước hết, mọi phương hướng
đều chụm về phương Anh, phương ấy mà
thôi! Nếu Xuân Diệu trước đây từng đặt tên cho 1 loài hoa vô danh trên núi là Hoa Anh ơi! (Hoa Anh ơi! một chiều ta nở
đầy!), Hoàng Cầm khai sinh cái lá
diêu bông kỳ ảo và bất tử, thì ánh mắt Xuân Quỳnh vời vợi lại chỉ cho người
đọc hướng về một phương trời thăm thẳm nặng trĩu lo âu và hi vọng: Phương Anh (Phương Em), phương của tình
yêu và nỗi nhớ, thủy chung như nhất, suốt đời.
So với Biển của Xuân Diệu, Sóng
của Xuân Quỳnh kém vẻ nồng nàn, đắm đuối, cuồng nhiệt. Sánh cùng Thuyền và biển của chính Xuân Quỳnh viết
sau đó, sóng chưa đủ dữ dội đến mức thành phong ba bão tố, vụt mang tình yêu
lên đỉnh chóp hoan lạc rồi trong tích tắc lại dìm xuống đáy vực xoáy đỗ vỡ nát
tan, chát đắng , kinh hoàng! Sóng hiền hơn. Đặt cạnh Chỉ có sóng và em, cũng của Xuân Quỳnh tràn ngập cô đơn vò võ, Sóng
ấp áp, dịu hòa hơn.
Bởi vậy, mỗi lần đọc lại bài thơ Sóng, bản tình ca đầu tiên của người nữ
thi sỹ tài sắc vẹn toàn mà bất hạnh ấy, vẫn thấy lòng mình cuốn theo những con
sóng dào dạt, bồi hồi, ru vỗ trái tim và tưởng tượng bay tới những miền thẳm
sâu của ký ức, những khoảng trời bát ngát ước mơ tuổi trẻ, tình yêu và hạnh
phúc tương lai./.
·
Tên tập
thơ đầu tay in riêng của Xuân Quỳnh.
·
Đã đăng
trên báo Giáo dục & Thời đại, số
18, thứ ba 25 – 2 – 1997.
Đọc và chỉnh sửa, bổ sung, 8 – 11 – 2013. ĐV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét