Vũ Nho chủ trang
MẤT
LƯƠNG TÂM
M.
Santycov- Sedrin ( Nga)
Vũ
Nho dịch
Lương tâm biến mất. Dân tình vẫn tụ
họp trên phố, trong nhà hát, vẫn chạy đuổi và chen vượt nhau, vẫn chạy ngược
chạy xuôi, giành giật miếng ăn, và không ai nhận ra rằng đã vắng mất một cái
gì, như trong dàn nhạc cuộc đời có cây sáo đã ngừng chơi. Nhiều kẻ còn thấy như
tự do hơn, khoan khoái hơn. Người ta dễ gây thủ đoạn hơn, dễ hại ngầm, lường
gạt, nịnh bợ, đặt điều vu khống nhau hơn. Bỗng như xảy ra một phép màu nhiệm,
những dằn vặt đau đớn được rũ bỏ, người ta không còn đi, mà phóng chạy như bay;
không có gì khiến phiền muộn, không gì bắt nghĩ ngợi; cả hiện tại, cả tương lai
đều như đã nắm chắc trong tay. Người ta trở thành những kẻ sung sướng, không
nhận ra lương tâm đã biến mất.
Lương tâm đột nhiên biến mất, chớp
nhoáng! Vừa hôm qua, kẻ hành khất ngán ngẩm ấy còn thấp thoáng đâu đó trước
mắt, và trí tưởng tượng hưng phấn vẫn cảm nhận…bỗng dưng…mất tăm mất tích! Ảo
ảnh phiền nhiễu biến mất, và cùng với nó là sự khởi loạn luân lí mà lương tâm –
kẻ tố giác thường kéo theo lắng lại. Chỉ còn việc khoan khoái nhìn ngắm thế
giới mỗi ngày và sung sướng. Những kẻ khôn lõi cảm nhận được sự giải thoát khỏi
cái ách cuối cùng cản trở chuyển động của họ, và cố nhiên, vội vã thụ hưởng
trái quả tự do. Con người trở nên cuồng loạn: cướp bóc, trấn lột hoành hành;
một sự hủy hoại toàn thể đã manh nha.
Lương tâm tội nghiệp lúc đó nằm tả tơi
trên đường, bị phanh xé, phỉ nhổ, chà giẫm bởi chân khách qua đường. Người ta
quẳng nó như mảnh giẻ rách vô ích, càng xa mình càng hay và ngạc nhiên không
hiểu sao trong cái đô thành đẹp đẽ, phồn vinh lại nằm chềnh ềnh cái vật kì quái
như thế. Có trời biết nó sẽ nằm bao lâu nếu không có lão già nát rượu liếc con
mắt say toét nhèm nhìn mảnh giẻ vô dụng những mong kiếm cốc rượu vodka và nhặt
nó lên.
Đột nhiên, lão thấy như có luồng điện
truyền thấu qua thân thể. Lão đưa con mắt mờ đục ngó quanh, cảm thấy trí óc dần
thoát hơi men và cay đắng trở về thực tại, cái thực tại mà lão đã tiêu phí bao
sức lực quý giá của cuộc đời mình để thoát khỏi. Lão thấy sợ, cái nỗi sợ hãi mơ
hồ khiến người ta phải lo lắng như trước mối nguy hiểm được linh cảm mách bảo; sau đó những kỉ niệm
trỗi dậy, óc tưởng tượng bắt đầu hoạt động. Kỉ niệm không thương xót những chi
tiết bạo ngược, phản bội, yếu mềm tình ái, những dối lừa, trí tưởng tượng hiện
hình tất cả chúng một cách sinh động. Rồi tòa án thức giấc.
Lão nát rượu tội nghiệp thấy quá khứ
của bản thân toàn lỗi lầm gớm ghiếc. Lão không phân tích, không cật vấn, không
cố hiểu; lão bị bức tranh đạo đức sa đọa của bản thân làm cho đau đớn mà không
sự trừng phạt của bất cứ tòa án nghiêm khắc nhất nào có thể sánh nổi. Lão không
hề nghĩ rằng gần như toàn bộ cái quá khứ mà vì nó lão đã nguyền rủa bản thân
cực lực, lại không hoàn toàn thuộc về cái kẻ nghiện rượu nghèo khổ, bất hạnh là
lão, mà thuộc về một lực lượng lạ lùng, bí ẩn; nó xoay đảo lão, hút chặt, hệt
cơn lốc thảo nguyên hút lấy và xoáy tung những ngọn cỏ tan tác. Cái quá khứ đó
là gì? Vì sao lão đã sống như thế, mà không khác? Vậy bản thân lão là gì? – Với
những câu hỏi như thế lão chỉ còn biết đáp lại bằng thái độ ngạc nhiên hoàn
toàn vô thức. Cái ách thống trị áp đặt lên cuộc đời, lão sinh ra dưới nó và
dưới nó lão sẽ bước xuống mồ. Lúc này có lẽ là giờ khắc ý thức hiện ra – nhưng
ý thức thì cần để làm gì? Nó đến làm gì? Vì sao lại đặt những câu hỏi một cách
nhẫn tâm khiến lão chỉ có thể câm lặng đáp lời? Có nên chăng làm hoài phí cuộc
đời thêm một lần, để ý thức trỗi dậy ùa vào căn nhà đã tan vỡ, không kháng cự
nổi những cú va đập?
Than ôi! Ý thức được thức tỉnh không
đem đến cho lão một mảy may dung hòa hay hi vọng lương tâm chỉ cho một lối thoát khỏi bản án vô dụng. Xưa
kia là màn sương che phủ thì giờ vẫn là màn sương, duy khác một điều là nó đầy
chật những bóng ma khốn khổ; xưa kia trên tay xiềng xích nặng trĩu xủng xoảng,
nay vẫn những xiềng xích đó, nhưng sức nặng đã tăng gấp hai lần vì rằng lão đã
biết đó chính là xiềng xích. Những dòng nước mắt vô ích của lão nghiện rượu
tuôn như suối; mấy kẻ tốt bụng dừng chân và quả quyết đó là nước rượu vang đang
khóc.
-
Chúa ôi! Con
không thể…không chịu nổi!
Lão nát rượu kêu lên thành tiếng; đám đông cười ha hả
khiến lão đau lòng. Họ không thể hiểu chưa bao giờ lão hoàn toàn thoát khỏi con
ma men như phút này, rằng thực ra lão chỉ là nạn nhân của cái vật khốn nạn lọt
vào tay và nó đang xé tan nát trái tim lão thành mảnh vụn. Nếu họ có nó trong
tay, họ sẽ hiểu trên đời này có nỗi đau khổ lớn hơn mọi đau khổ - là nỗi khổ
của lương tâm bất ngờ tìm lại được. Họ sẽ thấu hiểu chính họ là cái đám đông bị
nô dịch và mang tinh thần băng hoại đạo đức, suy đồi chẳng kém gì lão nghiện
rượu. “ Không! Phải làm sao thoát khỏi nó, không thì ta sẽ chết như con chó
cùng nó!” – Lão say tội nghiệp nghĩ, toan ném cái vật bắt được đó ra đường
nhưng bị viên cảnh sát đứng gần chặn lại.
- Này anh bạn, định rải truyền đơn nói xấu nhà nước
phỏng! – Viên cảnh sát nói và giơ ngón tay đe. - Ở khu vực cai quản của tôi,
anh bạn ạ, làm chuyện này thì vào nhà đá sớm đấy!
Lão say giấu phắt ngay cái vật bắt được vào túi áo và
chuồn thẳng. Mắt la mày lét, lão lẻn đến gần quán rượu của ông chủ Prokhorưtr
quen mặt. Lão liếc qua cửa sổ, thấy quán rượu vắng khách, Prokhorưtr một mình
đang thiu thiu ngủ sau quầy hàng. Lão lập tức ném thẳng cái vật đó vào. Trước
khi Prokhorưtr kịp trấn tĩnh, cái vật khủng khiếp đã nằm gọn trong tay.
Prokhorưtr sững người kinh hãi hồi lâu, rồi bỗng toàn
thân toát đầm đìa mồ hôi. Lão cảm tưởng mình buôn gian bán lận không môn bài,
nhưng định thần nhìn lại mới thấy các môn bài xanh, vàng đều đủ. Lão liếc mảnh
giẻ trên tay, trông có vẻ rất quen. “ Ờ! – Lão nhớ lại – Hình như nó chính là miếng giẻ chật vật lắm ta mới quẳng
đi được hồi trước khi mua môn bài! Đúng! Chính là nó!”.
Sau khi tin tưởng chắc chắn như vậy, không hiểu sao,
lập tức lão nghĩ mình cần phải phá sản tức khắc.
- Nếu người ta bận làm ăn mà cứ bị cái vật xấu xa
đó(“cái vật xấu xa” : ý nói lương tâm) đeo bám thì hỏng toi mọi chuyện! – Lão
lập luận hầu như vô thức, bỗng toàn thân run bắn, mặt tái nhợt y như có cái gì
đó khủng khiếp không thể tưởng tượng xoáy thẳng vào mắt.
- Nhưng chuốc say mèm những dân đen tôi nghiệp mà làm
gì! – Lương tâm trỗi dậy thì thầm.
- Mình ơi! Arina Ivanovna ơi! – lão kêu to, run rẩy,
khiếp hãi…
Mụ vợ Arina chạy ra. Thoáng tháy cái vật lão Prokhorưtr
ôm trên tay, mụ đã thét lạc giọng:
- Cứu tôi! Trời ơi, kẻ cướp!
“ Cớ sao ta lại phải vì cái thằng xỏ lá ba que kia
bỗng chốc trở nên khánh kiệt?”. Prokhorưtr nghĩ, tất nhiên ngụ ý đến lão nghiện
rượu đã quẳng vào tay mình cái món đồ bắt được của hắn. Trong khi ấy, mồ hôi
từng giọt nặng tròn vẫn tong tỏng vã ra trên trán lão.
Quán rượu dần dần đông chặt người, nhưng Prokhorưtr,
thay vì nhã nhặn như lệ thường chào mời khách, lại khiến họ vô cùng sửng sốt
bởi không những không rót rượu mà còn thống thiết giãi bầy rượu là nguồn gốc
của tất cả mọi nỗi bất hạnh cho con người.
- Một chén thì không sao, thậm chí còn có lợi! Nhưng
các anh lại nốc cả vại cơ! Như vậy thì sao ấy à! Vậy thì đáng đem nhốt lại, lột
trần mà cho lĩnh thưởng, chỉ một trăm roi thôi! Các anh thử nghĩ xem có đáng
phải cố mà uống rồi chịu trận như thế không? Mà hơn nữa, cái tiền công lao động
của các anh lại còn chui vào túi cái thằng ngu là tôi nữa chứ!
- Ông làm sao thế, Prokhorưtr, điên à! – Đám khách
kinh ngạc.
- Anh điên thì có, chả mấy lúc có dịp may thế này đến
với anh đâu! – Prokhorưtr trả lời.- Mở mắt ra mà trông, hôm nay tôi có thứ môn
bài gì đây này!
Prokhorưtr giơ cho đám khách xem mảnh lương tâm bị
giúi vào tay và hỏi xem có ai muốn thử
cầm nó chăng. Nhưng tất thảy họ sau khi biết nguồn cơn câu chuyện chẳng ai tỏ
ra tán đồng, mà còn sợ hãi lảng dần.
-
Đây là môn bài! –
Prokhorưtr nói tiếp vẻ bực tức.
-
Ông định làm gì
thế? – Đám khách hỏi.
- Tôi nghĩ mình chỉ còn nước chết! Bởi vì bây giờ tôi
không thể dối trá, không thể mang rượu chuốc say dân đen tội nghiệp, thế thì
chẳng chết quách đi cho rồi còn gì?
- Có lí! – Đám khách hàng cười chế giễu.
- Chai lọ phải mang ra đập tuốt – Prokhorưtr tiếp tục-
Rượu thì đổ xuống mương! Nếu không thì dù anh có phẩm giá đến thế nào đi chăng
nữa, cứ dính cái hơi rượu vào nó cũng đi tong mất mà thôi!
- Rõ cái đồ anh hùng rơm! – Cuối cùng, mụ Arina thốt
lên, bởi đương nhiên cái phẩm giá tốt đẹp chẳng mảy may chạm đến trái tim mụ, tuy nó đã đột ngột hiện
ra nơi lão Prokhorưtr. – Ôi dào, rõ đẹp cái phẩm giá nhà ông!
Nhưng không dễ lay chuyển Prokhorưtr. Lão khóc sượt
mướt, mồm thì lảm nhảm liên hồi.
- Bất hạnh rơi vào ai thì nấy phải chịu thôi. Đừng có
hé răng nói chuyện mình là đồ lái buôn, có lo lắng cũng chỉ vô ích. Thôi đành
tự nhận mình là kẻ bất hạnh nhất thế giới không hơn vậy, chứ biết làm sao!
Cả ngày hôm đó cứ thế trôi qua với mấy bài học dài
dòng triết lí. Mụ Arina kiên cường chống lại ý định đập vỡ chai lọ và đổ rượu xuống mương của chồng; nhưng họ không
bán nổi lấy một giọt rượu. Đêm xuống, lão Prokhorưtr hớn hở thì thầm với mụ
Arina đang thút thít:
- Tâm hồn nhỏ, vợ hiền yêu dấu của tôi ơi, hôm nay ta
chẳng kiếm chác được chút gì, nhưng chính thế mà cái con người có lương tâm
trong tôi cảm thấy dễ chịu hơn!
Quả vậy, vừa đặt lưng, lão đã ngủ say tít chả khác dạo
kiếm chác lời lãi nhiều nhưng không có
lương tâm.
Mụ Arina thì nghĩ khác. Mụ biết chắc rằng trong công
chuyện làm ăn của quán, lương tâm chẳng phải là thứ sinh lợi và dễ chịu. Mụ
quyết phải tống phắt cái vị “khách không
mời mà đến” đó đi cho rảnh nợ. Chờ mãi đêm mới qua, nên vừa tang tảng sáng, khi
những khung cửa quán phủ bụi mờ mờ trong những tia sáng nhợt nhạt rọi vào, mụ
đã đánh thó lương tâm trong tay lão chồng đang say ngủ và thoăn thoắt chạy bổ
ra ngoài đường.
Số phận thật trớ trêu với tay cảnh binh Lovet. Đúng
hôm đó là ngày chợ phiên, gã dậy rất sớm tong tả ra đường. Từ các làng xung
quanh nông dân kéo xe đẩy lũ lượt về chợ. Mụ Arina vừa thoáng thấy bóng Lovet
đang vội vã, trong óc đã lóe tia vui mừng bèn hết hơi hết sức chạy đuổi theo và
nhẹ tay bỏ tọt lương tâm vào túi áo bành tô của gã.
Bản tính Lovet vốn cũng không phải hoàn toàn trơ tráo,
nhưng gã cũng không ưa đàn áp bản thân nên vẫn thường xuyên vơ vét khá là thoải
mái. Đôi tay của gã cũng không đến nỗi càn quấy lắm, chỉ hay thích móc và vơ
vét những thứ lọt tầm mắt mà thôi. Nói tóm lại, Lovet là một cảnh binh thuộc hạng
sâu mọt đứng đắn.
Thế mà tự dưng cái con người đó lại biến đổi. Đến bãi
chợ, gã bỗng thấy mọi thứ hàng hóa, của nả, bất kể chất trên xe hay chất trong
các rương thùng hôm nay như không phải của mình nữa mà là của ai đó khác kia.
Từ trước tới giờ chả khi nào gã trải qua cái cảm giác lạ như vậy. Gã giơ tay
chùi đôi con mắt trơ tráo không biết ngượng của bản thân, bụng nghĩ : “ Chả
hiểu có phải ta lú lẫn hay mơ ngủ không nhi?”. Gã lại gần một chiếc xe, toan
thó một món đồ nhưng chân không thể nào nhấc lên được, gã lại gần một chiếc xe
khác tính giật râu một bác nông dân, nhưng thật khủng khiếp, tay cứ cứng đơ ra
chẳng đụng đậy gì sất.
Gã phát hoảng. “ Chu yện
gì xảy ra hôm nay thế nhỉ? – Lovet nghĩ- Cứ cơ sự này thì còn cơm cháo gì nữa! Hay
khôn ra thì ta đi về nhà vậy?”
Nhưng rồi gã lại hi vọng tình thế có thể cải thiện nên
bắt đầu rảo quanh khu chợ. Gã nhòm ngó. Mọi thứ vật dụng, hàng hóa, chim muông
thú vật bày ra sờ sờ trước mắt cứ như đồng thanh lên tiếng : Chớ có động vào!
Trông cái bộ dạng của gã, mấy bác nông dân đâm mạnh
bạo hẳn lên và quay ra bỡn cợt, gọi gã là Fofan Fofanưtr.
- Không, chắc là ta bị ốm! – Lovet quyết định và cứ
hai bàn tay không quay về nhà.
Cô ả vợ của gã ngồi chờ ở nhà, bụng dạ chắc mẩm : “
Hôm nay, chồng yêu quý của ta sẽ đem về ối của”. Thế mà tự dưng lại chẳng có
cái quái gì. Thế mới thật là sôi máu! Cô ả nhảy dựng lên, đâm bổ vào gã chồng.
-
Của nả đâu cả
rồi?
-
Thề có lương tâm
của tôi là…- Lovet mở miệng.
-
Của nả đâu? Người
ta hỏi anh!
-
Thề có lương tâm
của tôi là…- Lovet lắp bắp nhắc lại.
-
Này, ngồi đấy mà
gặm cái món lương tâm của anh đến phiên chợ sau, còn tôi sẽ không nấu cho anh
đâu! – Vợ Lovet quả quyết.
Lovet cúi đầu, gã hiểu vợ nói gì là đều như đinh đóng
cột. Gã lặng lẽ cởi áo bành tô. Tự dưng, con người bỗng thấy biến đổi hẳn.
Lương tâm đã cùng chiếc áo được treo lên vách tường và gã thấy thoải mái, nhẹ
nhõm hẳn, và lại có cảm giác như mọi thứ trên đời đều là của mình tất. Gã thấy
hân hoan tràn ngập cảm giác mạnh mẽ, muốn đi kiếm chác, vơ vét thỏa sức ngay
lập tức.
- A ha, bây giờ thì các người đừng hòng thoát tay ta
nhé! – Lovet vừa nói vừa xoa tay, đoạn vội vã khoác chiếc áo bành tô vào để phi
như bay đến chợ.
Nhưng quái lạ, chiếc áo vừa choàng lên vai, gã đã thấy
ý chí nhụt biến đi đâu mất cả. Cứ như có hẳn hai thằng người trong một tấm thân
gã : một không có bành tô, không biết ngượng là gì, thích vơ vét; một ở trong chiếc áo bành tô nhút nhát và
biết xấu hổ. Và mặc dù ý chí đã nhụt cả nhưng gã vẫn không từ bỏ ý định đi ra chợ hi vọng may ra sẽ dẹp được
cái cảm giác lạ lùng kia.
Nhưng càng gần chợ, tim gã đập càng khiếp. Dấy lên
trong lòng gã mong muốn hòa mình với đám quần chúng nghèo xác, suốt đời lam lũ
vất vả. Gã chẳng những không còn chăm chăm nhòm vào hầu bao kẻ khác nữa, mà
thấy dường như bọc tiền lận lưng của bản thân mỗi lúc thêm trĩu nặng, cứ như ăn
cắp của ai.
-
Biếu anh mười lăm
xu đây anh bạn! – Gã lẩm bẩm và dúi mấy đồng xu vào tay một bác nông dân nào
đó.
-
Cái gì vậy, ông
Fofan Fofanưtr?
-
Để chuộc lại sự
xúc phạm trước đây của ta với anh, anh bạn ạ! Hãy xá lỗi cho ta! Vì Chúa!
-
Ờ, Chúa xá tội
cho anh!
Cứ thế gã đi vòng quanh chợ và phân phát toàn bộ số
tiền có trong người. Và mặc dù sau tất cả những việc làm đó, trong lòng thấy
nhẹ nhõm dễ chịu hơn, gã vẫn băn khoăn ngẫm nghĩ : “ Không, hẳn là hôm nay mình
đã nhiễm một căn bệnh nào đó – và lại tự nhủ - tốt hơn hết là mình đi về nhà.
Tiện thể, có lẽ nên dẫn theo đám hành khất trên đường về, may ra ở nhà sẽ có cái
gì đó để cho họ ăn”.
Gã nghĩ sao bèn làm đúng y như vậy và dẫn về đầy sân
nhà toàn những kẻ hành khất. Vợ
Lovet thất vọng giơ tay kêu trời rồi
lặng im chờ xem gã còn giở thêm những trò gì. Còn Lovet bước lại nhẹ nhàng bảo
vợ:
Đây, em Fedoxia, đây là những khách lãng du mà em muốn
anh đưa về. Vì Chúa! Em hãy làm chút gì cho họ ăn nhé!
Nhưng áo bành tô vừa được treo lên vách tường, gã đã
thấy như được giải thoát. Gã nhìn qua cửa sổ và nhìn thấy đám hành khất đứng
đầy sân nhà. Gã kinh ngạc không hiểu tại sao. Chẳng lẽ cần phải đem chém đầu
nhiều người đến thế?
-
Lũ quỷ nào vậy? –
Gã đâm bổ ra sân, bị kích động tột độ.
-
Anh lại còn hỏi?
Đó là những vị khách lãng du mà anh vừa sai tôi cho ăn đấy thôi! – Vợ Lovet hậm
hực đáp.
-
Đuổi cổ chúng đi!
Tống xéo thẳng cổ! – Gã hét lạc giọng và lại đâm bổ vào nhà.
Gã đi đi lại lại qua các phòng, bụng băn khoăn không
biết đã xảy ra chuyện gì. Gã vốn là một kẻ mẫn cán, lúc nào cũng tăm tắp hoàn
thành nhiệm vụ và hung dữ chẳng kém một con sư tử. Vậy mà tự nhiên lại hóa
thành nhu nhược như thế!
- Fedoxia Pet’rovna! Em ơi! Em hãy trói tôi lại! Vì
Chúa! Tôi cảm thấy hôm nay mình đã làm nhiều chuyện xằng bậy quá! – Lovet van
nài.
Vợ Lovet cũng thấy Lovet đã biến đổi quá đột ngột, bèn
giúp gã cởi quần áo, đưa vào giường và cho uống thuốc cảm. Mười lăm phút sau cô
ả lên nhà lục túi áo bành tô của chồng xem may ra có kiếm được ít tiền. Cô ả
tìm thấy chiếc ví rỗng và một miếng giẻ rách bẩn lem nhem dầu mỡ.
- Thế là rõ tại sao hôm nay hắn ta dám làm bao chuyện
quái gở đến vậy! – Cô ả thốt lên trong óc- Hóa ra là lương tâm nằm trong túi
áo!
Cô ả bắt đầu ngẫm nghĩ tính toán xem có thể mang quẳng
lương tâm cho kẻ nào đó khác, để người ta không đến nỗi khốn đốn vì nó mà chỉ
lo lắng chút ít thôi. Cuối cùng cô ả quyết định tốt hơn cả là quẳng nó cho ông
đại lí đã về vườn, nay là nhà tư bản tài chính, “người mở đường xe hỏa”- ông Do
Thái Smun Broxki.
- Ít ra thì ông ta cũng có cái cổ dày!
Cô ả thận trọng nhét lương tâm vào phong bì gửi Broxki
và mang thả vào thùng thư của sở Bưu chính.
- Nào, bây giờ thì anh có thể dũng cảm đi ra chợ được
rồi! - Ả quay về bảo chồng.
Smun Broxki đang cùng gia đình dùng bữa. Thằng con
mười tuổi Ruvun của lão ngồi bên đang nhẩm tính chuyện công việc nhà băng.
- Thế nào, “Pa”, nếu con mang số tiền vàng “Pa” tặng
con cho vay lãi hai mươi phần trăm một tháng, đến cuối năm con sẽ kiếm được mấy
hở “Pa”? – Cậu ta hỏi.
- Nhưng mà lãi gì? Đơn hay kép? – Smun Broxki hỏi lại.
- “Pa”, đương nhiên là lãi kép rồi!
- Thế thì mày sẽ có bốn mươi lăm rúp và bảy mươi chín
xu!
- “Pa”, thế thì con sẽ đem cho vay!
- Cho vay thì phải nhớ viết văn tự nợ!
Thằng Ioxen khoảng bảy tuổi ngồi góc bàn bên kia cũng
đang tính nhẩm bài toán đố “ Đàn ngỗng bay”; kế đó là Xolomo và Đavid đang tính
xem chúng phải trả lãi bao nhiêu cho nhau trong vụ vay mượn đường phèn của
nhau.Ở cuối bàn là bà vợ xinh đẹp của Smun Broxki là Lia Xolomovna đang bế trên
tay con bé Rifotca bé tẹo. Con bé nhoài người cố với những chiếc vòng vàng trên
tay bà mẹ.
Nói tóm lại, ông Broxki đang rất hạnh phúc. Liền khi
đó, tên gia nhân bước vào với chiếc khay bạc có đặt một bức thư.
Broxki vừa cầm chiếc phong bì đã giãy nảy lên:
- Cái “lày” “nà” cái gì! Tôi cần cái vật “lày” “nàm”
gì?! – Ông ta la lên, toàn thân run cầm cập.
Mấy người nhà chẳng hiểu cơ sự ra làm sao nhưng đều
biết như thế có nghĩa là bữa tối không thể tiếp tục được nữa.
Tôi sẽ không tả cụ thể những gì mà ông Broxki phải
chịu đựng vào cái ngày đáng ghi nhớ đó của mình. Bạn đọc chỉ cần biết rằng tuy
còm nhom như vậy nhưng ông ta đã kháng cự rất quyết liệt trước kẻ tấn công,
quyết không để mất dù chỉ vài xu.
- Cái gì vậy! Ồ, không, không sao…Nhưng mình ơi, Lia ơi, hãy giữ chặt
tôi nhé! Chớ có đưa cái tráp tiền dù tôi có đòi mang ra nhé! – Ông ta dặn vợ
vào những phút cảm thấy hết sức tuyệt vọng và nguy kịch.- Không, đừng đưa! Cứ
để thà tôi chết còn hơn!
Nhưng vì trên đời chẳng có hoàn cảnh khó khăn nào mà
không thể thoát ra. Ồng Broxki nhớ đến lời hứa quyên góp cho hội từ thiện của
vị tướng quen biết nhưng mãi vẫn chưa thực hiện được. Đây quả là dịp tốt để làm
điều đó.
Thế là ông ta cẩn thận bóc phong bì, lấy cái vật trong
đó chuyển sang một chiếc phong bì khác, kèm thêm tờ trăm rúp, gắn xi và tới nhà
vị tướng nọ.
-
Xin chào nhà từ
thiện! – Broxki vừa nói vừa trịnh trọng đặt món quà trước mặt ông tướng.
- Hay lắm! Thế mới đáng ca ngợi! – Ông tướng đáp – Tôi
vẫn biết, rằng anh…như người Do Thái…và theo luật của David thì…à ừm…không biết
có phải vậy không nhỉ?
Ông tướng bối rối, không rõ có đúng là luật David hay
không.
- Quả đúng vậy, thưa đại nhân, nhưng chúng tôi, thưa
đại nhân, là những người Do Thái đã khác ạ.- Broxki đáp liến thoắng, đã cảm
thấy trong người nhẹ nhõm, thoải mái hơn. – Tuy bề ngoài có “nà” vậy, chứ còn
trong “nòng” chúng tôi hoàn toàn, hoàn toàn “nà” người Nga đấy ạ!
- Cám ơn! - Ông tướng bảo – Tôi lấy làm tiếc, sao các
ông lại không là…à…ừm…chẳng hạn như là tín đồ Cơ Đốc giáo nhỉ? Chẳng hạn như
vậy…Vì sao hả?
- Thưa đại nhân…chúng tôi chỉ “nà” bề ngoài…thề danh
dự, chỉ “nà” bề ngoài thôi ạ!
- Thế nhưng…
- Thưa đại nhân…
- Thôi thôi thôi! Mặc anh với Chúa nhà anh!
Ông Broxki như mọc cánh bay thẳng về nhà. Lập tức
chiều hôm đó, ông ta đã nghĩ ra một phi vụ buôn bán khiến dân tình chỉ còn biết
trố mắt kinh ngạc.
Vậy là lương tâm tội nghiệp bị ruồng bỏ cứ phải vất
vưởng mãi, qua tay không biết bao nhiêu kẻ mà chẳng ai muốn cho nó một chỗ
nương thân. Ai nấy chỉ muốn làm sao thoát được nó càng xa càng tốt, dù có phải
lừa đảo, bịp bợm kẻ khác đi chăng nữa.
Rốt cuộc chính lương tâm cũng chán ngán cái sự vất
vưởng của mình và mong tìm một chốn nương thân lâu bền. Nó nài nỉ một tay buôn
bán nhỏ suốt đời cứ lận đận với cái nghề này.
- Ông hành hạ tôi làm gì kia chứ! – Lương tâm đáng
thương than vãn- sao cứ phải ngược đãi, coi tôi như cái đồ bỏ vậy?
- Ta phải làm gì với ngươi bây giờ nếu tất cả mọi
người đều chẳng cần đến ngươi? – Tay tiểu
thương thị dân vặn lại.
- Thế thì – Lương tâm đáp- Ông hãy tìm cho tôi một đứa
trẻ sơ sinh bé bỏng của nước Nga, mở trái tim trong sạch của nó ra và cất tôi
vào đó. May chăng đứa bé sơ sinh sẽ cho tôi một chốn nương thân, nâng niu tôi
và cho tôi lớn lên cùng tháng năm của nó; rồi cùng tôi, nó sẽ công thành danh
toại và không bị cuộc đời khinh miệt, rẻ rúng.
Em bé lớn lên, và cùng với em, lương tâm cũng lớn. Em
bé sẽ trở thành con người quảng đại với lương tâm lớn ở trong mình. Khi đó, sẽ
biến mất những chuyện gian trá, giảo quyệt, những điều xấu xa, bạo ngược, bởi
vì lương tâm lớn sẽ không còn e sợ và nó muốn tự làm nên mọi chuyện./.
Đăng trên VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI số 786+787, tháng 12 năm 2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét