Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

NGHĨ TRONG SIÊU BÃO HAIYAN HOÀN LƯU, VỀ BÀI THƠ BÃO (TẾ HANH)



NGHĨ TRONG  SIÊU BÃO HAIYAN  HOÀN LƯU,

VỀ BÀI THƠ BÃO  (TẾ HANH)

ĐƯỜNG VĂN
         
          Đêm qua, cả Hà Nội lo lắng, hồi hộp, bồn chồn, trằn trọc không ngủ để đón đợi hoàn lưu siêu bão Hayan (Hải yến); (Không hiểu sao người ta cứ thích đặt tên các cơn bão lốc nguy hiểm chết người bằng những cái tên đầy nữ tính, rất đẹp, thậm chí rất tình tứ như vậy?!) đổ bộ vào đất liền và quét qua Thủ đô yêu dấu. Đêm càng về khuya, mưa càng nặng hạt. Đã nghe tiếng gió đập phành phành bên cửa sổ. Cứ thấy lòng không yên, lo nghĩ lan man và mường tượng tới cảnh đồng bào ta ở huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn, đảo Bạch Long Vĩ, các đảo xa cùng đảo gần, Móng Cái, thành phố Hạ Long, vùng than Quảng Ninh, thành phố cảng Hải Phòng … đang phải gồng mình lên chống trọi trực diện với luồng tâm bão hung dữ tràn qua. Lại nghĩ đến cảnh tan hoang, đổ nát ghê gớm đang hiện diện trên nhiều vùng đất nước Philippin; mà cảnh ấy ngay trong đêm nay hoặc sáng sớm mai cũng rất có thể thành cảnh tượng trên đất nước quê hương ta mà thốt kinh hoàng sợ hãi, rùng mình.
          Sáng sớm thức dậy, mở tivi theo dõi tin tức bão. Cũng còn là may cả 2 tỉnh, Quảng  Ninh, Hải Phòng, theo tin tức đầu tiên nhận được, có hơn 100 ngôi nhà bị sập mái, phá hủy; nhiều cây to gẫy, đổ nhưng chưa có thiệt hại nào về người! May trời còn thương dân Việt! Ra sân, chỏng trơ một ngọn hồng xiêm, một cành lá bonsai bị đổ gục trước thềm từ đêm! Chú mèo vàng vừa đi cà nhắc vòng quanh cành lá, nhìn dáo dác và luôn mồm meo meo vẻ như ngạc nhiên hay thương tiếc? Đầy sân cành rơi, lá rụng…
          Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại như hiện nay, mà nhân loại chúng ta vẫn vô cùng nhỏ bé, yếu ớt  trước sức mạnh man dại và huyền bí của thiên nhiên: bão tố, cuồng phong, vòi rồng, lũ ống, lũ quét, động đất, sóng thần…hằng năm bao lần đe dọa và thử thách con người một cách không khoan nhượng, tàn bạo, phũ phàng. 90 triệu người Việt Nam chúng ta, muốn tồn tại và phát triển, chẳng còn cách nào khác ngoài cách căng óc và căng sức ra chống đỡ, đối phó, giảm thiểu thiệt hại và vượt qua.

          Trong đêm chờ đợi bão hoàn lưu, không hiểu sao trong trí nhớ tôi lại hiện lên bài thơ Bão nổi tiếng của Tế Hanh - nhà thơ hiền hậu với những bài thơ hiền lành, giàu tình cảm, giàu cảm xúc, dễ hiểu mà lắng đọng, dư ba ý nghĩa.
          Bão được viết năm 1957, đưa vào tập Gửi miền Bắc (1958, Tuyển tập Tế Hanh: NXB Văn học,1987, tr. 107 - 108). Được nhiều thế hệ bạn đọc tâm đắc, thuộc lòng, bài thơ ngắn gọn, giản dị, gồm 3 khổ, 8 câu:

 Cơn bão nghiêng đêm,
Cây gãy cành, bay lá.
Ta nắm tay em
                Cùng qua đường cho khỏi ngã.

Cơn bão tạnh lâu rồi!
     Hàng cây xanh thắm lại.
Nhưng em đã xa xôi,

              Và cơn bão lòng ta thổi mãi…


          Mở đầu, nhà thơ gợi tả cảnh cơn bão của thiên nhiên trời đất. Những cơn bão tới Việt Nam và một số nước trên và ven biển Đông Nam Á thường bất ngờ vào ban đêm. Đường đi, diễn biến của bão phức tạp khó lường. Bão hình thành và di chuyển hay đổi hướng, càng đi càng mạnh lên. 
          2 câu đầu tả 1 trong những cơn bão đêm của năm Đinh Dậu (1957), thực ra có lẽ cũng chưa nói hết, nói đủ mức độ tàn phá cuả nó trong thực tế. Cây gẫy cành, bay lá thì chỉ như là cái sướt da nhẹ nhàng mà bão tố gây ra cho đất liền, cho cuộc sống con người. Nhưng tính từ được động từ hóa và dùng như 1vị ngữ: nghiêng trong câu đầu mới là 1 từ ám gợi, rất tạo hình, không chỉ nói lên được phần nào cái dữ dội, cường lực khủng khiếp của cơn bão, đã làm nghiêng lệch, xô đẩy cả thời gian, không gian. Trời đất nghiêng ngả, quay cuồng trong mưa gió, đêm đen mịt mùng.
          Giữa đêm mưa dây bão giật ấy, tình cờ lại có một đôi tình nhân nắm tay nhau cùng chạy qua đường một con phố nào đó, trong im lặng, gấp gáp. Chỉ vậy thôi, đọc lên sao đã thấy sự ấm áp của tình người yêu thương, đùm bọc, chở che nhau qua cơn hoạn nạn như là 1lẽ sống bình thường và phổ biến trong cộng đồng. Bên ngoài và chung quanh, gió mưa gào thét cuồng nộ. Nhưng ở đây, và trong lòng ta và em lại thấy vững tâm. Khi hoạn nạn, khó khăn, mới cảm hiểu lòng nhau, mới càng thấy thương nhau!…Ai cũng hiểu cái vấp ngã tránh được cuối câu thơ là nhờ có sự dắt dẫn, chở che, giúp đỡ của chàng trai – người yêu và hạnh phúc của cả hai trong đêm chạy tránh bão mưa ngoài phố … và trong cuộc đời…
          Khổ 2 đặt ra 1 tình huống, 1mâu thuẫn mới giữa quan hệ ta và em, 1 nghịch lý trong hiện thực đời sống:
          Bão đêm qua đã lâu. Cuộc sống đã trở lại hồi sinh và phát triển. Cây gãy cành, bay lá tả tơi, rũ rượi đêm nao, hôm nay đã xanh thắm lại.
          Còn con người thì:
Nhưng em đã xa xôi!
          Câu thơ này gợi ra những cách đoán, hiểu mơ hồ:
          Xa xôi là rất xa, đã xa, cách một khoảng không gian – thời gian nào đó; nhưng là đi đâu, ở đâu? Và vì sao lại phải xa như thế? Không biết và không cần biết! Chỉ biết rõ một điều rằng, khi thiên nhiên đã về lại trạng thái êm ái yên bình, chính là khi những người yêu nhau sẽ được gần gụi nhau mà yêu thương nhau hưởng  hạnh phúc. Có ai ngờ đó lại là khi họ lại phải xa nhau!? Quy luật tâm hồn con người còn phức tạp, rắc rối, khó hiểu hơn cả quy luật thiên nhiên. Cơn bão lòng ta bây giờ lại mới bắt đầu nổi gió. Và ngọn gió nhớ thương, hi vọng hay ghen tuông, giận hờn, hoặc khắc khoải chờ trông…. cứ ào ạt thổi mãi, xoáy mãi, không ngừng trong lòng ta – người ở lại! Nếu cơn bão thiên nhiên qua đêm đã dịu lại và ngừng lặng; còn cơn bão lòng ta, tình ta thì cơ hồ miên man vĩnh viễn, thổi mãi suốt đời, xuống đến tuyền đài chưa tan!
          Điều này có thể chứng tỏ ta vẫn yêu em hoặc hận em xiết bao, nên mới đau khổ và thất vọng, tuyệt vọng về em đến thế! Người đọc tha hồ suy đoán, liên tưởng hay tưởng tượng để phân tích, mong tìm câu trả lời phù hợp với suy tư của mình. Đó là sức ám gợi đặc biệt của câu thơ cuối cùng có dụng ý đứng riêng ra thành 1 khổ như 1 tiếng thở dài tiếc nuối, như ngọn lửa tình yêu bùng cháy trong cô đơn, vô vọng, khắc khoải mà da diết vô cùng. Người bỏ đi xa xôi thì đã bỏ đi, mặc kệ người ở lại ngậm ngùi trong khổ đau, hoài vọng mà nỗi bão tâm hồn. Cơn bão lòng, bão tình, bão trái tim ấy mới thực sự ghê gớm, dữ dội, dai dẳng khó lường và khủng khiếp! Ai dám chắc nó siêu chẳng kém gì siêu bão Hayan hôm qua và hôm nay!?
          Nhưng tại sao cách xưng hô lại là ta em mà không phải là anhem như cách xưng hô thông thường của những cặp tình nhân muôn thưở? Phải chăng nhà thơ chủ yếu muốn nói với riêng mình như một lời tự nhủ về những hạnh phúc và khổ đau mà mình được hưởng và phải nếm trải trong cuộc sống? Một tiếng thơ hoàn toàn hướng nội suy tư, chiêm nghiệm, tự giãi bày về một quy luật cuộc đời với cả hai mặt đối nghịch, sáng, tối của nó?
          Và phải chăng: hạnh phúc là sự chia sẻ trong hoạn nạn và nhiều khi bất thường, bất hạnh lại nảy sinh, nhú mầm ngay trong cái vỏ bình yên, không lường nổi, không cưỡng nổi?!

Trèm, chiều sau bão sáng ấm 11 – 11 – 2013. ĐV



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét