Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

Vô hạn và hữu hạn


Vô hạn và hữu hạn

         Hoàng Dân

Đời người vốn đã quá ngắn ngủi, tuổi trẻ càng ngắn ngủi hơn, đến nỗi khi mất nó, con người cứ ngơ ngác như vừa bừng tỉnh sau một giấc chiêm bao. Con người vốn là một thực thể sinh vật đã được xã hội hóa, nó luôn mang trong mình hai nỗi ám ảnh dai dẳng và đáng sợ, đó là nỗi ám ảnh về cái chết và nỗi ám ảnh về tình yêu. Nếu cái chết là nỗi ám ảnh về bản năng sinh tồn thì tình yêu là nỗi ám ảnh về ý nghĩa của cuộc sống. Sống để yêu và chính tình yêu làm nên chất lượng của cuộc sống, do đó tình yêu là cái vô hạn, còn tuổi trẻ là cái hữu hạn đến nghiệt ngã. Để vượt qua cái hữu hạn, trời đã phú cho mỗi con người một trái tim có thể hoặc không thể lão hóa cùng với tuổi tác. Nếu trái tim lão hóa cùng với tuổi tác thì 30 tuổi người ta đã có thể dửng dưng trước tình yêu, ngược lại thì 70 tuổi vẫn có thể hồi hộp run rẩy với tình yêu. Những trái tim không chịu lão hóa sẽ vô cùng thích thú khi chợt gặp một câu ca dao như:
                                            Nước trong ai chẳng rửa chân
Cái má trắng ngần ai chẳng muốn hôn

Thật ra, nước trong (thanh thủy) không phải là thứ nước để rửa chân, mà dùng để rửa mặt thì đúng hơn. Nói rửa chân là một cách ngoa dụ để chỉ ý muốn chiếm đoạt chăng? Nước trong hấp dẫn quá, không thể không giày vò nó cho thỏa nỗi khát khao của mình, vậy thì hãy lội xuống và tùy ý tắm rửa, như thế cũng có nghĩa là hãy vượt qua mọi qui ước xã hội, mọi rào cản lễ giáo mà đến với nó! Có thể ai đó nghi ngờ cách hiểu này chỉ là một sự suy diễn theo kiểu vơ vào? Thế nhưng, thơ (ca dao cũng là thơ, và là thơ hay!) vốn ý ở ngoài lời kia mà!
Tuy nhiên, phải đến dòng thứ hai mới thực sự là thơ của muôn đời:
Cái má trắng ngần ai chẳng muốn hôn
Cái má trắng ngần thì không còn nghi ngờ gì nữa, đây là cái má của người con gái đương thì mơn mởn, đương độ rực rỡ và quyến rũ lòng người. Đó là cái đẹp của cuộc đời trần thế, mà nếu còn sống ngày nào, ta còn được ngất ngây chiêm ngưỡng ngày ấy. Một gã trai mới lớn sững sờ trước cái má trắng ngần. Một kẻ trung niên ngẩn ngơ trước cái má trắng ngần. Và một ông già dường như được tái sinh lẩy bẩy trước cái má trắng ngần. Tại sao có điều kì diệu ấy? Trước hết, đó là sức mạnh chinh phục của cái đẹp. Sau nữa, đó chính là khát vọng của cái hữu hạn trước cái vô hạn. Một đấng nam nhi có thể đã hết thời trai trẻ, nhưng những cái má trắng ngần thì cứ lần lượt sinh ra như một dòng sông thanh xuân vĩnh cửu. Dòng sông ấy vừa như mời gọi, vừa như cảnh báo khiến nhiều đấng mày râu phải thon thót giật mình. Cảnh báo để những trái tim không chịu lão hóa với thời gian hãy tỉnh táo nhận ra khoảng cách tuổi tác của mình. Thế nhưng, nếu ai cũng tỉnh táo cả thì cái đẹp quả là... vô duyên! Vả chăng, số người cam chịu lão hóa với thời gian chắc không nhiều lắm? Vì thế nó mới sinh chuyện: ai chẳng muốn hôn! Trước hết, hôn là một khát vọng được hưởng thụ cái đẹp. Sau đó là ham muốn chiếm đoạt cái đẹp. Hưởng thụ cái đẹp là một nhu cầu chính đáng. Cái đẹp sẽ giúp cho con người trở lại trạng thái cân bằng sau bao nhọc nhằn mưu sinh. Cái đẹp sẽ thanh lọc tâm hồn con người, giúp cho con người hướng thiện. Và quan trọng nhất, cái đẹp sẽ làm hồi sinh tuổi xuân cho con người. Được ôm hôn cái má trắng ngần, ai mà chẳng bồi hồi rạo rực như thấy mình trẻ lại, đó quả là những giây phút đáng sống và sống có ý nghĩa nhất. Cái đẹp vốn là một giá trị kép bởi nó vừa là đối tượng thẩm mĩ của người chiêm ngưỡng nó, vừa xác lập giá trị cho kẻ được hưởng thụ nó.
Có thể nói, hưởng thụ cái đẹp và chiếm đoạt cái đẹp là hai hành động hoàn toàn khác nhau. Người con gái có thể cho phép một người đàn ông nào đó hôn vào má mình khi thấy rằng đó là cái hôn trong sáng, nhưng khi cảm nhận thấy nó có chiều hướng đi quá giới hạn thì lại là chuyện khác. Nhẹ nhàng là một sự khước từ tế nhị. Nặng hơn có thể là sự đoạn tuyệt. Đây chính là ranh giới cực kì mong manh giữa khát vọng vô hạn với thực tế hữu hạn của mỗi con người trong từng hoàn cảnh cụ thể. Cũng chính là ranh giới giữa sự đói khát và sự no nê trong tình yêu (Có một câu ngạn ngữ: Tình yêu là con quái vật, bỏ đói thì nó cao thượng, no nê thì nó tầm thường). Và cũng là tấn bi kịch lớn nhất của con người.
Thế cho nên, câu ca dao trên giống như một chân lí và cũng giống như một lời cảnh báo. Nhưng, lạ thay, lời cảnh báo ấy dường như chẳng khiến ai sợ hãi cả, bởi một lí do đơn giản: nếu như không được hôn cái má trắng ngần thì sống để làm gì, hỡi trời?!

                                                                                           Núi Bò-Hà Nội

                                                                                                 5.3.2005

5 nhận xét:

  1. Đầu đen, mắt sáng thoáng trầm tư
    Bức ảnh chân dung tỏa thực - hư
    Sân khấu - cuộc đời ngời thế sự
    Minh tâm tri túc tạc an cư.

    Trả lờiXóa
  2. Tình yêu sức mạnh thắm hoa tươi
    Hạnh phúc, khổ đau trải khóc cười
    Kiệt tác trần ai bao khát vọng
    Thiêng liêng, bất diệt - hỡi Con Người!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã ghé và chia sẻ với bài viết của tác giả Hoàng Dân!

      Xóa