Thứ Tư, 4 tháng 1, 2017

Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa

Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa




Bạn hỏi về Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa, Bắc tông và Nam tông... Giữa hai hệ phái cùng thờ Phật này có gì giống nhau và có gì khác biệt? Tôi cũng đã từng thắc mắc như thế nên đã thử tìm hiểu.

A- Nguồn gốc:

Muốn hiểu đôi chút về Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa, có lẽ phải tìm hiểu vài nét bắt đầu từ giai đoạn lịch sử hình thành Phật giáo. Đức Phật Thích Ca Nâu Ni (Sakyamuni Gautana) được sinh ra ở Ấn Độ, là người sáng lập ra Phật giáo, theo ghi chép của sử liệu Phật giáo Trung Hoa, Ngài đản sinh vào năm 565 trước Công nguyên, nhập diệt vào năm 486 trước Công nguyên, thọ 80 tuổi. Theo ghi chép, khoảng 100 năm sau khi đức Phật tịch diệt, từ Giáo đoàn nguyên thủy, do có cái nhìn khác nhau về nhiều mặt, giới luật, giáo nghĩa, phương pháp tư duy, tu hành... nội bộ của Phật giáo bắt đầu chia rẽ, hình thành hai phái bộ chính, là "Đại chúng bộ", và "Thượng tọa bộ".

Đến khoảng thế kỷ thứ I trước Công nguyên (có sách chép vào thế kỷ thứ I Công nguyên), Phật giáo Ấn Độ bắt đầu hình thành một số tư tưởng, học thuyết mới, và các giáo phái mới. Một hệ phái mới bắt nguồn từ Đại chúng bộ coi mục đích của họ là "Phổ độ chúng sinh", dựa trên tính đa dạng của Giáo pháp. Phái này tự nhận là "Cỗ xe lớn" (Đại thừa, tiếng Sanscrit: Mahayana). Phái Đại thừa gọi phái bộ còn lại (Thượng tọa bộ)  là "Cỗ xe nhỏ" (Tiểu thừa, S: Hinayana), trong khi Thượng tọa bộ tự coi họ là Phật giáo Nguyên thủy (S: Theravada). Cách gọi "Cỗ xe nhỏ" (Tiểu thừa) ban đầu có tính cách châm biếm và miệt thị, nên bản thân hệ phái Thượng tọa bộ (Phật giáo Nguyên thủy) không thừa nhận danh xưng Tiểu thừa. Tuy nhiên tên gọi PG Tiểu thừa dần trở thành phổ biến và được đại chúng quen gọi. Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa ra đời từ đó.
Trước hết xin nói về chữ "Thừa""Thừa" (  ) là dịch nghĩa của từ Yana, tiếng Phạn Sanscrit (S) và Pali (P) đều gọi là Yana, âm Hán Việt là Diễn na, có nghĩa là "Cỗ xe", cũng có khi được hiểu như "Con thuyền", là phương tiện đưa hành giả đến bờ giác ngộ.
Thật ra Phật giáo không chỉ có Đại thừaTiểu thừa. Trong các từ điển, sách vở Phật giáo ghi đến Tam thừa, bao gồm  Bồ Tát thừa còn gọi là Đại thừa với đắc quả cao nhất là thành Phật. Thanh Văn thừa mà Đại thừa gọi là Tiểu Thừa với đắc quả cao nhất là A La Hán. Và Độc Giác thừa còn gọi là Duyên Giác thừa hay Trung thừa với đắc quả cao nhất là Độc Giác Phật (được xem như bậc Thánh ở quả vị khoảng giữa A La Hán Phật), Tuy sách vở nói đến "Tam thừa", nhưng chúng ta chỉ thường nghe phổ biến "Nhị Thừa" là Đại thừaTiểu thừa.

B- Giống nhau giữa Phật giáo Đại thừa (PG Đại thừa) và Phật giáo Tiều thừa (PG Tiểu thừa):

Điểm giống nhau dễ nhận thấy nhất giữa hai hệ phái lớn của Phật giáo là cùng bắt nguồn từ đức Phật, và cùng tôn kính đức Phật Thích Ca. Giáo pháp cơ bản của PG Đại thừa và PG Tiểu thừa gồm có: Tứ diệu đế (1), Thập nhị nhân duyên (2) (Mười hai nhân duyên), Bát chánh đạo (3), Nhân quả (4), Nghiệp (5)...

Tuy nhiên trong nhiều vấn đề khác, giữa hai phái có những sự khác biệt lớn.

C- Sự khác biệt giữa hai phái Phật giáo Đại thừa (PG Đại thừa) và Phật giáo Tiểu thừa (PG Tiểu Thừa): Có mấy điểm khác biệt chính giữa PG Đại thừa và PG Tiểu thừa:

- PG Đại thừa xem đức Phật như một vị Thần vạn năng, uy lực tuyệt đối. Thọ mệnh của đức Phật là vô cùng, sắc thân của Ngài là vô biên, những gì do Ngài nói ra cũng đều viên mãn không có khuyết điểm, đều là chân lý. Ngoài đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ở Tam thế (Quá khứ, hiện tại, vị lai) còn có vô số Phật các vị Phật khác, như lời của đức Cồ Đàm "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành". Trong một ngôi chùa theo hệ phái PG Đại thừa thờ rất nhiều hình tượng, Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Phật Dược Sư Lưu Ly, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Di Lặc, Tổ Bồ Đề Đạt Ma...

- PG Tiểu thừa coi đức Phật như một nhân vật lịch sử, một Con người và một Thày dạy, là một vị Giáo chủ chứ không phải như một vị Thần vạn năng, giáo lý của Ngài là con đường đi đến Giác ngộ, như Ngài đã khẳng định rằng mọi chúng sinh đều bình đẳng trong việc chứng ngộ chân lý, điều này không phụ thuộc vào thành phần xuất thân, mà vào hành vi đạo đức và sự hiểu biết về chân tướng của vạn pháp. Trong một ngôi chùa của PG Tiểu thừa, ta thấy chỉ thờ chủ yếu hình tượng của đức Phật Thích Ca Mâu Ni,

- PG Đại Thừa cho rằng Niết bàn (S: Nirvana) và Thế gian không khác biệt. Muốn đạt được Niết bàn chỉ là tiêu trừ Vô minh, và nhận thức được thực tướng của các hiện tượng sự vật. Cảnh giới Niết bàn không tồn tại độc lập với Thế gian.

- PG Tiểu Thừa cho rằng Niết bàn là cảnh giới đạt được sau khi thoát khỏi luân hồi sinh tử. Cảnh giới này hoàn toàn khác biệt với cảnh giới Trần thế.

- PG Đại thừa không quá chú trọng đến đời sống xuất gia, cư sĩ tại gia cũng có thể đạt đến Niết bàn với sự tế độ của chư Phật và chư Bồ tát. Niết bàn không chỉ là giải thoát khỏi Luân hồi (S&P: Samsara), mà Hành giả còn giác ngộ về Chân tâm và an trú trong đó. PG Đại Thừa xem trọng sự nhập thế, sự liên hệ mật thiết với đời sống thế tục, có như thế mới thực hiện được tính chất phổ độ chúng sinh, giúp chúng sinh vượt qua bể khổ (Bồ Tát hạnh)*.

- PG Tiểu Thừa chú trọng sự xuất gia, xa lánh thế gian, vì vậy PG Tiểu thừa quan niệm phải sống cuộc đời của kẻ tu hành. Đối với Tiểu thừa cuộc sống tại gia không thể đem đến sự giải thoát, hình ảnh tiêu biểu của Tiểu thừa là đắc quả A La Hán (S: Arhat), là người phải dựa vào chính bản thân để giải thoát. Không có thần thánh nào có thể làm việc ấy thay ta.

Ngoài ra cũng còn một số khác biệt khác giữa PG Đại thừa và PG Tiểu thừa, như:

- Kinh sách của PG Đại thừa viết bằng Phạn ngữ Sanscrit, là ngôn ngữ và chữ viết của giới quý tộc, trí thức ở miền Bắc Ấn Độ cổ đại, còn kinh sách của PG Tiểu thừa viết bằng Phạn ngữ Pali, là ngôn ngữ và chữ viết của giới bình dân ở miền Nam Ấn Độ.
Tương truyền khi sinh thời, đức Phật đã giảng Đạo pháp cho đại chúng bằng ngôn ngữ Pali.

- Giới tăng lữ của PG Đại thừa bao gồm cả Sa di, Tỳ kheo (nam tu sĩ) và Sa di ni, Tỳ kheo ni (nữ tu sĩ), trong khi tăng lữ của PG Tiểu thừa chỉ gồm Sa di, Tỳ kheo.

Còn nhiều nét khác nhau nữa giữa PG Đại thừa và PG Tiểu thừa, tuy nhiên trên đây là những nét khác nhau cơ bản dễ nhận biết giữa PG Đại thừa và PG Tiểu thừa.

D- PG Nam tông và PG Bắc tông, hay PG Nam truyền và PG Bắc truyền:

Nói PG Nam tông hay PG Bắc tông là nói theo hướng mà PG Ấn Độ truyền ra bên ngoài. PG Nam tông là tông phái PG được truyền theo hướng Nam nước Ấn Độ, cho nên cũng được gọi là PG Nam truyền chủ yếu thuộc phái Thượng tọa bộ PG, tức PG nguyên thủy (Tiểu thừa). PG Nam tông hay PG Nam truyền hiện diện ở các nước như Sri Lanka, và Đông Nam Á như Myanmar, Thailand, Cambodia, Laos... Còn PG Bắc tông, cũng gọi là PG Bắc truyền, chủ yếu thuộc Đại chúng bộ, tức PG Đại thừa, phổ biến ở các nước Đông Á như Trung Hoa, Tây Tạng, Nhật Bản, Đại Hàn... và Việt Nam...

Vài nét sơ lược về vấn đề bạn muốn tìm hiểu, hy vọng sẽ đáp ứng được phần nào...



Ghi chú:

(1) Tứ diệu đế (S: Arya Astangika Marga - P: Nidanas): là bốn sự thật quý báu, bao gồm: Khổ đế (những đau khổ của thế gian). Tập đế (kê hiện trạng của những đau khổ). Diệt đế (hoàn cảnh an lành sẽ đạt sau khi diệt trừ khổ). Đạo đế (phương pháp diệt đau khổ).

(2) Thập nhị nhân duyên (S: Pratitya Samutpada): là mười hai duyên khởi với mười hai yếu tố. các yếu tố này làm loài hữu tình mãi vướng trong luân hồi. Gồm: Vô minh (ngu dốt) - Hành (những hành động thuộc ý chí tạo nên Nghiệp) - Thức (nguyên nhân sự kết thành bào thai trong bụng mẹ) - Danh sắc (toàn bộ tâm, vật lý của một hiện hữu) - Lục nhập (sáu giác quan khi tiếp xúc: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) - Xúc (tiếp xúc, sáu giác quan tiếp xúc sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) - Thọ (cảm giác khi tiếp xúc sáu trần) - Ái (ưa thích, đam mê) - Thử (chiếm giữ) - Hữu (tồn tại) - Sinh (tái sinh) - Lão tử (già, chết).

(3) Bát chánh đạo (S: Arya Astangika Marga: là tám con đường ngay thẳng, hay tám phương tiện nhiệm màu đưa chúng sinh đến đời sống chí diệu, gồm: Chánh kiến (thấy đúng)- Chánh tư duy (suy nghĩ đúng), Chánh ngữ (nói lời đúng, không độc ác), Chánh nghiệp (không làm những việc trái giới luật), Chánh mạng (nghề nghiệp sinh sống chân chính), Chánh tinh tấn (làm việc thiện không làm điều ác), Chánh niệm (suy nghĩ chân chính), Chánh định (thiền định chân chính).

(4) Nhân quả (P: Hetuppaccaya): là nguyên nhân và kết quả, làm điều thiện sẽ hưởng an lành.

(5) Nghiệp (S: Karma, P: Kamma): kết quả của một hành động được gây ra bởi ý thức (tâm hay ngôn ngữ). Một nghiệp tốt thường mang lại một kết quả tốt.

* Bồ Tát hạnh: những người tu tập theo PG Đại thừa thường đề cao và kính yêu vị thánh từ bi, hiện thân là một Bồ Tát, như Quán Thế Âm Bồ Tát. Đó là một vị thánh đạt đạo, luôn chia sẻ những khổ đau cũng như hy vọng của tất cả chúng sinh, nên đã tự mình không vào Niết bàn cho đến khi tất cả chúng sinh có thể cùng vào Niết Bàn. Người ta thường biết đến Quán Thế Âm Bồ Tát với Mười hai đại nguyện.



Sách tham khảo:

- Từ điển Phật học, Nguyên Hảo, Về nguồn xuất bản - Canada 1999.
- Từ điển Phật học, Ban biên dịch Đạo Uyển, NXB Thời Đại - 2011.
- Phật học phổ thông, HT Thích Thiện Hoa, Thành hội PG TP. HCM ấn hành - 1992.
- Tranh tượng & Thần phổ Phật giáo, Louis Frédéric, Bản tiếng Việt: Phan Quang Định, NXB Mỹ Thuật - 2005.
- Những tôn giáo lớn trong đời sống nhân loại, TS. Floyd H. Ross & GS. Tynette Hills. Dịch giả Tâm Quang, NXB Tôn giáo - 2007.
- Thế giới Phật giáo Phương diện Lịch sử Văn hóa và Minh triết, Điền Đăng Nhiên, Dịch giả Thích Ngộ Thành - 2009.
- Lịch sử Phật giáo, Nguyễn Tuệ Chân biên dịch, NXB Tôn giáo - 2011.
Chép từ trang Phạm Ngọc Hiệp






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét