Nhà thơ, nhà giáo Trần Trung
ĐƯỜNG PHỐ 3*
Hoàng Hưng
“Em gọi thơ về.Từng
thớ thịt rung lên âm điệu trở về. Thành phố nổ bùng đêm người đi như biển.Tiếng
còi, lửa cháy. Anh dắt tay em chạy trên cỏ dại. Giấc mơ vô lý bàng hoàng. Đường
phố mùi da thịt. Gió rùng mình hư vô thổi đến. Trăng sáng không tin được. Gái
trai mới lớn đội mũ lông chim. Thiếu nữ mắt đờ cà phê quán chật khói thuốc im
lìm. Bụi sáng. Xe điên.
Em gọi thơ về. Từng
thớ thịt rung lên âm điệu trở về. Thành phố lồng trăm ngả. Ngã bảy ngã năm
giành giật. Và chiều tràn ngập gió đê mê phần phật quần bay. Cánh nhạn khua rối
mù cao ốc. Đèn lên mời gọi hoang đường.
Em gọi thơ về. Từng
thớ thịt rung lên âm điệu trở về. Thơ thoát ra từ đốt xương căng thẳng. Vũ trụ
hồi sinh rực rỡ.Gân chùng mỏi mệt hân hoan.”
Sài Gòn 1977-1981.
Lời bình của Trần Trung
GỌI THƠ VỀ
Bài thơ của Hoàng
Hưng, theo lối giọng vừa dồn nén, đọng cô.Lại vừa tuôn trào như chính nhịp sống
“nổ bùng” mạnh mẽ, đam mê của thời hiện đại. Hơn nữa, đó là nhịp sống, sức sống
căng mở của thời đại nơi đô thị-phố phường.
Gọi đặt cho tên bài
“Đường phố 3” (nằm trong chùm thơ phường phố với ba bài thơ-văn xuôi, gồm:
“Đường phố 1”; “Đường phố 2” và “Đường phố 3”), Hoàng Hưng tạo mở và đi suốt
thi phẩm của mình, một lối cấu tứ đồng hiện. Nói rõ hơn là lối cấu tứ đồng hiện
mà thách đố giữa hai chiều tương phản, thậm chí đối lập đến gay gắt. Thế mà, sự
tương phản ấy vẫn song tồn giữa nhịp sống hôm nay.
Chiều tương phản 1:
Có thể gọi ra một định danh-chiều gọi thiết tha để tìm về; về với thương yêu, với
âm giai đẹp của hồn người. Về với cõi đẹp thanh thản và thánh thiện của thơ ca.
Chiều hướng tâm
nguyện ấy, gợi ra khơi nguồn của “Đường phố3”: “Em gọi thơ về”!
Chiều tương phản 2:
Hiển nhiên và ngự trị cơn-lốc-sống rung lên dậm giật, mời gọi bằng sức cám dỗ,
mê hoặc của “thành phố nổ bùng” thời hiện đại, thời “ mở cửa”. Muôn hình vạn
trạng của nhịp sống phố phường gào gọi bằng thanh âm hay bằng chính sự im ắng
mà hiện lên bởi hình vẻ, đường nét, dáng hình... đầy đam mê. Mà, cũng đầy rãy
ngọt ngào, mê đắm: “Đường phố mùi da thịt... Gái trai mới lớn đội mũ lông
chim...Thiếu nữ mắt đờ cà phê quán... Và chiều tràn ngập gió đê mê phần phật
quần bay...”. Quả là hình ảnh của cuộc sống, nhịp sống của thời hiện đại được
nhà thơ ghi lại không phải chỉ bằng mắt nhìn, mà dường như mỗi câu chữ cũng run
lên theo cảm giác nhận biết.
Gọi mời bởi cơn lốc
bão lửa của cuộc sống, nhịp sống tân thời-đâu như cũng dội lên: “Tiếng còi”.
“Lửa cháy”. “Bụi sáng”. “Xe điên”.
Mời gọi hiện sinh
đấy mà hình như cảnh báo, bàng hoàng...cũng chính từ đấy! “Thành phố nổ
bùng”-mở ra, mở lối cho thiên đường hay địa ngục đây? : “Thành phố lồng trăm
ngả. Ngã bảy ngã năm giành giật.Và chiều gió đê mê phần phật quần bay. Cánh
nhạn khua rối mù cao ốc. Đèn lên mời gọi hoang đường”.
Từ sự tương phản,
đối lập của hai chiều hướng sống, đầy thách đố với tất thảy mọi người giữa
không gian của cuộc sống đương đại, vút lên một điệp khúc thiết tha mà cũng
khẩn thiết, diết dóng lạ thường- Nhà thơ đã cho ba lần phát sáng những dòng
ngôn từ, như thứ tuyên ngôn đích thực: “ Em gọi thơ về. Từng thớ thịt rung lên
âm điệu trở về”. Điệp lại, tự phát sáng tiếng nói của lương năng, lương tri.
Hoàng Hưng cất lên
âm giai thành thực và cũng thánh thiện cho mọi người, cho cộng đồng nhân văn
hay cũng cho mỗi con người khao khát đi tìm Con Người-Nhân văn của chính mình.
và, để có được sự bình dị và cao quí của hai tiếng Con-Người, hỏi ai mà chẳng
có sự trả giá. Sự hành xác để rồi thoát xác trước vầng hào quang thánh thiện và
vĩnh hằng của “vũ trụ hồi sinh rực rỡ”:
“ Em gọi thơ về.
Từng thớ thịt rung lên âm điệu trở về. Thơ thoát ra từ đốt xương căng thẳng. Vũ
trụ hồi sinh rực rỡ. Gân chùng mỏi mệt hân hoan.”
Hà Nội,12/2004-12/ 2016.
* Thơ Hoàng Hưng trong tập “Người đi tìm mặt”-NXB Văn hóa
thông tin”-1993.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét