Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2017

TÁN QUANH TỪ “NÓI”






TÁN QUANH TỪ “NÓI
ĐƯỜNG VĂN

            Trong kho tàng tiếng Việt, có lẽ  NÓI là một trong những động từ được sử dụng trong ngôn ngữ hội thoại cũng như ngôn ngữ viết phổ biến nhất, nhiều nhất. Bởi đơn giản, NÓI thể hiện một trong những hành vi ngôn ngữ giao tiếp quan trọng nhất của con người trong cuộc sống, trong xã hội. NÓI cũng là động từ có thể kết hợp một cách hết sức linh hoạt và cực kỳ phong phú, đa dạng với các từ loại khác (tính từ, danh từ, đại từ, phụ từ; các ngữ (cụm từ),  và thành ngữ… để thể hiện biết bao nhiêu cách nói, kiểu nói, lối nói, mức độ, cường độ, sắc thái, phong cách nói, mục đích nói, đối tượng nói…
            Dưới đây, chỉ xin bàn sơ sơ và tản mạn với một ít ví dụ theo sự hiểu biết và chiêm nghiệm của bản thân, nhớ đâu viết đấy, với mong muốn được trao đổi rộng rãi với bạn đọc gần xa về vấn đề ngôn ngữ giao tiếp thú vị này.

            + Chẳng hạn, để biểu thị cách nói khéo, nói ngọt, có sức thuyết phục người nghe, thấy:
- Nói ngọt lọt đến xương; nói cho kiến (rắn) trong lỗ cũng phải bò ra; Anh đã có vợ hay chưa?/Mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào (Ca dao), Lặng nghe lời nói như ru (Truyện Kiều)
            + Cũng là nói khéo, nói ngọt nhưng đó chỉ là bên ngoài, còn thực chất người nói che giấu sự giả dối, phét lác, không đáng tin cậy, nhằm mục đích khoe khoang hay quyến rũ, dụ dỗ đối tượng, càng nói càng chứng tỏ cái tâm không sáng, cái dốt, cái ngớ ngẩn của người nói,… thì:

- Nói như rồng leo; nói trên mây, trên gió (trên trời dưới biển), ba hoa chích chòe, ba hoa bốc phét, chém gió phần phật, bô lô ba la, nói đông nói tây, ăn theo nói leo, ông nói gà, bà nói vịt; nói khoác một tấc đến trời; nói như sẻ cửa sẻ nhà đem cho; liến la liến láu, cả vú lấp miệng em; thầy bói nói mò (nói dựa)
             + Để nhấn mạnh vai trò, tác dụng cực kỳ quan trọng của lời nói:
- Nói lời phải giữ lấy lời/Đừng như con bướm đậu rồi lại bay!/ Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa  lời mà nói cho vừa lòng nhau (Ca dao); Lời nói: tứ mã nan truy (bốn ngựa đuổi không kịp); Một lời đã biết đến ta/ Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau (Truyện Kiều); Ở ăn thì nết cũng hay/Nói điều ràng buộc thì tay cũng già! (Truyện Kiều). Ghê gớm hơn nữa: Lời nói đọi máu! (Tục ngữ), nói mát gan mát ruột, được lời như cởi tấm lòng, nói cạnh nói khóe, nói da nói diết, nói rỉa nói róc, nói mỉa nói mai, nói như dùi đục chấm mắm cáy, nói quàng nói xiên, nói vơ vào, nói lấy được, nói khôn như rận, nói buồn như chấu cắn…
            Về các mức độ, cường độ giọng nói, cách nói:
            + Nói to, vang, khỏe, nhanh: Nói như sấm rền, ăn sóng nói gió, giọng nói như chuông đồng, nói ào ào (ầm ầm), nói điếc (ù) tai, khoan vào tai, nói như máy khâu (súng liên thanh, gió), nói ông ổng, nói không biết mệt, liền tù tỳ một hơi, láu táu, liên liến…
            + Nói chậm chạp, khó khăn vì khuyết tật của bộ máy phát âm, tư duy hoặc giả vờ, hoặc cố ý hay vô tình mắc lỗi:
            Ngắc nga ngắc ngứ, lúng ba lúng búng, chẳng thành lời, ấp a ấp úng như gà mắc tóc, như ngậm hột thị; nói ngọng líu ngọng lô, nói lắp ba lắp bắp; nói dề dà, nói lắp (lặp), nói như bị nuốt (rút) mất lưỡi; Ăn không nên đọi, nói chẳng nên lời (Tục ngữ); nói líu ta líu tíu, ngập ngừng,…
            + Nói chuẩn, nói hay, nói điệu, thiếu tự nhiên:
            Nói tròn vành, rõ chữ, diễn cảm như đài, (phát thanh viên); nói như MC trên truyền hình, trên sân khấu, nói như kịch, nói như hát, như diễn viên trong phim Hàn quốc, như cải lương, như tuồng…; uốn a uốn éo, giọng nói lên bổng xuống trầm, giọng vàng, giọng bạc (trong sáng);
            + Nói nhỏ, không rõ, không liên tục:
            Nói thầm thà thầm thì, lí nha lí nhí, nói như muỗi kêu, rù rì như tiếng ong bay,
            + Các loại giọng nói, cách nói:
            Giọng chua như dấm, giọng chua như mẻ, chanh chua; khàn khàn vịt đực, giọng thuốc lào, thuốc lá đá thuốc lào, giọng say nhừa nhựa, lè nhè, đầy hơi rượu, phà mùi men, giọng sến, cao vóng vót, véo von, nói (giọng) khô như ngói, giọng lạnh tanh, giọng tỉnh queo, hầm hè đe dọa, khinh khỉnh, hách dịch, ngọt nhạt thớ lợ, kỳ kèo năn nỉ, đành hanh đành hói, hằm hè tức tối, cửa quyền bề trên, kẻ lắm tiền…
            Nói như xé vải, nói như khóc, nói dối lòi đuôi, nói nhăng nói cuội, ăn nói bừa bãi, lung tung, nói năng bạt mạng, nghĩ kỹ hãy nói, nói đâu ra đấy, Vai mang túi bạc kè kè/Nói quấy nói quá, người nghe ầm ầm! (Ca dao); nói vỗ vào mặt, nói mất mặn mất nhạt, nói với đầu gối còn hơn, nói như đấm bị bông. Nói dông nói dài, nói dai nói dại, nói  như vẹt, nói phải củ cải cũng phải nghe, nói cay nói độc, nói trí nói trá, sư nói sư phải, vãi nói vãi hay, hoài hơi nói mãi, nói phèo nước bọt, nói ngang nói dọc, nói đi nói lại, nói cười bả lả, nói năng lảm nhảm chẳng đâu vào đâu, nói năng giữ gìn, nói năng một vừa hai phải, mất mặn mất nhạt, cạn tàu ráo máng, thô bỉ, cục súc, bậy bạ, sàm sỡ, lầy là, vung vít, hồ đồ…, vừa đi vừa nói, vừa ăn vừa nói, vừa cười vừa nói rất vô duyên, nói ngứa cả lỗ tai, nói chẳng ai nghe, mình nói mình nghe, nói ra tiền ra bạc, bán nói lấy ăn… Khổ lắm! Biết rồi! Nói mãi (Vũ Trọng Phụng), nói điêu nói hớt, nói thật mất lòng, nói dối như cuội, nói như xóc óc, Lời vàng, vâng lĩnh ý cao (Truyện Kiều),…
            + Những ngữ động từ 2 tiếng (từ NÓI đứng trước):
            Nói nhỏ, thầm, to, lớn, chậm, nhanh, vội, lướt (qua), vuốt (đuôi), hết, khôn, tránh (né), dở, dài, dai, dại, ngắn, đủ, vừa, đùa, bông, giỡn (bỡn), trêu, tức, khích, khuếch, phải, trái, quấy, thật, thẳng, thiêng, nghiêm (túc), dọa, đe, tranh, cướp (lời), chẹn (họng), hỗn (xược), xóc, chọc, leo, mép, nịnh (hót, nọt), ngoa, vống (nống), giảm, tránh, vòng (vo, vèo), lừa, dối, vu (khống, cáo, hãm), mỉa (mai), móc, nhảm (nhí), láo, leo, theo, dựa, lẫn, ghẹo, thừa, thiếu, đoạn, xong, trước, sau, hay, ngu (dốt, ngốc), giỏi, hay, trơn, lặp, ngọng, yêu, ghét, với, cùng, chay, khan, nhạt, buồn, vui, lửng, tiếp, đi, lên, về, vào, ra, khỏe, yếu, hết, dụ (dỗ, thuyết phục), ngang, bịa, mát, sát (vào việc, vấn đề…), xa, gần, quanh, đổng, tục, trống, bừa (bãi, lung tung), chữa, hùn (vào), lảng, liều, mò, dò, phũ, ngọt, chua, thối (như…), …
             + Những ngữ động từ  2 tiếng (từ NÓI đứng sau, chỉ thời điểm, mục đích, lý do, giả thiết, động cơ, cách thức…):
            đang, đã, sẽ, cần, muốn, phải (cần), mong (được), nếu, thì, cứ, vẫn, vừa, không, càng, cho (phép), lệnh, mời, bắt, tự, ép, xấu, giỏi, kém, khiếu, năng, hay, liều, biết, học, tập, luyện, rèn, khó, dễ, cố, xin, được, bị, từng, dụ, cùng, thi, đua, tranh, tránh, chịu, …
  • Nhận xét:
            Về số lượng các từ đứng trước từ NÓI có khả năng kết hợp với NÓI ít hơn nhiều so với các từ đứng sau từ NÓI. Có một số từ có thể đứng trước hoặc đứng sau khi kết hợp với từ NÓI, nghĩa chung của ngữ động từ có thể tương tự hoặc thay đổi (Nói khỏe và khỏe nói (tương đương); nói liều và liều nói (khác nhau); đa số từ phụ chỉ ở vị trí cố định, không thể chuyển đổi vị trí, vì ngữ mới sẽ vô nghĩa. Ví dụ: Nói khôn và khôn nói?! Nói xong và xong nói… Với người Việt sử dụng tiếng mẹ đẻ, chuyện phân biệt đứng trứơc hay đứng sau để sử dụng đúng khá dễ dàng vì theo thói quen từ nhỏ. Những với người nước ngoài học tiếng Việt thì quả là một trong những vấn đề phức tạp, dễ lầm lẫn, tạo nên những lời nói, phát ngôn, câu viết ngây ngô, thậm chí vô lý, vô nghĩa, buồn cười...
            Một trong những nguyên nhân quan trọng là bởi vì, trong tiếng Việt, vị trí của từ trong câu (nói, viết) rất quan trọng và thường cố định về ý nghĩa ngữ pháp và từ vựng. Thay đổi vị trí của từ trong câu thường dẫn tới sự thay đổi ý nghĩa của câu.
             Ví dụ: Tôi ăn cơm & Cơm ăn tôi  & Tôi cơm ăn & Cơm tôi ăn & Ăn tôi cơm… Khác nhau biết bao nhiêu! Một số tiếng nước ngoài khác, không có hiện tượng nghiêm ngặt này.
                                                                  ***
            Chỉ mới bàn loanh quanh chưa đầy đủ, toàn diện, tán một chút về từ NÓI mà đã thấy ngổn ngang, ngợp lên vì sự nhiều vẻ, lắm lối, đa dạng đến phức tạp, rắc rối trong vốn từ vựng và quy tắc ngữ pháp tiếng Việt.
            Với người Việt, để nói, viết tiếng mẹ đẻ cho chuẩn xác, cho hay, cho sành điệu, thuyết phục và hấp dẫn người nghe, không chỉ có khả năng hoạt ngôn là đủ mà còn phải có vốn từ ngữ dồi dào, có năng lực sử dụng những từ đó một cách thành thạo, linh hoạt như ý muốn (đạt mục đích, nói, viết), đặc biệt là cần phải học tập, trau dồi, rèn luyện suốt đời: Học ăn, học nói, học gói, học mở (Tục ngữ). Kể cả những người làm nghề NÓI (diễn viên kịch nói, phát thanh viên, giáo viên, MC…) cũng vẫn phải luôn luôn tự nâng cao kỹ thuật và trình độ nói của mình mới tránh được những sơ xuất, lỗi lầm đáng tiếc, khi nói trước khán – thính giả.
            Còn với người nước ngoài học tiếng Việt, thì sự say mê, nỗ lực học tập, rèn luyện kiến thức ngôn ngữ tiếng Việt và kỹ năng NÓI tiếng Việt, tất nhiên, còn phải vất vả, cố gắng gấp cả chục, cả trăm lần so với người Việt Nam nói tiếng mẹ đẻ./.

15/10/2016. ĐV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét