Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

SÁCH GIÁO KHOA TRUNG HỌC PHỔ THÔNG – NHỮNG GÓC TIẾP CẬN


                                                                         Vũ Nho chủ trang


 SÁCH GIÁO KHOA TRUNG HỌC PHỔ THÔNG – NHỮNG GÓC TIẾP CẬN

LTS : Đi tìm được tiếng nói chung giữa người dạy và người học về Chương trình và sách Ngữ văn là điều không dễ , bởi mỗi người một ý. Đảng ta vừa ra nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, trên nhiều diễn đàn xã hội, vấn đề đổi mới giáo dục cũng đang rất sôi nổi, từ các nhà nghiên cứu gáo dục, các nhà giáo, các bậc phụ huynh học sinh đều lên tiếng. Nhân dịp này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện thú vị của sinh viên khoa Ngôn ngữ học Nguyễn Nhật Minh, người đã từng trải qua những kì thi Ngữ văn nhọc nhằn nhưng đầy xúc động và lãng mạn với Phó giáo sư, nhà phê bình văn học, nhà thơ Vũ Nho về Chương trình và sách Ngữ văn trung học phổ thông như một tiếng nói đầy trách nhiệm để hướng tới sự hoàn thiện và khoa học.

Sinh viên Nguyễn Nhật Minh ( SV- NNM) :  - Thưa thầy Vũ Nho! Ông đã gắn bó với môn Ngữ văn trên cả bốn cương vị : một nhà giáo và một nhà thơ, ông còn là nghiên cứu viên 5 năm của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, là Cán bộ chỉ đạo Bộ môn Ngữ văn hơn 20 năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tôi là một sinh viên, bậc học trò của ông, xin phép ông được nói chuyện thẳng thắn về một vấn đề mà mà cả những người thầy và các thế hệ học trò chúng tôi đều quan tâm – Đó là chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn đang được giảng dạy ở cấp học phổ thông hiện nay. Bằng những kinh nghiệm nghề nghiệp, ông có thể đánh giá khái quát  về chương trình và sách giáo khoa ngữ văn?

 Phó giáo sư, nhà thơ Vũ Nho : - Phải nói rằng chúng ta đã có một bước tiến dài về làm chương trình và làm sách. Dựa vào những hiểu biết về chương trình, sách giáo khoa nước ngoài, dựa trên kinh nghiệm trong nước qua nhiều lần thay đổi, chúng ta đã có một chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn hiện đại, tiên tiến. Tuy nhiên đấy là nhìn khái quát. Còn nếu đi vào chi tiết, cụ thể thì vẫn có thể chỉ ra những điều chưa ổn.

SV- NNM:- Xin phép ông, bây giờ chúng ta bàn giới hạn vào Chương trình và Sách  Ngữ văn trung học phổ thông hiện tại. Theo quan điểm cá nhân tôi và  một số người khác  cho rằng có tác phẩm tuy hay nhưng chưa thực sự phù hợp với trình độ học sinh trung học phổ thông. Như tác phẩm “Đàn ghita của Lorca” (tuần 14 – Ngữ Văn lớp 12 tập một) mang bút pháp của chủ nghĩa siêu thực  - khái niệm mà học sinh phổ thông rất khó tiếp cận. Hoặc tác phẩm “ Người lái đò sông Đà” tuần 16 – Ngữ văn lớp 12 tập 1, sử dụng hệ thống thuật ngữ, từ cũ – từ chuyên môn nhiều đến mức 26 chú thích cộng thêm văn phong đặc tả đòi hỏi tư duy hình ảnh khá cao mới hình dung được.  
Còn riêng ông, ông có thể nói cụ thể những vấn đề gì chưa ổn?
Phó giáo sư, nhà thơ Vũ Nho :  - Đây là cả một câu chuyện dài. Nhưng tôi chỉ nêu ra vài ví dụ. Thứ nhất là khi đưa bài viết của GS Trần Đình Hượu “ Nhìn về vốn văn hóa dân tộc” vào chương trình lớp 12, một số người đã băn khoăn. Đó là bài viết hay, nhưng khi  tác giả viết còn chưa có những thông tin về Hoàng thành Thăng Long, chưa có nhiều công trình văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Bây giờ thì càng thấy rõ là sự đánh giá của tác giả bài viết đã không còn đúng với thực tế nữa.
Ví dụ thứ hai : Bài viết của GS Phan Đình Diệu  “ Tư duy hệ thống – nguồn sức sống mới của đổi mới tư duy” đưa vào  chương trình lớp 12 là một bài viết rất hay. Không ai băn khoăn gì. Nhưng gần đây nhất, trong buổi nói chuyện về “Tư duy” cho các nhà văn Hà Nội ngày 10 tháng 8 năm 2013, GS Chu Hảo thông báo rằng sự phát triển của tư duy nhân loại từ tư duy cơ giới đến tư duy hệ thống, và bây giờ thì tư duy hệ thống đã nhường lại vị trí cho tư duy phức hợp. Như thế, bài viết rất hay đó đã trở nên lạc hậu.
Đấy là nói về sự chưa ổn nếu nhìn  bằng con mắt hiện nay, chứ không  phải là lúc xây dựng chương trình.


SV- NNM:- Tôi đã từng nghe có nhà văn nói rằng Chương trình và sách Ngữ văn trung học phổ thông có cái thừa, cái thiếu?

Phó giáo sư, nhà thơ Vũ Nho :  - Biển học là mênh mông. Học đến khi không học được nữa thì mỗi người vẫn mới chỉ nắm được một chút trong số kiến thức khổng lồ mà nhân loại đã tích lũy. Bao nhiêu vẫn thiếu. Nhưng nói đi đã vậy, nói lại là thời gian ở nhà trường không nhiều, vậy thì chỉ cần một lượng tri thức tối thiểu, vừa đủ để sau này người học phát triển. Đưa quá nhiều vào là “thừa” so với khả năng tiếp thu và thời lượng cụ thể.  Nhưng thế nào là  thừa thiếu?
          Trước đây sách không dạy quảng cáo, viết tin,  phỏng vấn và trả lời phỏng vấn. Như thế là thiếu. Bây giờ sách có dạy. Nhưng nếu xem xét kĩ với con mắt của nhà chuyên môn, vẫn có thể nói câu xanh rờn: Vừa thừa lại vừa thiếu.
          Ví dụ về phỏng vấn và trả lời phỏng vấn. Bảo rằng thừa, vì không phải  tất cả học sinh đều trở thành nhà báo để đi phỏng vấn. Vì vậy dạy đặt câu hỏi phỏng vấn có vẻ như thừa. Bảo rằng thiếu, vì sách chưa dạy rằng : người được phỏng vấn, do những lí do riêng, có thể TỪ CHỐI trả lời. Cũng thiếu nữa vì cái quan trọng nhất mà người nào cũng phải dùng ấy là trả lời phỏng vấn xin việc thì lại không dạy. Tôi có xem chương trình của Úc hiện hành. Họ dạy phỏng vấn và rất chú ý đến trả lời phỏng vấn xin việc. Chưa hết. Học sinh sau khi học bài này, tự đi xin việc làm thêm. Xin được việc rồi mới coi là hoàn thành bài học.
          Quay trở lại với hai ví dụ mà bạn nêu ra. Đó chỉ là cảm nhận riêng của bạn thôi. Khó tiếp cận không có nghĩa là không thể tiếp cận. Vả lại, gọi là có tí chút siêu thực, bài thơ vẫn dễ tiếp nhận với sự hướng dẫn của thầy cô. Còn bài của Nguyễn Tuân, không phải là quá khó. Chứng cớ là thi tốt nghiệp, thi Đại học, nhiều lần thi vào bài này. Chưa thấy ai kêu ca gì. Cái gọi là “ chưa phù hợp với trình độ” cũng là nói cảm tính vì thấy “khó” thôi bạn ạ.

SV- NNM : - Thưa ông! Hơn 2 thập niên qua, Văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới có nhiều thành tựu lớn phản ánh hiện thực đời sống phức tạp đầy biến động suốt một giai đoạn dài sau chiến tranh đến nay. Nhưng, trong sách giáo khoa Ngữ văn trung học phổ thông đã vắng thiếu nhiều tác giả, tác phẩm quan trọng, mà nhà văn Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh là những ví dụ. Riêng cá nhân tôi, cái thiếu dễ thấy nhất một bài khái quát Văn học Việt Nam hiện đại từ năm 1975 đến nay. Bởi vì văn học có nhiều thành tựu nhưng không thể đưa hết tác giả, tác phẩm hay vào chương trình. Học sinh trung học phổ thông cần có cái nhìn tổng quan cần thiết về văn học sử giai đoạn này?
 Ông có đề xuất tác giả, tác phẩm nào hay vấn đề gì vào chương trình Ngữ văn trung học phổ thông?

Phó giáo sư, nhà thơ Vũ Nho :  - Câu hỏi này người ta cũng đã nhiều lần nói đến. Bạn đặt lại như vậy cũng là cần thiết. Cứ coi  1975 là một cái mốc quan trọng của đất nước và xã hội. Nhưng tác phẩm văn học sau 1975 có được bao nhiêu. Chi li ra, chúng ta có  Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, Một người Hà Nội của Nguyễn Khải, Mùa lá rụng trong vườn ( đọc thêm) của Ma Văn Kháng với sách nâng cao. Sách không nâng cao chỉ học Chiếc thuyền ngoài xa Ai đã đặt tên cho dòng sông?. Nhưng  Ai đã đặt tên cho dòng sông? ( viết 1981, in 1986), Chiếc thuyền ngoài xa (1986), Mùa lá rụng trong vườn (1985), đến nay đã 27, 28 năm, hơn nửa thế kỉ. Một người Hà Nội  ( tác giả ghi ngày 19- 1-1990) thì cũng đã 23 năm. Thơ  chỉ duy nhất có một bài của Thanh Thảo mà trên chúng ta có nhắc thì cũng xuất hiện vào năm 1985.
          Tôi đồng ý là cần phải chọn cả thơ, văn và lí luận phê bình văn học sau 1975 nhiều hơn và gần chúng ta hơn.
          Việc đề xuất, chọn tác phẩm là thẩm quyền của tác giả  biên soạn và hội đồng thẩm định do Bộ Giáo dục quyết định. Riêng cá nhân, tôi đề nghị một cách làm là dành thời lượng  Thời sự văn học trong chương trình. Vì không thể mỗi năm thay đổi chương trình hay thay đổi sách, nên cơ quan chuyên môn của Bộ sẽ chọn tác phẩm  được giải thưởng, tác phẩm được công chúng chú ý, hoặc nhà văn nước ngoài được giải nô-ben để hướng dẫn học cho từng năm. Như thế văn học trong nhà trường mới không lạc hậu với thời sự văn học.

SV- NNM : - Ông có bàn gì không về phần văn học nước ngoài? Đặc biệt là văn học Nga vốn có nhiều chữ, nhiều ý nghĩa ẩn dụ về tinh thần thời đại mà đôi khi quá tầm nhận thức của học sinh. Chẳng hạn truyện ngắn “Người trong bao”học ở tuần 27 - Ngữ văn lớp 11, một trích đoạn dày đặc những câu hội thoại, triết lí và ẩn dụ về “cái bao”, về một xã hội nước Nga cách đây 2 thế kỷ theo tôi vẫn còn là xa vời với học sinh lớp 11. Hoặc bài điếu văn “ Ba cống hiến vĩ đại của Các Mác” tuần 30 – ngữ văn 11, vận dụng phong cách lý luận triết học, các khái niệm biện chứng rất khó nắm bắt ngay cả với sinh viên đại học chứ đừng nói là học sinh lớp 11…

Phó giáo sư nhà thơ Vũ Nho: - Tôi không muốn bàn về cả một mảng văn học nước ngoài. Nhưng có thể nói tóm tắt thế này : Trước đây, phần văn học nước ngoài chủ yếu là văn học Trung Quốc và văn học Nga. Bây giờ phần này được giới thiệu toàn diện hơn, phong phú hơn. Bên cạnh Trung Quốc, Nga, Pháp, chúng ta có giới thiệu văn học Anh, Ấn Độ, Nhật Bản, Đan Mạch, Mĩ…

Tác phẩm “Người trong bao” tuy khó, nhưng tác phẩm hay bao giờ cũng “khó”. Nếu một tác phẩm mà đọc xong chả cần giảng giải, chả cần nghĩ ngợi gì, học sinh hiểu hết thì có lẽ nên xem lại có cần đưa vào sách không.
Đoạn trích “ Ba cống hiến vĩ đại của Các Mác” mà bạn kêu khó thì đúng là  hơi khó, nhưng không phải là không hiểu được. Tôi e rằng bạn đem ý chủ quan của mình để nói thay các bạn học sinh bây giờ. Bài này có trong chương trình vì quan niệm tác phẩm văn học bây giờ khác ngày trước. Tác phẩm văn học gồm tác phẩm hư cấu ( fiction) và không hư cấu ( nonfiction). Văn nghị luận chính là thuộc loại không hư cấu. Bài này chỉ cần học sinh nắm được đánh giá của Ăng ghen về  cống hiến vĩ đại của Mác ( Nhan đề đã nói rõ 3 cống hiến), và thấy được thao tác lập luận của tác giả. Các thao tác lập luận, học sinh được học trong phần Làm văn. Đây là  chỗ cho các bạn ấy thực hành nhận biết.
SV- NNM : - Thưa ông!  Chủ trương của Bộ hiện nay là “học gì thi nấy”. Lâu lắm rồi, các tác phẩm văn học nước ngoài và các tác phẩm đọc thêm... đã không đưa vào các kì thi tốt nghiệp phổ thông, đại học, cao đẳng. Với lối nghĩ học gì thi nấy tồn tại ở một bộ phận không nhỏ học sinh, thì trừ những em thực sự có lòng đam mê văn chương, còn lại hầu hết các em không mặn mà với nhiều đoạn trích của các kiệt tác: “ Ông già và biển cả”, “ Những người khốn khổ”, “ Romeo & Juliet”, chúng có nguy cơ trở nên thừa thãi. Các tác phẩm đọc thêm trong nước như: Hương sơn phong cảnh ca, Vi hành, Tiếng mẹ đẻ - nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức... ở Ngữ văn lớp 11; Mấy ý nghĩ về thơ, Dọn về làng... ở Ngữ văn lớp 12 cũng ít em đoái hoài. Vì có thi đâu mà học. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Phó giáo sư, nhà thơ Vũ Nho : - Đây là một câu hỏi thú vị và gai góc. Nhưng tôi có thể đưa ra câu trả lời vắn tắt.
Thứ nhất, nghe  “học gì thi nấy” có vẻ rất chuẩn. Chỉ thi những gì được học thôi. Thi ra ngoài những thứ được học là đánh đố học sinh. Nhưng học gì thi nấy sẽ bó buộc các nhà ra đề thi. Bạn nên nhớ rằng để tránh gánh nặng cho học sinh phải thi tốt nghiệp những 6 môn, chương trình thi hầu như chỉ gói gọn trong lớp 12 mà thôi. Kiệt tác Truyện Kiều học ở lớp 11 thì không có chuyện được đưa vào thi, do đó học sinh cũng sẽ “không đoái hoài”. Và nhiều thứ khác đối với kì thi, có vẻ như “thừa thãi”.
          Nhưng quan niệm thực dụng  như thế sẽ làm hại người học. Tôi có đọc bài trên mạng của nhà văn Phạm Thị Hoài chê năm nào cũng “ Vợ chồng A Phủ” ( Muôn thuở Vợ chồng A Phủ - Blog của Phạm Thị Hoài, 4 tháng 6 năm 2013). Không  thi tốt nghiệp thì thi Đại học. Không thi Đại học khối C thì khối D. Không thi Đại học thì thi Cao Đẳng.  Thì chương trình hầu như gói gọn trong lớp 12 cho nên mới như thế.  Tuy quan niệm học gì thi nấy  nhưng người ra đề cũng không dám ra đề ở chương trình lớp 10 và chương trình lớp 11 ( mặc dù có học).  Có học, nhưng nếu các em không ôn, trượt nhiều, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Búa rìu trước hết sẽ bổ xuống các vị ra đề. Chuyện  ra đề thi cử chúng ta sẽ bàn vào dịp khác.
          Bạn nói các tác phẩm văn học nước ngoài không thi tốt nghiệp Trung học phổ thông là không chính xác. Tôi còn lưu giữ các đề thi hàng năm.  Thuốc của Lỗ Tấn, Ông già và biển cả của Hê –minh- uê, Số phận con người của Sô lô khốp đều có thi.
Nhưng đúng là tác phẩm đọc thêm thì không thi. Nếu bạn đi học, bạn có muốn thi tất cả các tác phẩm đã học từ lớp 10 đến lớp 12? Bạn có muốn thi cả các tác phẩm đã học từ lớp 6 đến lớp 9 nữa? Bạn có muốn thi tất cả các tác phẩm đọc thêm? Tôi biết câu trả lời của bạn. Tôi cũng biết câu trả lời của các em học sinh, của tất cả các bậc phụ huynh.
Đừng nên nghĩ rằng đọc thêm, không thi, không đoái hoài. Những tác phẩm đó không thi, nhưng chúng hỗ trợ kiến thức, làm giàu có vốn liếng của người đi học, đi thi.  Những người học “thực dụng” một cách thiển cận như thế, không thể nào có kết quả cao trong kì thi và cũng là những người khuyết thiếu về vốn văn hóa tối thiểu làm một công dân.
SV- NNM : - Ngoài những vấn đề trên, cá nhân ông có kiến nghị gì với Bộ Giáo dục & đào tạo, trực tiếp là Hội đồng Biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn phổ thông để nâng cao chất lương dạy và học?

Phó giáo sư, nhà thơ Vũ Nho : -  Kiến nghị của tôi đã được in trong hai bài viết : “Đổi mới căn bản, toàn diện nhưng cần đột phá” ( Kỉ yếu Hội thảo “ Đổi mới căn bản, toàn diện nền Giáo dục Việt Nam”, Viện khoa học Giáo dục Việt Nam xuất bản, tháng 11/2011, trang 184) và  “ Một vài suy nghĩ về sách giáo khoa Ngữ văn sau năm 2015” trên Tạp chí Giáo Dục, số 320, kì 2 tháng 10 năm 2013, trang 3. Chỉ xin nêu  ra hai điều tóm tắt nổi bật:
- Trước đây  ta đã chú ý bốn kĩ năng nghe, nói, đọc viết khi dạy tiếng Việt và Văn. Bây giờ cần chú ý kĩ năng thứ 5 là kĩ năng sáng tạo. Tức là kĩ năng vận dụng tổng hợp bốn kĩ năng kia. Điều này không phải tôi nghĩ ra, mà tôi đọc trong chương trình cải cách của Úc. Tôi cảm thấy họ làm đúng.
- Thời đại hiện nay là thời đại của intơnét, thời đại mà học sinh có thể vào mạng để tìm các thông tin, tri thức. Vì vậy sách giáo khoa cũng cần phải có những thay đổi. Không nhất thiết mọi thứ đều phải đưa vào sách khiến cho nội dung rậm rạp, hình thức cồng kềnh. Sách có thể chỉ dẫn nguồn thông tin, học sinh sẽ truy cập để lấy xuống. Một số các câu hỏi, bài tập cũng có thể cung cấp qua mạng. Tôi được biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chủ trương xây dựng ngân hàng câu hỏi. Thiết nghĩ, một số câu hỏi sẽ được chỉ dẫn để học sinh và giáo viên lấy từ ngân hàng câu hỏi đó. Một số văn bản đọc thêm cũng không cần đưa vào sách, mà đưa lên trang của cơ quan quản lí và chỉ đạo. Giáo viên và học sinh sẽ cập nhật khi học tập.

SV-NNM : - Cám ơn ông về cuộc trao đổi  bổ ích này.
                                                 
                                                      Nguyễn Nhật Minh (thực hiện)

Bài đăng trên báo Văn Nghệ của Hội nhà Văn Việt Nam, số 46 , ngày 16/11/2013










4 nhận xét: