Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Tướng Nguyễn Sơn với Truyện Kiều và Giáo sư Trương Tửu

                          GS Nguyễn Đình Chú, học trò của GS Trương Tửu phát biểu tại hội thảo

TƯỚNG NGUYỄN SƠN VỚI  TRUYỆN KIỀU VÀ GIÁO SƯ TRƯƠNG TỬU
Sáng nay 11/12/2013 đi dự Hội thảo kỉ niệm 100 năm sinh GS Trương Tửu. Tôi thấy tư liệu của ông Phạm Văn Sĩ : Tướng Nguyễn Sơn trong kí ức của nhà thơ Hữu Loan,  cop ở trên mạng về. Trích ra đoạn này để ai chưa tiếp xúc thì đọc. Theo tôi đây là một tư liệu quý và thú vị. VŨ NHO


Với Nguyễn Du, Từ Hải được sáng tạo thành hình tượng anh hùng cứu thế, cứu nhân, đưa Kiều ra khỏi lầu xanh của Tú Bà, mang lại cho nàng những ngày sống thoả lòng ân oán và hạnh phúc dù ngắn ngủi. Với Thuý Kiều trong "Kim Vân Kiều truyện" chỉ là cô gái mắc cạn, phải bán mình chuộc cha. Khi Bạc Bà, Bạc Hạnh đưa Kiều đến nhà Tú Bà để hầu khách làng chơi, ngồi trong kiệu, Kiều tỏ ra vui vẻ, mãn nguyện với việc dâm ô mà mình sẽ làm ở lầu xanh. Trái lại Kiều của Nguyễn Du không chỉ đẹp nghiêng nước, nghiêng thành mà trong hoàn cảnh ô trọc ghê tởm đó, nàng đã thét lên những lời căm thù oán hận:

Chém cha cái kiếp má đào.../ Tiếc thay nước đã đánh phèn.../ Đau đớn thay phận đàn bà.../"

Tướng Nguyễn Sơn đọc thơ Kiều mà xúc động thật sự như có lệ rơi, tiếng khóc, như cụ Nguyễn Du đã hiện về nhập vào ông mà gào lên nỗi đau thương cho thân phận nàng Kiều...

"Các bạn Trung Quốc, các chiến sĩ Bát Lộ Quân yêu thích Truyện Kiều Việt Nam vì cái lẽ như thế...

Thưa các bạn, thưa các cháu Thiếu sinh quân! Vậy mà ngay trên đất Việt Nam chúng ta hầu hết người dân Việt Nam đều yêu thích và rất nhiều người thuộc Truyện Kiều, thì giáo sư Trương Tửu lại giảng Kiều cho thế hệ trẻ một cách sai lệch không thể chấp nhận được... Lý do tôi nói Truyện Kiều hôm nay vì tôi đã đọc được ở những cuốn vở ghi chép của các em ở lớp chuyên khoa đệ nhất. Các em đã ghi lời giảng văn của giáo sư Trương Tửu thế này: " Kiều mắc bệnh uỷ hoàng - một thứ bệnh sinh lý luôn căng thẳng bởi tình dục đòi hỏi. Kiều bán mình chuộc cha rồi vào lầu xanh là sự kết hợp hai mặt báo hiếu với sự giải thoát tình dục, giải thoát sự ham muốn khát khao của thời con gái có nhan sắc..."

Tôi - Hữu Loan cảm nhận như cả khối người trong đình làng Sim đều nín thở, cùng mọi vật trong không gian lặng im cho Tư lệnh Nguyễn Sơn diễn thuyết. Ông nói tiếp:

"Giáo sư Trương Tửu hoàn toàn hỏng. Rất hỏng. Bởi phải giảng Kiều với ý nghĩa xã hội, với triết lý, đạo lý nhân văn sâu sắc, Kiều là sản phẩm của mọi quan hệ đời sống. Thì, giáo sư lại giải thích Kiều bằng quan điểm phân tâm học của Freud. Các em đã ghi lời giảng của giáo sư rằng: Kiều tự nguyện bán mình là sự thúc bách muốn chuộc cha cùng sự nén ép hưng phấn căng thẳng của chất biliđo - tức là dục vọng không chỉ có ở giới nữ mà ở cả giới nam và rộng hơn là giống đực và giống cái trong sự tranh đua sinh tồn thoát ra ngoài ý muốn xã hội. Tôi không nghi ngờ và rất khâm phục sự thông thái biết rộng ở giáo sư Trương Tửu. Nhưng tiếc thay giáo sư lại sắm vai một y sĩ phân tâm học Freud để suy diễn, bình luận về Truyện Kiều, mà lầm Truyện Kiều chỉ là cuốn giáo trình trần trụi thô thiển về tâm lý, sinh lý học...
Về nghệ thuật, tại sao giáo sư Trương Tửu lại kết luận thơ lục bát nói chung và ở Truyện Kiều nói riêng là sản phẩm nô lệ của dân tộc và âm điệu của nó tiến tới chỗ diệt vong bởi sự bế tắc trong trùng kỳ tiến hoá của nhân loại. Tại sao giáo sư có thể giải thích Nguyễn Du, cùng bố là Nguyễn Nghiễm và anh là Nguyễn Khản đều lây truyền bệnh uỷ hoàng tình dục được thăng hoa phát tiết trong nghệ thuật tuyệt đỉnh của Truyện Kiều. Khoa học kỹ thuật cùng mặt nào đó của văn hoá Tây phương ta phải biết thừa nhận, tiếp thu nhưng không phải vì thế mà ta lại tự nhìn ta bằng tâm lý tự ti và miệt thị.

Tôi đề nghị giáo sư Trương Tửu hãy rời thế giới quan phương Tây mà về với thế giới quan biện chứng dân tộc, sẽ tránh được sai lầm, sẽ bắt được cái thần, cái tình tuyệt đắc của Truyện Kiều để "tam bách dư niên hậu" cụ Tố Như không còn khóc, cụ có thể mỉm cười vì thế hệ chúng ta đã hiểu được những điều sâu xa cụ đã ký thác trong tác phẩm..."

Cả hội trường lại vang lên tiếng vỗ tay. Giáo sư Trương Tửu đã đến đúng lúc bên bàn diễn giả Tư lệnh Nguyễn Sơn. Hai tay giáo sư chìa ra xin được nắm tay Tư lệnh:

- Cảm ơn Thiếu tướng Nguyễn Sơn. Tôi sẽ tiếp thu tất cả những ý kiến phê phán của anh. Tôi sẽ viết lại Nguyễn Du với Truyện Kiều theo quan điểm Mácxít mà anh là người đã lật sáng cho tôi thay đổi thế giới quan và phương pháp luận.

Một tràng vỗ tay như trân trọng dành riêng cho thầy giáo - giáo sư Trương Tửu - một người có vốn tri thức Đông Tây sâu rộng, có thể tìm được một chỗ làm việc ấm thân trong chính quyền phong kiến thuộc Pháp nhưng giáo sư đã chấp nhận đi con đường kháng chiến rất gian khổ giành độc lập cho nước nhà. Giáo sư đã không tự ái bởi Tư lệnh Nguyễn Sơn đã phê phán đúng vào những khiếm khuyết sai lệch nghiêm trọng, khi ông nghiên cứu về Truyện Kiều. Sự khẳng khái đó của giáo sư Trương Tửu đã khiến cho Tư lệnh Nguyễn Sơn cùng tất cả những người nghe rất thông cảm và kính trọng.

Địa chỉ tác giả Phạm Văn Sĩ : nhà số 8, phố Lý Tự Trọng, phường Ngọc Trạo, Thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa




2 nhận xét:

  1. Bu tui có đọc nhiều bài nói về ông Trương Tửu nhất là những bài nói về hoạn nạn của ông, nhưng chưa có một tác phẩm nào của ông ngoài quyển KINH THI VIỆT NAM do Hoa Tiên phát hành 15.9.1974 tại Sài Gòn.
    Quan điểm khác lạ của ông về Truyện Kiều thì đây tôi đọc lần đầu
    Cảm ơn bác Vũ Nho

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thực sự, tôi cũng chưa có điều kiện đọc GS Trương Tửu. Nhưng đọc những điều người ta phê phán ông thì nhiều. Về Truyện Kiều, ông là người tiên phong vận dụng thuyết Phờ-rớt. Tuy nhiên, tiên phong nên có chỗ cứng nhắc, thiếu thuyết phục. Đoạn trích này chủ yếu cho thấy ông Trương Tửu là người phục thiện. Ông tướng Nguyễn Sơn thì quá giỏi. Người Trung Quốc cũng phải phục và nể ông ấy kia mà! Cám ơn bác đã quan tâm!

      Xóa