Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

CHUYỆN HỌP...



CHUYỆN HỌP  

BÊN BỜ TẢ HỒNG

(Tản văn – Hồi ức)
ĐƯỜNG VĂN

          Cầm trong tay tờ Quyết định phân công công tác của Phòng GD&ĐT huyện Đông Ngàn, sang nhà ông cậu ruột mượn cái xe đạp Phượng hoàng xích hộp (Trung Quốc) mới cáu vẫn treo cẩn thận trong buồng mà vì thương và chiều thằng cháu ngoại lắm nên cậu mới cho mượn, để anh giáo cháu trẻ làm le! (Thời ấy, ở Hà Nội, đặc biệt là ở nông thôn, được đi xe đạp, đặc biệt là xe Phượng Hoàng, Vĩnh cửu Tàu mới, đã là lịch sự, oai vệ lắm!).
          Một sáng mưa phùn, rét ngọt giữa mùa đông (tháng 11 – 1968), tôi vác cái xe Phượng màu rêu nặng chình chịch, xuống bến đò Trèm, qua bờ tả ngạn (tả Hồng bên kia và hữu Hồng quê tôi bên này), nhẩn nha đạp ngược đường đê cao hun hút, lép nhép bùn đất, tìm đến trường cấp II xã Đại Thắng, nơi tôi sẽ chính thức được làm việc ở đó. Bên trái tôi, bãi bờ Nhĩ Hà mươn mướt lá ngô lay. Xa xa, dòng sông Mẹ mùa đông êm ả, lững lờ chảy xuôi. Bên phải, qua hết làng Hối, qua 1 cánh đồng đến làng La nhỏ nhỏ mà lần đầu tôi mới thấy qua màn mưa riêu riêu. Qua làng, lại tiếp một cánh đồng khác. Hết cánh đồng là đã tới địa phận làng Sung (tên chữ là Lung), một trong 3 thôn (2 thôn kia là Mai, và  Đào) làm nên xã Đại Thắng, một xã thuộc miền cực tây (vẫn được mệnh danh là Xibêri của huyện Đông Ngàn, ngoại thành Hà Nội).
          Trớ trêu thay là cái số con người, trong đợt phân công công tác sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Trung cấp 10 + 2 Hà Nội, khóa Văn Sử chúng tôi mỗi đứa được điều về một nơi. Đứa may mắn, thơm tho thì được về ngay trường trong nội thành (cực hiếm, đếm trên đầu ngón tay), còn đa số tỏa ra khắp các huyện ngoại thành đông, tây, nam, bắc Thủ đô Hà Nội, từ Gia Lâm qua Đông Anh tới Thanh Trì, Từ Liêm.

          Trong khi tôi vượt sông sang miền Tây Bắc thì Tú, cô bạn gái rất thân (mà 2 năm sau trở thành bà xã của tôi) lại cũng phải xuôi đê sồng Hồng xuống phía đông nam, tận Yên Sở, qua đò (phà) Khuyến Lương sang dạy trẻ ở xã Văn Tâm, cực đông nam của huyện Gia Lâm. Thế là, ít ra về không gian và cự ly, tiền đầu lận đận đã đến với cả hai giáo sinh trẻ vừa ra trường chúng tôi, thử thách ý chí và tình cảm của chúng tôi. Nhưng cái tuổi 19, 20 (áo chưa sờn đã chật, ăn chưa no, lo chưa tới, coi trời bằng vung!) chúng tôi nào có sá gì! Mấy tuần chờ đợi phân công đã chán đến cổ rồi! Cứ được phân công đi dạy là vui rồi! Huống chi mình đều là đoàn viên thanh niên CS, ai dám chống lệnh, nằm ỳ!? Chạy chọt cửa này, cửa nọ thì rõ ngu ngơ, ngớ ngẩn, có biết ất giáp nào đâu! Và cũng chẳng nghĩ tới nữa kia! Hèn! Chắc giờ này bạn ấy cũng đã tới trình diện Ban giám hiệu trường mới rồi!...
          Tôi vừa thong thả đạp xe vừa nghĩ ngợi lan man chuyện nọ, chuyện kia như thế. Vượt qua 2, 3 cái điếm canh đê cũ kỹ, già nua, trống hoang trống hoác bên đường, chợt nhận ra: ngay bên cạnh, một người khoác tấm nilông trong suốt, bên trong vận bộ comlê màu sẫm, đầu trần, tóc bồng cao, giầy da đen mũi nhọn  hoắt, đang mải mốt đạp chiếc xe đạp Thống nhất nữ mới tinh, sáng choang. Người lạ trạc ngoài 30, dáng thanh tú, mặt mũi rất sáng sủa. Anh ta có đôi lần ngẫu nhiên hơi ngoảnh mặt nhìn tôi rồi lại đạp dấn lên. Đến đầu dốc làng Lung, anh cũng xuống xe, từ tốn dắt bộ xuống con dốc nhỏ, trơn trượt và lầy lội. Tôi dắt xe, mím môi bước sau, lấy làm lạ về tài nghệ đi xe rất khéo của con người đẹp trai ấy. Cùng đi suốt một chặng đường đê đất phù sa gặp mưa, bùn nước lõng bõng, gập ghềnh ổ gà, ổ chó. Trong khi con Phượng và tôi thì lấm láp bét be, bùn nước vẩy lên cả quần áo, đầu tóc; thì chiếc xe đạp Thống nhất với anh ta hầu như vẫn sáng ánh lên trong màn mưa bụi. Ngoại trừ đôi vành bánh có lấm bẩn tí chút, còn khung, càng, ghi đông vẫn sạch nguyên. Phục quá! Mấy hôm sau, mới hay đó là anh Nguyễn B, quê xã Kim Chung trong đồng, hiệu trưởng trường Tiểu học cùng xã nơi tôi dạy. Một người đàn ông nổi tiếng tơ tuốt, đào hoa, một hiệu trưởng giỏi quản lý giáo viên. Nhưng chỉ ít lâu sau khi tôi về trường, vị hiệu trưởng cấp 1 đẹp trai ấy đã được điều động lên nhận công tác ở UB huyện.
          Phóng xe bừa trên con đường chính làng Lung lát gạch nghiêng, rẽ qua một con ngõ đất, tôi đã tới văn phòng của trường Đại Thắng. Một cái cái văn phòng nhỏ bé, tềnh toàng của ngôi trường cấp II nông thôn cách xa trung tâm Thủ đô tới 20 km. Một ngôi nhà cấp 4, ba gian hẹp, thấp, nền đất nện, tường gạch, khung tre, lợp rạ. Hình như các anh chị giáo viên đang có cuộc họp gì đó. Nghe tiếng xe dựng, mọi người quay nhìn ra cửa (cánh đan phên tre). Một thanh niên trạc trên dưới ba mươi, người tầm thước, kính trắng dày lấp loáng, da đỏ hồng, khuôn mặt bầu bầu, sơ mi cộc màu cỏ úa, quần âu xanh, chân dận dép cao su nhanh nhẹn đứng dậy, bước tới chìa tay, hỏi, giọng trong, khỏe:
           - Đ. phải không? Mình đã được thông báo rồi! Chào anh bạn trẻ!
           Tôi ngạc nhiên, rụt rè nắm tay anh, vâng môt tiếng nhỏ. Thì ra đây là Nguyễn Đinh, Hiệu trưởng đương nhiệm. Anh kéo tôi vào ngồi luôn trên chiếc ghế băng bên cạnh một anh cao to, mắt sắc, răng trắng và nhọn như răng của chàng Cô dăc Grigôri trong bộ phim Sông Đông êm đềm. Anh Hiệu trưởng vui vẻ giới thiệu gã giáo viên mới đến nhận việc với toàn thể hội đồng giáo viên (đang họp chi đoàn thường kỳ hằng tháng). Người ngồi cạnh tôi chính là anh Tiến H, tổ trưởng tổ Xã hội, người trong phố nhưng đã mau chân tình nguyện làm rể làng Mạch ba, bốn năm nay rồi! Hiệu trưởng vui vẻ chìa tay giới thiệu với gã thanh niên 19 tuổi là tôi: lần lượt, này đây là anh Thư ký công đoàn, kia là Bí thư chi đoàn, nọ là tổ tưởng tổ Tự nhiên, đây là anh X, đó là cô Y, cô Z, hết người này tới người khác… Hướng theo bàn tay, ngón thuôn dài, vàng khè khói thuốc lá ấy, tôi kính cẩn chào khẽ từng người mà trong lòng bỗng thấy hơi lo lo xen với niềm vui, phấn khởi vì lính mới toòng teeng được tôn trọng quá mức! Tôi được mời tham gia luôn phiên họp đầu tiên trong cuộc đời dạy học của mình. Thì ra đây là cuộc họp Chi đoàn thanh niên kiểm điểm đoàn viên hằng tháng. Đang ở mục kiểm điểm cá nhân. Một anh béo mập, giáo viên Toán (mà tôi sẽ được phân công cùng ở ngay sau đó) đang phát biểu về bản thân mình. Tôi lắng nghe, thấy anh nói chậm rãi, tỉ mỷ, thống kê một vài kết quả công tác đã làm được trong tháng. Tiếp theo, tự nhận xét những hạn chế, nhược điểm của mình cùng tự phân tích, giải thích nguyên nhân. Nào là tác phong còn chậm chạp, rề rà, xử lý công việc chưa dứt khoát; chưa thật sâu sát học sinh lớp chủ nhiệm, nào là vài ba lần lên lớp muộn, ra lớp cũng muộn, vì không có đồng hồ, xa trung tâm, không có, không nghe trống báo! v.v… cả những khuyết điểm rất nhỏ, rất riêng cũng tự nói ra với tâm trạng ăn năn, thành thật. Chẳng hạn, thói quen ngủ muộn ngày chủ nhật  và những sáng không có tiết dạy đầu! Hoặc là, có 2 lần nóng giận, thiếu kìm chế trước học sinh… Điều lạ nữa là phát biểu xong, anh ngồi xuống với vẻ mặt rất thiểu não! (Tôi nghĩ thầm, với những khuyết điểm tự nhận thông thường, nhỏ nhặt như thế thì có gì mà phải khổ sở dường kia?! Chắc còn điều gì đó to lớn, nghiêm trọng hơn chưa kịp hoặc chưa muốn bộc lộ?!) Thấy mình ngồi dự họp lâu như thế là đường đột, không tiện và có phần bất  nhã, mặc dù hiệu trưởng đã cho phép. Tôi thấy mình lúc này cần phải rút lui thì hơn. Tôi đứng dậy, xin phép Hiệu trưởng và anh chị em được về với lý do rất chính đáng: chuẩn bị nốt tư trang, sách vở để chiều chủ nhật sang trường, ở luôn, cho kịp sáng thứ hai chính thức lên lớp. Hiệu trường đồng ý. Tôi vội ra về ngay lúc đó nên không biết cuộc họp ấy sẽ tiếp tục và kết thúc như thế nào?... Phải ít lâu sau tôi mới hiểu đó chỉ là một trong những hoạt động tập thể rất bình thường ở trường cấp II heo hút này.
          Những năm ấy, tuy công tác ở trường Đại Thắng xa xôi, nghèo nàn, nhưng anh chị em giáo viên làm việc rất tự giác, tích cực, nhiệt tình hăm hở. Chỉ có mỗi 1 điều tôi thấy nhịp độ làm việc có phần căng thẳng và lãng phí thời gian. Lợi bất cập hại là cái sự họp nhiều! Có thể nói, tuần nào cũng phải có ít nhất từ 1 đến 2, thậm chí 3 cuộc họp! Họp hội đồng nhà trường, họp công đoàn, họp chi đoàn, họp giáo viên chủ nhiệm lớp, họp tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn, họp phân đoàn, họp với phụ huynh lớp chủ nhiệm, họp với thanh niên xã…Lu bu, lù bù! Tôi là giáo viên mới, thời gian đầu chỉ nghe - nhìn là chủ yếu, đâu dám ho he góp ý, nhận xét gì! Nhưng các anh chị lớn tuổi hơn, thấy cũng chỉ đôi khi nói vụng với nhau, ca cẩm nho nhỏ, chứ chưa ai dám nói ra mặt, dám có ý kiến phản biện lại, chống lại 1 chủ trương đã thống nhất như là mệnh lệnh của hiệu trưởng, một  nhà lãnh đạo trẻ, quyết đoán, sôi sục như 1 ông vua độc đoán, chuyên quyền trong cái vương quốc con con của anh ta!
           Khoảng 1 tháng sau lần ra mắt đầu tiên ấy, tôi lại được dự 1 cuộc họp chi đoàn làm lông anh L (Moị người vẫn nói vụng với nhau như thế). Lần này tôi ngồi dự từ đầu đến cuối và được phép phát biểu với tư cách một đoàn viên, một giáo viên mới. (Mặc dù, mới tò te, đã biết gì nhiều mà nói, mà góp ý này nọ!) Chăm chú theo dõi từ đầu đến cuối, lại tìm hiểu thêm qua hai cô giáo trạc tuổi tôi, mới hay đây là sáng kiến tắm rửa tinh thần giáo viên do Hiệu trưởng phát minh. Tự phê và phê bình, theo quan niệm mácxít,  là vũ khí rèn luyện vô cùng sắc bén và hữu hiệu, ở đây đã được sử dụng triệt để và qua mức cần thiết nên các cuộc họp kiểu này thường gây ra không khí nặng nề, căng thẳng với tất cả mọi người dự họp, có lẽ không ngoại trừ cả chính hiệu trưởng. Ai cũng phải cố gồng mình, lên gân lên cốt khi phát biểu ý kiến, cố tỏ ra sự chân thành, tâm huyết và cầu thị. Nghe những lời tự phê như là tự thú của một tội nhân trước tòa mà thấy thương cho nạn nhân chịu hình. Chắc là học kỳ 2 sẽ tới lượt mình! (Quả thật tôi cũng đã bị/được làm lông 1 lần. Sau năm học đó, tiết mục hay ho, sặc mùi Mao ít này tự triệt tiêu vì sự phản đối càng mạnh, càng rõ của anh chị em, phần nữa vì Hiệu trưởng đã như quả bóng tự xì hơi, hết chí khí vì việc chung do đang mải lo xin chuyển về nội thành!).
          Trở lại cuộc họp có dáng dấp như là cuộc đấu tố nhỏ ở Trung Hoa thời Đại cách mạng Văn hóa. Những người phê bình đồng nghiệp, đồng chí của mình phơi bầy đủ  mọi ưu, khuyết điểm, mọi mặt công tác, tác phong lời nói, cử chỉ, hành vi…Ai cũng tỏ ra rất thành thực, hăng hái, cố moi óc xem bạn mình còn khuyết điểm gì chưa nêu hoặc chưa nói hết để moi ra phân tích, mổ xẻ. Nghe hơn 2 tiếng đồng hồ sự tự tẩy não tẩy não lẫn nhau, dù nhằm vào đồng nghiệp, chưa đến lượt mình (không ai được phép từ chối khi đến lượt!) mà tôi ù cả hai tai! Một nỗi sợ hãi, ấm ức ngầm dâng lên, không có lối thoát.
          Nhiều năm đã qua, nhưng mỗi lần nghĩ lại, vẫn cứ thấy rùng mình vì cái đầu óc cực đoan, học theo sách vở và người khác một cách chân thành của vị hiệu trưởng cuồng tín như 1 tín đồ Paven trong Thép đã tôi, của những chiến tướng trẻ Hồng vệ binh trong Đại cách mạng Văn hóa bên Tàu cũng trong thời gian ấy. Họ những tưởng thế là làm trong sạch đội ngũ, là đốt thêm ngọn lửa lý tưởng trong tâm hồn anh chị em giáo viên trẻ do mình lãnh đạo. Nhưng ngược lại, đó chỉ là việc làm duy ý chí, cực đoan và ngây thơ, chỉ gây nên sự phản ứng ngầm ở các mức độ khác nhau nơi quần chúng. Vì nó đi ngược lại quy luật, tâm lý con người, nó cưỡng bức con người, nó phản nhân văn, mà kỳ quái thay, lại nhân danh thanh niên XHCN, Giáo viên Nhân dân, nhân danh CNCS! Tôi dám chắc khắp Hà Nội này, thâm chí khắp cả miền Bắc XHCN hồi ấy, không có 1 trường phổ thông nào nghĩ ra sáng kiến ghê gớm, nghiệt ngã, quái đản như ở đây! Cũng may, sự thật là chỉ sau đó ít lâu, những cuộc họp chuyên đề làm lông, tẩy não từng người như thế không còn được tổ chức nữa. Chỉ vì, với anh chị em giáo viên, tất nhiên chẳng ai mong, coi như là thoát nạn rồi! Nhưng còn cái  người nghĩ ra kiểu họp hành kỳ dị ấy, mất thì giờ vô bổ ấy, thì hình như cũng đã bắt đầu thấy được cái mặt trái, phản tác dụng sáng kiến mà mình phát minh. Mặt khác, tâm trí anh ta còn để hết vào việc xin chuyển trường về nội thành. Anh từng nói với chúng tôi bằng cái giọng bất mãn, đầy cay đắng, sau khi rít sâu lõm má một hơi thuốc Trường Sơn bao bạc:
          - Thế là đủ lắm rồi! Mình đã cống hiến hết mình cho ngành giáo dục huyện Đông 10 năm rồi! Phải bằng mọi giá, mã hồi thôi!
          Chúng tôi gật gù biểu đồng tình mà cười thầm trong bụng về sự trở cờ nhanh chóng của vị lãnh đạo sắp hết thời!
          Hơn ba mươi năm sau, trong một vài dịp gặp lại anh, tôi vẫn ngại ngùng, chưa tiện hoặc chưa nhớ để hỏi lại anh nghĩ gì về chuyện những cuộc họp trứ danh hồi ấy. Hỏi, không biết anh sẽ trả lời ra sao? Hẳn anh cũng đã nhận ra từ lâu sự ngây thơ, lố bịch, sự chủ quan áp đặt của mình đã làm khổ người khác và làm khổ chính mình biết bao nhiêu! Bởi tôi được biết những năm về lại nội thành dạy học, nhà cựu quản lý năng nổ ấy không nhận bất kỳ một chức vụ quản lý, lãnh đạo nào, anh cũng vẫn chỉ tình nguyện làm một giáo viên Văn – Sử bình thường. Đến sau khi về hưu, vẫn mài miệt dạy thêm?! Nhiều lúc, tôi vẫn tự hỏi mình: ND là người như thế nào? Với tư cách một hiệu trưởng, một nhà lãnh đạo giáo dục? với tư cách một thanh niên phấn đấu hết mình mà thành tựu không được như ý và tương xứng? Một anh hùng lỡ vận hay một gã cơ hội tầm thường? Một giáo gàn cố chấp hay một nhân cách và tài năng đáng nể trọng?!? Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Nhưng quả thật, chỉ riêng chuyện ra trường mới 1 năm đã được đề bạt thẳng chức  vụ Hiệu trưởng (không qua Hiệu phó, không quyền!); người tổ chức những cuộc họp hành phê - tự phê từng đồng chí, đồng nghiệp và cả chính bản thân mình một cách quyết liệt, tâm thành như sám hối ấy, cũng đã đủ đưa danh tiếng của anh nổi như cồn, không chỉ vang khắp cả xứ Đông Ngàn, bờ tả sông Hồng, danh tiếng chàng trai bônsơvich trẻ tuổi ấy còn dậy cả các trường cấp 1, 2 dọc dải hữu ngạn sông Hồng một thưở đã vời xa…
          Tôi cho rằng chính cơ chế giáo dục và quản lý giáo dục nước ta trong những năm 60 – 70 (thời chiến tranh, chịu ảnh hưởng sâu nặng mô hình và quan điểm giáo dục của Liên Xô (cũ) và Trung Quốc) thế kỷ trước đã đẻ ra kiểu cán bộ hiệu trưởng như anh ND độc nhất vô nhị ấy. Thực tế giáo dục huyện Đông Ngàn, Hà Nội đã chứng tỏ rằng, đó cũng chỉ là một trong những biểu hiện thái quá, sản phẩm của thói quan liêu bao cấp trong nhà trường mà thôi!

          Trong nhiều kỷ niệm buồn, vui về trường cấp 2 (THCS) Đại Thắng những năm 68 – 1974, có lẽ kỷ niệm đầu tiên, đầy ấn tượng, thỉnh thoảng vẫn gợn lên, nhoi nhói trong tôi, chính là kỷ niệm về anh Đinh với những cuộc họp làm lông, cạo gáy đồng nghiệp, bạn bè và tự nhằm cả vào chính bản thân mình, hùng hồn mà tội nghiệp như thế./.

Mưa phùn nhẹ. Ẩm
2 - 3 – 2014. ĐV

2 nhận xét:

  1. Thời kì mà nhà giáo ĐV ra trường rồi đi dậy ấy, đúng là chẳng ai nghĩ đến chuyện HỐI LỘ để nhận nơi công tác tốt, người được NHẬN HỐI LỘ cũng không bao giờ nhận quà gì vì cho đó là sự coi thường mình. Những con người trong sáng đó chính là sản phẩm của nền giáo dục CNXH ở miền Bắc thời bấy giờ. Một thời tâm mọi người rất trong sáng, sống hết mình vì công việc, vì tình người, chắc chắn bây giờ nhiều người vẫn nuối tiếc thời huy hoàng đó. Còn hiệu trưởng đó không thể đại diện cho kết quả của một nền giáo dục thời bấy giờ được NHÀ GIÁO ĐƯỜNG VĂN ạ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã trao đổi! Cái thời ấy vô tư, trong sáng và cũng có cả những ấu trĩ, cứng nhắc! Tôi nghĩ hiệu trưởng cũng là một nhân vật thời đó. Anh ấy chỉ đại diện cho anh ấy thôi!

      Xóa