Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

Những nước cờ kì diệu





 Cao Đức Tiến

NHỮNG NƯỚC CỜ KÌ DIỆU
                           Kính dâng Anh hồn Đại tướng của Nhân dân
                            
                            Đất Việt nghìn năm chung đúc nên Người
                             Rạng rỡ Tổ tiên con Hồng cháu Lạc
                             Một người đánh cờ vô cùng uyên bác
                             Chọn những nước đi lay động đất trời !
                            
                               “Phai Khắt, Nà Ngần(1) - nước cờ khai cuộc,
                             Làm vốn cho quân chiến đấu lâu dài,
                             Lấy ít địch nhiều phải cao mưu lược,
                             Thắng lợi thu về nhân một thành hai…

                             Điện Biên Phủ” (2) - nước cờ gay cấn nhất,
                             Đổi cách đánh để ta còn, giặc mất,
                             Pháo binh gầm : quân, tướng giặc thất kinh.
                             Năm sáu ngày đêm, chiến tích tài tình !

                             “Điện Biên trên không(3) - tính nước cờ hay,
                             “Rồng lửa Thăng Long” diệt “Pháo đài bay”,
                             Lưới lửa phòng không vây bủa kín trời,
                             Mười hai ngày đêm : giặc Mĩ tả tơi !


                             “Quốc gia biển” xuất thần : “Mắt biển khơi”,
                             Nước cờ sáng suốt để lại cho đời,
                             Cùng đất liền thế chẻ tre : “Thần tốc”,
                             Giải phóng Trường Sa(4) - quyết đoán kịp thời !

                               Đã trọn vẹn suốt cuộc đời làm tướng
                             Những nước cờ đi trí lực, ngoan cường
                             Hạnh phúc, Hòa bình : Toàn dân chung hưởng
                             Riêng cho mình, Người chọn : “Nước Hồi hương !

                             Đảo Yến, Vũng Chùa (5) hướng ra biển lớn,
                             Có cả Quê hương, Đất nước chan hòa,
                               Cây cỏ, sóng lừng bốn mùa ấp ủ,
                             Linh thiêng Hồn Người canh giữ đảo xa…

                             Nước cờ kì diệu truyền đến muôn đời,
                             Tổ quốc, Nhân dân cốt được yên vui,
                             Để lại trần gian vạn lời ca ngợi,
                               Như Thánh Gióng xưa : Thanh thản về Trời !

                                                          4/10/2013 – Ngày Đại tướng tạ thế.
                                    CAO ĐỨC TIẾN
              ------------------------------------
               (1). Trận Phai Khắt và Nà Ngần vào ngày 25 và 26 tháng 12 năm 1944 là 2 trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiêu diệt 2 đồn nhỏ là đồn Phai Khắt và đồn Nà Ngần, thuộc tỉnh Cao Bằng, do đích thân Võ Nguyên Giáp chỉ huy.
              (2). Trận Điện Biên Phủ là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954 của Việt Nam. Bằng thắng lợi quyết định này, lực lượng QĐNDVN do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã buộc quân Pháp tại Điên Biên Phủ phải đầu hàng vào tháng 5-1954, sau suốt 2 tháng chịu trận. Để có chiến thắng này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải ra “một quyết định khó khăn nhất” trong cuộc đời làm tướng của mình là đổi cách “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang cách “Đánh chắc, thắng chắc”, bố trí lại toàn bộ lực lượng, đặc biệt là pháo binh, đã kéo được pháo vào trận địa, rồi lại phải kéo pháo ra. Giặc Pháp đã hoàn toàn bất ngờ khi bị pháo binh của ta áp đảo.
               (3). Trận “Điện Biên Phủ trên không” vào cuối tháng 12-1972, sự kiện thường được gọi là “12 ngày đêm”(từ ngày 18/12 đến ngày 29/12), khi giặc Mĩ dùng cả “Siêu pháo đài bay B-52” rải thảm bom ở Thủ đô Hà Nội. Báo chí, truyền thông hay dùng hình tượng “Điện Biên Phủ trên không” để nhấn mạnh ý nghĩa thắng lợi cuối cùng và to lớn của sự kiện : 34 siêu pháo đài bay B-52 và nhiều phi cơ chiến lược khác của giặc Mĩ đã bị bắn rơi. Đó là lúc Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giữ vai trò chỉ huy.
               (4). “Giải phóng Trường Sa” - Ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, tháng 3/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ nhìn ra thời cơ chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, mà ông còn nghĩ ngay đến việc giải phóng các hòn đảo trên Biển Đông. Ngày 7/4/1975, trong lúc đoàn quân trên đất liền theo mệnh lệnh : “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và quyết thắng”, đang tiến về giải phóng Sài Gòn, thì Đại tướng cũng đồng thời Chỉ thị : “Hải quân phải tập trung mọi khả năng, mọi biện pháp đánh chiếm và giải phóng các đảo do quân ngụy Sài Gòn chiếm giữ trên quần đảo Trường Sa, không cho bất cứ kẻ nào được xâm chiếm các nơi đó”. Giải phóng quần đảo Trường Sa là chiến công có ý nghĩa chiến lược to lớn là bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc trong tầm nhìn xa bao quát Biển Đông của Đại tướng Tổng Tư  lệnh Võ Nguyên Giáp cả về quốc phòng và kinh tế. Nếu quân ta không “nhanh chân” thời đó, thì quần đảo Trường Sa chưa chắc đã còn…
                 (5). Vùng Chùa, Đảo Yến - Thuộc thôn Thọ Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là nơi an nghỉ của Đại tướng.



2 nhận xét:

  1. Bài thơ về đại tướng gắn với từng dấu tích lịch sử thật ý nghĩa

    Trả lờiXóa