Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

TẠM BỢ với lời bình của người đọc


Chử Văn Long
TẠM BỢ
Ngày chúng ta thương nhau về ở chung nhà
Có gian buồng không đủ mua cánh cửa
Anh nhặt nhạnh gỗ thùng, gỗ chợ
Miếng bằng gang tay, miếng khuyết tựa vành trăng
Để ghép nên cánh cửa
Với ý nghĩ một thời gian tạm bợ
Khi nào có sẽ thay cánh cửa vững bền…
Bây giờ em không còn, cái tạm bợ lại còn nguyên
Đau xót làm sao đời người nhiều khi ngắn hơn những gì tạm bợ
Đau đớn biết bao mỗi khi tay anh đụng vào cánh cửa
Tạm bợ còn đây mà em đã đâu rồi?
Chép lại bài thơ từ năm 2002, lúc ấy đã bước qua lâu rồi những thời khốn khó, nhưng khi bắt gặp “Tạm bợ” của Chử Văn Long, mọi kỷ niệm lại ùa về thế là vội vàng chép lại vào sổ tay bên cạnh những bài thơ mình thích, Trong cuộc đời mình không bao giờ nghĩ là sẽ gặp nhà thơ bởi công việc của mình chẳng bao giờ liên quan đến văn thơ cả, thích thì thich vậy thôi chứ chuyện gặp gỡ các nhà văn nhà thơ để mà bình thơ mà đọc thơ cho thỏa niềm đam mê với mình lại là một cái gì đó thật xa vời.
Ngày chúng ta thương nhau về ở chung nhà
Có gian buồng không đủ mua cánh cửa
Anh nhặt nhạnh gỗ thùng, gỗ chợ 
Miếng bằng gang tay, miếng khuyết tựa vành trăng
Để ghép nên cánh cửa
Với ý nghĩ một thời gian tạm bợ
Khi nào có sẽ thay cánh cửa vững bền…


LỜI BÌNH CỦA KHUẤT  THANH LÂM

Đoạn thơ đầu nói đến cái hạnh phúc đơn sơ của những đôi vợ chồng trẻ, chỉ cần thương nhau là đã đủ để sống chung một gian buồng còn thiếu thốn đủ thứ, thiếu cả cái duy nhất để làm cho gian buồng kín đáo cho hạnh phúc lứa đôi. Cái thiếu thốn, cái tạm bợ không chỉ của tác giả mà của nhiều người thế hệ 4-5x như mình, bài thơ làm sống lại những kỷ niệm của một thời khốn khó nhưng vẫn ngập tràn hy vọng ở tương lai: Khi nào có sẽ thay cánh cửa vững bền…
Khổ thơ sau làm người đọc nghĩ đến một cái gì đó xót xa cho một đời người, cái hạnh phúc trăm năm tưởng như mãi mãi lại ngắn ngủi lại mong manh không bằng những cái tạm bợ và khi tác giả mất đi người vợ, mất đi cái tưởng chừng như vững bền mãi mãi mới giật mình mới thảng thốt, mới chua xót nhận ra rằng người vợ yêu dấu của mình, nơi để mình lui về trú ẩn trong cuộc đời đã vĩnh viễn rời xa mình rồi vậy mà cái tạm bợ lại còn nguyên hiện hữu: 
Bây giờ em không còn, cái tạm bợ lại còn nguyên
Đau xót làm sao đời người nhiều khi ngắn hơn những gì tạm bợ


Thương cho người vợ của tác giả, cùng gắn bó cùng chịu đựng cái tạm bợ để rồi cùng hy vọng chờ đợi xây đắp nên một cái gì đầy
đủ hơn, vững bền hơn vậy mà... chưa kịp xem “con tạo xoay vần ra sao” thì chị đã ra đi mãi mãi.
Đau đớn biết bao mỗi khi tay anh đụng vào cánh cửa
Tạm bợ còn đây mà em đã đâu rồi?
Đọc bài thơ mình cũng không nghĩ là tác giả triết lý cho cái còn cái mất, cái tạm bợ so với cái vững bền, mà chỉ nghĩ rằng anh tiếc nuối cái đã mất anh mà có lẽ anh chỉ ao ước giá người vợ tảo tần của anh cũng giản đơn như những gì tạm bợ thì biết đâu đấy anh lại vẫn còn chị, vẫn còn hạnh phúc với tất cả những gì đã có, đau xót cho tác giả, đau xót cho người vợ.
Được trải nghiệm cuộc đời, có lẽ đến với bài thơ mình biết sống vị tha hơn, biết trân trọng những gì đã có, bởi trong cuộc sống với người thân đâu có phải lúc nào cũng cơm cũng lành canh cũng ngọt lúc nào cũng tràn ngập hạnh phúc và niềm vui. Cảm ơn tác giả, bài thơ đã là một động lực thôi thúc mình cố gắng thật nhiều để thay thế những gì “tạm bợ” trong cuộc sống của mình, để đỡ ân hận và cũng để những người thân của mình được sống trong điều kiện tốt hơn
Cảm ơn anh Cương đã cho mình được gặp anh Chử Văn Long - tác giả của bài thơ, được gặp anh Vũ Nho - cây gạo cội trong làng phê bình văn học, được gặp anh Vũ Ngọc Tiến - tác giả của những truyện ngắn bất hủ mà mình đã đọc từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước và luôn bị ám ảnh kiểu Dương Thu Hương.

1 nhận xét:

  1. Bài này tác giả gửi vào FB của tôi. Tôi đăng lại vào đây để lưu giữ lâu dài. Tôi đã có cuộc gặp với anh Chử Văn Long, anh Vũ Ngọc Tiến và bạn Nguyễn Phú Cương tại nhà tác giả.

    Trả lờiXóa