Thứ Ba, 9 tháng 5, 2017

CHÙM THƠ KỈ NIỆM 72 NĂM CHIẾN THẮNG PHÁT XÍT





KỶ NIỆM 72 NĂM CHIẾN THẮNG PHÁT XÍT

Triệu Lam Châu: Nhân kỷ niệm 72 năm (9/5/1945 – 9/5/2017) Chiến thắng Phát Xít, tôi xin đăng lại Chùm thơ Gia đình tôi có sinh nhật bốn mùa gồm ba bài duới đây.

 Chùm thơ này đã vinh dự nhận Giải ba (Mang tầm vóc người Việt toàn cầu),  trong cuộc thi thơ nhân kỷ niệm 70 năm (1943 – 2013) Chiến thắng Stalingrat, do Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Nga và Hội Người Việt thành phố Vongagrat tổ chức năm 2012 – 2013.




Chùm thơ Triệu Lam Châu



ÁNH SAO RỪNG THU NGA

Mùa thu Lêvitan *
Vàng cả vùng rừng Xibia buổi ấy
Anh cùng em lộ trình mê mải
Bao vỉa quặng ngầm như cũng thở phập phồng



Em còn nhớ không
Ơi cô gái tóc vàng quyến rũ
Những buổi hoàng hôn mờ núi lá
Phía cuối trời biêng biếc ánh sao xa…



Ôi ánh sao rừng thu Nga
Như tiếng thầm của lòng em có phải
Nói những điều hồn không nói nổi
Hơi thở đằm phong vị nước Nga sâu



Ngôi sao xanh đậu xuống mái đầu
Em bỗng chốc thành nàng công chúa
Ảo huyền như trong câu chuyện cổ
Anh thành hoàng tử đón đưa em



Hoàng tử ngày nay không có ngựa xe riêng
Chỉ có tấm lòng người địa chất
Gương mặt, nụ cười em hiền thục
Ánh núi Xibia chan chứa tâm can



Ngọn lửa rừng ta nhóm giữa ngàn
Quyện hương núi Xibia ngây ngất
Em hát những lời ca trong trẻo nhất
Gửi vào muôn phím của đàn anh



Tình Xibia mênh mang
Hồn thu Nga ấm nồng sâu thẳm
Nay anh ngóng mãi trong thầm lặng
Lòng bỗng nghe một áng mơ vàng…

Miền rừng Nga, tháng 8 năm 1974 – Cao Bằng 2011



*I. Lêvitan (1860 – 1900): Hoạ sĩ Nga rất nổi tiếng với bức tranh “Mùa thu vàng”, người thể hiện thành công nhất nét huyền diệu của nùa thu Nga.





TÌM THÊM NỬA MẶT TRỜI



Bãi sông mang hình nửa mặt trời

Màu cát trắng mịn màng tinh khiết

Mùa táo chín hương bay phảng phất

Xanh đến nao lòng trời thu Rútnơi






Dòng Tabôn bình lặng của ta ơi

Có bao giờ nước trong đến thế

Sóng nhỏ hát những lời của bể

Dẫu mới nửa mặt trời mọc trên gương sông





Anh ngâm Kiều em nghe, cô gái tóc vàng

Lời mộc mạc chân thành cọng cỏ

Mà thanh thoát cao vời ngọn gió

Chim đỗ quyên gọi lửa mặt trời





Em ngâm anh nghe những lời thơ Puskin *

Náo động cả vùng Xiba Tháng Chạp

Gió núi ngang tàng miền Capcát

Lá phong vàng vời vợi sắc thu Nga





Em nghe anh – mới hiểu được nửa mặt trời

Anh nghe em, cũng hiểu được chừng một nửa

Còn nửa mặt trời kia giấu trong lồng ngực trẻ

Trong dòng Tabôn hay trong hương thu say?





Nửa mặt trời ước mong

Mơ hồ như sương chiều bảng lảng

Rỡ ràng như ánh nắng

Như cánh thiên nga loáng sáng Tabôn





Sóng nhỏ rập rờn

Cứ vỗ hoài vào bờ cát mịn

Nghe rạo rực, bồn chồn, xao xuyến:

Cùng tìm thêm nửa mặt trời kia...

Rútnơi, Cadắcxtan thàng  8 năm 1974





* A. X. Puskin (1799 – 1837): Nhà thơ Nga vĩ đại, người có

 tư tưởng tự do, ủng hộ Cách mạng Tháng Chạp, nên đã

bị Nga Hoàng đưa đi đày ở Capcát





TÂM SỰ CỦA TRIỆU LAM CHÂU:

Có thể nói thời sinh viên của chúng tôi hồi những năm sáu mươi và bẩy mươi của thế kỷ XX ở Liên Xô là những năm tháng thần tiên, đầy quyến rũ và thơ mộng. Mọi người đều thấm thía: Có được diễm phúc ấy - là nhờ Đảng và Nhà nước ta đã có tầm nhìn chiến lược thật hùng vĩ và lâu dài. Đang kháng chiến chống giặc, chưa được thắng lợi hoàn toàn mà đã gửi những đứa con ưu tú của đất nước sang các nước bạn anh em học tập khoa học kỹ thuật tiên tiến để về xây dựng đất nước trong tương lai. Và chúng tôi đã nỗ lực phấn đấu rèn luyện, học hành đúng như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Nhiều người đã thành tài và sau này đã có nhiều cống hiến lớn cho đất nước.

Sinh viên Trường đại học Mỏ Lêningrát chúng tôi hồi ấy (nay là Xanh Pêtécbua) năm nào cũng được đi thực tập địa chất ở núi rừng hàng hai tháng trời. Nhờ vậy mà chúng tôi có dịp được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp thiên nhiên kỳ diệu của nước Nga và của các nước cộng hoà trong Liên bang Xô Viết. Nhất là đi thực tập vào dịp tháng chín, ta sẽ gặp một mùa thu vàng rực rỡ cả đất trời. Màu vàng đầy quyến rũ mê hoặc lòng người của lá phong, bạch dương, lá sồi… Tất cả đều rực rỡ phô hết vẻ đẹp rực ngời của đất trời lên khắp dải non ngàn trùng điệp bao la. Những miền rừng Cápcadơ mộng mơ với bạt ngàn rừng lá phong vàng…

Tháng chín năm 1973, tôi thực tập ở miền Gariatri Klius (nghĩa là Nguồn nước nóng) thuộc vùng Cápcadơ (đơn vị hành chính của Liên Xô, có khi rộng bằng cả Đông Dương). Lộ trình địa chất thường phải ngủ lán giữa rừng vào ban đêm. Một điều đặc biệt là con gái Nga rất thích học ngành địa chất. Lớp tôi học là Địa chất thuỷ văn - Địa chất công trình, khoá (1971 - 1976), có hai phần ba là nữ sinh viên. Rồi vào dịp tháng tám và tháng chín rất nhiều người dân thành phố đổ xô về an dưỡng tại các trạm nghỉ giữa rừng. Nam nữ sinh viên thực tập địa chất chúng tôi thường giao lưu với nam thanh nữ tú của các trạm nghỉ ấy, tổ chức vũ hội giữa rừng đêm có tiếng suối chảy trong ngần. Thật là huyền ảo và lay động vô cùng, nhất là vào những đêm trăng long lanh…

Những cô gái Nga đẹp như những nàng tiên lộng lẫy, kiêu sa, mà hồn hậu và gần gũi vô cùng… Các nàng nhảy múa theo tiếng đàn gió và ghi ta bập bùng quanh đống lửa rừng đêm dưới ánh trăng ngân.

Riêng tôi cũng vinh dự được góp thêm tiếng sáo Việt Nam vào khúc nhạc bập bùng quanh đống lửa rừng đêm ấy. Trong con mắt của bạn bè Nga: Cây sáo trúc là một điều huyền diệu. Nó giản đơn vậy mà tấu lên bao tiếng nhạc lòng đắm say. Đêm ấy tôi thật hạnh phúc khi được tấu lên giai điệu bài hát Tình ca Tây Bắc, trong ánh mắt nồng nàn của bao cô gái Nga đẹp mê hồn bên đống lửa rừng Cápcadơ bập bùng dưới ánh trăng ngân…

Gần bốn chục năm đã qua rồi… Mùa lá phong vàng đẹp mênh mang nay lại về với rừng thu Cápcadơ… Bạn bè thuở ấy của tôi ơi… Giờ đây các bạn đang ở nơi đâu?

Tuy Hoà, mùa thu năm 2010

                           



GIA ĐÌNH TÔI CÓ SINH  NHẬT BỐN MÙA(1)

Chúng tôi cưới nhau vào mùa xuân

Mùa bừng nở ngàn hoa, cây cỏ

Mùa nảy lộc, đâm chồi của những cánh rừng

Nắng bừng soi cho tuyết băng tan

Ngàn chim én bay về nao nức...

Ngày cưới nhau - là sinh nhật hạnh phúc.

Chúng tôi cùng nhau đến tham quan

Thành phố Vongagrát anh hùng

Dâng bó hoa thơm bên tượng đài liệt sĩ

Thăm lại Chứng tích chiến tranh

Thăm nhà Bảo tàng chiến tranh vệ quốc...





Rồi cùng nhau lên đồi Mamaep

Tượng Bà mẹ Tổ quốc thiêng liêng

Tay cầm kiếm giơ cao, tay kia vẫy gọi

Muôn đàn con xông lên phía trước

Chiến đấu chống giặc thù...





Lòng xúc động vô bờ

Chúng tôi cùng hát lên bài ca

“Huyền thoại đồi Mamaep”(2)



Tinh thần của bao liệt sĩ anh hùng bất diệt

Như trời cao lồng lộng nước non này...

Và... hạnh phúc của chúng ta hôm nay

Đều mọc lên từ niềm tri ân sâu lắng ấy...





Sinh nhật tôi - vào một ngày mùa hạ

Chói chang ánh nắng trời

Tôi lại đưa vợ con tôi

Thăm thành phố Vongagrát

Giọt lệ nắng trong ngời trên mũi kiếm thiêng liêng

Của Bà mẹ Tổ quốc

Như bỗng nhiên gieo vào mắt tôi

Và... bên tượng đài “Quyết tử”

Tôi hát thật vang bài ca “Ngày chiến thắng” (3)

Cho vợ con nghe...

Lòng tôi thấy nét hào hùng lịch sử

Đọng trong mắt bao người...





Sinh nhật nhà tôi - vào một ngày mùa thu

Gia đình tôi lại tham quan thành phố

Vongagrát anh hùng

Trên đồi cao Mamaep long lanh

Nhà tôi rưng rưng ngân tiếng hát





“Dòng Vonga đẹp xinh” (3)

Giai điệu quê hương sâu lắng thanh bình

Từng vang vọng trong lòng người chiến sĩ

Trước khi vào trận chiến năm xưa.

Giọng em hát dịu lành

Mà tôi nghe bát ngát

Ru người xưa và ru cả hôm nay...





Sinh nhật con tôi - vào một ngày mùa đông

Gia đình tôi lại tham quan thành phố

Vongagrát anh hùng

Dâng bó hoa thơm bên ngọn lửa vĩnh cửu rực hồng

Con tôi hát bài ca “Ngọn lửa vĩnh cửu”(4)

Giọng thanh thanh, mà rắn rỏi vô ngần

Tôi và nhà tôi không kìm mình nổi nữa

Đã hát cùng với con...





Gia đình tôi ở xa Vongagrát

Nhưng luôn đẫm hồn của vùng đất ấy thiêng liêng

Bởi một điều giản dị:

Gia đình tôi có sinh nhật bốn mùa...

Tháng 3 năm 2013

Có sử dụng ảnh từ Internet





(1) Chùm thơ Gia đình tôi có sinh nhật bốn mùa (gồm ba bài: Gia đình tôi có sinh nhật bốn mùa - Ánh sao rừng thu Nga - Tìm thêm nửa mặt trời), đã vinh dự nhận Giải ba (Mang tầm vóc người Việt toàn cầu) trong Cuộc thi thơ nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Stalingrát (1943 - 2013) - do Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Nga và Hội Người Việt thành phố Vongagrát tổ chức.



 (2)Huyền thoại đồi Mamaep. Nhạc: A. Pakhmutôva. Lời: B. Bôkốp



 (3) Dòng Vonga đẹp xinh - dân ca Nga



 (4)Ngọn lửa vĩnh cửu. Nhạc: Kh. P. Matveevis. Lời: Agranôvis


























Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét