Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

THÂN NƠI PHỐ THỊ HỒN NEO CHỐN LÀNG





THÂN NƠI PHỐ THỊ HỒN NEO CHỐN LÀNG

Đọc Buồn không đóng cửa, thơ Nguyễn Việt Bắc

Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2016

                                  Vũ Nho

Khác với nhiều bạn viết có thể làm thơ, bình thơ, viết truyện ngắn hoặc đá tí chút phê bình, kiến trúc sư Nguyễn Việt Bắc không làm bất cứ điều gì khác ngoài thơ. Anh chỉ chuyên chú làm thơ. Mà số lượng  in cũng không nhiều, có thể nói là khá khiêm tốn. Từ năm 1993 in tập “Bờ xa”, đến nay 2016, in tập thứ sáu “ Buồn không đóng cửa”. Nghĩa là cứ  khoảng  gần  bốn năm mới in một tập.

Người kiến trúc sư quê Bắc Ninh ấy sau khi ra trường, do yêu cầu của công việc đã gắn bó với phố thị. Tuy nhiên, làng vẫn còn lưu giữ ngôi nhà của tổ tiên làm nơi chốn đi về. Không giống với những người “thiên quê”, rồi mất luôn “hộ khẩu”, trở thành người thành phố, nhà thơ ở phố mà hồn vẫn neo lại chốn quê. Trong các tập thơ của anh, cái làng nông nghiệp “ Từ xưa/ Làng chỉ nghề cấy lúa” vẫn luôn hiện lên với bao buồn vui, băn khoăn, lo lắng. Cái việc làm thơ, thu hoạch chữ nghĩa, anh cũng ví với việc gặt hái của làng. Và anh đem  việc đó đặt tên cho một tập thơ “ Gặt chữ”!

Làng – đơn vị hành chính thiêng liêng đó rất quan trọng trong tâm thức người Việt. Làng là quê, là nơi sinh trưởng, là nơi gắn bó ấu thơ, là nơi bảo tồn, lưu giữ kỉ niệm, lưu giữ những kí ức thiêng liêng. Những năm trước, làng trong thơ anh là hình ảnh đẹp đẽ, lung linh của những năm tháng bình yên, chưa có chuyện phố lấn làng:

Nhà ta/Ta về nhà ta

Có đầm sen với cây đa đầu làng

Có em quẩy nắng dịu dàng

Mùa thơm

Nắng chín rơm vàng ngõ phơi

 (  trong tập Gặt chữ)

Bây giờ, anh nhìn làng bằng tâm trạng khác và con mắt cũng khác.
Bởi vì làng bây giờ đang trong cơn lốc của đô thị hóa,  “ Bây giờ nhan nhản công ty/ Ruộng đất cứ dần hẹp lại” ,  làng đang biến thành phố “ Gi gỉ gì gi cái gì cũng có”. Vẫn còn một chút xưa, ấy là “ Khí trong veo như mưa rào đầu hạ/ Tiếng gà ò ó o”, nhưng làng đã không còn là làng cũ:

          Làng vẫn làng mà như đi lạc

          Tre không còn để mà kẽo kẹt

          Nhà ống liền kề

          Đường lổn nhổn xỉ than bê tông

          Thoang thoảng mùi phân trâu, cứt chó

                          Làng vẫn làng mà như đi lạc

Không còn nắng chín với mùa thơm. Cũng không thấy em quẩy nắng. Bây giờ là hình ảnh “ sương đêm ràn rạt bay”, là  hình ảnh “ Mưa lầy lõm bõm/  Những ngôi nhà phành phạch cửa liếp/ Im lìm/ Ánh sáng đường làng nhòe nhoẹt” ( Làng).  Rặng tre như là biểu tượng của làng,  quây lấy làng, đem bóng mát  che  ngày nóng nực giờ không còn. Hậu quả là :

Đào tre lấp ao làm nhà

Làng phơi dưới nắng như là lò nung

                   Dậy trước bình minh

Làng đang biến thành phố. Tiến bộ đấy, nhưng làng đâu còn là làng nữa? Về mặt tâm linh thì khá bất an:

Phố đóng cọc xây nhà trên ruộng lúa

Vỡ long mạch làng/ làng mảnh vỡ/ của hành tinh.

                             Mảnh vỡ

Mà việc nhà cửa mọc lên nhiều đó mà không thấy sầm uất, bởi vì ai đó xây để giữ của cải, giữ tài sản. “ Là tài sản của lũ trẻ lên năm, lên một/ Là tài sản của đứa bé nằm trong bụng mẹ” . Vậy nên:

Nhà mọc như đỗ, như vừng

Xây rồi không ở / như rừng / bỏ hoang

                             Bây giờ

Và người làng, thì vẫn một nắng hai sương, buồn rầu, lo lắng:

          Những ông bố bà mẹ

          Rầu rĩ

          Chân trần gà ác đi trên đương làng.

                                      Làng

Một làng quê như thế khiến cho người tử tế không thể vui. Lại thêm chuyện làng “ Có thanh niên đầu trọc/ và lũ gái quần đùi lông nhông”, thêm chuyện những thanh niên có học nhưng thất nghiệp làm ruộng thì không biết, việc làm thì không có “ Ra trường/ Nhiều đứa không xin được việc làm/ Và/ Không chạy thóc khi mưa” ( Nghề học ở một làng). Có thể nói là một cơn địa chấn đã xảy ra trong tâm hồn người viết. Bởi về làng mà lạc trong làng cứ như nơi lạ, bởi tâm trạng bất an, thấp thỏm “ Một đêm ngủ ở nhà mình/ Mà như diều cứ rùng rình/ Đứt dây” ( Năm 2014). Cái tâm trạng bao quát là buồn bực, chán nản. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả lấy tên bài thơ cuối tập đặt tên cho cả tập “ Buồn không đóng cửa”. Có một cái gì đó như bế tắc, tuyệt vọng:

Chán phố xá

Về làng quê

Làng quê cũng chán ra đê sông Hồng

                   Không đề

Ra với thiên nhiên cũng không khỏa lấp được nỗi buồn:

Buồn không đóng cửa cài then

Ra ngồi với cỏ bông sen cũng buồn

                   Buồn không đóng cửa

  Những bài viết về thơ Nguyễn Việt Bắc  ở các tập trước đây, tôi cho rằng trong các tập thơ, thậm chí trong một bài thơ, cái buồn thường đan cài với cái vui; nỗi mừng thường kèm với nỗi lo. Nhưng tác giả thường nghiêng về nỗi lo, nghiêng về cái buồn. Có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ càng sống, càng từng trải, càng trải nghiệm những điều trông thấy trong những ngày qua, nếu tác giả có nghiêng hẳn về tâm trạng lo lắng, buồn thương thì cũng là sự tất nhiên. Làng quê trong anh cũng  không phải là không có cái vui. Chợ quê chẳng hạn:

Chợ quê /thứ gì cũng tươi

Người bán không làm hàng

Lời mời nào cũng dính

          Bạn về chơi

Nhưng cái đó chỉ là một nét đẹp chìm lút trong nhiều thứ “nhom nhem” của một miền làng đang vỡ. Ở phố thị, nơi anh thường trú cũng không khá gì hơn. Ở nhà buồn:

          Em nằm viện

          Anh ở nhà

Ở nhà cũng bệnh thế là hết vui

Bàn phấn bụi phủ ít chùi

Bàn văn chất đống/ bùi ngùi/ báo văn

                Sáng mai

Đi bệnh viện càng buồn hơn cảnh chờ chực, xếp hàng:

                   Đứng/ Ngồi

                   Chật cứng phòng khám bệnh viện Hữu Nghị

                   Muỗi vo ve

                   Quạt trần vo ve

                                      Một ngày ở phòng khám bệnh viện Hữu Nghị

Ở  bệnh viện, có người đàn bà hát, nhưng đó là người đàn bà cô đơn, nạng gỗ, ba lô cóc, hát sau khi “nằm ho” ( Người đàn bà hát).  Cũng ở đó có hai người già cháu con về hết “ Người đàn bà chiếu chăn phích nước/  Có lúc người đàn bà sụt sịt/  Có lúc cằn nhằn/ Có lúc ngủ như gà mổ  thóc/  Người đàn ông chan chan nước mắt

( Bên bờ mưa).

 Một ngôi nhà cuối ngõ  “ Có bà già và những con gà/ Bà chẳng biết nói chuyện với ai” ; bà nuôi gà bằng bún. Rồi “ Hôm qua bão to/ Sáng nay con bà xách làn đến/ Mưa rét/ bà chết/ đêm qua” ( Bà già và những con gà). Ở “Phố Nhà Giàu” nhưng có người  đàn ông chết cô đơn “ Không trống/ không kèn/ Không người dẫn dắt” ( Người chết ở phố nhà giàu).

          Ra chợ hoa, cũng cám cảnh  chợ ế hàng và nỗi khổ của người lao động:

          Phố đóng cửa

          Xe rác xếp hàng

          Ngày hết

          Tết đến

          Chợ hoa tan tác

          Có tiếng sụt sịt khóc

                   Chợ hoa 2016

Ghé quán cóc thì chứng kiến sự chia tay đầy nước mắt và trĩu buồn:

          Người đàn bà đi qua cửa nhà mình

          Qua cửa nhà mình và khóc

          Nước bết vào tóc

          Người đàn ông ngồi trong quán cóc

          Uống thuốc độc vào mình

          Mù mịt

                            Chia tay

Bứt ra khỏi thành phố, vào tận biển Xuân Thành nhưng cũng chẳng vui hơn, dù được đón tiếp tưng bừng bởi những cô Kiều trẻ:

          Những cô Kiều mười tám đôi mươi

          Kèn sáo tưng bừng đón tiếp

          Biển ở đây có thêm nhiều nước mắt

                             Về quê Nguyễn Du

Làm thơ ư? “Thơ in ra không biết tặng ai”. Mấy nhà thơ có sáng kiến lập ra  “Quầy bán và đốt” nhưng chủ yếu là “Đốt thơ người thuê đốt” vì thơ tặng còn không có người nhận thì bán cho ai! (Quầy bán và đốt).

          Cái buồn không chỉ lấn át cái vui như trước đây mà phải nói là cả tập thơ đều bao phủ bởi một tâm trạng buồn. Dù cho cũng có một vài nét vui ở những hồi ức về  một “thời trong trẻo”, một mối tình xưa, hay nghe tiếng đàn dương cầm, hoặc chơi với cháu…

          Có thể lí giải nỗi buồn này từ nỗi buồn lớn của đất nước “ Tây Nguyên khát nước/ Chuồn chuồn kêu mưa/ Rừng vàng ngày một dần thưa/ Thảm họa Vũng Áng mới vừa chưa qua/  […] gió bão đổ nhà/ Máy bay mất tích không nhà người thân

(Buồn không đóng cửa). Và cũng là nỗi buồn riêng khi tuổi cao, sức khỏe sa sút, bạn bè ngày một dần thưa vắng.

          Chưa bao giờ Nguyễn Việt Bắc tuyên ngôn coi nỗi buồn là gia tài, nỗi buồn là báu vật. Nhưng cái buồn cứ tự nhiên mà thấm vào cách nhìn, cách cảm, cách thể hiện. Anh coi thơ ca là tài sản của mình, là những chữ nghĩa gặt được như nông dân thu hoạch thóc vàng “ ròng ròng mồ hôi”. Thơ với anh là nỗi niềm trao gửi. Nguyễn Việt Bắc đằm sâu trong cảm xúc, cô đọng trong chữ nghĩa, lặng thầm chia sẻ với bạn đọc về những chiêm nghiệm cuộc đời của mình. Cụ Nguyễn Du từng viết “ Tẻ ( Buồn) vui bởi tại lòng này”. Cái buồn tự đáy lòng , cái  buồn  tích  tụ  từ   âm thầm cuộc  sống “ ngày ngày tôi lặng im” để rồi lên tiếng ở trong thơ, gửi trao cùng bạn đọc. Tôi nghĩ cái buồn đó cần thiết để chúng ta thanh lọc tâm hồn, giữ cho tâm an, lòng sáng.

                                                      Hà Nội, 20 - 28 tháng 10 năm 2016


In trên VĂN NGHỆ CÔNG AN số 338  này 24-27 tháng 4 năm 2017. Đây là bản đầy đủ.





         


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét