Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017

VỀ CHUYỆN GIÁ NÀNG KIỀU VÀ LIỆU NGUYỄN DU CÓ NHẦM LẪN?





VỀ CHUYỆN GIÁ NÀNG KIỀU VÀ LIỆU NGUYỄN DU CÓ NHẦM LẪN?
                                   
                                           Vũ Nho

Thật ra thì giá nàng Kiều được những người quan tâm đến Truyện Kiều nói đến từ lâu. Các tác giả Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Thạch Giang đã nói đến từ những năm 90 của thể kỉ trước. Nhà giáo Lê Đức Định, trường THPT Lê Quý Đôn, Khánh Hòa có bài viết “ Nàng Kiều đáng giá bao nhiêu?” in trên Thông tin Giáo dục phổ thông cấp II- III Khoa học xã hội số 3/1993. Bây giờ, trên “Cõi người ta tập 1”, tác giả Vị Nhiên Hương đặt vấn đề “ Nguyễn Du có nhầm lẫn không?”. Tác giả chỉ khẳng định giữa “ Giờ lâu ngã giá vàng ( vâng) ngoài bốn trăm” và “ Hẳn ba trăm lạng kém đâu” không phải do Nguyễn Du nhầm lẫn như sự nghi ngờ của ông Hoàng Xuân Hãn và nhà thơ Vương Trọng. Mọi lí giải của tác giả  Vị Nhiên Hương theo chúng tôi, có vẻ hợp lí về hình thức ( Mã Giám Sinh đã “trở mặt”, khi ngã giá thì ngoài 400, nhưng sau chỉ trả 300 - hẳn ba trăm lạng kém đâu) . Tác giả biện giải rằng vì “lạ nước lạ cái” nên Mã bị hớ. Sau đó “ do đã quen biết lại ở lâu có thời gian dài để tìm hiểu mọi mặt […]  hắn đã giở mặt và chỉ trả như thế thôi”. Đây hoàn toàn là suy diễn chủ quan, không có chứng cứ. Nếu tác giả đọc Kim Vân Kiều thì sẽ rõ là Mã Giám Sinh không ở lâu, y  vội vàng, trao bạc xong là đi ngay. Và Mã chỉ thiếu có 5 lạng, nhưng Kiều cũng bắt y trả đủ.

          Khi viết cuốn “ Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều” ( nxb Hội nhà văn, 2016), chúng tôi cũng đã đặt vấn đề rộng hơn “ Vấn đề tiền bạc trong Truyện Kiều  ( TK) so sánh với Kim Vân Kiều (KVK)”, tất nhiên chúng tôi cũng bàn đến “giá” Kiều bán mình là ngoài 400 lạng vàng hay lạng bạc.
          Bài viết nhỏ này, chúng tôi muốn góp  bàn đến hai vấn đề liệu Nguyễn Du có nhầm lẫn không? và Kiều bán mình  lấy vàng hay lấy bạc? ( Văn bản KVK, chúng tôi trích theo sách “ Truyện Kiều đối chiếu “ -TKĐC - của tác giả Phạm Đan Quế, nxb Hải Phòng, 1999).
1.    Liệu Nguyễn Du có nhầm lẫn không?
Một trong các căn cứ là phải xem các con số trong  KVK so với TK. Chúng tôi đã đối chiếu và có kết quả sau đây:
-         Khi  “ người đầu bọn” sai nha nói với Kiều thì cần 300 lạng bạc “ 100 để
lễ quan, 100 mua chuộc bọn cướp để chúng khỏi tiêu xưng, còn lại 100 thì để thù lao cho anh em chúng tôi” ( TKĐC, tr. 112)
-         Bà mối thay mặt Kiều ra giá và mặc cả với Mã Giám Sinh. Bà mối đòi “số tiền ấy phi 500 lạng thì thực không đủ”. Mã Giám Sinh trả 300, Kiều không đồng ý. Mã trả 400 lạng, Kiều cũng không nghe. Khách ( Mã) ngần ngừ rồi xin chịu đủ số” (TKĐC, tr. 112). Như vậy là Mã Giám Sinh chịu trả 500 lạng bạc như mụ mối  và Kiều yêu cầu.
-         Trong giấc mơ Kiều gặp Kim Trọng, Kim Trọng cũng bỏ ra 300 lạng bạc để Kiều không phải bán mình. Tay khách mua quát Kim Trọng : “ Ta đây tốn phí bao nhiêu tiền của mới tìm kiếm đặng một người, đã chắc lời được mấy ngàn lạng bạc, lẽ nào chú lại cướp sống của ta” ( TKĐC, tr. 123).
-         Khi  Chung Sự viết tờ bảo lãnh và Thúy Kiều viết tờ hôn ước ( cả bằng chữ và bằng số), đều ghi rõ 450 lạng bạc ( TKĐC, tr. 140 và tr. 141).
Rõ ràng, không hiểu vì lí do gì mà khi mặc cả thì đúng 500 lạng bạc, nhưng khi làm giá thực tế trong Giấy bảo lãnh và Giấy hôn ước thì chỉ có 450 lạng bạc mà thôi. Điều này trong bản KVK viết như vậy.
-          Mã Giám Sinh xem lại giấy tờ cẩn thận, “ rồi gọi người nhà lấy bạc ra trao” nói “đủ số 450 lạng đó”. Kiều đếm lại tức thì, thấy thiếu hẳn đi 5 lạng. Nhắc đi nhắc lại mấy lần Mã Giám Sinh mới chịu bù vào đủ số”
( TKĐC, tr. 148).
          Nguyễn Du đã tôn trọng những con số 300 lạng và 450 lạng ( ngoài 400) của KVK. Chỉ có điều là Nguyễn Du không nói rõ là vàng hay bạc mà thôi.
Bây giờ chúng ta xem xét việc “suy tính” của Mã Giám Sinh khi y nghĩ đến chuyện làm giá những tay “chơi hoa”.
-          KVK,  chép “ ví thử anh nào muốn mở hộp trước mà không có mấy trăm lạng thì chớ có hòng” ( TKĐC, tr. 160).
-         Trong TK, Nguyễn Du viết :  “Hẳn 300 lạng kém đâu”.
Nếu căn cứ vào văn bản thì thấy Mã Giám Sinh trong KVK chỉ nói con số ước tính mấy trăm lạng, còn Nguyễn Du nói rõ ba trăm lạng. Con số này mâu thuẫn với con số trong câu số 648 ( Giờ lâu ngã giá, vâng ngoài 400). Có thể đặt vấn đề Nguyễn Du nhầm lẫn.
          Tuy nhiên, hiện nay chúng ta không có bản Kiều chính thức của Nguyễn Du, cũng không khẳng định được bản Kiều nào là “gần nhất, trung thành nhất” với bản của Nguyễn Du. Trong khi đó, theo Trần Đình Tuấn và Trần Gia Anh ( Truyện Kiều - khảo – chú – bình, nxb Lao Động, 2015),  bản Duy Minh Thị và bản Trương Vĩnh Kí, câu này chép là “ Ba bốn trăm lạng thứ đâu” ( tr. 337). Con số ba bốn trăm  lạng là số ước lượng, ước tính, nó rất gần gũi với số mấy trăm lạng trong KVK chúng tôi đã dẫn ở trên. Theo chúng tôi quan sát từ sách của cụ Đào Duy Anh, Thế Anh, bản Kiều nôm sớm nhất chúng ta có là Liễu văn đường ( 1871). Kế đến là  bản quốc ngữ Trương Vĩnh Kí ( 1875), bản Duy Minh Thị (1879). Vì vậy kết luận rằng Nguyễn Du nhầm lẫn khi không có bản Kiều của Nguyễn Du là vội vàng, không  đáng tin cậy. Mà lí giải như Vị Nhiên Hương là Mã Giám Sinh đã “trở mặt” chỉ trả 300 lạng, mặc dù thỏa thuận ngoài 400 trước đó cũng chưa có cơ sở vững chắc.
2.    Kiều bán mình lấy vàng hay bạc?
Đây là một vấn đề cũng vô cùng thú vị và giải quyết rốt ráo cũng không dễ dàng gì. Trong cuốn “Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều”, chúng tôi cũng đã so sánh KVK với TK và cân nhắc nhiều yếu tố. Sau cùng, bằng chứng cứ văn bản và sự biện luận, chúng tôi đưa tạm đưa kết luận : “ Chỉ có thể hiểu Kiều bán mình lấy số vàng ngoài 400 lạng. Nếu căn cứ vào chứng cứ văn bản ( toàn Truyện Kiều – VN thêm) của Nguyễn Du. Dẫu rằng trong mười bản Truyện Kiều được so sánh, chỉ có 2 bản chép là vàng ngoài bốn trăm” ( sách đã dẫn, tr. 275).
          Thạc sĩ Lưu Hồng Sơn  viết trong Cõi người ta, tập 2 đưa ra ba giả thuyết việc xuất hiện chữ vàng. Tác giả cho rằng không có chuyện đánh máy sai, mà chỉ là do nhuận sắc cho câu thơ hay hơn, và nhuận sắc để “nâng giá” Kiều. Chúng tôi thấy tác giả phân tích khá thuyết phục. Việc tác giả ủng hộ phái “vàng” và đề nghị “ hãy lí giải tại sao người ta lại “nhuận sắc” như vậy và chỉ ra chỗ hay chỗ dở của việc nhuận sắc ấy, chứ không thể đồng nghĩa  nhuận sắc với sai như ý kiến của học giả Nguyễn Quảng Tuân” ( bài đã dẫn) cũng là một đề nghị hợp lí.
          Tuy nhiên, tác giả cũng không theo phái “vàng”, không theo phái “bạc” . Để không mất lòng phái nào, tác giả khẳng định đóng góp của mỗi phái và đưa ra quan niệm của riêng mình. “ Cá nhân mình, với những ý nghĩ và diễn giải như trên, tôi thấy chữ “chịu” thể hiện nỗi lòng của Nguyễn Du ở đây hơn là chữ “vâng”, chữ “xin”, chữ “vàng”, dù rằng nhạc điệu của nó không êm, không hay bằng “vâng”, “xin”, “vàng”. “ Chịu” là cam chịu, chịu đựng, đành chịu, bất lực. Một chữ mà ẩn chứa bao nhiêu điều”.
          Quả thật là hết sức dũng cảm mà cũng hết sức chủ quan! Tác giả đã không hề chú ý đến ngữ cảnh câu thơ. Đây là cuộc mặc cả mua bán giữa mụ mối, Kiều và bên kia là Mã Giám Sinh. Vậy ai chịu? Ai vâng? Mã Giám Sinh chịu cái giá đó  hoặc mụ mối chứ  ai?   Hoặc cả hai sau khi nói thách và cò kè, thương lượng, bên nào cũng chịu  nhân nhượng. Sao lại  “thể hiện nỗi lòng” Nguyễn Du ở đây?
          Chúng tôi vẫn muốn tìm cho ra nhẽ là Kiều bán mình lấy vàng hay lấy bạc trên cơ sở chứng cứ văn bản chứ không dựa vào cảm thụ, suy luận, suy diễn chủ quan.
          Đến đây thì chúng tôi muốn viện dẫn một giải pháp đáng tin cậy  của nhà giáo Lê Đức Định. Trong bài báo đã nhắc ở trên, nhà giáo Lê Đức Định đã có một giải pháp  hay. Ông cho rằng trong khi chưa tìm được bản Kiều của chính Nguyễn Du, thì cần xem những lời bình phẩm cùng thời hoặc gần thời Nguyễn Du xem họ nói gì về việc bán mình của nàng Kiều. Kết quả là tác giả đã viện dẫn tổng thuyết về Truyện Kiều của vua Minh Mạng ( Gian thế pháp dễ hoàng Kim, xả thân thành hiếu – Bôi đen luật pháp, biết dùng vàng bán mình để tròn chữ hiếu -) ; Tổng vịnh Truyện Kiều của vua Tự Đức ( Ngọc nhan, bất miễn hoàng kim hoán -  Không sợ dùng vàng để đổi mặt ngọc -);  Bài thứ 5 của Hà Tôn Quyền hiệu Tốn Phủ vâng lời vua Minh Mạng làm 30 bài thơ vịnh Kiều có câu : Hoàng kim bất nhập bao thủ lộ/ Hắc tịch nan đương thiết việt uy ( Không dùng vàng để lo toan thì sao có thể rút tên ra khỏi sổ đen);  Nguyễn Văn Chi đỗ cử nhân khoa Tân Mão năm Thành Thái thứ 3 họa thơ Hà Tôn Quyền, bài thứ 6 có câu :  Tứ bách hoàng kim thân dị hoán/ Tam sinh hương hỏa mộng đồ hư (Đổi thân lấy bốn trăm lạng vàng/ Ba sinh hương hỏa mộng vu vơ). ( tài liệu đã dẫn).  Bốn tài liệu đó đều nói đến vàng (trong đó một tài liệu nói cụ thể bốn trăm lạng vàng), cộng với những phân tích khác,  cho phép chúng ta tin là Kiều bán mình lấy vàng chứ không phải bạc.
                                                                       Hà Nội, 12/6/2016

                               

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét