Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

Ấn tượng...ĐỒNG ĐẲNG...





                                                                                   Vũ Nho

ẤN TƯỢNG VỀ TẬP TRUYỆN NGẮN “ĐỒNG ĐẲNG” CỦA VINH HUỲNH
                                      Vũ Nho
Thông thường, với một tác giả thì tập truyện đầu tay, có thể chỉ là những thể nghiệm với thể loại. Người ta dễ dàng nhìn thấy nhưng nét tươi mới, khác lạ, nhưng đa phần là nhìn thấy những gì còn non nớt, vụng về, khiếm khuyết cần sớm được khắc phục, nếu muốn đi xa. Nhưng cũng có những người, ngay tập truyện ngắn đầu tiên trình làng, đã thể hiện độ chín và sự thành thục kĩ thuật nghề nghiệp, khiến người ta có ấn tượng mạnh.  “Người xa lạ” của Vinh Huỳnh là tập truyện ngắn như vậy. Và quả nhiên đến tập truyện ngắn  Đồng Đẳng, Vinh Huỳnh  đã cho thấy những ấn tượng về tập truyện ngắn đầu tay  của anh là chính xác. Vinh Huỳnh đã trở thành một cây bút chững chạc, đã  sớm chín trong thể loại anh theo đuổi.
          Trong tập truyện mới này,  Vinh Huỳnh có đăng lại mấy truyện đã in. Nhưng hầu như anh đã có trăn trở, sửa chữa, viết thêm. Chẳng hạn truyện “Trai làng”  được sửa thành “ Thăng trầm”, và Cả Lẫm đã không chết đuối, mà thành công trong việc kinh doanh mới. Đây không chỉ đơn thuần là tạo ra một kết thúc có hậu. Phải chăng, tác giả muốn ủng hộ và khẳng định quyết tâm của người trẻ tuổi làm giàu ngay trên mảnh đất nông thôn của cha ông mình? “ Chuyên tình tang” cũng được viết thêm và đổi tên thành “ Tình cho không biếu không” với lời đề từ rút từ thơ Phạm Công Trứ : “ Tình yêu, ai bán mà mua/ Ai cho mà lấy, ai thừa mà xin…”. Đoạn viết thêm theo tôi, làm cho truyện ngắn dày dặn thêm và đa thanh hơn. Đặc biệt nhân vật Tú nói ngọng càng thể hiện rõ tính cách hồn nhiên của cô. Truyện “ Ông lão về hưu” cũng được sửa chữa, bổ sung và mang tên gọn hơn “ Về hưu”. Điều đó cho thấy một Vinh Huỳnh không bằng lòng với những gì đã có và  ý thức  vượt lên chính mình.
                   Có thể bắt gặp hầu như mọi vấn đề đang nóng  của đời sống trong những câu chuyện của phần lớn là những người trẻ. Từ chuyện xin việc không xong của anh sinh viên mới ra trường, đi làm xe ôm, đến chuyện các cô gái làm nghề mại dâm, gái vũ trường tuổi chưa quá hai mươi ( Tình cho không, biếu không, Em); từ chuyện  tắc đường, cạnh tranh khốc liệt,  ( Trợ lí đại diện, Cạnh tranh) đến chuyện trượt đại học, sung vào đội quân đào mả chôn người (Nghĩa tử); từ chuyện buôn bán nhảy tàu bị lừa mất sạch về mo quay về kinh doanh trên mảnh đất làng ( Thăng trầm) đến chuyện bị lừa tình của một cô gái một con phố huyện ( Vợ dại). Rồi chuyện về hưu của một ông cán bộ khổ sở vì vừa phải chăn lợn, vừa phải trông cháu mà chẳng việc nào xong ( Về hưu), chuyện huyễn tưởng của hai văn sĩ tài thấp những khát vọng cao ( Hão), chuyện tình đầu của một cô sinh viên ( Ánh mắt), chuyện móc túi trên xe buýt và lừa tình ( Gái quê)...Tất cả đều sắc nét, mạch lạc, nổi cộm lên gắn liền với những tình huống, những nhân vật; tạo cho truyện có độ sâu, khiến người đọc không thể không trăn trở, suy nghĩ.

          Có thể thấy cách vào truyện của tác giả thường ngắn gọn, đi ngay vào vấn đề của nhân vật, đi ngay vào tình huống mâu thuẫn hay xung đột cần giải quyết. Hầu như ta không bắt gặp những đoạn ngoại đề, những tả cành, tả cảnh rề rà làm chậm nhịp độ trần thuật. Đây chính là cách viết của các tác giả hiện đại. Nó tạo ra một sự khác biệt rõ rệt với lối viết cổ điển.
          Đây là mở truyện của truyện “ Tình cho không biếu không”:
Trí thức ấy là tầng lớp của tôi.
Cử nhân ấy là học vị của tôi.
Thất nghiệp ấy là cái vị thế của tôi.
Vào truyện “Gái quê”  thì khác :
Thời gian đẩy lão lệch ra bên lề cuộc sống. Ông già bà cả lũ lượt rủ nhau sang thế giới bên kia, đồng bọn của lão dần thưa thớt đi. Đám trẻ lớn lên nhìn lão như một di tích của làng. Chúng cư xử với lão ngày càng khả ố. Chán.
Còn đây là đoạn mở đầu của truyện “Em”:
Nếu chỉ thoáng nhìn gương mặt trái xoan hồng hào  mơn mởn và cặp mắt bê non ướt rợt của em, khối chú trống choai bị lừa.Cả tôi, tôi cũng vậy. Tôi bắt quen em trong một vũ trường disco. Em hấp dẫn tôi ngay bởi phoóc người dây và cặp giò người mẫu.”
Mở đầu truyện “Thăng trầm”:
Cả Lẫm về làng.Chiếc ba lô kẹp lép tòng teng trên lưng, dáng đi thất thểu, mẹo mọ.Vẻ mặt nhầu nhĩ u uất đượm vẻ cay cú gặp ai cũng chả buồn chào.
Tối. Lẫm ngồi nốc rượu thở hắt ra.
Có thể thấy các câu văn đều ngắn. Trần thuật hết sức gọn. Và bao giờ, tác giả cũng gài sẵn một tình huống làm cho người đọc phải chú ý ngay vào nhân vật hoặc vấn đề liên quan đến nhân vật. Phải là một người thành thục kĩ thuật dựng truyện và tự tin vào khả năng tự sự của mình mới có thể viết như vậy.
Các nhân vật của Vinh Huỳnh được chăm chút khá kĩ lưỡng. Nhân vật nào cũng đầy tâm trạng và gần như bức bối, căng thẳng trước tình huống đang lâm vào. Người đọc chẳng biết được cái gì sẽ tiếp theo. Chẳng hạn ông lão sợ hãi khi thấy kẻ móc túi, nhưng cuối cùng ông đã vượt qua nỗi sợ để can thiệp. Rồi cái anh Mô tử tế, hóa ra là gã lưu manh có số má, giỏi tiếng Anh, chuyên đú với Tây, chăn cô gái nhà lành để kiếm đô bằng cách lừa tình công phu ( Gái quê).  Anh chàng Nhân, mới đi làm cho công ti nước ngoài mà đã thành công mĩ mãn ngay trong thương vụ đầu tiên, nhưng lại đùng đùng xin thôi việc làm cho cả tay Mark người nước ngoài lẫn nhiều người không hiểu nổi ( Cạnh tranh).
Hoặc có thể biết được nhưng vẫn không khỏi ngạc nhiên. Chẳng hạn hai người trong khách sạn:
Tôi ngẩn ngơ ngồi, ngẩn ngơ nghĩ, ngẩn ngơ nhìn.
Tú thản nhiên ngồi, thản nhiên vén váy, thản nhiên vo vo tất chân, thản nhiên ngửa cổ rũ tóc, thản nhiên giục tôi.” ( Tình cho không biếu không).
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho thấy hai tâm trạng, hai con người, một lơ ngơ, một trải đời, sành sỏi.
Hay đối với Tân, một cô gái  nhạy cảm, ánh mắt của anh chàng Hải có biệt danh là Habeo luôn luôn thiêu đốt cô ( Ánh mắt). Nhưng không chỉ có một ánh mắt ấy. Còn có ánh mắt “lóe lên sự khinh bỉ và căm hờn” của Hải khiến Hùng phải chờn chợn, và những “ánh mắt khinh bỉ” của lũ thuộc hạ ném  về phía thủ lĩnh Hùng  bị Hải bất ngờ cho đo ván.
Dẫn dắt người đọc bằng những tình huống bất ngờ, đột ngột, không đoán trước. Mặt khác, tác giả còn dẫn dắt bằng lối tự sự khách quan, linh hoạt, bằng ngôn ngữ của người kể chuyện vừa nghiêm trang,  lọc lõi, vừa đượm vẻ hài hước, đôi khi  thâm trầm, kìm nén... Giọng điệu trần thuật khá lôi cuốn cũng là một ưu điểm đáng kể. Bên cạnh đó, khả năng miêu tả  là một mặt nổi trội của tác giả.
Mỗi vị thầy giáo của “khóa viết văn cấp tốc” là một chân dung độc đáo về các dị nhân được miêu tả với những nét phúng dụ, trào lộng tưng tửng. Tất nhiên những ông thầy ấy sẽ làm cho những anh trò của mình hoắng lên, làm những hành động dở dở, điên điên nhưng cứ tưởng thế mới xứng đáng là văn sĩ ( Hão). Còn đây là một đoạn đặc tả trong quán karaoke:
Sếp Cấn cả hứng ôm các em ra mà nhảy, mà kéo, mà xếch xác, trông chả khác gì mèo tha chuột. Sếp cứ ghé sát, ghì riết, hít hà, bàn tay du lịch lên lên xuống xuống như thang máy trên lườn trên ngực của cô tiếp viên. Nói tóm lại sếp chỉ thay đổi từ kiểu ôm ngồi sang kiểu ôm đứng. Sau một hồi cọ sát theo phương thẳng đứng, sóng tình đã dậy, sếp không kiềm chế được nữa, bèn chuyển sang thế nằm ngang. Tiện bàn ăn, sếp đè ngấu đè nghiến cô cave lên bàn tênh hênh, hêu hếu như con lợn cạo mà hì hục “móc lốp” hành sự. Những son môi, những da thịt, những váy áo, những tóc tai, những rau sống, những Uýt-ki, những tương ớt, những bơ thừa, sữa cặn lộn lèo trong cơn nứng tình của sếp. Em cave chưa đầy tuổi con gái sếp bị kĩ nghệ “siêu hiện sinh” của sếp tác động vào các vùng đặc biệt nhạy cảm không nhịn được, cười ré lên như lựn bị chọc tiết” ( Cạnh tranh).
Nhìn chung, tác giả tỏ ra kiệm lời khi miêu tả. Các nhân vật được đặc tả bằng đôi nét, thể hiện bằng  một hai câu vần vèo, khái quát, gây ngay ấn tượng. Chẳng hạn, văn sĩ Tỉnh “ ho ra thơ, thở ra văn”. Cô thủ thư điệu đàng thì “ mắt rang lạc, miệng chích chòe”, người đẹp Thị Thành “ Đùi dài, da trắng, tóc tém, môi cong, mặt nữ hoàng, chân xăng đan, quần ống vẩy và bộ ngực thần sầu”..., những đồng nghiệp công sở của Tỉnh “ tối ngày chỉ biết cắm mặt vào vi tính, tay loằng ngoằng như dây thép. Da tai tái như bị cắt tiết. Mặt bợt bạt như người cõi âm. Giọng nhờ nhợ như nước đánh phèn”...Bản thân Tỉnh thì “thân bại danh liệt rồi, tiền hết tình tan, đời tàn, trông chả khác gì lão nông tri điền”.
Tác giả không ngại đem những từ ngữ dân dã, còn tươi ròng như vừa chộp được ngoài đời để làm cho ngôn ngữ trần thuật biến hóa, linh hoạt. Chẳng hạn một nhân vật cave nói ngọng : “Ôi nại quê nữa, rõ ếch ngồi đáy giếng, anh cớ thử vào ô tel nãng tử  xem nào, cứ là Ô mê ny tuyệt cú mèo nuôn, bằng mấy cái xó buồng ở thuê của anh em mình chứ nị, sạch như nau như ni, mát rời rợi hơn quạt Tàu nhá”. ( Tình cho không biếu không).
Cuộc trò chuyện của đám “ có đầu, có đuôi không có  khúc gữa” ( đầu trộm đuôi cướp) trong Gái quê :
-         Này, thằng A Ka dính rồi?
-         Cho chết con mẹ nó đi, ai bảo tinh tướng, cậy tiếng Anh dài cứ đú với Tây lắm vào.
-         Mày cứ láo sau lưng, nó cứu khối thằng đấy.
...
-         Tình hình thế nào rồi chúng mày?
-         Móm móm nặng rồi, chuyến này đi bằng đít rồi con ạ, tha hồ ngồi bóc lịch vạn niên.
-         Có cửa nào gồng cho nó ra không, tao vừa lĩnh “đạn dược” thoải mái.
-         Quên sầu đau đi em ạ, vụ này dính đến ngoại quốc bỏ qua quận lên thành phố rồi, có mà giời cứu!
Những hiểu biết về tuổi trẻ, về giới kinh doanh, về công ti nước ngoài và vốn sống tích lũy gián tiếp qua sách vở, cộng với một ý thức về nghề nghiệp sau khi học xong khóa VI trường viết văn Nguyễn Du đã giúp Vinh Huỳnh trình làng một tập truyện ngắn chững chạc, có giọng điệu và ấn tượng. Tất nhiên có thể tìm ra một vài nhược điểm, nhưng tôi không muốn làm điều này. Tôi chỉ muốn tin rằng với những gì đã có, từ Người xa lạ đến Đồng đẳng nếu không gặp sự cố trục trặc, bất ngờ; Vinh Huỳnh có thể đi xa,  đi rất  xa.                   
                                                     Cuối tháng 12 năm 2012
                      Hoàn thiện tại Nhà sáng tác Nha Trang, tháng 3 năm 2013

Đã in trên TÂN VĂN số 3/2013



4 nhận xét:

  1. Bác thay đổi ảnh trông đẹp lão lắm.

    Trả lờiXóa
  2. Cái ảnh này mặt "cũ" lắm rồi ông Đang ạ.
    Nó là ảnh trên FB của tôi, bác thấy mới nên đẹp lão thế đấy!
    VNNB

    Trả lờiXóa
  3. Chưa được đọc truyện, nhưng người bình quá hấp dẫn. Ước gì có ngay truyện để đọc. Rất cám ơn trang chủ đã giới thiệu

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn bạn!
    Nếu bạn ở Hà Nội, có thể đến nhà tôi mượn đọc dễ dàng.
    Chủ trang

    Trả lờiXóa