Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

GIẾNG TRÈM






GIẾNG TRÈM
(Tản văn)
ĐƯỜNG VĂN

          Khác với nhiều làng quê Việt Nam, làng Trèm mình không có truyền thống về giếng thơi (khơi). Vì lẽ đơn giản, từ khởi thuỷ đến nay, vị trí địa lý tự nhiên của làng vẫn nằm giữa hai dòng sông: một lớn (Hồng), một nhỏ (Nhuệ). Đôi sông Mẹ - Con thừa cấp nước sinh sống, ăn làm quanh năm. Bởi vậy, dân Trèm xưa nay quen ăn uống bằng nước sông đánh phèn, tắm giặt bằng nước ao làng vừa trong vừa mát. Đi khắp làng xã, đố khách du tìm thấy đâu một cái giếng cổ xây bằng gạch gan gà rêu xanh, bám quanh thành, hun hút đáy sâu làn nước lóng lánh ánh mắt trai gái làng tình tự, như giếng các làng Tây Tựu (Đăm), Giàn, Cáo (Xuân Đỉnh) hay Noi (Cổ Nhuế), những làng quê láng giềng cùng huyện Từ Liêm, quận Tây Hồ, nhưng nằm cách xa 2 dòng sông ấy.
          Phong trào đào giếng ở Trèm quê chỉ mới rộ lên vào đầu những năm 60 thế kỷ trước cùng với phong trào hợp tác hóa nông thôn. Phát triển rất rầm rộ, đều khắp. Giỡ điếm lấy gạch xếp giếng. Xóm tôi đã từng làm thế. Và tất cả các xóm khác trong xã cũng đều làm thế. Giếng Đại Đồng đào trên đất vườn mượn nhà cụ Đương. Đào sâu đến 7 – 8 m thì gặp mạch. Nhưng không to lắm. Xếp gạch nghiêng chung quanh thành từng vòng từ đáy lên đến miệng. Xây thành, xây sân giếng. Bắc cần vọt kéo nước lên. Vui nhất là cánh thanh, thiếu niên. Sáng sáng, trưa trưa, chiều chiều, cả đến tối khuya, vẫn nghe tiếng kéo, đổ nước ào ào. Tiếng cười nói râm ran ngoài giếng. Bài hát (hình như của Lê Lôi hay Nguyễn Văn Tý?):
          Đôi tay em kéo lên gầu nước trong/Đáy giếng như gương, soi hình bóng em!
có lẽ ra đời trong thời gian này? Trai gái làng mượn chỗ tình tự khuya bên bờ giếng cũng là một nét đẹp văn hóa làng Việt thưở mới phát động phong trào làm ăn tập thể. Hầu như xóm nào cũng có giếng chung của mình: Giếng Đình, giếng Bạc Hà, giếng Tắt Sen, giếng Đông Trung, giếng Đông Trù, Cổng Ngỗng, Ngõ Đồng… Xóm Ngõ Đồng, dù kề ngay chân đê, vẫn đào giếng, chạm ngay cái mạch lớn. Mùa hè, nước tràn chạt cả lên mặt giếng, thành giếng, trong vắt, mát lạnh. Nhưng hơn hai chục năm nay, giếng đã bị lấp bằng. Tiếc ơi là tiếc! Xóm Dốc Bạc cũng gần sông, nhưng đào 2 cái giếng cạnh ao Đình lúc nào cũng ăm ắp nước, nên mạch sông chưa gặp, đã thấy mạch ngang, mạch ao đùn vào ầm ầm. Nước trong xanh nhưng hơi tanh mùi bùn. Mấy xóm ven sông khác (Tân Lập, Tắt Sen, Ô Tô) không đào giếng mà vẫn cứ dùng nước sông như xưa. Cảnh thường gặp bên bàn giặt - sân giếng: Những cánh tay trai cuồn cuộn bên cạnh những cánh tay gái thon thon, trắng muôn muốt chà mạnh bàn chải ngầu bọt xà phòng trắng lôm lốp lên mặt quân áo dán vào gạch giếng, ngay cạnh một bà xồn xồn đang nhanh tay vo gạo, một ông trung tuổi đang sải kéo lên gầu nước trong. Chuyện trò râm ran, cười đùa trêu chọc, hò hẹn ỡm ờ… cũng đã trở thành cảnh sinh hoạt thôn làng rất bình thường, bình yên sau buổi làm đồng nặng nhọc. Có đôi trai gái chia tay nhau với lời hẹn nhỏ, tha thiết: - Sau bản tin đêm, bên bờ giếng, góc cây nhãn khuất ấy, đừng sai hẹn đấy! Cô gái khẽ gật, quẩy nước về thẳng, vờ không hề ngoái đầu lại trước cái nhìn đắm đuối của gã trai cùng xóm. Bọn lau nhau chúng tôi hồi đó tò mò, thấy chết cười, vừa thích vừa không thích, khi tình cờ nghe lỏm được những cuộc hẹn hò bí mật kiểu ấy.

          Cứ như thế tới sau giải phóng miền Nam, dân Trèm vui niềm vui đại thắng, thống nhất đất nước, không thỏa mãn với những cái giếng chung của xóm, ngõ nữa. Nhiều gia đình bắt đầu khởi công đào giếng riêng của mình. Trong ngõ tôi, khởi sự là nhà cụ Bình, tiếp theo là nhà anh Công, nhà chú Lâm, cụ Ao, ông Vĩnh… gần cuối cùng mới tới nhà tôi. Giếng khơi nhà tôi được khởi công và hoàn thành vào năm 1978. Vị trí giếng sát bờ rào nhà cụ Đương (với nhã ý để nhà bên ấy cùng dùng), đầu bể nước (xây năm 1992, còn sử sụng đến ngày nay). Tôi, khi ấy đang là thầy giáo cấp 2, dạy trên Thượng Cát. Chiều chiều cùng tham gia đào giếng với hai chú em Ba, Tư. Cụ ông đã già yếu, chỉ nhúc nhắc chút ít chân tay còn chủ yếu làm công tác chỉ đạo. Mỗi ngày đào một ít. Đến khoảng gần 8m thì gặp mạch dọc phun mạnh lên. Đành dừng lại, đặt cống. Chiếc cống bê tông của bà dì cho. Tiếp đó, nhờ ông Vĩnh láng giềng xếp gạch vòng quanh lên tới mặt đất. Anh em tôi thay nhau thòng dây, thả gạch xuống. Một mình ông Vĩnh ngồi kỳ cạch xếp, nắn, gõ. Thỉnh thoảng ông lại ngước lên dặn: - Cẩn thận đấy, lỡ gạch rơi vào đầu chú! May phúc, trong suốt quá trình thi công không xảy ra tai nạn nào. Xây thành bao quanh, lát sân giếng, dựng nhà tắm nhỏ, xây bàn giặt xi măng…Mất đâu độ 2 tuần thì mọi việc hoàn tất. Mượn lực cần vọt, từ từ kéo lên những gầu nước giếng trong veo, mát rượi từ chiếc thùng kéo bằng cao su, đổ vào chậu rửa mặt buổi sớm mai, ông bố nông dân yêu thơ của tôi đã cảm tác, ngân nga 4 câu lục bát xúc động, bồi hồi, thỏa nguyện:
Bao năm tắm nước ao tù,
Vất vả bốn mùa, nước vẫn tanh hôi!
Bây giờ tắm nước giếng khơi,
Sạch, trong, mát, ấm, cho tôi thỏa lòng.
          Kế đó, cụ hào hứng dùng chổi nhúng vôi trắng viết  4 dòng chữ lớn lên ngay mặt bức tường hồi cạnh giếng, lại dùng bút chì đen chép lần nữa lên tường trước cửa buồng cùng bài thơ và bức vẽ minh họa cây hồng ta mới bói lứa quả đầu. Bài thơ mừng giếng này, hầu như cả nhà, từ anh em đến con cái chúng tôi đều thuộc lòng cho tới bây giờ như một kỷ niệm ấm ngọt về tình cảm gia đình, về ông bố máu nghệ sỹ, về cái giếng khơi một thủa, một thời.
          Từ ấy, vĩnh viễn chấm dứt cái cảnh ngày ngày 2, 3 lần, tôi phải còng lưng, è vai gánh hàng chục gánh nước ao, nước sông về để cả nhà rửa ráy, tắm giặt, hoặc đổ bể. Chấm dứt cảnh phải đi gánh nước giếng, tắm giặt nhờ tứ lân hàng xóm. Như thế gần hai chục năm. Dần dần, giếng có mạch ngang xuất hiện, nước trên sân (bị rạn), đọng trên rãnh, vườn bắt đầu rỉ rích, ngấm xuống, hòa với nước giếng. Nước trở nên đục và có mùi. Lại dở nữa là mùa nước lên, nước dâng theo mực nước sông, nhiều hôm tràn qua thành giếng, chảy khắp sân ẩm ướt, ăn chân rất ngứa ngáy, khó chịu… Đã đến lúc có điều kiện thay đổi, sử dụng nguồn nước sạch khác. Cuối những năm 90 thế kỷ trước, làng Trèm bắt đầu xới lên phong trào lấp giếng khơi, khoan giếng khoan cùng xây dựng khu phụ hiện đại (toalet: xí xổm hay xí bệt, nhà tắm, lắp bình nóng lạnh, vòi hoa sen inốc sáng choang, lavabô …). Dù biết rõ, đó là thuận quy luật cuộc sống nông thôn Việt Nam đi lên, nhưng sao mấy ngày chở đất, cát lấp giếng đầu hồi, đành ngậm ngùi chôn luôn cả con cá rô cụ tôi thả vài năm trước, lấp cả chiếc cống bê tông của bà dì, chôn cả những vòng gạch bao tự đóng. Khi lòng giếng đã thành mặt đất bằng, tôi trồng vào chỗ đó một cây chanh. Hai năm sau, chanh đã ra hoa, đậu quả mà tôi vẫn chưa hết nao nao buồn, tiếc! Dòng chữ số 7/78 do chính tay tôi khắc đậm lên trụ giếng, hóa thành kỷ niệm hằn sâu trong ký ức dĩ vãng của mình thôi.
          Dạo ấy, hầu hết giếng chung của các xóm, ngõ, thảy đều bỏ hoang hoặc lấp bằng. Cả làng chuyển sang dùng nước giếng khoan. Mới đầu lắp bơm tay, sau giếng khoan sâu, lắp bơm máy công suất lớn, có thể hút nước từ độ sâu 20 – 30m, đẩy lên tới tầng 5 – 6 những tòa nhà cao mới xây. Đến cuối những năm 10 thế kỷ 21, hầu hết các gia đình trong làng đều song song sử dụng nước máy, ống, vòi nhựa tổng hợp cao cấp bắc tới tận từng hộ gia đình và nước giếng khoan. Thật là hiện đại và tiện lợi. Khoảng cách giữa làng thôn - phố thị đã được thu ngắn đáng kể nhờ kết quả của phong trào xây dựng nông thôn văn hóa, làng văn hóa.
          Nhưng cũng bởi thế, dĩ nhiên, kỷ niệm giếng Trèm, với riêng tôi, và có lẽ không chỉ với tôi, chỉ còn lại trong mấy câu lục bát của người cha đã khuất núi từ lâu, trong câu hát mượt mà Đôi tay em kéo lên gầu nước trong, qua tiếng sáo trúc véo von, lập bập của ông Hoàn mỗi khi cao hứng, và trong ánh mắt thăm thẳm như muốn nói, muốn hẹn rất nhiều mà chưa dám nói của người bạn gái láng giềng thủa ấy, bây giờ hẳn đã thành một lão bà không biết trôi dạt nơi nao?
          Giếng làng! Giếng Trèm một thời để nhớ, một thủa để thương, một đi, không bao giờ trở lại! Giếng Trèm, cùng với ao Trèm, sông Trèm… mãi mãi trở thành những mảnh hồn Thụy Phương! Những mảnh tình quê!

Đông – xuân Nhâm Thìn - Quý Tỵ
(11 – 2012 – 4 – 2013).
ĐV 

6 nhận xét:

  1. Một bài viết xúc động và ân tình!
    Cám ơn Đường Văn!
    Chủ trang
    VNNB

    Trả lờiXóa
  2. Một bài viết hay, thắm đượm tình quê. Hình ảnh chầm chậm hiện về trong câu đùa, câu hát quanh giếng xưa.
    Cảm ơn Bác Đương Văn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn ông bạn cao tuổi đã ghé trang và chia sẻ!
      Chủ trang VNNB

      Xóa
  3. TNX đã ghé và đọc bác Nho nhé. TNX đang học tập cách viết tản văn nên chắc đọc bài này dài dài

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn đã đọc!
      Bác Nho ghé trang TNX thấy cứ chạy tít mù. Hơi khó theo dõi!
      Chủ trang VNNB

      Xóa