Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

ĐƯỜNG TRÈM



               Đường Văn ( ảnh VN)


ĐƯỜNG TRÈM
(Tản văn)
ĐƯỜNG VĂN
Giếng Thụy Phương vừa trong vừa mát,
Đường làng Trèm lắm cát, dễ đi!

          Tôi chắc đây là một trong những môtip khá phổ biến của ca dao cổ truyền Việt Nam về quê hương, đất nước. Cấu trúc thơ dân gian kiểu: Giếng X vừa trong vừa mát/ Đường X lắm cát, dễ đi! có thể thay X bằng địa danh bất cứ làng quê Việt nào từ Bắc chí Nam, đều không sợ sai, nhưng cũng không hoàn toàn chuẩn, chỉnh. Như làng Trèm quê tôi chẳng hạn. Câu đầu, tạm coi là được; nhưng lại chưa tả rõ nét riêng, đặc sắc riêng của giếng làng Trèm so với giếng các làng khác như thế nào? Còn câu thứ hai thì sai một nửa! Bởi đường làng tôi xưa nay chưa bao giờ lắm cát, chưa bao giờ là đường cát, mặc dù bây giờ cũng đã rất… dễ đi! Nhưng nếu ai đó, kể cả dân Trèm, mỗi lần đọc và thưởng thức 2 câu ca dao ngợi ca quê hương ấy, đều lâng lâng, dễ chịu, ngọt tai, mà hầu như chẳng thấy gì gợn, cộm, chưa ổn?! Có lẽ đó là xuất phát từ tấm tình yêu quê làng 1 cách tự nhiên trong mỗi người Việt chăng? Hay là tâm lý thích khen, tự khen của hầu hết mọi người chúng ta?
          Đường làng Trèm hiện nay so với 50 – 60 năm trước quả là một trời một vực. Ngày tôi học tiểu học, cuối những năm 50, đầu 60 thế kỷ trước, không kể đường xóm, đường làng mà ngay cả đường quốc lộ, đường cái quan chạy qua địa phận làng tôi (từ nội thành Hà Nội, từ cột Đồng hồ, Yên Phụ  qua Nghi Tàm, Nhật Tân, Xù, Gạ rồi Vẽ, Trèm, ngược lên Kẻ, Giày, Phùng, tỉnh Đoài; nay gọi là đường An Dương Vương) cũng chỉ là những con đường hẹp, lổn nhổn đá răm xám xịt. Mỗi ngày cuốc bộ 2 lần từ nhà tới trường Đông Ngạc, làng dưới không chỉ mỏi mà còn rát cả bàn chân. Đoạn đường 69, xưa gọi là đường Cái Dinh, nối từ dốc Ô Tô, đường đê sông Hồng, xuyên giữa hai cánh đồng Trèm, Vẽ, vào Cổ Nhuế (Noi) thông ra tới Cầu Giấy cũng vậy.
          Trục đường chính của làng, cả rãnh, rộng khoảng 2, 5m. Phần lát gạch đỏ già, nhẵn thín khoảng 1, 2m nối từ Dốc Đá tới cổng xóm Đông Chi. Từ đó ra tới cổng Chùa là đường đất. Những con đường xếp gạch nghiêng khác nhỏ hơn (chỉ khoảng 80 – 90cm, như các đường thôn Đông Sen, Đại Đồng ngày nay), nhiều đoạn vòng vèo, đi xe đạp rất sợ va vào người khác hay trẻ con bất thình lình nhô ra chỗ ngoặt. Gạch lát đường này chủ yếu là số gạch nộp cheo của các chàng rể ngoài làng. Nghe ông, bố tôi kể thì biết vậy, chứ bản thân chưa được mục sở thị một lần chuyện này! Còn lại, các đường xóm, ngõ đều rất nhỏ hẹp, hoàn toàn là đường đất, hai bên um tùm những bụi tre kẽo kẹt vặn mình vào những đêm hè, đêm thu trở gió nghe như tiếng ma đưa võng ru con. Trẻ em dưới 15 tuổi, cứ đêm xuống, rất sợ đi qua đoạn đường nhà cụ Cửu Thuần, cụ Lý Quát, cụ Tâm Bông, qua điếm đại Ngõ Đồng vì nhiều ma lắm! Một bên, tường xám, nhọn hoắt mảnh chai cao nghệu, bên kia, bụi tre gà gật, tối um um. Cây đại cổ thụ thân, cành lừng lững, nghều ngào như lão quái hay dọa trẻ con đang vẫy tai chờ. Vắng ngơ vắng ngắt. Rảo chân cho mau qua. Tiếng ống quần chạm nhau loạt xoạt, tiếng chó sủa bất thần rộ lên. Nhiều bận sợ đến rúm người, chỉ chực chạy mà sao chân cứ ríu lại! Lẩy bà lẩy bẩy, hay lây và thực buồn cười cái bệnh sợ ma hồi thơ dại. Nhưng vào những đêm trăng sáng, lũ trẻ con chúng tôi vẫn rất thích chơi nhiều trò quê trên đường làng: chồng nụ, chồng hoa, ngựa bình khấu, bình toong, trốn tìm, đuổi bắt, bắn nhau (trận giả)…Tiếng chân trẻ chạy rình rịch, tiếng chíu, bụp, giả tiếng súng, lựu đạn, tiếng cười nô, vang cả một đoạn đường. Có khi mải chớn mắt, đâm sầm vào cả người lớn. Thế mà vừa nghe câu mắng chưa dứt đã chạy vút đi rồi! Bao nhiêu năm làng chưa có lưới điện về. Đêm buông. Cả làng chìm trong màu đen âm u, ngầm ngập. Những con đường làng mờ mờ, hun hút. Ai có việc cần đi sang xóm khác, làng khác cũng ngại. Nhiều lần cầm theo ngọn đèn hoa kỳ khêu to cũng chỉ rọi ánh sáng vàng đục được 1 quãng đường ngắn. Sau này các đội thanh niên, dân quân, du kích được trang bị đèn pin Trung Quốc bấm loe lóe hai bên đường, dọc đường tuần đêm, đã cảm thấy oai vệ, kiêu hãnh lắm! Mùa mưa thì bực mình và khốn khổ vì đường lầy lội, bẩn thỉu, nước bẩn ăn chân, ngứa ngáy. Cái cảnh cứ đi một đoạn lại gặp những đống phân trâu bò, phân chó phóng uế bừa bãi, chẳng biết tránh đằng nào! Nhưng ngày mùa phơi rơm, phơi thóc thì đường làng phủ kín, lồng phồng rơm, rạ, thơm mức mùi gặt hái, ấm no. Chơi trò vật nhau mà xới dàn ngay trên mặt đường, bất cứ chỗ nào, tha hồ ôm nhau, ghì nhau, quật nhau ngã oành oạch xuống mặt rơm cũng chẳng thấy đau tí nào. Hít một hơi dài thơm mùi rơm rạ lấy sức, cố vùng lên chiến thắng keo này!

          Nhưng những cảnh ấy, dần dần biến mất khi phong trào điện khí hóa, xây dựng nông thôn văn hóa lan tới làng tôi. Kết quả của sự phát triển, đổi mới bao giờ cũng có tính 2 mặt. Một mặt, điện về, không chỉ cải thiện toàn diện và sâu sắc lối sống, sinh hoạt thôn làng mà ánh sáng chan hòa đêm đêm của điện bóng tròn hay đèn cao áp huỳnh quang khiến bộ mặt của làng Trèm ban đêm sáng sủa hẳn ra, khoa học, văn minh hẳn lên. Nhấp nháy, lấp lánh, véo von, sập sình tiếng băng, đĩa, tiếng ca nhạc trên đài, ti vi, quán caraôkê mở muộn …Những con đường liên thôn, liên huyện, liên tỉnh (đường An Dương Vương và 69)  được mở rộng hàng mét, đổ đá, cát nâng cao hàng hơn nửa mét, lát nhựa ápfan phẳng lì, mềm mượt như dải lụa loang loáng dưới ánh trăng. Lần lượt, trước sau, cho đến nay, tất cả các con đường làng, đường xóm, đường ngõ quê tôi đều được mở rộng, lấp rãnh cũ, đổ bê tông chắc, phẳng, xây hệ thống cống thoát nước giữa tim đường, cách một đoạn, lại có hố ga đậy nắp. Đường Trèm hiện đại hẳn lên, sạch đẹp hơn trước nhiều lần. Chỉ tiếc một điều nho nhỏ là đường mới đổ tràn, đổ dày, đè lên mặt đường cũ, chôn luôn vĩnh viễn những dải đường gạch nghiêng đỏ au, phẳng lì từng gắn bó với cả ngàn bàn chân dân Trèm đi lại bao năm. Thôi cũng đành! được cái nọ, ắt không tránh khỏi mất cái kia vậy! Có cái gì toàn bích đâu! Nhớ xưa, đoạn đường từ Cổng Chùa qua nghĩa trang nối với đường 69, hay đường từ Cổng Ngỗng  ra chợ Vẽ, Ủy Ban…chỉ là bờ mương, bờ ruộng ngoằn ngoèo, lồi lõm. Người già đi qua, chỉ sợ ngã xuống ruộng… thì bây giờ cũng đã được nâng cấp cao ráo, rộng rãi, khang trang, thẳng thớm. Qua thật là đường Trèm ngày nay than thán khắp làng, quanh làng, phẳng phiu, ổn định và tiện dụng. Nhưng nó lại tạo điều kiện cho những chiếc xe máy do thanh niên cầm lái phóng vù vù, phanh đột ngột, lao từ trong ngõ, rẽ ngoặt đột ngột… nhiều khi rất nguy hiểm! Đường thoáng, vẫn nhiều lúc và thường xuyên trong ngày ùn tắc vì nạn chợ cóc, hầ u như xóm nào cũng mọc ra một, hai chỗ để phục vụ tức thời, tận răng bà con mình lâu nay đã rủng rỉnh hầu bao. Vấn nạn này đang được các ban, ngành hữu quan của xã, thôn quyết liệt giải quyết. Nhưng xem ra, không dễ một sớm một chiều dứt điểm vì thới quen và sức ỳ của cả người bán lẫn người mua. Vả chăng, khách quan mà nói, chợ mới Thụy Phương, tuy khánh đã lâu nhưng vẫn chưa đủ sức thu hút, mời gọi nhiều chủ nhân lâu dài của nó vì nhiều lẽ…
          Dù sao, đi trên những con đường Trèm hôm nay, dù nhẩn nha dạo bộ hay chầm chậm trên yên xe đạp điện hay xe máy, dưới ánh mặt trời, mặt trăng hay ánh đèn cao áp dìu dịu, dân Trèm chúng tôi, về cơ bản, cũng đã thấy hài lòng, hả lòng, thơ thới, ung dung, khác trước, hơn xưa nhiều, rất nhiều!...
Chiều muộn 19 – 4 – 2013. ĐV.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét