Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Tân Văn số 3 và Truyện ngắn của DILI







Thưa các bạn !

Tân Văn số 3 ra mắt bạn đọc ngày 25 tháng 4 năm 2013 có 14 truỵên ngắn đặc sắc của các nhà văn: Thủy Hướng Dương , Nguyễn Hiếu , Di Li , Phan Trang Hy, Nguyễn Đắc Như, Dương Duy Ngữ, Lương Quốc Minh,Trần Hữu Tòng, chùm truyện mini của Trần Quốc Minh và truyện Ngũ Hương viết về thân phận mỹ nữ , thái giám của nhà văn lão thành Quan Nam Trường Định.

Tân Văn số 3 có thơ của Nguyễn Ngụy Anh, Lâm Bằng, Đinh Song Linh,
Đoàn Mạnh Phương Bùi Phương Thảo, Thanh Trắc Nguyễn Văn ...  Phạm Khắc Xạ (Hoa kỳ), Hồ Sĩ Trúc (Ucraina), Hà Thị Trực (Liên bang Nga). Nhà thơ
Bằng Việt Chủ tịch Hội đồng thơ Hội nhà văn Việt Nam gửi cho Tân Văn
chùm thơ THIỀN ông viết sau chuyến đi Mỹ dự lễ trao giải thưởng Trần
Nhân Tông ở Đại học Havard, có minh họa bằng 4 trích đoạn bức tranh
Phật hoàng Trần Nhân Tông xuống núi truyền tụng đạo pháp (bức tranh
Việt cổ này năm 2012 đã bán giá 1,8 triệu USD).

Tân Văn số 3 đăng 4 bài nghiên cứu phê bình của: Vũ Nho, Hà Quảng,
Hoàng Trung Hiếu, Lê Bá Thự, viết về Trường ca Chân Đất của Thanh
Thảo,  tập truyện ngắn Đồng Đẳng của Nguyễn Vinh Huỳnh, về Thơ Nguyễn Quang Thiều Tiếng ca lịch sử của thời đại, về Tuyển
thơ Vân Long - viên ngọc quý kết tinh cả một đời thơ. 

Tân văn 3 có bút ký: Nụ cười Hạ Long của nhà thơ tài hoa Lê Đình Cánh.
Tân văn được trình bày đẹp sang trọng trên khổ rộng 16x24cm , giá bìa 30.000 đồng. Xin giới thiệu truyện ngắn “ Thám tử tư “ in trong số này của nữ nhà văn trẻ xinh đẹp – một cây bút tài năng , tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng : Nhà văn Di Li .

Mời bạn mua Tân Văn tại các quầy sách báo, hoặc mua theo thư điện tử
bằng cách: Gửi đến banbientaptanvan@gmail.com địa chỉ của bạn + cần
mua mấy cuốn? Chúng tôi theo địa chỉ đó, chuyển Tân Văn tới. Sau
khi nhận được bạn chuyển khoản qua ngân hàng thanh toán theo giá bìa (30 nghìn đồng /1 cuốn) Nếu bạn ở nước ngoài cộng thêm cước bưu
điện. Thí dụ bạn ở Hoa Kỳ mua 1 cuốn Tân Văn hết : 30 nghìn + 180
nghìn cước bưu điện từ Việt Nam đến Hoa Kỳ = 210 nghìn đồng (tương
đương 10 USD )

Chúng tôi hạnh phúc trước sự quan tâm của các bạn tới Tân Văn. 

Chúc các bạn hạnh phúc!
Chủ biên Tân Văn : Nhà thơ Nguyễn Đăng Luận.

Truyện ngắn của DI LI

 


Nhà văn Di Li tên khai sinh Nguyễn Diệu Linh, sinh ở Hà Nội tốt nghiệp Thạc sĩ Quản lý giáo dục.

Từ 2000 đến nay, Di Li là giảng viên văn học Anh-Mỹ, văn hoá Anh - Mỹ của Trường cao đẳng Thương mại & Du lịch Hà Nội, Viết văn, và dịch thuật.

Nhà văn Di Li sáng tác chủ đạo thể loại truyện trinh thám kinh dị và hài hước.

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã xuất bản: 6 tập truyện ngắn, 1 tiểu thuyết , 1 bút ký, 1 hồi ký, 1 tản văn và dịch xuất bản 4 cuốn tiểu thuyết , 1 tập truyện ngắn.



Thám tử tư

Truyện ngắn của Di Li



Thảo hôn nhẹ lên hai má chồng và chờ đợi cái hôn đáp lại của anh trên trán. Ðã 20 năm nay họ vẫn làm thế trước khi Nhân đi làm. Chị quay trở lại phòng khách và bắt đầu công việc dọn dẹp như thường lệ. Những đám mây cuối thu như trĩu xuống, thả chút hơi lạnh buổi sớm làm Thảo vội vàng khép cửa lại. Nhưng điều này dường như càng làm cho ngôi nhà lạnh lẽo hơn, nhất là khi Thảo nhận ra rằng dấu ấn lạnh lẽo trên trán chị dường như vẫn gờn gợn. Nó không thể xua đi như khi người ta đóng cửa sổ vào một sáng mùa đông lạnh giá.

Thảo đã dọn dẹp hết năm tầng gác và đúng theo trình tự, buồng ngủ là nơi cuối cùng để kết thúc công việc. Chị vuốt phẳng chiếc ga trải giường ca rô xanh, lau chùi bàn phấn và chỉnh lại chiếc khung ảnh có hình hai vợ chồng và Gia Bảo chụp ở ảnh viện trước ngày thằng bé lên đường sang Anh du học. Lọ hồng tiểu muội được chị thay nước rồi đặt ngay ngắn trên khung cửa sổ gỗ màu trắng, có rèm cửa cũng kẻ ca rô xanh. Lúc này bàn tay dọn dẹp vô thức như một anh công nhân đứng cạnh dây chuyền sản xuất tự động chạm vào một chiếc các vi dít màu hồng đậm. Nó gây sự chú ý vì được in bằng một loại giấy có mùi hương sực nức rẻ tiền và vì cái hình người đàn ông đội mũ phớt đen nổi bật trên nền giấy óng ánh.



Chị cầm chiếc các lên và mỉm cười, trên chiếc các kỳ lạ chỉ in mỗi số điện thoại di động, địa chỉ một trang web với tên miền vanphongthamtu. Hôm đó chị đi siêu thị vào ngày nghỉ cuối tuần. Ngay khi vừa dợm bước vào cửa, một cô gái trẻ bất thần áp sát và dúi vào tay chị một chiếc các vi dít. Chị không kịp quan sát mặt mũi cô ta thế nào vì cô gái đã kịp biến mất nhanh như khi vừa xuất hiện. Thảo biết những văn phòng thám tử kiểu này, hoạt động trái phép và bí ẩn, chỉ phục vụ những khách hàng giàu có với mục đích theo dõi bạn đời, con cái và dò tìm thông tin của các đối thủ cạnh tranh trên thương trường. Khi vào trong siêu thị, chị kín đáo quan sát xem những khách hàng khác có được tiếp thị chiếc các vi dít màu hồng như thế hay không. Tuy nhiên, hầu như rất ít người có chiếc các trong tay. Ngoài chị ra, còn một ông trung niên béo ị mũi đỏ cà chua đang thờ ơ đọc tấm các, một bà sồn sồn gày gò khoác khăn choàng như đi dự tiệc cocktail, và chị nữa. Cô gái tiếp thị kia dường như cũng đã quen với nghiệp thám tử, đôi mắt nhà nghề mới chỉ liếc qua đã biết rõ khách hàng nào đang gặp vấn đề hay sao? Cô ta đã đoán biết chị đang ở trong tình trạng nào hay chỉ là tình cờ?

Lúc về, Thảo nhét chiếc các cùng với các loại hoá đơn vào ngăn kéo. Tuy ngày nào cũng nhìn thấy nó vào buổi sáng nhưng lúc này người đàn ông đội mũ đen kỳ dị như cất lời mời gọi đầy ma lực. Trang web mà chị tìm kiếm chỉ có một dòng chữ màu vàng duy nhất: “Tên miền này có thể được chủ sở hữu bán lại hoặc cho thuê.” Thảo đắn đo trước đầu mối duy nhất còn lại trên tấm các. Thảo làm y tá trong một bệnh viện, hàng ngày tiếp xúc với đủ sự chết chóc, bệnh hoạn, những tiếng rên la và ánh mắt vô vọng, nhưng trong một buổi sáng lạnh lẽo và cô độc thế này, chị hơi rùng mình vì vẻ bí mật và xa lạ của số điện thoại. Chị nhìn chiếc khung ảnh phía đầu giường. Chị và Nhân làm đám cưới chỉ sau lễ tốt nghiệp vài tháng. Mẹ chị là bạn của mẹ Nhân. Có ông thầy số nói với bà rằng nếu Nhân mà lấy được vợ tuổi Canh Tý thì sẽ sinh con quý tử và sự nghiệp sẽ cất cánh như diều gặp gió. Vậy là Thảo lấy Nhân, sau sáu tháng làm quen và những lời thuyết phục ngọt ngào của cả hai bên. Tiên đoán của ông thầy đều đúng cả.

Nhân làm tiến sỹ từ rất sớm rồi được bổ về làm Viện phó, rồi Viện trưởng năm Nhân tròn 45 tuổi. Nhân dịu dàng với vợ, trách nhiệm với con cái, đi về đúng giờ giấc và thực hiện đầy đủ bổn phận của một người chồng lý tưởng. Chị đối xử với Nhân bằng cả tình yêu thương và sự tôn thờ. Nhưng chị ngợ rằng sự lạnh lẽo của căn phòng và dấu ấn lạnh lẽo trên trán dường như không phải hôm nay mới ùa tới. Nó đã tràn đến ngay cả lúc đang thì xuân hạ ấm áp, nhưng Thảo đã gói ghém thật chặt bằng những công việc thường nhật và tình thương đối với chồng con. Hơn một lần chị mường tượng cuộc sống của chị và Nhân giống như một bữa cơm nhà hàng sang trọng dưới ánh đèn vàng ấm áp song không may món chính lại thiếu một chút gia vị, cái thứ gia vị mà người ăn biết là thiêu thiếu nhưng ngẫm mãi mà không định được là thứ gì.

Những lần công tác dài ngày, Nhân đều đặn gọi điện về nhà vào mỗi tối, giọng điệu chậm rãi, dịu dàng, thông báo tình hình bên này, hỏi han tình hình bên ấy, nhắc nhở chị giữ gìn sức khoẻ và mỗi lần đều trò chuyện đúng năm phút. Nhưng thứ chị muốn có lẽ chỉ là một câu duy nhất, với hơi thở gấp gáp mà chị có thể nghe rõ dù cách xa ngàn dặm: Anh nhớ em đến phát điên lên. Chỉ thế thôi, rồi anh có dập máy để quay lại với công việc ngập đầu ngập cổ, những bữa tiệc lu bù hay thậm chí một cô gái khác cũng được. Anh nhớ em đến phát điên lên. Chị lại mân mê chiếc các vi dít. Chẳng có lý do gì khiến chị phải nghi ngờ Nhân, nhưng hơi lạnh của căn phòng cứ toả ra, và lan ra mãi, nhất là khi những tiếng thở dài của Nhân cứ não nuột dần vào giữa đêm. Nhân như một con chiên ngoan đạo phải chịu tội trước Chúa, cứ gồng mình gánh chịu những nỗi đau đầy ải đang cuộn lên rồi buộc phải gục xuống vì quá sức chịu đựng.

Thảo ngồi chờ người đàn ông có giọng nói hơi trầm ở một quán cà phê vắng vẻ trong góc phố. Chị cứ hình dung ra anh ta đội mũ, đeo kính để che dấu đôi mắt sắc lạnh, vô cảm như của loài linh cẩu chuyên ăn đêm. Ðã quá giờ hẹn mười lăm phút. Ðúng vào lúc chị thất vọng và định quay về thì một người đàn ông cao lớn quãng chừng gần 40 đến chào chị từ phía sau. Chị hơi giật mình và có phần bực nữa. Nghĩa là người đàn ông này đã đến từ rất lâu, ngồi trong góc và lặng lẽ quan sát chị. Anh ta có khuôn mặt nam tính với chiếc cằm vuông rắn rỏi và thân thiện, đôi môi dưới xẻ nửa đầy nhục cảm, ánh mắt dịu dàng nhưng đôi lúc lộ rõ vẻ mỏi mệt. Chị giật mình khi nhận ra vẻ gì đó quen thuộc trong đôi mắt này, cái vẻ đau đớn và mỏi mệt ấy, nhưng vội xua đi tức khắc. Anh ta bình luận về thời tiết trong ngày, rồi rất khéo léo dẫn dắt đến công việc của chị, của chồng chị, các mối quan hệ bạn bè, sở thích, thu nhập, giờ giấc đi lại rồi vân vân. Anh ta không mang dáng vẻ gì của một thám tử cả, ngoài cái màn theo dõi chị lúc ban đầu. Thậm chí có lúc chị cứ ngỡ mình đang được trò chuyện với một nhà tâm lý nữa. Cuối cùng, anh ta đề cập đến vấn đề thanh toán, không cần hợp đồng, chỉ cần ký nhận, ba mươi phần trăm lúc ban đầu và bẩy mươi còn lại khi đã hoàn tất công việc. Khoản chi phí không lớn so với thu nhập của cả hai vợ chồng nhưng Thảo hơi ngập ngừng. Tuy nhiên, cái văn phòng mà anh ta dẫn về nằm tít trên gác hai của một con ngõ nhỏ, với ông đại tá già về hưu làm chị yên tâm. Ông ta bắt tay chị bằng bàn tay to xù và thô ráp.

- Chị thông cảm, chúng tôi không được khuếch trương dịch vụ vì nhà nước chưa cho phép. Nhưng cứ yên tâm, các nhân viên ở đây đều có nghiệp vụ rất vững.

Nhưng đã một tháng trôi qua, những báo cáo của anh chàng thám tử kia chẳng mang lại thông tin gì rõ rệt. Sang tháng thứ hai cũng vậy, trái lại, chị càng lo lắng hơn khi thái độ của Nhân có những thay đổi mà chị chưa bao giờ thấy. Anh bắt đầu trưng diện, đôi lúc ngơ ngẩn cười một mình, lại có khi ánh mắt buồn bã như kẻ mất hồn và lần đầu tiên, chị thấy anh nghe nhạc, bản ballad của những kẻ đang yêu. Những bản nhạc như cứa vào vết thương của chị và Thảo đã quá sức chịu đựng khi một lần vào giữa đêm, Nhân ú ớ gọi tên ai đó rồi vùng dậy, ánh mắt nhìn chị lạc lõng. Thảo lại tìm đến chỗ ông đại tá. Ông ta tỏ vẻ bất bình và áy náy thực sự.

- Chúng tôi phải rất xin lỗi chị vì chưa bao giờ xảy ra chuyện này với khách hàng. Ðây là nghiệp vụ đơn giản nhất đối với các nhân viên ở đây. Tôi xin hứa nếu trong tuần này không có kết quả sẽ cho đổi thám tử ngay lập tức?

Thám tử tư của chị trái lại cứ bình chân như vại và liên tục gọi điện hẹn gặp chị chỉ để hỏi thêm những chi tiết vụn vặn về cuộc sống của hai vợ chồng, đặc biệt là những thông tin về Nhân mà chị đã trả lời không biết bao lần. Thảo đồ rằng gã thám tử này đã có ý say mê chị nên mới bày đặt kéo dài thời gian như vậy để kiếm cớ gặp gỡ. Chị hơi phấn chấn với ý nghĩ vừa khám phá, nhưng sự thay đổi từng ngày từng giờ của Nhân vẫn như con bạch tuộc cuốn lấy từng tế bào. Thảo quyết định đi miền Nam một tuần để thăm vài người bạn, cũng là để định thần lại những gì đã xảy ra với Nhân, với chị trong suốt thời gian qua. Trước khi đi, chị không quên gọi điện cho ông đại tá cảnh báo rằng nếu sau một tuần nữa vụ điều tra của văn phòng ông ta không có kết quả, chị sẽ phải được nhận lại đầy đủ bồi hoàn như đã giao ước. Ngày trở về, Thảo đi từ một miền tràn đầy nắng tới chuỗi thời gian giá rét và lạnh lẽo. Trong nhà, không khí ấm áp dưới ánh đèn vàng dìu dịu và những thanh âm ngọt ngào của bản ballad. Thảo đã lờ mờ nhận ra hơi lạnh lan toả từ mỗi nấc thang dẫn lên phòng ngủ của vợ chồng chị. Và Thảo, như một bình ga hoá học bị bật nắp, xổ tung những ngạc nhiên, giận dữ, ngượng ngùng, kinh hoàng, uất ức, ghê sợ để nhường lại cho một thứ chân không trống rỗng.

Nhân đang ở trên tấm ga kẻ ca rô xanh nhạt và cùng trên đó… là gã thám tử.

Một tháng sau, Thảo quay trở lại căn nhà năm tầng cũ. Gã thám tử có đôi môi xẻ ra mở cửa. Chị lạnh lùng.

- Tôi về để lấy mấy thứ đồ?

Ðôi mắt gã không còn vẻ mệt mỏi như ngày đầu gặp chị, nụ cười vẫn giữ nguyên vẻ thân thiện, có phần thách thức, ít ra là chị cảm thấy thế.

- Chị cứ tự nhiên, tôi cũng chạy ra ngoài một chút.

Nhân không có nhà, đồ đạc của chị vẫn để nguyên đấy, nhưng chen vào đó là những đồ cá nhân của gã thám tử. Chị thu dọn một số giấy tờ và những thứ cần thiết cho vào một chiếc túi nhỏ, rất nhanh chóng như muốn thoát khỏi những chùm hơi lạnh đang bồn chồn giữa bốn bức tường. Chị bước vội ra ngoài mà không dám ngoái lại nhìn lần cuối. Đúng lúc ấy, chuông điện thoại để bàn reo lên từng hồi quen thuộc. Tiếng gã thám tử rè rè trong máy “Hiện giờ tôi đã đi ra ngoài. Xin để lại lời nhắn”. Thảo dừng lại giữa cầu thang. Sau tiếng píp ngắn là giọng của Nhân, dịu dàng và gấp gáp “Anh đây. Ðã sắp về đến nhà. Hôm nay nhiều việc quá. Anh nhớ em đến phát điên lên được”.

D.L

6 nhận xét:

  1. Về SG các nhà sách có bán sách này không hở anh Vũ Nho ơi!

    Trả lờiXóa
  2. Tôi không rõ lắm TTM Gốc Mai ạ. Nếu chị muốn có một cuốn, hãy gửi email cho Ban biên tập, Chủ biên Nguyễn Đăng Luận sẽ gửi sách đến tận nhà.
    Trân trọng!
    VN

    Trả lờiXóa
  3. Ở thời đại hiện nay, rất...rất nhiều người, nhiều gia đình sống trong cảnh như thế, nghĩa là ngoài nhìn vào thấy rât hạnh phúc, họ cũng tuyên bố hạnh phúc như một tuyên ngôn bất di, bất dịch, nhưng thực chất chẳng vui gì. Câu chuyện đầy tính chân thực. Cám ơn tác giả, cám ơn trang chủ

    GV

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn GV đã sẻ chia !
      Chủ trang sẽ chuyển lời chia sẻ tới nhà thơ Nguyễn Đăng Luận chủ biên TÂN VĂN!

      Xóa
  4. DiLi viết văn, liệt kê câu chuyện chậm rãi như Nguyễn Cao Củng xưa, nhưng của đời hiện tại.
    Gần đây trên văn đàn viết về 'đồng tính'.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bộ ảnh đồng tính được giải thưởng quốc tế nữa!
      Hạ viện Pháp mới thông qua luật đồng tính và cho phép các cặp đồng tính nhận con nuôi.
      Nghe nói cũng không đơn giản.
      Chúc ông bạn cao tuổi vui nha!
      VNNB

      Xóa