GIÁNG VÂN
Một số suy nghĩ về thơ
***
Nhịp điệu của thơ:
Nhịp điệu của mỗi con người -
mang dấu ấn cá tính, tâm lí, đặc điểm sinh học, phong cách sống, hết sức riêng biệt, không giống với bất cứ ai. Nhịp
điệu của nhà thơ cũng vậy. Nhìn cái cách anh ta đi đứng, nói năng, mỗi người
một vẻ. Nhưng có lẽ, phải đến khi anh ta viết, thì cái nhịp điệu trong tâm hồn
anh ta, thậm chí cả tính nết anh mới bộc lộ hết. Tuy nhiên, nhịp điệu cuả mỗi
người lại chịu sự chi phối của nhịp điệu thời đại. Tuy nhiên trong xã hội, có những
người này thế này, và người kia thế nọ.
Kẻ thì nhạy cảm với mọi thay đổi của xã hội, người lại cực kỳ di ứng
với đổi thay, họ thành ra phái
bảo hoàng và những người cách tân. Sự ảnh hưởng của thời đại lên họ có khác
nhau. Bọn cách tân, tiên phong theo kiểu a dua, sự thể hiện trước tiên là ở
hình thức. Thoạt tiên, những câu thơ bị bẻ vụn ra, xếp hình bậc thang, hoặc nối
nhau dài bất tận, mà ý tứ thì vẫn cũ mèm. Tiếp đến là kiểu tung hỏa mù, với một
vốn liếng ít ỏi cảm xúc với vài thứ triết lí vụn vặt, anh ta xáo trộn lộn tùng
phèo trong một rừng ngôn ngữ mịt mù, khiến người đọc chẳng hiểu mô tê gì nhưng
ai không dám nói là mình không hiểu, nhất là khi anh ta lại đang được giới
truyền thông lăng xê là ngọn cờ của đổi mới. Với những dạng thơ này(khá phổ
biến) đọc rất mệt. Những nhà thơ bảo hoàng rất có lí để từ chối đổi mơi khi đọc
thứ thơ này. Vậy nhịp điệu của nó thì
sao? Tôi nghĩ rằng bản chất của nó là không có nhịp điệu nào cả, nó không được
vang lên từ một tâm trạng nào, một thực thể sống nào. Bản chất, đó là những xác
chết.
Như vậy, tôi coi rằng, chỉ có những cơ thể sống mới có nhịp
điệu sống động. Một tâm hồn hoài cổ hay một tâm hồn luôn náo nức với cái mới
đều có những nhịp điệu riêng. Một nhà thơ có nhịp điệu, tiết tấu nhanh hiện đại
thường không thích những anh nhẩn nha lên bổng xuống trầm, và ngược lại. Nhưng
thực ra, họ đều có vai trò là người tạo
ra những màu sắc phong phú, nhiều cung bậc của nền văn học.
Mặc dù vậy, thì tôi, luôn luôn
đứng về phía của đổi mới, không vì nó
đúng, hoặc nó hay, không phải vì nó thuộc về tương lai. Đơn giản, dường như chỉ
khi nào, phải viết khi không thể viết, những nhịp điệu đó đã tự bật ra, vang
lên, và không thể khác. Và bởi, đó chính là tôi. Một tôi chứa đầy những nhịp
điệu như thế. Nhưng ngay cả trong tôi cũng mang những nhịp điệu khác nhau.
Chẳng hạn, đôi khi tôi viết thơ lục bát, đôi khi viết tứ tuyệt, đôi khi viết
thơ 5 chữ. Tôi viết khá nhiều thơ 5 chữ, bởi dạng này có vẻ thoải mái hơn, cảm
xúc trong trẻo, thơ thái hơn. Thứ nhịp này diễn tả một trạng thái tinh thần
khác. Hay nói khác đi, thì tôi đã đi tìm
cho nhịp điệu bên trong của tôi một hình thức tương hợp bên ngoài.
Trở lại, để nói rằng, nhịp điệu là thứ
được quyết định tự bên trong, cũng như nói rằng nội dung là cái quyết định hình
thức.
Tất nhiên, nhịp điệu chỉ là một yếu tố
trong hình thức, nhưng chắc chắn là yếu tố rất cơ bản. Những thể thơ khác
nhau như lục bát, song thất lục bát,
phú, văn tế, câu đối, ngũ ngôn, bát cú, đường luật... cái khác nhau giữa chúng
dễ nhận thấy nhất cũng là nhịp điệu. Sự phong phú của những nhịp điệu thơ cho
thấy sự phong phú của nhịp điệu của đời sống, những đời sống cá nhân, cũng như
đời sống cộng đồng. Tuy vậy, ngay cả khi trong sự ổn định nhịp điệu xã hội được
thể hiện trong nhịp điệu ổn định, nghiêm nhặt của các thể thơ, thì, với những
thi sĩ có cá tính quá mạnh mẽ, họ đã nhiếu lần phá niêm luật. Điều này ta có
thể tìm dẫn chứng trong các tác gia hàng đầu trong lịch sử văn học: Nguyễn
Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát... Sự phá niêm luật, đương nhiên tạo ra những nhịp điệu mới cho thơ.
Nhưng có lẽ, phải đến thơ tự do thì mới
là thời kỳ hưng thịnh của nhịp điệu, những nhịp điệu bên trong được thỏa sức
biểu hiện.
Tôi không có ý định nói rằng, thơ tự
do có ưu thế hơn các thể thơ khác, mà muốn nhấn mạnh cái khía cạnh: vậy là đời
sồng tinh thần xã hội đã phát triển cực kỳ phong phú, nó đòi hỏi được biểu hiện
bằng những nhịp điệu khác, những hình thức khác.
Như vậy, dòng chảy của thơ ca đến khi thơ tự do phát triển đã tỏa rộng, mở ra
những nhánh khác. Có những nhánh có thể chết yểu, có nhánh sẽ đi tiếp làm thành
bản sắc mới cho dòng sông thơ Việt. Bức tranh về thơ Việt, nhờ vậy đã trở nên
đa sắc hơn xưa.
***
Trở lại ý ban đầu nói về những
xác thơ.
Đó là những bài thơ có thể rất
nhiều chữ, rất nhiều hình dung từ, mỹ từ, rất nhiều tuyên ngôn cùng những khái
niệm, những vấn đề to tát, nhưng đọc
lại... chẳng có gì. Lại có những nhà thơ suốt cuộc đời mình cho ra không biết
bao nhiêu tập thơ, nói đến tên không ai không biết, thế nhưng hỏi rẳng anh ta
có bài thơ nào đáng nhớ thì quả là khó. Vậy cái có gì, cái để nhớ ấy ấy
là gì vậy?
Hai dạng thơ nói trên có một chút khác
nhau: dạng thứ nhất, tác giả của chúng có khá nhiều thứ: sự thông minh, phông
văn hóa đạt đến một mức độ nào đấy, kỹ thuật làm thơ điêu luyện, đọc nhiều...
Thậm chí, có cảm giác, anh ta vừa viết vừa có ý ngầm khoe "thấy tôi thông
minh chưa?"; "Liệu có sánh được với sự thông minh của tôi
không?". Tuy nhiên, điều mà anh ta có thể biết hoặc không hề biêt tới,
nhưng lại là cốt tử là linh hồn của thơ ca mà anh ta lại không có, đó chính là
những trạng thái tình cảm, tinh thần, những cảm xúc, những cơn thất vọng, sự mê
đắm, sự lên đồng... khi sáng tạo của nhà thơ. Trong khi độc giả rất tinh tường,
họ có một thứ trực giác để cảm nhận, để thích hoặc không thích, thấy hay hoặc
không hay ngay lập tức, mà người ta thường nói là" từ tâm hồn đến với tâm
hồn" (Tôi sẽ còn quay trở lại vấn đề thơ với độc giả ở đoạn sau).
Còn dạng thơ thứ hai, không thể kết luận
ngay là tác giả không có cảm xúc, mà tôi thường thấy, tác giả của chúng rất mê
đắm thơ ca, họ làm thơ đôi khi tự nhiên nhi nhiên, chuyện gì cũng khiến họ làm
thơ, họ khóc, họ cười, họ có rất nhiều ý tốt với cuộc đời ( ở đây tôi loại trừ
những loại thơ cơ hội, những nhà thơ in thơ để trang trí cho một cái gì đó của
mình ), họ làm thơ đôi khi như một cái nghiệp không dứt bỏ được. Đáng tiếc,
trời không cho họ tài năng. Họ đã không thăng hoa được những cảm xúc của mình
vào ngôn ngữ thơ ca. Họ không thể rực sáng. Cả đời họ là những gì mờ nhạt, rất
khó để có thể nhớ tới họ.
Nhưng chẳng nên buồn lòng. Bởi thế mới
nên bức tranh cuộc đời, bức tranh của nền văn học.
Đó là tôi nói về sự khác nhau, còn họ có
gì giống nhau không ư? Có đấy. Đó là sự thiếu sinh khí, thiếu một sức sống nội
tại, thiếu sự quyến rũ, thiếu một cái duyên, những thứ này lại phi vật chất,
không thể nắm bắt, không thể mã hóa, không có những chìa khóa để giải mã, chỉ
có thể cảm nhận bằng trực giác.
Sự thật là như vậy, nhưng thông thường,
giả chân lẫn lộn, người ta đôi khi phải kêu trời giữa cái chợ văn chương. Các
nhà phê bình, người có vai trò hướng dẫn, định hướng thời nay hình như lại trốn
tránh trách nhiệm. Nhưng tôi đồ rằng, có nhiều người trong bọn họ cũng chẳng
hiểu cái ma tịt gì, và cứ a dua mà tấu lên giống như trong câu chuyện về bộ
quần áo của hoàng đế vậy, còn những nhà phê bình đã bị lưu manh hóa, hoặc bị
thương mại hóa thì lại làm cái việc phê bình theo mục đich riêng của họ.
Vậy là, giống như những người cầm cân
nẩy mực ở các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng rằng,
cần phải tự bảo vệ lấy mình bằng hiểu biết, thì, nên chăng ta cũng khuyên người
yêu thơ như vậy?!
Trực cảm
Tôi cho rằng trực cảm là một năng lực bẩm sinh quí giá ở mỗi người, đặc
biệt quí giá đối với những người làm văn chương nghệ thuật, thậm chí, liên quan
đến như giảng dạy về văn chương, nghệ
thuật, đọc , thưởng thức văn chương nghệ thuật...
Trực cảm tốt là con mắt thần có thể nhìn xuyên qua mọi thứ vỏ bọc, mọi thứ
bao phủ để phát hiện ra bản chất sự vật.Với những người có khả năng đó chẳng
khác gì người đi xuyên tường trong một truyện ngắn của một nhà văn nổi
tiếng.Tôi gọi họ là những người có khả năng siêu cảm.
Tôi từng biết những người chưa từng được
học qua một trường đại học về văn chương nghệ thuật hay triết học nào, nhưng lạ
thay, họ đọc những thứ đó giống như đọc những cuốn sách được viết từ chính tâm
hồn mình.Họ hiểu thực sự,sâu sắc, và chính xác.Tất nhiên, họ phải là người trải
nghiệm cuộc đời và thường suy ngẫm về nó. Tôi cũng từng biết những người, mà họ
được đào tạo qua rất nhiều trường lớp, có rất nhiều bằng cấp, là tác giả của
hàng lô xích xông các đầu sách, họ bàn luận về mọi vấn đề, thậm chí, họ trở thành " người của công chúng" ở
mọi nơi mọi lúc, nhưng nếu hỏi ý kiến anh ta về một tác phẩm cụ thể của một tác
giả cụ thể ( chưa trải qua sự thử thách của thời gian, dư luận), thì anh ta sẽ
thoái thác trả lời bằng những lí do hết sức tế nhị.Để ý kỹ hơn, sẽ thấy hình
như anh ta,trong các tác phẩm của mình, chưa hề chạm đến tác giả và tác phẩm
đương đại.Anh ta còn làm ra vẻ, những tác giả như vậy thì chưa có gì đáng
bàn(?!)
Hiện tượng này là gì vậy?Vâng, tôi cho
rằng trực cảm đóng vai trò cốt tủy để lí giải vấn đề này.
Theo tôi,những nhà nghiên cứu, phê bình
văn học nghệ thuật, ngoài học vấn, anh rất cần đến khả năng trực cảm tốt Anh có
một ngọn đèn tri thức soi rõi, nhưng nếu trực cảm tồi, sẽ xẩy ra hiện tượng mù
màu, loạn thị.Tất nhiên, trực cảm tốt mà không có học vấn anh cũng chẳng thể
nào trở thành nhà nghiên cứu hay phê bình gì được, mà chỉ trở thành người
thưởng thức tốt thôi.Nhưng thực ra, đã
thật may mắn hạnh phúc cho nền văn học
nghệ thuật mà ở đó có nhiều người biết
thưởng thức nó.
Ở đây, nẩy sinh thêm một vấn đề là,
thế thì vai trò của trực cảm ở những người sáng tác thì sao? Có giống như ở
những nhà nghiên cứu không?
Câu trả lời khá phức tạp.
Đối với người sáng tác, trực cảm của anh
ta là để hướng vào đời sống, lắng nghe nó,xúc cảm, suy ngẫm về nó,gạn lọc,dồn
nén và thăng hoa thành ngôn ngữ. Có những người, trực cảm là chiếc ăng-ten
giương ra để nắm bắt thu nhận những chuyển động bên ngoài anh ta, sáng tác của
anh ta là sự mô tả, xúc cảm, phát hiện về cái anh thu nhận được, đương nhiên,
theo cách anh ta nhìn. Những người khác, trực cảm lại dùng để lắng nghe bản
thân, anh ta thám hiểm tận cùng bản thân mình, ánh sáng, bóng tối,cái cao quí
hướng thiện bên cạnh yếu hèn, bản năng hoang dại bên lí tính, văn minh...
Dù là cách nào đi nữa, cái được bày
tỏ,được trình làng vẫn là anh ta, bao gồm cá tính, học vấn,văn hóa, mỹ cảm,tri
thức...
Trực cảm là
một phẩm chất thiên phú.Tuy nhiên, nó rất sống động,có thể phát triển lên hoặc
thui chột đi,có thể chỉ cảm nhận được một sự vật trong tầm gần,nhưng cũng có
thể cảm nhận được những vấn đề mang tính dự báo.Điều này lại cũng tùy thuộc vào
tầm văn hóa, tri thức của người sáng
tạo.Ở những phông văn hóa khác nhau, trực cảm của anh lại hướng đến những vấn
đề, những lĩnh vực khác nhau của đời sống .Ngay trong cùng một sự kiện, một
khách thể, thì cái mà mỗi người nhìn thấy lại cực kỳ khác nhau là bởi vậyCho
nên, dù được ông trời ưu ái, nhưng nếu anh không trau dồi, thì năng lực trực
cảm trong anh cũng lụi dần, hoặc bị lệch lạc mà chính anh cũng không ngờ tới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét