CÓ
CẦN ĐỐT ĐUỐC ĐI TÌM NHÀ PHÊ BÌNH ?
Trò chuyện với Nguyễn Hoàng Sơn
nhân đọc “Văn Đàn thời sự và bình luận”
Nhà xuất bản Văn Học 2003
Cuốn Văn đàn- thời sự và bình luận của Nguyễn
Hoàng Sơn vừa được nhà xuất bản Văn học
ấn hành. Một cuốn sách hơn 500 trang bàn về nhiều vấn đề của đời sống văn
chương đương đại. Mặc dù hầu hết các bài
trong tập, tôi đã đọc ngay khi còn là bản thảo vi tính, nhưng không khỏi ngỡ
ngàng khi cầm cuốn sách dày dặn trên
tay. Đọc một mạch, sẽ viết một bài để nhận định , đánh giá về cuốn sách theo
kiểu cụ Trương Chính : dưới mắt tôi ! Nhưng trước khi viết bài, để có thể
nói có sách, mách có chứng, cũng
để bạn đọc và chính tôi hiểu rõ cuốn sách, tôi
gặp tác giả Nguyễn Hoàng Sơn làm cuộc phỏng vấn hay gọi là hỏi chuyện cho đỡ tính quan phương.
Vũ
Nho ( V.N): -Ông Sơn này! Có thể gọi
cuốn sách của ông là sách Lí luận- phê bình được không, mặc dù ngoài bìa đề là
thời sự và bình luận? Về chữ bình luận, xin nói trước rằng có người đã
từng ngụ ý chê Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa và nói rằng
người viết cố ý đề bình luận văn chương vào là để nâng giá trị cuốn
sách đấy!
Nguyễn
Hoàng Sơn ( N.H. S): - Sao lại không?
Đây không là lí luận phê bình thì còn là sách gì ? Cũng cần nói thêm rằng Hoài
Thanh rất ngại hai chữ phê bình. Nhưng tôi thì không. Tôi nghĩ cái gì dở thì phê, thì chê . Cái gì hay
thì khen, thì bình để biểu dương. Ngay cái dở cũng phải phẩm bình, phải chỉ rõ
nó dở ở chỗ nào, tại sao cho nó là dở. Tất nhiên chỉ ra cái hay khó hơn nhiều,
nhưng chỉ ra cái dở cũng là cần thiết, vì bây giờ đôi khi có chuyện loạn chuẩn,
một vài người cứ khen vống lên.
Viết lí luận, phê bình thì tất yếu phải bình luận rồi.
Tôi không nghĩ là đề thêm hai chữ bình luận vào sẽ làm sang cho cuốn sách. Nếu
anh không biết bình luận hoặc bình luận tồi thì có viết , có in chữ bình
luận với co chữ 72 thì cũng chẳng vì thế mà cuốn sách sang trọng lên.
V.N.:- Trong một
bài viết ông có nói phải đốt đuốc đi tìm nhà phê bình. Phải chăng vì quá sốt
ruột với tình trạng phê bình hắt hiu mà ông bỏ thơ cho trẻ con ( vốn là một thứ
mà ông rất sở trường và đã đạt được thành tựu được bạn đọc ghi nhận, được giải
thưởng của Hội nhà văn ) để đi làm phê bình?
N.H.S :- Làm gì có chuyện đó. Tôi vẫn viết thơ cho các em.
Tôi vẫn làm thơ cho người lớn ( Sẽ in hai tập thơ này trong năm tới ). Và tôi
viết phê bình văn học. Tất nhiên với cương vị là phóng viên văn học, tôi có thể
tổ chức, đặt bài cho các nhà văn, nhà phê bình. Tôi đã làm. Nhưng tôi muốn
ngoài cái việc đó, mình phải tham gia trực tiếp vào đời sống văn học thì hay
hơn. Sáng tác và viết phê bình, hai việc đó không hề mâu thuẫn mà còn bổ trợ cho nhau nếu khéo thu xếp. Tôi
viết phê bình vì thường xuyên tiếp xúc với các sự kiện văn học. Cũng phải nói
rằng việc Hội Nhà văn trao tặng thưởng lí luận phê bình cho cuốn sách “ Tranh
luận văn học “ của tôi cũng có phần động viên, khích lệ tôi. Nhưng nếu như
không có cái giải thưởng đó thì tôi vẫn viết. Nó là một nhu cầu của một người
cầm bút, nhất là một nhà văn làm báo như tôi.
V.N. :- Người ta bảo nói thì dễ, làm mới khó. Làm phê bình cũng có cái khó riêng của nó. Có
người làm phê bình, nhưng người ta bảo đó là bài đọc sách, điểm sách. Liệu
những bài ông viết đã phải là bài phê bình chưa, hay đó cũng chỉ là những bài “
chưa vượt qua tầm một bài đọc sách, nặng về nhấm nháp một câu, một chữ nào đó,
rất nhiều khi là vì nể nang” ?
N.H.S. :- Tôi cho
rằng điểm sách, đọc sách nếu viết công phu, nghiêm túc cũng là một cách phê
bình. Văn hay lọ phải viết dài. Một bài điểm sách , một bài đọc sách hoặc phê
bình viết hay thì tôi đánh giá cao hơn cả một bài lí luận dài , thậm chí cả cuốn lí luận tràng giang mà
viết dở. Tôi chê là chê những bài nặng về nhấm nháp, khen tặng thiếu khách
quan, nhiều khi là vì nể nang. Tôi đã từng gặp nhà văn khen nắc nỏm cuốn sách X
của chị Y trên mặt báo, nhưng khi chuyện
quanh bàn trà thì anh hùng hổ bảo : Cuốn ấy chả ra quái gì! Vứt!
Tôi cho rằng những bài viết của mình
là những bài phê bình thực sự.
V.N.: - Những bài phê bình của ông có tính lí luận hay
không ?
N.H.S : - Bất cứ một người nào, khi bình phẩm hay phê bình
một điều gì đó đều phải có một cái gu , một quan điểm, một niềm tin của mình.
Khi người ta nói lên ý kiến về một tác phẩm nghệ thuật nào đó, họ có thể không
dùng đến bất kì một khái niệm lí luận nào nhưng họ vẫn nhân danh một lí luận,
nhất là nhân danh trên kinh nghiệm nghệ thuật của họ. Không phải cứ dẫn ông ốp
hay ông ép, ông smit ra mới là lí luận. Lí luận là những vấn đề
mà người viết đã thẩm thấu, đã thành thục trong những trang viết của mình. Tôi
ưa thích những bài viết có tính lí luận mà tự nhiên, nhẹ nhõm, sâu sắc chứ
không phải là bài có những cục lí luận vón hòn chỉ có mỗi chức năng là cho người đọc biết ở đây đang
dùng lí luận.
V.N.: - Người ta đánh giá ông mạnh về tranh luận. Phẩm chất nổi bật của ông là trung thực,
thẳng thắn, thiện ý. Những bài ông tranh luận với các bậc “trưởng lão” về những vấn đề lớn lao được viết chững chạc, chặt chẽ, khiến cho các
vị đó dù khẩu chưa phục nhưng tâm phải phục. Ông có nghĩ như
vậy không ?
N.H.S. : - Việc tranh luận có khiến cho người đối thoại tâm
phục hay không đó không phải là mục đích chính của tôi. Có lẽ người ta đã nhận
xét đúng về thái độ trung thực, thẳng thắn và thiện ý. Tôi không thích tranh
cãi với người nổi tiếng để nổi tiếng. Về một phương diện nào đó thì tôi cũng có
tiếng ( tốt) rồi. Sở dĩ tôi phải tranh luận vì những bậc mà thiên hạ kính nể,
ngưỡng mộ lại có những sơ suất không đáng có. Tranh luận cũng ngại lắm. Nhưng
với tinh thần thẳng thắn, tôi không thể không nói ra. Việc đúng , sai đã có độc
giả. Nhưng nói ra được điều mình nghĩ, tôi cho là đã làm đúng bổn phận của một
người công dân, người cầm bút có trách nhiệm với bạn đọc.
V.N.: - Những bài viết của ông đã đăng trên báo Nông nghiệp Việt nam là
những bài tràn đầy tinh thần công dân và
tính chiến đấu cao. Ông đã động chạm đến những vấn đề, những nhân vật quan
trọng trong vụ án Năm Cam. Bạn đọc và cả
bạn viết rất thích. Nhưng những bài
đó hình như tính chất văn chương không
nhiều, việc liên quan đến văn đàn cũng không trực tiếp lắm. Ông nghĩ sao ?
N.H.S.: - Khi viết về Thuyết buôn vua, tôi nghĩ đến nguyên mẫu
nhân vật cho các nhà tiểu thuyết, nhà làm phim của chúng ta; tôi bàn về
khoảng cách giữa đời sống và tác phẩm nghệ thuật. Viết về các nhân vật khác, tôi cũng đứng ở góc độ
nhà văn quan sát cuộc sống với các mối quan hệ chằng chịt và phức tạp. Viết về
cái sinh phần, tôi đề cập đến thói háo danh, xa phí của cải của những
nhà thơ, nhà nghệ thuật dởm. Viết về áo dài trước Thiên An Môn, tôi muốn nói
đến sự tắc trách, thiếu lương tâm của những người có trách nhiệm quảng bá hình
ảnh dân tộc, đất nước ở nước ngoài. Bảo rằng xa thì cũng có thể là xa. Nhưng
những điều đó liên quan trực tiếp tới mỗi người Việt Nam, liên quan đến đời
sống báo chí, văn học nghệ thuật của chúng ta.
Tôi
luôn đánh giá cao những cái gì hữu ích, cũng như đã từng đánh giá cao những
câu thơ mồ hôi. Tôi sẵn sàng bỏ đi hàng chục bài phê bình tầm tầm của mình để có được một bài báo ít liên
quan đến văn đàn như vậy!
V.N.: - Ông nghĩ như thế nào về việc phê bình thơ? Hình
như là người sáng tác thì khi phê bình có cái thuận riêng, dễ được các nhà thơ
chấp nhận, nhưng dễ bị các nhà lí luận xem thường ?
N.H.S : - Tôi cho rằng phê bình văn xuôi đã khó, phê bình
thơ lại càng khó. Có người viết lí luận rất chặt chẽ, nhưng khi phê bình, nhất
là phê bình thơ thì bộc lộ ngay điểm yếu. Đúng là bản thân có sáng tác, khi phê
bình thơ cũng có cái thuận. Nhưng tôi cho rằng bài viết giàu cảm xúc, thấu tình
đạt lí thì dù người viết là ai, bạn đọc cũng đánh giá cao. Có nhiều người sáng tác không viết được phê
bình. Đúng vậy. Nhưng cái kiểu coi thường người sáng tác viết phê bình là một
lối nghĩ, lối nhìn định kiến. Tôi đã dẫn ra cả một danh sách các nhà thơ viết
phê bình thành công. Và cần phải nhấn mạnh rằng phê bình văn học không phải là
độc quyền của những ai tự coi mình là
người làm lí luận phê bình.
V.N.: - Những bài ông phê bình thơ , ông tự
đánh giá thế nào ?
N.H.S. : - Cái đó thì để cho bạn đọc và các nhà thơ. Khi tôi
viết, tôi viết hết mình về họ. Tất nhiên tôi đã nói việc thẩm bình thơ là rất
khó. Tôi rất khâm phục và biết ơn những người phê bình đã viết sâu sắc về thơ
của tôi. Bằng một tấm lòng nhiệt thành, trân trọng, tôi đã viết về thơ của các
nhà thơ khác. Cũng có người khen, có người chê, thậm chí giận tôi sau khi bài
viết được công bố. Nhưng biết làm sao. Có người bảo những bài viết của tôi ngắn
quá, không ra tấm ra món. Nhưng tôi thích ngắn mà có vị hơn là dài mà nhàn
nhạt.
V.N. : - Nguyễn Hoàng Sơn phải phê bình cuốn “Văn đàn thời
sự và bình luận” thì sẽ đánh giá ra sao nhỉ ?
N.H.S : - Tôi hài lòng với cuốn sách của mình. Còn nó được
bạn đọc tiếp nhận và đánh giá đến đâu là chuyện khác. Hoàng Minh Tường bảo rằng sau khi tôi in Tranh luận văn học, tôi có ý
thức làm phê bình hơn, cuốn này là một đợt lên sao, tăng vạch. Sương
Nguyệt Minh khen, nhất là loạt bài đăng trên tạp chí Văn Nghệ quân đội. Bích Thu đánh giá cuốn sách đề cập một cách
sắc bén đến nhiều vấn đề của văn đàn, xã hội, đọc rất lôi cuốn.. Trần Đăng Khoa thì bảo cuốn Tranh
luận văn học 6 điểm, cuốn này đáng điểm 10. Được “trạng Khoa” khen kể cũng sướng, nhưng không biết cho điểm thế có
“nới tay” quá không ?
V.N. : - Nghĩa là cuốn sách được người viết tiểu thuyết,
người viết truyện ngắn, người nghiên cứu, người làm thơ và người viết phê bình
khen ngợi. Họ là những người tinh. Chắc hẳn công chúng sẽ đón nhận Văn đàn
thời sự và bình luận một cách nồng nhiệt. Như vậy thì Nguyễn Hoàng Sơn
thành công và cũng thành luôn... một nhà phê bình văn học nữa rồi. Xin
nói rằng có lẽ quá nhấn mạnh đến tính chuyên nghiệp nên Nguyễn Hoàng Sơn bảo
phải đốt đuốc đi tìm nhà phê bình. Tôi thì quả quyết là không phải nhọc công đèn đuốc nữa. Với cái không khí sáng tác và phê bình
hiện nay, đợi dăm năm , hoặc một chục năm thôi, nhà phê bình có thành tựu hẳn
hoi sẽ là một lực lượng.
4/6/2003
Cuộc phóng vấn của nhà phê bình Vũ Nho thực hiện khéo đến mức làm người đọc muốn được đọc ngay tác phẩm
Trả lờiXóaGV
Cám ơn nhời khen. Tôi nghĩ nhiều về Phỏng vấn nên thực hành như thế. Người đọc muốn đọc sách thì như thế phỏng vấn cũng có thể coi là thành công. Xin nói thêm, cuốn sách của Nguyễn Hoàng Sơn sau được giải thưởng cao của Liên hiệp các Hội văn học và nghệ thuật toàn quốc.
Trả lờiXóaKHEN NHÀ VĂN VU NHO CHẢ KHÁC GÌ Ô KÌA BIỂN ĐÔNG NHIỀU NƯỚC.
Trả lờiXóaChào bác Y Phương!
Trả lờiXóa"Hổng dám đâu" trước lời bình của Bác!
Vũ Nho