Hạnh phúc là được sống trong lòng đồng nghiệp!
NGỌC HẠNH - QUANG LÊ
Một cô
gái có phong cách “đặc sệt” xứ Huế, từng trôi ra Bắc rồi chảy vào Nam; một phụ
nữ kiêu sa mẫu mực mà hào phóng, riêng tư mà hòa nhập, dịu dàng mà bản lĩnh và
thuyết phục… Người đó chính là nhà giáo Nguyễn Thị Kim Thanh.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Thanh có nhiều năm là chuyên viên chỉ đạo bộ môn
văn của Sở GD&ĐT TP.HCM và thường vụ Hội Nghiên cứu Giảng dạy văn học tại
TP.HCM. Hiện nay Bà đã nghỉ hưu nhưng đang làm chuyên viên tư vấn tâm lý cho
đài 1088. Đồng thời Bà đã mở ra một hướng tiếp cận mới trong việc bình những
bài thơ vừa quen vừa lạ trong vườn thơ muôn sắc của thơ Việt Nam.
Xin cho tôi được gọi bà là chị như trong cách gọi của những người cùng
trên một dòng sông quê hương ngày nào. Chị Kim Thanh hôm nay vẫn còn giữ lại
cho mình những nét Huế rất đẹp, vẫn còn chất giọng nhẹ nhàng của cô gái miền
Trung sông Hương núi Ngự. Những ai đã từng nghe cô dạy văn hay bình thơ, nói
chuyện theo chuyên đề… chắc hẳn sẽ nhớ mãi giọng nói truyền cảm, ấm áp và gần
gủi của chị. Cũng bằng lời nói “xao xuyến lòng người” và chân tình đó, chị bắt
đầu cho chúng tôi thưởng thức những đoạn phim quay chậm về quê hương, gia đình,
chiến tranh và những người bạn trên đường đời của chị. Chị Kim Thanh dịu dàng
mở đầu: “Niềm hạnh phúc của tôi là được
sống trong lòng đồng nghiệp”!
Lênh đênh tuổi thơ
Vào những năm thực dân Pháp bảo hộ triều đình Nhà Nguyễn, chị Kim Thanh
chào đời trong tiếng súng của cuộc kháng chiến chống Pháp, ngày đêm nghe tiếng
súng vang dội bên tai; đánh thức ý chí chống Pháp của những người con xứ Huế.
Chị Kim Thanh đã có một thời thơ ấu “lấp ló” thoắt ẩn thoắt hiện bên dòng Hương
thơ mộng. Mặc dù quê nội ở Hương Trà, Thừa Thiên, nhưng chị chưa có dịp theo
học trường nữ sinh áo tím Đồng Khánh – Huế.
Cô bé Thanh mới sáu tuổi đầu đã theo anh vào Cùa, Cam Lộ, Đông Hà để bế
cháu cho chị dâu.
Gia đình tản cư lên chiến khu,Ba lần Tây lên đốt nhà, gia đình ly tán… ,
ba của chị và thầy Trợ Dung, tự mở trường dạy cho con em đồng bào tản cư học.
Ba chị thường nói: “Không có tri thức không thể thắng giặc Pháp được.” Ông vừa
làm hiệu trưởng vừa dạy không có lương, mãi mấy tháng sau mới có 5kg gạo cũng
quý lắm… “Tinh thần đó ăn sâu trong tôi, chắp cánh cho tôi đến bây giờ và tôi
đã truyền lại cho con cháu sau này. Tôi và con cháu muốn làm giàu kiến thức hơn
các nhu cầu khác…” – chị Thanh nói.
Ngôi trường Trần Công Ái đã chắp cánh cho nhiều học sinh theo cách mạng…
Gia đình tự hào về nghĩa cử đẹp này! Hồi đó, chị còn bé nên không được đi học,
mãi sau này ra Bắc mới nhảy vô lớp ba luôn sau cuộc kiêm tra xếp lớp. Kháng
chiến ngày càng khốc liệt… Đến năm 1955, chị vượt tuyến ra Bắc, học ở trường
Vĩnh Linh; rồi ra sinh sống với anh trai ở tỉnh Hòa Bình, vừa đi học vừa lao
động “Ngày cắp sach đến trường, tối đèn khuya lao động”.
Hởi sông Đà, ngươi có nhớ ta
không?
Cô bé ngày xưa gánh cát bờ sông
Nay là mẹ của hai con nghệ sĩ
Dắt con đi những tháng ngày chống Mỹ
Lận đận thân cò nuôi dưỡng con thơ…
Ba mạ chị có 11 người con, 5
con trai tham gia bộ đội nên các chị em gái phải sống tự lực từ nhỏ. Ra Bắc,
chị học phổ thông rồi sư phạm và được bố trí dạy ở trường dành cho học sinh
miền Nam số 18 ở Hải Phòng. Sau đó chị tình nguyện đi thanh niên xung phong
chống Mỹ cứu nước. Mấy năm sau chị trở về và vào Đại học sư phạm Hà Nội. Tốt
nghiệp năm 1969, chị được bố trí về giảng dạy khoa kiến thức - báo chí trường
Tuyên huấn Trung ương Hà Nội cho đến ngày đất nước thống nhất.
Những điều còn đọng lại trong ký ức
Chị Kim Thanh tâm sự: “Cuộc
sống đã đổi thay, ngày càng tốt đẹp hơn, chỉ có kỷ niệm vẫn sống trong ký ức
của mỗi ngưới. Tôi còn nhớ như in từng khuôn mặt thơ ngây của các em học sinh
do tôi làm chủ nhiệm ngày ấy. Làm cô giáo, tôi đã chở biết bao chuyến đò cho
học sinh qua sông, các em thành tài rồi tỏa đi khắp mọi miền đất nước… Những kỷ
niệm về lớp 7A1 ngày tôi sơ tán về dạy ở xã Kiến Thụy, Hải Phòng là không thể
quên được”.
Năm đó, máy bay B52 của Mỹ
bắn phá ác liệt, các lớp học phải đào hầm chữ A để tránh bom. Dưới bàn học có
giao thông hào để khi có báo động khẩn cấp thì chui xuống, ra hầm chính. Lúc
ấy, để tránh bom bi, các em đi học phải đội mũ rơm. Tiếc là nhà bảo tàng không
lưu lại chiếc nón rơm này để học sinh bây giờ biết một thời lứa tuổi đi học dưới
bom đạn phải đội mũ rơm như người Mexico.
Nhà thơ Tố Hữu đã viết:
Chào các em, những đồng chí nhỏ
Mang mũ rơm đi đường dài
Chị Thanh kể: “Một buổi chiều
nọ, còi báo động vang bốn phía, máy bay địch đang hướng vào thành phố rất gần.
Chỉ ít phút sau, tiếng nổ ầm ầm. Các loại tên lửa, đạn pháo của ta và bom Mỹ
đua nhau nổ vang như một bản hòa tấu đặc biệt của chiến tranh. Thầy trò bò ra
cửa hầm, bỗng đột ngột tôi bị hất lên trời và ngất luôn. Hôm sau, khi vào thăm
tôi trong bệnh viện, các em kể lại, hôm đó, thấy cô ngất... chúng em sợ quá,
lay gọi, kêu cứu và ai cũng òa khóc! Sau đó các em để lại một bó hoa dại không
tên cùng 21 quả trứng gà do mỗi em góp một quả và cài mảnh giấy có dòng chữ: 49 học sinh lớp 7A1 mong cô chóng khỏe!”.
“Chúng nó
sâu sắc thiệt! Tình cô trò, tình người, sự quan tâm chăm lo cho nhau sao mà đẹp
thế!” – cô Thanh đã viết lại trong hồi ký của mình.
Từ sau biến cố đó, cô giáo
Thanh luôn mang trong mình một ký ức đẹp về một ngôi trường, một lớp học luôn
chất đầy tuổi thơ rất hồn nhiên, thật cảm động và đầy tình người… của thời
chống Mỹ. Khi về Nam chị mang theo kỷ niệm “bó hoa đồng nội bất tử” ấy… Suốt
đời chị luôn tâm nguyện mình phải sống xứng đáng những gì đời đã cho, phải làm
việc hết mình để đền ơn đáp nghĩa cuộc đời này!
Chị Thanh một chút ngập ngừng
rồi nói tiếp: “Quá khứ đã khép lại, tương lai mới là điều cần bàn đến nhưng có
lúc cũng phải mở ra xem lại để ngẫm nghĩ, để thấy rõ giá trị của cuộc sống ngày
nay...”.
Chuyên viên chỉ đạo môn văn
Năm 1975, cô giáo Kim Thanh
được bố trí vào Sài Gòn, dạy môn văn lớp 12 ở trường trung học phổ thông Marie
Curie và phụ trách Tổ trưởng tổ xã hội. Đến năm 1977 cô được giữ chức hiệu phó
trường THPT Hùng Vương rồi trường Trần Khai Nguyên, quận 5.
Năm 1980, cô giáo Kim Thanh
về Sở GD-ĐT tăng cường cho Phòng THCS và sau đó
Chị phụ trách luôn môn văn THPT, chỉ đạo dạy văn 2 cấp học và ra đề thi
tốt nghiệp lớp 9, tuyển vào lớp 10, tuyển học sinh giỏi văn các lớp 9,10,11,12
và bồi dưỡng đội tuyển văn dự thi toàn quốc. Cô giáo Thanh hướng dẫn chấm thi
tốt nghiệp văn lớp 12, viết sách hướng dẫn ôn tập môn văn, định hướng kiến thức
thi tốt nghiệp lớp 9 và lớp 12 và sách Bồi dưỡng học giỏi môn văn. Chị còn kiêm
nhiệm thanh tra viên, giáo dục phổ cập cấp một...
Suốt mấy chục năm trong ngành
giáo dục, dù ở cương vị nào chị luôn được đồng nghiệp quý trọng và thương yêu,
nên năm 1999 khi về hưu các bạn giáo viên đã tặng chị và một số đồng nghiệp 2
câu thơ vui:
Ngang lưng thì thắt chương trình
Đầu đội quy chế, đầy mình đề thi
“Quá khứ đã khép lại, tương lai mới là điều cần bàn đến nhưng có lúc cũng
phải mở ra xem lại để ngẫm nghĩ, để thấy rõ giá trị của cuộc sống ngày nay...”.
Sau khi trả nghiệp, chị Kim
Thanh xếp bút nghiên “tang bồng hồ thỉ nữ nhi”, chị hăm hở đi du lịch trong và
ngoài nước, thỏa ước muốn khám phá những vùng đất lạ nhằm nâng cao kiến thức
cho việc tư vấn tâm lý của chị lúc này. Thế nhưng ngay sau khi nghỉ hưu chị vẫn
được nhiều trường ngoài công lập mời dạy môn văn, thậm chí có nhiều trường mời
chị tham gia vào Ban Giám hiệu, nhưng chị đều từ chối. Tuy thế, do còn “nặng
nợ” yêu thích môn văn nên chị thi thoảng chỉ dạy chuyên đề, ôn thi cho vài
trường đại học...
Đến nay chị Kim Thanh còn ray
rứt: “Thường ngày đọc báo, tôi thật không vui khi biết nhiều trường kêu ca chất
lượng môn văn trong trường yếu kém. Điểm thi đại học
các môn khối C của Trường ĐH Sư phạm với kết quả môn văn có tới 90% thí sinh
đạt điểm dưới trung bình!”. Và thực trạng này đã được cô Kim Thanh nguyên
chuyên viên chỉ đạo văn Sở GDĐT Tp.HCM phân tích và góp ý trên báo để các em
học sinh đọc và giáo viên tham khảo thêm cho việc học văn và dạy văn. Chị cũng
viết cho báo Người lao động về những bức xúc trong giáo dục tâm lý trẻ... Ngoài
ra, chị có viết tham luận góp ý sách giáo khoa và chương trình văn với Bộ
GD-ĐT. ..
Chị Thanh có nhiều kỷ niệm đáng nhớ thời làm đề
thi, chị cười hóm hinh kể lại: “Gần 20 năm ở Sở GD-ĐT, mỗi năm tôi bị nhốt gần
1 tuần, bị cách ly với thế giới bên ngoài? Để bảo đảm bí mật đề thi, nhất là đề
thi Tốt nghiệp TH PT, do chúng tôi sao in… tôi và các chuyên viên môn khác cũng
bị nhốt, nhưng tôi lâu nhất vì môn văn lúc nào cũng thi đầu tiên, phải chờ kết
thúc mới được ‘thả’ ra. Cũng vui vì có công an canh gác, có người đưa cơm nưóc,
‘tù’ cao cấp mà… Nhưng áp lực lắm. Nghĩ lại thấy nhớ và vui là mình đã làm tròn
trách nhiệm…”.
Cô giáo Thanh còn nhắc lại kỷ niệm thú vị trong
bài thơ “Phấn trắng” của chị:
Mấy chục năm dự giờ và thăm lớp
Nghe thân quen giọng ba miền đât nước
Bao kỷ niệm nhiều
người không có được…
Nhà lý luận và bình thơ
Được sự động
viên của các nhà thơ, nhà văn và một số thầy cô giáo dạy văn... chị Nguyễn Thị
Kim Thanh đã cho ra mắt cuốn bình thơ “Chút tri âm” tập 1, năm 2009 và
cuốn “Thơ và đời” (Chút tri âm – tập 2) năm 2010. Chị cũng có nhiều bài
thơ in chung với nhiều nhà thơ khác. “Khúc hát tình yêu”... và tập thơ “Sông
Mai”. Chị còn viết một số bài thơ cho báo Người Hà Nội và Việt kiều Hải
Phòng. Bài bình thơ, giới thiệu tập thơ trên báo Thế Giới mới...
“Tôi chỉ là
một hạt cát giữa biển trời mênh mông... rồi cũng bay đi giữa mênh mông biển cả.
Vì vậy, tôi nghĩ khi còn nhận biết sự tồn tại của mình thì cố gắng làm hạt cát
trong lành, có ích cho đời như muôn nghìn hạt cát khác trước khi ta trở về cát
bụi” – Kim Thanh tỏ lòng.
Ngoài ra, chị Kim
Thanh kết hợp với nhà thơ Trần Hữu Lục cùng giới thiệu bài thơ “Vạn
Xuân” của nhà thơ Trần Hữu Lục và bài hát “Bâng khuâng chiều Hồ Tây” do nhạc sĩ
Nguyễn Văn Hiên phổ nhạc ”(bài hát được tuyển chọn vào tuyển tập “Ca khúc 1.000
năm Thăng Long-Hà Nội” trên HTV7...
Tình người bạc bẽo chông gai
Trách gì mưa sớm, nắng mai thất thường!
Thôi hãy sống thực lòng, yêu thương hết
và nâng niu tất cả
Dù đó là hạt bụi dưới chân ta...
(Vũ Xuân Hương)
Chị Kim Thanh
nói: “Tôi đồng tình quan điểm này! đó cũng là truyền thống đạo lý xưa nay
của con người Việt Nam”. Chị Thanh trở thành là một trong những Nhà bình thơ nữ chiếm một tỷ
lệ rất khiêm tốn trong giới bình thơ của đất nước. Bình thơ là một nghệ thuật tinh vi, vì
bình thơ không chỉ là một loại hình lao động chữ nghĩa khá nhọc nhằn mà còn đòi
hỏi rất nhiều về kiến thức, sự trải nghiệm, bản lĩnh sẽ làm nên cây bút bình
thơ sắc sảo, tinh tế, độc đáo, khách quan và lôi cuốn. Chị Nguyễn Thị Kim Thanh
mạnh dạn đưa ra những phân tích, nhận xét và khẳng định về nội dung tư tưởng,
nghệ thuật thơ và còn phát hiện những ý thơ, tứ thơ tiềm ẩn đàng sau những con
chữ. Có khi chị còn gợi ra được cái "tầm văn hóa" cao đẹp của một số
bài thơ. Từ lòng đam mê chị Kim Thanh đã khẳng định được chỗ đứng của mình
trong làng bình thơ văn hiện nay.
“Tôi chỉ là một hạt cát giữa biển trời mênh mông... rồi
cũng bay đi giữa mênh mông biển cả. Vì vậy, tôi nghĩ khi còn nhận biết sự tồn
tại của mình thì cố gắng làm hạt cát trong lành, có ích cho đời như muôn nghìn
hạt cát khác trước khi ta trở về cát bụi”
Những niềm hạnh phúc...
Chị Kim Thanh bày tỏ: “Hạnh
phúc cả đời tôi có 3 thứ: Thứ nhất, được sống trong thời kỳ lịch sử oai hùng
(có lẽ vì thế mà tôi tự tin, tự hào, sống có trách nhiệm như nhiều người...);
Thứ hai là gia đình, chồng tôi là GS Âm nhạc sống thanh khiết cùng 2 cô con gái
và 5 cháu ngoại thông minh giỏi giang, biết thương yêu ông bà; Thứ ba, được
đồng nghiệp, bạn bè yêu thương bằng cả sự chân thành nghĩa tình”.
Như một chút gợi nhớ về hạnh
phúc gia đình mình, chị Kim Thanh giới thiệu với chúng tôi cuốn sách “Tìm
hiểu nhạc giao hưởng” của cố giáo sư – tiến sĩ – nhạc sĩ – nghệ sĩ
cello Nguyễn Cửu Vỹ - nguyên phó giám đốc nhạc viện Tp.HCM. Giáo sư Cửu Vỹ là
chồng chị, với sự cố gắng tích cực trong nhiều năm sưu tầm tư liệu từ nhiều
nguồn của nước ngoài ông Vỹ đã hoàn thành việc biên dịch cuốn sách này để giảng
dạy trong các nhạc viện. Chị Thanh cho biết, chị là người đầu tiên đọc bản dịch
để góp ý với chồng về ngôn từ và văn phạm. Cạnh bàn thờ là cây đàn cello còn
trong bao da, chị nói: “Cuốn sách, mấy tập nhạc giao hưởng và cây đàn là những
kỷ vật mà chồng tôi để lại cho gia đình; tôi cất giữ rất cẩn thận để cho con
cháu sau này biết về người nghệ sĩ tài danh một thời... !”. Tất cả chỉ còn là
kỷ niệm!
Mưa tháng bảy sụt sùi...cay đắng
Anh đi rồi, cô vắng - buồn tênh!
Kiếp Người sao quá mong mênh!
Đèn khuya hương khói, bóng Anh chập chờn...
Chị như đang bùi ngùi với “hạnh phúc đã vụt mất”,
chị ngấn lệ cho biết thêm, Tôi đã viết một nữa cuốn bình thơ lúc nuôi chồng bị
bệnh viện trả về. Hơn 40 năm là vợ chồng chỉ có thời gian này chúng tôi bên
nhau 24/24. Giọng chùng xuống, chị nói tiếp, sau khi bác sĩ đến nhà khám bệnh
xong, tôi cho anh ăn, uống thuốc và xoa bóp… rồi anh chìm dần vào giấc ngủ mê
man. Còn tôi ngồi canh chừng với tâm trạng nặng nề… Tôi mệt mỏi vì thức đêm và
lo lắng, tôi xuống 7 kg… Sợ mình có thể ngủ quên, tôi ngồi vào vi tinh viết và
viết theo ngẫu hứng… Khi anh tỉnh giấc, tôi khoe và đọc cho anh nghe những đoạn
vừa viết xong. Dù đã khan giọng nhưng anh cũng góp ý, khen ít, chê nhiều. Chính
anh là người “Đọc” đầu tiên những trang viết của tôi. Đó là giây phút hạnh phúc
cuối cùng của tôi…
“Về tình yêu thì…Tôi yêu hơi sớm nhưng yêu lãng
mạn thôi, khờ lắm. Chưa cầm tay và không hôn hít gì đâu. Bây giờ gọi là rung
động đầu đời…” – chị Kim Thanh bộc bạch.
Theo bạn bè chị, dù cô giáo Thanh đã về
hưu 13 năm nay, nhưng năm nào các bạn vẫn tổ chức ngày 20/11 với nhiều lẳng hoa
tươi như đang cùng chung vui với cô giáo Thanh chỉ đạo văn thuở nào!!! Nhân
ngày 20/11/2008, Nhà giáo ưu tú Trương Thị Việt Thủy đã gửi mail cho “sếp” của mình ngày nào những dòng tâm tình: “Em
không muốn mượn cánh thiệp đầy màu sắc mà chỉ muốn mượn những giòng chữ chân
thành này gửi đến chị. Em luôn nhớ về chị - người thầy đặc biệt của em. Chị đã
dẫn dắt và dạy cho em rất nhiều điều tốt đẹp, em không thể lãng quên chị. Hôm
nay và mãi mãi chị Kim Thanh đối với em như một người thầy đáng kính trong lòng
em và vẫn rất quan trọng…”.
Hay là cô giáo Trần Thị Kim Thanh – giải
“Viên phấn vàng” thành phố ngày nào, nay là Phó giám đốc Sở GDĐT; cô giáo viên
phấn vàng Trương Thúy Uyên (nhà thơ Trúc Thuyên), vừa được kết nạp váo Hội nhà
văn; thầy Lê Phương Dũng ở Củ Chi…đều
nói: “Chị mãi là chỗ dựa tinh thần và truyền lại lòng yêu nghề cho chúng
em…”
Nhà thơ Trần Thị Linh Chi ở Cần Thơ, ngày
05/8/2010 đã gửi đến người bạn Kim Thanh lời cảm ơn chân thành: “Tôi vô cùng cảm động và vô cùng hạnh
phúc khi nhận được những cảm nghĩ rất chân tình tinh tế về bài thơ “Giấc chiều”
của tôi. Dòng chảy của ý tưởng man mác cảm xúc và chất chứa trí tuệ đến từ một
nhà văn mà tôi chưa từng được gặp mặt đã tưới mát tâm hồn giữa buổi trưa hè
hoang nắng của nơi tôi ở và trong buổi xế chiều của đời tôi… Chị có ý hay và lạ
khi muốn đọc giấc mơ này thành giấc mơ vàng; ý muốn nói sự ước mơ đẹp đẽ của
một thân phận lênh đênh trong cõi vô thường.
Xin chân thành cảm ơn chị Kim Thanh, âm thầm, sâu kín, lại chập chờn mông
lung những lúc mơ màng cuối đời nhưng lại thiết tha với kỷ niệm xa xưa, tôi may
mắn gặp được vị thiện trí thức, nguồn an ủi tuyệt vời về quãng đời cầm bút đi
mãi ven lề và ngắn ngủi này!”.
Chị Kim Thanh còn giới thiệu với chúng tôi một số
thư từ, thiệp chúc với lời tâm sự chân thành yêu mến của nhiều đồng nghiệp mà trước
đây đã có dịp làm việc chung với nhau. Chị Kim Thanh không những được đồng
nghiệp yêu thương mà còn được cả những học sinh và bạn bè quý mến. Ngày
03/03/1998 Phạm Nguyễn Mai Hương học sinh đội tuyển giỏi văn lớp 9-1 Trường
Colette khi chia tay cô giáo Kim Thanh cũng gửi tặng cô giáo của minh bài thơ:
Cô giáo tôi
Em yêu lắm người cô giáo cũ
Người thân yêu, gần gũi,
hiền từ
Đưa em vào thế giới trầm tư
Chắp đôi cánh cho lòn em bay
bổng
Cô đã dành cuộc đời đằng
đẳng
Dành tình thương cho cho thế
hệ măng non
Dành nhiệt huyết và tất cả
tâm hồn
Đưa trẻ thơ đến bến bờ ước
vọng
Người bạn - GV dạy văn trường Hùng Vương Nguyễn Khắc Đạt cũng làm thơ tiễn
hiệu phó của mình lên Sở GDĐT:
Tiễn bạn
Bạn về trên ấy hẳn là vui
Mà tiễn đưa nhau vẫn ngậm
ngùi
Câu chuyện văn chương còn bỏ
dở
Đôi lời tâm sự đã nào nguôi
Người đi chắc hẳn chưa yên
dạ
Kẻ ở còn mong được tiếp lời
Thanh khí ngàn xưa là thế
đấy
Dẫu rằng muôn dặm chẳng xa
xôi
(Tháng 12/1979, ngày xa trường Hùng Vương)
Chị Thanh còn bật mí những dự
định sắp tới. Chị đang học chụp hình nghệ thuật. Rồi cho chúng tôi xem 600 hình
chị vừa chụp ở một số tỉnh miền Trung, nghiêng về phong cảnh… và chị khẳng
định: “Tất nhiên là tôi tiếp tục viết để tri ân cuộc đời… cố viết theo phong
cách khác…”
Chị Thanh giải thích thêm, tôi sống một mình nên
cứ loay hoay làm gì đó cho đỡ trống vắng… Làm thơ cho mình và viết nhật ký cho
con cháu. Chị cho xem cuốn tiểu thuyết “Dấu
ấn thời gian” vừa viết xong và mấy trăm bài thơ 4 câu…Chúng tôi đề nghị chị
đọc một vài bài để thưởng thức, chị đọc ngay bài:
Mưa Sai Gòn
Sài
Gon mưa ào như thác đổ…
Nắng
lên! Trời xanh thắm đa tình
Ta!
Một mình ngồi với lặng thinh
Nghe
sóng lòng vỗ vào cô quạnh
Buồn
quá hỉ! Thơ tôi lạc điệu và chứa đầy tâm trạng
Một cách tự ru
lòng mình vậy!
Trời
đêm xanh mướt như nhung
Ngôi
sao cô quạnh, linh hồn của Ta!”
Mặc dù được đồng nghiệp khuyến khích, các nhà văn,
nhà thơ động viên và học trò ủng hộ nhưng nhà giáo Nguyễn Thị Kim Thanh vẫn lo
lắng là mình chưa bình hết cái hay cái đẹp, cái kỳ diệu còn tiềm ẩn trong tác
phẩm; điều làm chị còn “ray rứt tiếc nuối” là chưa được tiếp cận với nhiều tác
giả khác.
Ngoài đam mê bình thơ và tư vấn trên 1088, chị
Thanh còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện ở địa phương; ủng hộ chương
trình góp đá xây dựng Trường Sa của báo Tuổi Trẻ (tháng 7/2012 chị gom tiền bán
sách đươc 9.600.000, chị thêm cho đủ 10 triệu để gửi tặng).
Theo
chị Kim Thanh, dòng sông thơ như lâu đài nghệ thuật lung linh, bất biến, mênh
mông, vô tận mà trình độ của chị có hạn; thậm chí có thể chị hiểu “vênh”, cảm
thụ “lệch” mà chị phải cố gắng phát hiện “ngọc trong đá” để viết lời bình trung
thực đúng giá trị ngôn từ trong thơ.
Tôi
đồng tình và cảm phục người phụ nữ xứ Thơ. Chị Kim Thanh có chút kiêu sa, sang
trọng mà gần gủi, dễ mến… Sách chị viết dù chưa phải toàn bích nhưng đã có ánh kim cương lấp lánh đáng quý, đáng
trân trọng!
Ngọc Hạnh
– Quang Lê
Người Việt Nam, ai cũng biết đến Huế, bằng hình thức này, hay hình thức khác. Nhiều người say những điệu hát Nam ai, Nam bằng. Và ao ước một lần được đặt chân đến Cố đô, soi mình trên dòng sông Hương đã đi vào lịch sử, đi vào văn chương, nghệ thuật Việt Nam, với bóng dáng thiếu nữ đài các, trang nhã, và yểu điệu nhất qua mọi thời đại.(Lâm Cúc)
Trả lờiXóa.
Đọc bài viết của Bác về chị Kim Thanh, em nhớ câu Thơ của Thu Bồn:
Con sông dùng dằng, con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu
.
Chúc Chị khỏe, để lại Dấu ấn thời gian đầy kiêu sa sang trọng và gần gũi.
Bác VAN PHAM ơi. Bài viết này là của hai tác giả NGỌC HẠNH & QUANG LÊ không phải của tôi.
XóaCám ơn bác đã chia sẻ và nhắc lại câu thơ hay của Thu Bồn!
Chủ trang
VNNB
Học sinh bây giờ không thích học văn, học yếu môn văn, trước hết vì số giáo viên dạy dạy văn có tâm huyết, có kiếh thức chuyên sâu như nhà giáo Kim Thanh còn quá ít
Trả lờiXóaCám ơn nhận xét và sẻ chia của bạn!
XóaChủ trang VNNB
cam ơn cac ban đã đoc và có ý đông cảm!
Trả lờiXóacam ơn các ban đã đoc và có chut ý kiên.Thực ra cũng có nhiêu thây, cô day hay nhưng chưa có dip tr2inh lang thô. Mong sự thong cảm và sẻ chia
Trả lờiXóa