Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

TẠM BỢ





Chử Văn Long
TẠM BỢ
Ngày chúng ta thương nhau về ở chung nhà
Có gian buồng không đủ mua cánh cửa
Anh nhặt nhạnh gỗ thùng, gỗ chợ
Miếng bằng gang tay, miếng khuyết tựa vành trăng
Để ghép nên cánh cửa
Với ý nghĩ một thời gian tạm bợ
Khi nào có sẽ thay cánh cửa vững bền…

Bây giờ em không còn, cái tạm bợ lại còn nguyên
Đau xót làm sao đời người nhiều khi ngắn hơn những gì tạm bợ
Đau đớn biết bao mỗi khi tay anh đụng vào cánh cửa
Tạm bợ còn đây mà em đã đâu rồi?
                             5/12/2002

Lời bình của Vũ Nho
Khi   lần đầu tiếp xúc bài thơ Tạm bợ  trong  dạng chép tay, không hiểu sao,  tự nhiên, tôi nhớ ngay đến câu thơ của Trần Đăng Khoa viết hồi ở nước Nga: “Cái còn thì vẫn còn nguyên. Cái tan dù tưởng vững bền cũng tan…”. Phải chăng vì những câu thơ này đều là triết lí về cái còn, cái mất. Bài Tạm bợ  không nói  trực tiếp về  tan, không tan, nhưng nói  về điều nghịch lí là  cái tạm bợ thì còn, mà cái tưởng  vĩnh cửu, vững bền thì mất. Và đau xót và đau đớn ở đây chính là ngày ngày, người viết đối mặt với cái chứng tích tạm bợ của một thời.
          Chử Văn Long là nhà thơ hay nói đến “những số phận nhỏ nhoi, khuất lấp, u buồn” ( Lời tác giả trong Tuyển thơ văn chọn lọc Chử Văn Long) và nhà thơ không ít lần thốt ra cảm khái về sự ngắn ngủi của đời người, nhất là từ khi người vợ tảo tần thương mến của anh ra đi mãi mãi.
          Cuộc đời ngắn quá và buồn quá
                             Như giấc mơ dài
          Tôi mới thấy đời người giống đời hoa quá ngắn
                             Thương hoa
Trong bài thơ này cái ngắn ngủi của đời người được so sánh với cái ngắn ngủi của sự tạm bợ, một sự so sánh rứt ra từ nỗi đau mất mát:
          Đau xót làm sao đời người nhiều khi ngắn hơn những gì tạm bợ
Tạm bợ ở đây có  chứng tích hẳn hoi. Đó là một thời nghèo đói, túng bấn của chính nhà thơ, và đâu chỉ riêng anh. Căn buồng hạnh phúc nhưng không có  cánh cửa. Nên cánh cửa đó được làm tạm bợ bằng những mảnh, những mẩu gỗ vụn chắp vá:
          Anh nhặt nhạnh gỗ thùng, gỗ chợ
Miếng bằng gang tay, miếng khuyết tựa vành trăng
Để ghép nên cánh cửa
Nhặt nhạnh gỗ thùng, gỗ chợ, miếng nhỏ, miếng to, miếng lành, miếng khuyết,  bằng tình yêu đằm thắm, anh đã ghép, đã làm nên tấm cửa buồng.  Hệt như tinh thần của câu ca dao “…gian khó chẳng nề. Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. Anh tự hứa coi đó là tạm bợ, sẽ thay bằng cánh cửa vững bền.

          Nhưng cái tạm bợ ấy mãi còn. Còn  người vợ, người “gánh chịu” đớn đau thử thách của người chồng ( người được ví như cây cột thu lôi, nhưng “Nơi dập sét cuối cùng lại là nơi tiếp đất”), người mà anh mãi mãi biết ơn, thương mến, cảm thông, tôn thờ…thì lại không còn nữa.
          Ở đây có hai lần nhà thơ nhắc đến nỗi đau, gậy hiệu quả nghệ thuật về nỗi đau chồng chất:
Đau xót làm sao đời người nhiều khi ngắn hơn những gì tạm bợ
Đây là nỗi đau chung về kiếp người, khác nào Nguyễn Du xưa từng than : Đau đớn thay phận đàn bà.
Và nỗi đau đớn riêng:
          Đau đớn biết bao mỗi khi tay anh đụng vào cánh cửa
Tạm bợ còn đây mà em đã đâu rồi?
 Không phải là cánh cửa nhà tạm bợ, mà là cánh cửa buồng, cánh cửa mở vào nơi hạnh phúc riêng tư chồng vợ, những tưởng keo sơn vững bền mãi mãi trăm năm.

Đau thấm thía tận cùng nỗi đau mất mát, Chử Văn Long đã neo vào trái tim bạn đọc một bài thơ giản dị mà ám ảnh. Không phải ngẫu nhiên mà chị Mỹ Lâm tôi quen,  nghề  nghiệp không liên quan gì đến thơ văn, lại trân trọng chép bài thơ này vào sổ tay. Và khi thay quyển sổ mới, chị cũng không quên chép lại cạnh bài thơ Tiễn con gái về nhà chồng của Nguyễn Hoàng Sơn và Con hãy yêu người yêu thương của văn hào Victo Huy gô  người Pháp.
                                                Hà Nội, 13 tháng 5 năm 2012
         



         

2 nhận xét:

  1. Phú Cương - cấp 3 Nho quan Alúc 22:33 19 tháng 4, 2013

    Bài bình thơ này hay quá, cảm ơn Vu Nho đã đăng lại nhớ hồi tháng 2 năm 2012 cùng đi lên Hòa Bình dự buổi giao lưu "Tuổi trẻ Hào Bình và cựu chiến binh Tây Tiến" Nhân dịp ngày truyền thống trung đoàn 52 Tây Tiến (27/2/1947-27/2/2012). Nghe Mỹ Lâm đọc bài này từ trong sổ tay thật là cảm động... Thoáng cái đã hơn một năm trôi qua...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thời gian nhanh quá!
      Hồi nào chúng ta học cấp 3 Nho Quan A với nhau. Nay thì đứa trẻ nhất cũng đã bạc đầu!
      Thi thoảng ghé quán chơi nha!
      Vũ Nho

      Xóa