NGÕ HẸP
Nguyễn Linh Khiếu
cái buổi
chiều trở trời chuyển sang mùa hạ
ngõ hẹp
nhưng sao gió rất rộng dài
anh gặp em
vô tình như muôn vàn người phố
chẳng hiểu
sao giữa đông người ta ngoái lại nhìn nhau
ngõ hẹp sớm
hôm đi về ngày nào cũng gặp
đưa mắt chào
nhau lặng lẽ mỉm cười
có vợ có
chồng chẳng còn gì nói nữa
có mong gặp
đâu chẳng qua vì ngõ hẹp đấy thôi
ngõ hẹp đông
người việc cơ quan quanh năm tất bật
gặp nhau mời
nhau uống một chén trà
chồng em dặn
chiều nay về sớm làm cơm cúng giỗ
vợ anh nhắc
đón con sớm chiều nay trở trời dễ mưa
uống vội
chén trà em hớn hở về nhà làm cơm cúng giỗ
anh đi đón
con dài rộng gió chuyển mùa
ngoái lại
nhìn nhau mỉm cười lặng lẽ
có mong gặp
đâu chẳng qua vì ngõ hẹp đấy thôi.
Hà Nội, 8. 3. 2007
Lời bình của
Vũ Nho
Thật là có muôn ngàn lí do cho sự khởi đầu ngẫu nhiên, tình cờ trong cuộc
sống. Bất ngờ tránh mưa, bất ngờ chung đường, bất ngờ chung ngõ, bất ngờ áo đỏ,
bất ngờ vân vân,… Nhiều lứa đôi bất ngờ
gặp nhau rồi nên tình nên nghĩa cũng vì những bất ngờ “định mệnh” hay là “duyên
số” đó. Chẳng biết là cái ngõ của hai
nhân vật trong bài thơ này nếu nó không hẹp hơn bình thường thì liệu có thể có
bài thơ Ngõ hẹp hay không?
Nhưng không thể giả định như thế vì họ
đã gặp nhau và đã có bài thơ nói về chuyện đó. Lí do đầu tiên là bởi tại cái ngõ hẹp cho nên hai người mới có dịp để
“ chạm mặt” nhau. Tuy nhiên, cái buổi chiều định mệnh ấy, buổi chiều chuyển mùa
ấy, cái ngõ cũng không đến nỗi “quá hẹp”. Ngược lại gió rộng dài, thoáng đãng
làm cho con ngõ cơ hồ như rộng thêm. Và điểm mấu chốt là cái ngoái lại không
thể giải thích của cả hai người:
chẳng
hiểu sao giữa đông người ta ngoái lại nhìn nhau
Hai người dưng cùng chung ngõ ấy bắt đầu có một sự thay đổi. Từ chỗ vô tình như muôn vàn người phố sau cái
lần cùng ngoái lại, ngày nào họ cũng
gặp nhau và nhận ra nhau. Tuy vậy, họ rất chừng mực, lịch sự trong cư xử đưa mắt chào nhau lặng lẽ mỉm cười. Chỉ
chào bằng mắt chứ không chào bằng lời. Cùng lắm là chào bằng một nụ cười lặng
lẽ. Bởi vì họ đâu còn trẻ, họ đâu còn son. Bởi vì họ rất đàng hoàng, đứng đắn:
có
vợ có chồng chẳng còn gì nói nữa
Cái sự gặp
nhau của họ là bởi tại cái ngõ…hẹp. Họ dứt khoát không mong, không hẹn, vì họ
có gì để nói với nhau đâu!
Thế nhưng, cái việc “có vợ có
chồng” không có văn bản quy định rằng họ
không được “nói chuyện” với nhau. Gặp gỡ, chào bằng ánh mắt, nụ cười hàng năm
giời rồi thì cái việc phải đến cũng đến. Họ bắt đầu mời nhau chén trà, và nói
chuyện với nhau. Thế cũng đã là một bước tiến rất dài kể từ cái chỗ “Chẳng còn
gì nói nữa” đến chỗ có cái để nói với nhau.Chuyện
chẳng có gì đâu. Nói về họ mà không phải là về hai người, mà là những người
quan trọng của hai người:
chồng
em dặn chiều nay về sớm làm cơm cúng giỗ
vợ anh
nhắc đón con sớm chiều nay trở trời dễ mưa
Chỉ có vậy thôi. Thế mà cô ta thì “hớn
hở” về nhà theo lời chồng dặn, anh ta
thì vui vẻ ra đi thực hiện nhiệm vụ vợ
giao, thấy mênh mang “ dài rộng gió chuyển mùa”.
Và họ không quên một nghi thức đã
thành thói quen:
ngoái
lại nhìn nhau mỉm cười lặng lẽ
Từng có nhà thơ khái quát những phút
xao lòng rằng : “Ai cũng có những phút
giây ngoài vợi ngoài chồng”. Tôi không tin sẽ có những tình cảm “xao lòng”
hay “ ngang trái” nảy sinh giữa hai người trong ngõ hẹp này. Bởi vì họ vô cùng
tỉnh táo và hết sức đàng hoàng. Chỉ ước rằng có nhiều những người trong ngõ như
thế hơn nữa, nhiều người chẳng cứ là nam và nữ, già hay trẻ. Đã chung ngõ ( dù là rộng hay hẹp) thì nên có một niềm vui
nho nhỏ khi gặp nhau : đưa mắt chào nhau
lặng lẽ mỉm cười. Nó là cái văn hóa ứng xử thân thiện, lịch sự giữa người
với người, làm cho cuộc đời thêm ý
nghĩa. Thế nhưng, trong cuộc sống quanh năm tất bật và căng thẳng này, chúng ta
lại thường rất hay quên lãng.
Hà
Nội, 30/9/2009
Trong cái bất ngờ vân vân của Bác, nhưng em không bất ngờ vì đã đọc lời bình câu thơ Sương chùng chình qua ngõ/
Trả lờiXóaDường như thu đã về, lúc đó thấy: Ờ mình đã Sang Thu. Bây giờ đọc cái Ngõ hẹp này thấy xao lòng, nghĩ, Thu đã qua rồi thấy Ngõ gió rộng dài, thoáng đãng. Bài thơ và lời bình cứ vẳng giai điệu ca từ bài hát Một mình của Thanh Tùng. Trong cuộc sống quanh năm tất bật và căng thẳng này, chúng ta đừng quên lãng.
.
Còn đây Ngõ của Nguyễn Bao (Hoa chanh).
Hai chúng mình
Biết nhau từ nhỏ
Nhà em bên nhà anh
Đường xóm ra vào chung ngõ,
Cách nhau chỉ một rào thưa,
Bấm chân ngõ lội ngày mưa,
Chung một cầu ao
Khoả chân rửa vội
Những bữa cơm đèn
Dậy từ mờ tối
Gọi nhau xin lửa qua rào…
.
Chúc hai bác vui!
Kính bác Van Pham!
Trả lờiXóaBác nhớ kĩ quá, lại còn tặng thêm tôi "cái ngõ" của nhà thơ Nguyễn Bao nữa!
Cám ơn lời chúc của bác.
Vũ Nho