Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

NHỮNG VẦN THƠ TẠC VÀO LỊCH SỬ






NHỮNG VẦN THƠ TẠC VÀO LỊCH SỬ

PHÓNG VIÊN VĂN NGHỆ TRẺ (PV): - THƯA ANH, NHÂN KỈ NIỆM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM 22 – 12, XIN ĐƯỢC PHỎNG VẤN ANH – MỘT NHÀ PHÊ BÌNH VĂN CHƯƠNG “THUẦN DÂN SỰ” - ĐÔI ĐIỀU VỀ TÁC PHẨM CỦA CÁC NHÀ VĂN CHIẾN SĨ. NẾU ANH CHO PHÉP, XIN ĐƯỢC BẮT ĐẦU BẰNG CÂU HỎI: ẤN TƯỢNG SÂU ĐẬM NHẤT CỦA ANH VỀ THẾ HỆ CẦM BÚT THỜI CHIẾN TRANH GIÀNH VÀ BẢO VỆ NỀN ĐỘC LẬP DÂN TỘC TRONG THẾ KỈ QUA?
Vũ Nho: - Để ngắn gọn ta hãy nói hẹp lại, về...thơ, trong khoảng thời gian những năm 60, 70 chẳng hạn?
PV: - Vâng, cùng tác giả của “Đi giữa miền thơ”, xin trở lại với miền thơ thời kì chống Mĩ: Điều ấn tượng nhất đối với anh về thơ của giai đoạn này là...?
 Vũ Nho: - Giai đoạn này là giai đoạn thơ Việt Nam đạt được những thành tựu không thể phủ nhận với sự xuất hiện của một đội ngũ các nhà thơ chiến sĩ: Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Duy, Phạm Ngọc Cảnh, Vương Trọng, Trần Mạnh Hảo, Anh Ngọc...Hoàng Nhuận Cầm. Đội ngũ “các nhà thơ mặc áo lính” thời kì này đông đảo, xin nêu vài tên tuổi làm thí dụ như thế. Đông đảo mà mỗi người một vẻ. Với đóng góp của riêng mình các anh đã làm nên một thơì kì có thể nói là rực rỡ của thơ. Thơ, thời kì này nhiều người thuộc, vẫn còn thuộc cả. Ấn tượng về nó, cũng nói ví dụ thôi: thơ Phạm Tiến Duật là khói lửa, bom đạn chiến trường. Bom càng nổ to, thơ anh càng vang lớn. Tiếng thơ như “tiếng hát át tiếng bom”. Với tôi, một trong những cái đặc sắc nhất của thơ Phạm Tiến Duật là sự trẻ trung, tươi tắn, lạc quan. Thơ anh có cái vui vui, đùa đùa, tếu tếu một tí...Đó chính là cái lạc quan. Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, lạc quan là cần chứ. Hữu Thỉnh lại có cái mới, cái đặc sắc riêng của anh ấy. Tuy rằng hai anh là đồng hương, cùng là bộ đội. Thơ Hữu Thỉnh một nửa là tiền tuyến, một nửa là hậu phương. Ngay những bài thơ nổi tiếng đầu tiên như là bài “Mùa xuân đi đón” thì cũng là những câu chuyện anh bộ đội nhớ về cỏ mùa xuân ở nhà nó thế nào. Đang mùa xuân như thế thì ở nhà “cỏ đội bờ thoả sức”. Thấy cỏ non tơ thì bỏ hết cả dép ra để bước lên cỏ mềm. Ngay từ đầu thơ Hữu Thỉnh đã tiến lên là tiền tuyến, lùi lại là hậu phương như vậy. Theo mình, thơ anh Hữu Thỉnh nó bền bỉ một phần là vì thế. Trong khi đó, Phạm Tiến Duật tập trung toàn lực để tiến lên phía trước. Hậu phương của thơ Phạm Tiến Duật có thể nói là...để hơi trống. Hay là thơ Hoàng Nhuận Cầm chẳng hạn. Hoàng Nhuận Cầm đóng góp bằng cái trẻ trung, trong sáng của một thanh niên vừa rời ghế nhà trường vào quân đội. Trong khi Phạm Tiến Duật đã “Gửi em, cô thanh niên xung phong” thì Hoàng Nhuận Cầm vẫn còn “vòng bi mới lăn hết vòng tuổi nhỏ”, “vào trận khi mùa ve đang kêu”...Bên cạnh đó là các bậc đàn anh chuyên trận mạc như Nguyễn Đức Mậu chẳng hạn. Có lần mình đã thử tìm một bài thơ tình yêu theo cái nghĩa tình yêu thực sự nam nữ của anh Mậu mà không tìm ra. Có lẽ cũng cần kiểm tra lại xem, nhưng hình như là thế: trường ca thì “Trường ca sư đoàn”, bạn thì bạn chiến đấu, là “Nấm mộ và cây trầm”...
Mỗi người mỗi nét, đều đóng góp vào sức viết, bằng cái đặc sắc, cái mới của mình cho thơ, cho văn chương.
PV: - Thưa anh, như thường nói, đó là thời của những tài thơ, thời của niềm vui ra trận?
Vũ Nho: - Thời của những người dám hi sinh vì sự nghiệp lớn của dân tộc. Ví như anh thanh niên vừa mới cưới vợ xong, cưới xong là ra trận. Hoàn cảnh ấy ai mà chẳng buồn? Người ra trận, bước chân đi là chẳng thể hẹn ngày về. Ví như trong một gia đình, người con thứ nhất ra mặt trận, rồi bặt tin. Cuộc chiến dài như thế, bặt không tin tức, thì người ở nhà biết là xảy ra chuyện rồi. Con nhà bên cạnh, cái anh ở làng bên có tin về. Không có tin về, không có giấy báo về, người ta linh cảm được sự hi sinh. Nhưng người con thứ hai vẫn có thể tiếp tục ra trận...Người con cuối cùng vẫn có thể tiếp tục ra trận. Đi, vì một lẽ lớn của dân tộc. Nếu không ra trận, thì ai sẽ trả thù cho người đã ngã xuống? Ai sẽ giữ vững nền độc lập cho non sông đất nước? Nếu ai cũng nghĩ rằng: tôi phải ở nhà để phụng dưỡng cha mẹ già, tôi phải ở nhà vì tôi là con một, là người cuói cùng của dòng họ...thì lấy ai ra chiến trường? Bây giờ cuộc chiến lùi xa rồi, người ngoài cuộc thật khó mà cắt nghĩa được, thật khó mà hiểu trọn điều này. Thơ có thể giúp người ta tìm hiểu, cắt nghĩa. Anh Hữu Thỉnh có viết một câu, ý rằng: không có thơ, thì chúng tôi làm thơ để ghi lại cuộc đời mình. Làm thơ lúc ầy vì một cái lẽ giản dị thế thôi! Anh Phạm Tiến Duật cũng viết: “Giữa chiến trường tiếng bom nghe rất nhỏ”. Thế đấy, nếu đứng ngoài cuộc, ra ngoài cuộc...mà nghe thì tiếng bom kinh quá, hãi quá. Cả nước vào trận chiến, triệu người như một. Mình thấy rằng, thời ấy, những bài thơ của các nhà thơ mang áo lính – những nhà thơ quân đội – và cả thơ của những nhà thơ không trực tiếp đứng trong quân ngũ, tất cả đều hướng về mặt trận. Lúc đó, làm thơ mà có ai không nói đến chiến trường, có ai mà không nói đến sự hi sinh đâu? Cứ đọc lại mà xem, từ những nhà thơ ngoài mặt trận, cho đến các nhà thơ ở hậu phương, đều thế.

PV: - Đó là không khí đời sống. Vậy còn không khí văn chương nói chung và thơ nói riêng trong kí ức của anh về thời đó?
Vũ Nho: - Câu hỏi làm mình nhơ lại cái thời mình còn ở khoa Văn, Sư phạm Việt Bắc. Khoa Văn lúc đó sơ tán ở làng Lân, Phú Lương, Thái Nguyên. Tên xã thì không nhớ nữa, nhưng tên làng là làng Lân. Lúc bấy giờ báo “Văn nghệ” còn rất hiếm. Cả khoa mới có một tờ “Văn nghệ”. Chuyền nhau đọc. Mình và các cán bộ giảng dạy khoa Văn lúc bầy giờ đọc những bài thơ của cuộc thi thơ báo “Văn nghệ” được công bố. Đọc và linh cảm Phạm Tiến Duật sẽ được giải. Sau này lại dự đoán thơ Nguyễn Đức Mậu sẽ vào giải. Mình nhớ rằng anh Nguyễn Đức Mậu lúc đó có bài thơ về cô gái bị thương, băng kín hai mắt. Chúng mình hồi hộp theo dõi từng bài thơ dự thi được công bố và dự đoán...Và sau đó đúng là họ được giải. Những bài thơ ấy thật mới lạ. Đó là thơ của nguời trực tiếp đứng ở trong cuộc chiến. Thơ anh Phạm Tiến Duật chẳng hạn, thường bao giờ cũng ghi ở cuối bài các địa danh: Sê-pôn, Ngã ba vùng rừng không dân, Vùng rừng Lào...những địa danh, chỉ nguyên cái địa danh cũng khiến chúng mình khâm phục, bởi vì đó thực sự là chiến trận. Có thể hôm nay còn làm thơ, nhưng ngày mai bom nó dội trúng thì  những bài thơ không còn mà  cả tác giả cũng không còn. Nhưng mà cái chuyện ấy không ai nghĩ đến. Cứ viết. Còn sống là còn viết. Còn viết là còn gửi về. Còn gửi về là có thể còn in. Những bài thơ của các anh toát lên một niềm tự hào dân tộc, niềm tự hào của “Dáng đứng Việt Nam “ như nhà thơ Lê Anh Xuân đã viết. Đến cả khi đã hi sinh rồi mà dáng đứng ấy vẫn hiên ngang, vẫn khiễn kẻ thù khiếp sợ!
PV: - Vâng thưa anh, những vần thơ như thế không phải bỗng dưng mà dựng lên được. Thơ ấy bắt rễ từ một hiện thực hào hùng...
Vũ Nho: - Nói như các nhà lí luận văn học thì: văn chương bao giờ cũng phản ánh đời sống của một dân tộc, của một đất nước và bao giờ cũng mang tính lịch sử. Mình mở ngoặc thế này: Trần Đăng Khoa lúc ấy còn đương là một chú bé, chưa đi bộ đội. Thế mà “Hạt gạo làng ta” thì “Những năm băng đạn vàng như lúa đồng” mà “Bát cơm mùa gặt thơm hào giao thông”. Người ta cũng biểu dương Trần Đăng Khoa ở cái chỗ là chú bé như thế mà làm thơ với đầy đủ ý thức chính trị. Mà thậm chí nếu bạn không có ý thức gì to tát, thì cũng phải ý thức rằng...đánh nhau. Cho nên là phải “mặc áo giáp đen”, phải nghĩ đến Thánh Gióng – “Ông trời/ Mặc áo giáp đen/ Ra trận”. Kiến phải “hành quân đầy đường”. Mía phải “múa gươm”. đến số phận con chó vàng thì cũng gắn với chiến tranh. Bom Mỹ nổ, mày chạy đi đâu? Mà rõ ràng bom Mỹ nổ thật. Thơ các anh ngày ấy mang không khí chiến trận, không khí chiến trận của cả dân tộc. Tất cả những cái đó nó vào thơ hết sức tự nhiên.
PV: - Thưa anh, bây giờ vẫn tồn tại đâu đó ý kiến cho rằng thơ và văn chương ta thời kì chiến tranh là thơ minh hoạ, văn chương minh hoạ...
Vũ Nho: - Trước hết cần xem lại khái niệm thế nào là minh hoạ. Thí dụ, mình xem một cuốn sách mà có tranh minh hoạ thì rõ ràng là hay hơn không có minh hoạ, đúng không nào? Minh hoạ lại đẹp, minh hoạ lại nghệ thuật thì sướng hơn chứ! Nếu anh minh hoạ một cách vụng về, kém cỏi, phản cảm thì đúng là có thể phê phán. Nhưng mà đây là sự minh hoạ hết sức tinh tế, tự nhiên, sáng tạo, phù hợp với nội dung của thời đại, phù hợp với tinh thần của dân tộc...Thế thì mình cho cái sự minh hoạ ấy là cần thiết. Sao lại có thể phê phán nhỉ? Cái đó là nghệ thuật chứ! Văn chương nghệ thuật nào mà chẳng để minh hoạ cho cuộc sống? Có thể minh hoạ cho “cuộc sống lớn” của nhân loại, của dân tộc mà cũng có thể minh hoạ cho “cuộc sống con” của cá nhân. Được minh hoạ và minh hoạ được “cuộc sống lớn” của dân tộc là đáng tự hào chứ, là niềm hạnh phúc của các văn nghệ sĩ chứ! Nói vui nhé, những người đặt thành vấn đề “văn chương minh hoạ” để chê bai ấy, họ có thể sẽ làm mích lòng các nhà hoạ sĩ. Minh hoạ của các nghệ sĩ tài năng bao giờ cũng làm cho đối tượng minh hoạ trở nên sinh động hơn, hấp  dẫn hơn, hay hơn. Thế thì bây giờ một chủ trương, một đường lối, một phương châm đúng đắn và lớn lao của dân tộc, của nhân loại mà được các nghệ sĩ minh hoạ và minh hoạ một cách sâu sắc, có nghệ thuật thì giá trị hơn nhiều cái việc anh đứng ngoài, anh bảo: cái việc này là minh hoạ, tôi không tham gia vào. Người đứng ngoài trong những trường hợp như thế là có tội với đồng loại, có tội với dân tộc, có tội với lịch sử. Luôn có một số người đứng tách ra phê phán như thế. Họ viết về những nỗi niềm riêng tư. Đương nhiên có cái cá nhân bắt được vào nhịp của nhân loại, của dân tộc...thì trường tồn. Nhưng có những cái cá nhân lạc lõng, vô bổ.
PV: - Có thể nói rằng  cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc ta đã có một nền văn chương tương xứng, thưa anh?
Vũ Nho: - Nếu nói như vậy thì cũng cần phải nói thêm: cao vọng của chúng ta bao giờ cũng muốn đạt tới những tác phẩm tương xứng hơn, tầm cỡ hơn, đồ sộ hơn...Từ góc độ của một người thưởng thức, của một người viết phê bình, mình cho rằng: với những gì các nhà văn, nhà thơ đã làm được về cuộc chiến đấu của dân tộc chống xâm lược, với những gì các anh đã viết nên, các anh có quyền ngẩng cao đầu tự hào.
PV: - Những thế hệ cầm bút - đặc biệt là những thế hệ vừa cầm súng vừa cầm bút, trải qua các cuộc chiến cứu nước và giữ nước vĩ đại - đã tận hiến cho dân tộc. Tác phẩm của các anh đã góp phần làm nên lịch sử, đã tạc vào lịch sử. Xin được tỏ lòng cảm ơn đối với các anh! Xin cảm ơn nhà phê bình Vũ Nho!
        Văn Nghệ Trẻ số 51(369)                 

5 nhận xét:

  1. Tạc vào lịch sử?
    Và phải tạc vào lòng người qua nhiều thế hệ mới thực sự là thơ hay.

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn Bulukhin Nguyễn!
    Tạc vào lịch sử cũng có nghĩa tạc vào lòng người rồi. Có sử chép vào sách, có sử truyền trong dân gian. Có bia đá, nhưng cũng có bia miệng...

    Trả lờiXóa
  3. TNX đã đọc. đọc thôi. k bình đâu vì k biết nói chi cả hé hé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đọc là tốt rồi! Đôi khi không nói gì cũng là bình luận đấy!
      Mời xem Tản văn để học tập!
      VNNB :D

      Xóa
  4. Anh Vũ Nho ơi! thực ra anh vẫn chưa đi hết các bước của G+ hướng dẫn, nếu anh cần M giúp thì gửi nick và pw ở gmail vào email của M là: muitran1954@gmail.com - M sẽ giúp anh thêm vài chức năng nữa.. tính M thích giúp bạn bè thế đó. Sau khi hoàn chỉnh rồi anh đổi pw cũng đc.

    Trả lờiXóa