ĐÂY TÂM HỒN NGA,
THƠM PHỨC HƯƠNG VỊ NGA!*
(Qua bài thơ Con đường mùa đông
của A. Pu skin)
Đường Văn
Trong
4 mùa, Puskin yêu nhất mùa đông. Ông
không thích mùa xuân. Vì đó là mùa tuyết tan, vội vàng hoa nở, hoa tàn; cũng không thích mùa hè, bởi nắng chói chang và mưa ào ạt, khắc nghiệt, thất thường. Mùa thu: Biệt ly vàng rơi từng chiếc lá, trời xanh màu đắm đuối vừa quyến rũ
vừa e ngại! Nhà thơ từng cắt nghĩa ý thích riêng này với người yêu:
Anh sẽ qua đi cái quyến rũ của mùa xuân,
Cái bừng cháy của mùa hạ,
Cái xôn xao của mùa thu rất lạ,
Để cầm tay em – se giá mùa đông.
Ai đã từng sống ở nước Nga, hoặc đã
từng đi qua nước Nga vào những ngày mùa đông tuyết phủ trắng đất, trắng trời,
những đêm tuyết bay khắp đất trời như hoa, như sương trắng mênh mang, mịt
mờ một màu trắng thiếc, mới thấy được
phần nào bức tranh tuyệt vời của phong cảnh mùa đông xứ này, mới đồng cảm được
với xảm xúc và xúc động của nhà thơ Nga
đến tận xương tủy, qua khúc ca dịu buồn mê đắm: Con đường mùa đông.
Cảm hứng thơ bắt nguồn từ một chuyến
đi từ làng Mikhailôpxcoe sang Pơxcôp năm 1826, một năm trước khi Puskin mãn hạn
lưu đày ở miền Bắc Nga. Con đường mùa
đông là 1 trong bộ ba chùm thơ mùa đông của Mặt trời thi ca Nga (Lermôntốp nói về Puskin). 2 bài kia là Buổi sáng mùa đông và Buổi tối mùa đông.
Một trong những vẻ đẹp hàng đầu của
bài thơ là vẻ đẹp không gian, thời gian hòa hợp, tương giao thống nhất tới mức
gần như lý tưởng. Không gian thiên nhiên thành không gian nghệ thuật là bầu
trời bát ngát, rừng sâu bao la, cánh đồng hút mắt, dải đường thiên lý thăm
thẳm. Một không gian hết sức vắng lặng, cô đơn muốn vươn tới cõi vô tận, vô
cùng. Đặt trong thời điểm đêm mùa đông dằng dặc, lạnh buốt, chậm chạp, uể oải
trôi: Càng khuya càng chậm, càng lạnh, có lúc dường như ngưng đọng lại. Chính
cái thời gian - không gian tương hợp độc đáo ấy đã mang chở và chắp cánh tâm
trạng buồn rầu cao khiết trong sáng của thi nhân – người đi đày - song hành với cỗ xe tam mã (t’rôica) đang băng băng trên con đường
vạn dặm.
Âm thanh và màu sắc trong bài thơ cùng
ánh lên vẻ đẹp tài hoa cổ điển của một nghệ sỹ ngôn từ bậc thầy. Có thẻ nói,
Puskin đã thếp lên thơ mình một màu vàng khó nói: màu vàng của ánh trăng mơ
buồn hòa lẫn sắc tuyết trắng tinh khôi, trinh bạch hóa thành màu vàng điệp sứ
nửa dịu lạnh sáng mờ, nửa mong manh sang trọng mà lại có phần dân dã. Giữa sắc
vàng nguyệt bạch mê hồn của đêm đông trường Bắc Nga, mà ai từng chứng kiến một
lần đều không thể nào quên ấy, chợt hồng lên rực rỡ một ngọn lửa tưởng tượng mơ
màng về hạnh phúc ngày mai rất gần bên một cô gái Nhina xinh tươi nào đó. Nhưng
chỉ trong thoáng chốc, đốm lửa tình yêu hi vọng duy nhất ấy cũng lại tắt lịm
trong săc vàng đêm sâu nhòa nhạt, nghiêng từng vòng bánh xe quay đều.
Tiếng lục lạc đồng thau ngân nga buồn tẻ, mệt mỏi trước cỗ xe ngựa vun
vút trên đường hòa với tiếng hát ê a của người xà ích, lúc nhanh gấp rộn ràng,
phấn chấn, khi lại chùng xuống nỉ non, tâm sự rồi dần dần lặng bặt. Chỉ còn
nghe tiếng vó ngựa đạp tuyết, tiếng bánh xe lăn lạo xạo, tiếng lạc ngựa leng
reng điểm nhịp cho giấc ngủ thiu thiu, chập chờn của người đánh xe và nối dài
nỗi buồn nhớ của vị khách đêm – nhà thơ.
Phong cảnh đêm đông cô vắng, lạnh lẽo
càng làm tăng cảm giác cô đơn, đau khổ, nhàm chán của hồn người.
Ôi buồn đau! Ôi cô lẻ!
Tiếng thơ – tiếng lòng buột cất lên
não nề, thống thiết nhưng không hề tuyệt vọng. Mộng ước ngày mai về với em - Nhina bên lò lửa đỏ giúp nhà thơ đủ
kiên nhẫn đi hết chặng đường xa, thức suốt đêm dài, vượt qua nỗi buồn của mình
đang tràn ngập trái tim trong những năm tháng lưu đày đằng đẵng. Phải hơn 1 năm
nữa, theo lệnh ân xá của Nga hoàng, Puskin mới được trở lại 2 kinh đô, dạo bước
trên các đại lộ Xanh Pêtecbua hay Matxcơva. Và cũng phải 5 năm nữa ông mới hoàn
thành kiệt tác tiểu thuyết thơ Epghênhi Ônhêghin bất hủ. Nhưng trong và
sau một đêm trăng tái tê, lê thê trên đường đông ấy, tác giả của trường ca Rutxlan và Lutmi -la tuyệt diệu đã có thể
chưng cất cảm xúc làm nên khúc balat Con
đường mùa đông lặng lẽ mà nồng nàn như cốc rượu Vốtca nguyên chất. Có điều, ở đây hương vị thiên nhiên đất nước
Nga, vẻ đẹp tâm hồn Nga không bộc lộ
riêng lẻ: từ ánh trăng, làn sương, con đường, cánh đồng, rừng tuyết, cột
cây số, bếp lò, cỗ xe ngựa, bài dân ca, cô bé Nhina má hồng đáng yêu, hoặc
không từ tâm trạng buồn đau trong sáng của thi sỹ mà là tổng hợp từ tất cả những cái đó. Màu sắc, âm thanh, không gian,
thời gian, nhịp điệu, vần điệu, cấu tứ, hình ảnh, cảm xúc… hợp lực tạo thành ấn
tượng chung rất mạnh, rất sâu, giản dị đến ngạc nhiên.
Và cũng chỉ có A. Puskin thần thánh
mới đủ tầm, đủ tài, đủ tâm để làm nên Con
đường muà đông, kết hợp với những Buổi
sáng muà đông, Buổi tối mùa đông,
Tuyết nhấp nhô… làm thành bộ tứ tấu đàn Balalaica
chủ điểm mùa đông Nga âm ba vang ròn qua ba thế kỷ./.
·
Lời văn
hào Nga Gô gôn ca ngợi thơ Puskin (1799 – 1837) – Nhà thơ Nga vĩ đại.
·
Đã in trên
báo Giáo dục và thời đại, 30 – 5 –
1997.
Đọc, chỉnh sửa và vi tính lại, 9 – 11 – 2013. ĐV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét