Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

GIỮ GÌN BẢN SẮC VĂN HÓA THỜI HỘI NHẬP – ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM




GIỮ GÌN BẢN SẮC VĂN HÓA THỜI HỘI NHẬP – ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM
                                                                  Vũ Nho

Có thể nói rằng không một người Việt nào từng cắp sách đến trường mà lại không biết đến  những câu nổi tiếng trong “Bình Ngô Đại cáo”:
          Như nước Đại Việt ta từ trước
          Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
          Núi sông bờ cõi đã chia
          Phong tục Bắc Nam cũng khác
          Từ Triệu , Đinh, Lí Trần bao đời gây nền độc lập…
Nước ta là một nước văn hiến từ lâu. Một đất nước có cương vực, có văn hóa, phong tục độc lập, khác biệt với nước láng giềng phương Bắc. Mặc dù chúng ta vẫn dùng chung một thứ chữ vuông với họ, nhưng văn chương của chúng ta vẫn là văn chương của người dân Đại Việt, thấm đẫm tinh thần dân tộc và bản sắc văn hóa của mình. Việc chế ra chữ Nôm, sáng tác  văn học bằng chữ Nôm ( song song với chữ Hán) thể hiện tinh thần độc lập, chủ động  giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
          Bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện trong  mọi lĩnh vực của đời sống như tôn giáo, tín ngưỡng,  lễ hội, phong tục tập quán, ẩm thực,  kiến trúc, âm nhạc, văn chương, hội họa,…Bản sắc đó kết tụ trong văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.
Mỗi khi có những thay đổi lớn trong lịch sử, những nét bản sắc văn hóa đó sẽ được thử thách. Hãy cùng nhau xem lại thời khắc mà văn minh phương Tây  “ đi tới chỗ sâu nhất trong hồn ta” làm thay đổi nhiều điều mà nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã tổng kết trong sách “ Thi nhân Việt Nam”:
          “ Chúng ta ở nhà tây, đội mũ tây, đi giầy tây, mặc áo tây. Chúng ta dùng đèn điện, đồng hồ, ô tô, xe lửa, xe đạp…còn gì nữa! Nói làm sao cho xiết những điều thay đổi về vật chất phương Tây đã đưa tới giữa chúng ta! Cho đến những nơi hang cùng ngõ hẻm, cuộc sống cũng không còn giữ nguyên hình ngày trước. Nào dầu tây, diêm tây, nào vải tây, chỉ tây, kim tây, đinh tây” ( Thi nhân Việt Nam, nxb Văn học, Hà Nội, 1988, tr.10). Nhà phê bình đã không ngần ngại đánh giá rằng : “ Những đồ dùng kiểu mới ấy chính đã dẫn đường cho tư tưởng mới. Trong công cuộc duy tân, ảnh hưởng của nó ít ra cũng ngang với ảnh hưởng những sách nghị luận của hiền triết Âu Mĩ, cùng những sách cổ động của Khang, Lương” ( sách đã dẫn, tr. 10). Ngày nay chúng ta còn dùng nhiều phương tiện hiện đại hơn nữa : máy tính, truyền hình, máy ảnh kĩ thuật số, điện thoại di động, mạng intơnét…và dù muốn hay không, chúng ta cũng phải cùng nhân loại bước vào thời đại công nghệ thông tin, thời kì kinh tế tri thức, thời kì hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu…

Chúng ta  cần phải thấy rằng những nét văn hóa của mỗi dân tộc trên quá trình hình thành và phát triển không phải nhất thành bất biến. Có những nét văn hóa, tập quán được lưu giữ, phát triển; đồng thời cũng có những điều qua thời gian sàng lọc, nó chỉ còn là “kí ức” một thời. Chẳng hạn  thời xưa, người Việt chúng ta nhuộm răng đen, để tóc dài,  phụ nữ mặc yếm. Vẫn còn dấu tích trong bài ca dao mười thương:
          Ba thương má lúm đồng tiền
          Bốn thương răng nháng hạt huyền kém thua
          Năm thương cổ yếm đeo bùa
 Nhưng sau đó chúng ta cắt tóc ngắn, cắt bỏ “búi tó củ hành” như là biểu tượng của sự hủ lậu; rồi chúng ta cũng không nhuộm răng đen nữa, thay yếm bằng áo nịt ngực…Rõ ràng, để phù hợp với thời đại mới, ngay cả những nét tưởng như là truyền thống, là cố hữu của chúng ta; nhưng chúng ta vẫn chủ động thay đổi, không sợ sự thay đổi. Tôi muốn dẫn lại hai ví dụ về hai nhà thơ Nam Định đối với cách ăn mặc, trang điểm của chị em.
          Nhà thơ Nguyễn Bính tha thiết, thậm chí van lơn trong “Chân quê”:
          Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa
          Như hôm em đi lễ chùa
          Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh
Nhà thơ còn đưa cả lí do “ thầy u cùng với chúng mình chân quê”, rồi “ hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” để  cầu xin, van nài cô gái. Nhưng cô ấy nào có nghe, cô ấy  và bạn bè cô ấy vẫn không chịu vận áo tứ thân, khăn mỏ quạ, quần nái đen, vẫn theo mốt tân thời “khăn nhung, quần lĩnh rộn ràng, áo cài khuy bấm”.
          Trong khi đó, nhà thơ trẻ đồng hương Nam Định của Nguyễn Bính là Phạm Công Trứ  hiện nay thì chấp nhận việc cô gái ăn mặc theo mốt hiện đại “ Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò” ( Lời thề cỏ may). Nhà thơ kiêm luật sư này thấy xu thế hội nhập của việc ăn mặc, trang điểm nên không van nài, thậm chí nhìn thấy vẻ đẹp của những điều khác lạ, “không dân tộc”:
          Em ốp đầu Nhật
          Em đánh móng Tây
          Mới đầu thấy chướng
          Lâu dần thấy hay
                             Nghịch lí em
          Phải thấy rằng sự dũng cảm thay đổi bao giờ cũng có “cái giá phải trả”. Chúng ta đều biết là từ khi có nền văn học viết, chúng ta dùng chữ Hán để ghi lại những tác phẩm của cha ông. Sau đó chúng ta có chữ Nôm, có nhà văn viết bằng cả chữ Nôm và chữ Hán. Cứ như thế nhiều thế kỉ cho đến khi chữ quốc ngữ ra đời. Lúc xuất hiện chữ quốc ngữ, với tinh thần dân tộc cao, chúng ta đã tẩy chay thứ chữ gắn với các cha cố truyền giáo. Nhưng thấy được lợi ích của thứ chữ giản tiện này, những nhà yêu nước, các chí sĩ, Hội truyền bá chữ quốc ngữ đã vận động toàn dân học chữ quốc ngữ. Và thế là chúng ta có một thứ chữ  hệ la tinh đơn giản dễ học dễ đọc vô cùng tiện lợi. Và điều quan trọng là chúng ta thoát khỏi ảnh hưởng  trực tiếp của thứ chữ vuông. Tất nhiên, cái giá phải trả của chúng ta là kho tàng văn chương chữ Hán, chữ Nôm của cha ông “bị đứt đoạn”  đối với thế hệ trẻ. Nhưng cái lợi ích to lớn của chữ quốc ngữ thì không thể kể xiết.  Thế nhưng vẫn có những ý kiến trái chiều nuối tiếc chữ Hán ( Về điều này nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn đã viết một bài sâu sắc thảo luận với PGS Cao Xuân Hạo : “ Dùng chữ quốc ngữ là “một tai họa” ư?” – Văn đàn, thời sự và bình luận, nxb Văn học, 2003, tr. 26).
Biết bao  bài học lớn  về giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mà cha ông chúng ta đã để lại trước khi chúng ta tham gia hội nhập.
          Vấn đề đặt ra là trong thời kì hội nhập khu vực và toàn cầu về kinh tế, văn hóa và tất cả mọi lĩnh vực, chúng ta cần xác định những gì là bản sắc, là nét riêng của mình để giữ gìn, phát huy và góp mặt cùng với các quốc gia, dân tộc khác trên thế giới làm giàu kho tàng văn hóa nhân loại. Từ những bài học của tiền nhân, chúng ta thấy rõ là cái gì  là tinh hoa của nhân loại, cần du nhập, chúng ta sẵn sàng nhập vào để làm phong phú thêm đời sống vật chất và tinh thần của mình. Những cái gì là của riêng ta, nhưng nếu rườm rà, không phù hợp với sự phát triển thì chúng ta cũng cần mạnh dạn xóa bỏ ( như chuyện búi tó củ hành, chuyện nhuộm răng đen, chuyện mặc yếm…vấn khăn mỏ quạ…). Ngay chuyện ma chay của chúng ta cũng có nhiều điều thay đổi. Những tục lệ ăn uống, cúng bái đã giảm  bớt nhiều, cùng với việc tổ chức lễ tang ở nhà tang lễ, đưa thi hài đến  thiêu ở Đài hóa thân hoàn vũ… là những cái mới, văn minh mà chúng ta chấp nhận, hòa nhập với thế giới. Tuy nhiên, các kiểu địa táng, hỏa táng, các nghi lễ truyền thống của vùng, miền và của các dân tộc vẫn được tôn trọng.
          Với lĩnh vực văn chương, theo chúng tôi  hiểu thì vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tiếng nói của 54 dân tộc anh em trên dải đất Việt và của cả 3 triệu người Việt sống ở nước ngoài là một việc cần phải tiếp tục. Tiếng Anh  và các thứ tiếng khác chúng ta cần học tập để hội nhập. Nhưng không nên du nhập tràn lan các từ tiếng Anh vào tiếng Việt. Có nhà thơ đã đưa tiếng Pháp vào thơ mình ( như một sự khoe ngoại ngữ). Có nhà văn, nhà khoa học rất thích chêm từ tiếng Anh vào bài nói, bài viết. Đó là việc coi thường bản sắc văn hóa dân tộc.
          Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa thời hội nhập là công việc của mọi nhà, của mọi người. Nhưng trước hết, đó là trách nhiệm của những người quản lí và các chuyên gia văn hóa.
                                                          Hà Nội, tháng 9 năm 2013

Đăng trên báo Quân Đội Nhân Dân, số 18905, thứ hai, 25/11/2013
Đây là bản gốc.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét