KHOẢNG GIỮA HAI CÀNH
Đầu làng
có con chim xanh
Ăn no tắm
mát đậu cánh dâu gia
Anh thương
cô mình tha thiết thiết tha
Cành cao
cao bổng, cành la la đà
Lời bình của Vũ Nho
Mấy câu ca dao này đọc
qua, tưởng ý tứ đã rành rành ra. Nhưng khi đọc kĩ lại thấy hiểu được rõ quả là
không dễ. Chỉ bốn câu mà có hơn bốn cách hiểu khác nhau.
Người sẵn lập trường giai
cấp thì cho rằng "chim xanh" lại "ăn no tắm mát" đích thị
là con gái nhà giầu. Cô gái này hay là tính khí chua ngoa (Vì sao không đậu
cành cây đa mà lại đậu cành dâu gia ?
Dâu gia vốn chua mà !).
Chắc không ít chàng trai
nghèo bị cô ta khinh khi, xách mé. Cô ta cậy giàu kênh kiệu, kén cá chọn canh
nên bây giờ nhỡ lứa. Và cũng đến bây giờ, anh trai nghèo kia mới có dịp giành
được cái thế hơn hẳn để chế nhạo cô nàng. Chữ "thương" ấy phải được
hiểu hoàn toàn ngược lại.
Người không suy luận xa xôi như vậy thì hiểu
rằng cô gái này đang lâm vào tình trạng quá lứa nhỡ thì. Chàng trai kia vốn
người hào hiệp, động lòng cám cảnh thương cô. Anh thương một cô gái, lẽ ra có
thể được sống hạnh phúc, nhưng bây giờ không có chỗ trong cuộc sống. Chỉ cảm
thông, thương vậy thôi, chứ tuyệt đối không phải thương yêu.
Cùng một kết luận cho
rằng cô gái được nói ở trong bài ca dao này là con gái nhà giàu, song đây là
bài ca tình yêu, hoàn toàn không hề có sắc màu châm biếm hay thương hại. Bài ca
nói lên nỗi lòng của một chàng trai nghèo trước một mói tình éo le, ngang trái.
Anh yêu cô gái ấy, nhưng cảm thấy không đủ tin vào tình yêu, vì sự ngăn cách
quá lớn về địa vị của hai người.
Cách hiểu thứ tư không
quy thành phần cho cả anh và chị. Bốn câu được hiểu như là một bài ca tình yêu.
Chính xác hơn là bài ca tâm trạng chập chờn của người đang yêu. Chim xanh gợi
nhớ đến cô gái người yêu. Chàng trai
chìm trong sự xay mê đắm đuối, cảm thấy người yêu lúc thì quá gần gũi ở trong
tầm tay, khi lại quá xa vời. Tâm trang ấy là tâm trạng con người hiện đại trong
thơ Tế Hanh :
Em gần
gũi em xa xôi
Sao em
như thể chân trời trước anh
Đưa tay
tưởng với được anh
Bước đi
tới mãi mà mình vẫn xa
Những
cách hiểu trên đều ít nhiều có cơ sở cả. Tuy nhiên, cách nào cũng có chỗ chưa
thật thỏa đáng. Trước hết xin đừng đồng nhất "chim xanh" với cô gái
để rồi căn cứ vào chỗ "ăn no tắm mát" mà quy thành phần xuất thân oan
uổng cho cô. Cái lối ẩn dụ, so sánh ngầm vốn là lối phổ biến trong ca dao. Cành
"dâu gia" chính là một cái cầu nối giữa hai đối tượng so sánh : con
chim xanh và cô gái tới tuổi cập kê, sắp sửa đi lấy chồng, đi làm dâu. Cách
hiểu thứ tư xem ra có vẻ hợp lý hơn, song sự so sánh "xa - gần" và
"cao - thấp" không phải bao giờ cũng trùng nhau khiến ta phân vân.
Hơn nữa nếu chỉ bày tỏ tâm trạng về sự gần gũi và xa xoi thì cành "dâu
gia" kia không có ý nghĩa gì đặc biệt, người ta sẽ thay bằng cành cây đa
một cây rất phổ biến trong hang loại các bài ca, hay bất cứ cành cây gì khác.
Xin hãy
đặt bài ca dao này vào hệ thống các bài ca tỏ tình, bạn sẽ thấy tính chất hợp
lí và vẻ đẹp riêng độc đáo của nó.
Tình yêu vốn phong phú và đa dạng. Do đó cách
tỏ tình cũng lắm vẻ, nhiều màu, cũng rất khác nhau.
Chàng
trai có thể nói úp mở, nhưng gợi ý sát sạt đến tận nơi :
Đường
về bên ấy bao xa
Mượn
mình làm mối cho ta một người
Một
người mười tám đôi mươi
Một
người vừa đẹp vừa tươi như mình.
Có khi
anh nói vòng quanh, nhưng rồi cứ tiềp cận, cứ vơ vào dần dần :
Hôm qua
tát nước đầu đình
Bỏ quên
chiếc áo trên cành hoa sen
Em được
thì cho anh xin
Hay là
em để làm tin trong nhà…
Có khi
chỉ là một ướm hỏi bâng quơ để dò ý tứ :
Đêm
trăng thanh anh mới hỏi nàng
Tre non
đủ lá đan sang được chăng ?
Và cũng
có thể chỉ là một lời trách âm thầm về sự vô tình hờ hững của ai kia mà tinh ý
lắm thì mới có thể nhận ra :
Hỡi cô
tát nước bên đàng
Sao cô muc ánh trăng vàng đổ đi ?
Nhiều
khi các cô gái không thích kiểu bóng gió "giở đục giở trong" nên lại
phải hỏi thẳng băng, không cần quanh co rào đón :
Hỡi cô
cắt cỏ một mình
Cho anh
căt với chung tình làm đôi...
Và
không chỉ ướm hỏi, mà còn phải mạnh dạn, táo bạo hơn nữa :
Gặp anh
đây anh nắm cổ tay
Anh hỏi
câu này : có lấy anh không ?
Bốn câu
ca chúng ta đang xét cũng là tỏ tình, nhưng nó lí thú ở chỗ chàng trai sau khi
bày tỏ lòng mình, anh không nóng vội đòi ngay câu tả lời của người bạn gái. Anh
tế nhị để cho cô suy nghĩ và lựa chọn. Nhưng vốn rất hóm cho nên anh đã
"gợi ý" chỉ để cho cô một cách lựa chọn mà thôi.
Diễn
giải những ý tứ trong bốn câu ca, chúng ta sẽ có được những lời theo kiểu văn
xuôi nôm na :
"Chim
xanh được mến yêu chiều chuộng đậu vào cành dâu gia - Em cũng như chim xanh -
Em sẽ đậu vào một cây đời khi em đi làm dâu. (Chữ "dâu gia" cây thực
và chim xanh gợi đến cây đời và việc sẽ đi làm dâu của cô gái ở đây dùng thật
đạt). Cây đời kia, cành cao với em – cao vời quá không đủ sức, còn cành thấp,
lại thấp quá, em chẳng ưng. Vậy em hãy chọn cho mình một cành vừa tầm, không
thấp quá, không cao quá".
Đặt vào
hệ thống những câu tỏ tình, chúng ta ngỡ ngàng vì cách chuyển ý đột ngột. Đang
bày tỏ tình cảm : "Anh thương cô mình tha thiết thiết tha" bỗng phắt
một cái - "Cành cao cao bổng cành la la đà" và chấm dứt luôn ở đó.
Nhưng ngắm lại thì tỏ tình như vậy mới là cách ăn nói "nửa chừng" của
người khôn. Sau khi bày tỏ tình cảm của mình, chàng trai gợi ý và rào đón. Một
cô gái thông minh nhất định sẽ nhìn thấy và chọn đúng cái cành không được nói
trực tiếp ở khoảng giữa hai cành ấy. Đó là cành của người thương cô "tha
thiết thiết tha ".
Rất hay và có lí nhà phê bình Vũ Nho ạ
Trả lờiXóa