NHỮNG VÒNG SÓNG TỎA LAN
TỪ TRÁI TIM ĐAN KÔ
(Đọc Trái tim Đankô
(trích truyện ngắn Bà lão
Idecghin (1894)
của M. Gorki (1868 – 1936)
ĐƯỜNG VĂN
Trong
bài Trái tim Đankô, (Sách giáo khoa Văn 6, CCGD, 1986) lược trích từ truyện
ngắn Bà lão Idecghin (1994) của M.
Gorki (1868 – 1936) có một chi tiết nhỏ, dường như ít người để ý. Song, chính
vì vậy nên nó khá bất ngờ và thường khiến các thầy cô giáo trẻ ở trường THCS
lúng túng, khó xử. Chi tiết ấy nằm trong đoạn:
…
Chàng Đankô can trường và kiêu hãnh đưa mắt nhìn thảo nguyên bao la trước mặt,
sung sướng nhìn khoảng đất tự do và bật lên tiếng cười tự hào. Rồi anh gục
xuống chết.
Đoàn
người vui sướng và trần đầy hi vọng, không để ý rằng Đankô đã chết và không thấy trái tim can đảm của anh vẫn cứ
cháy bừng bừng bên cạnh xác anh. Chỉ có một người vốn tính cẩn thận nhận thấy
điều đó, sợ xảy ra chuyện gì không hay, liền giẫm lên trái tim kiêu hãnh ấy.
Trái tim lóe ra một tia sáng rồi tắt ngấm…
-
Đấy, duyên cớ của những ánh lửa xanh thường xuất hiện
trên thảo nguyên vào trước lúc cơn giông, là như vậy…
Về chi tiết có vẻ bất thường, bất hợp
lý, khó lý giải này, đã có nhiều cách hiểu, cách gợi mở cùng là những thắc mắc
khác nhau:
-
Với giáo viên: Một số bỏ qua, vì bản thân
cũng lúng túng khi giải thích. Số khác giải thích qua loa, đại khái, như: Chi
tiết chứng tỏ Đankô hy sinh anh dũng, thanh thản, không cần trả ơn, hoặc dứt
khoát cho rằng đó là một hành động dã man, vô ơn bạc nghĩa…v.v…
-
Với học sinh: khi đọc đến đoan này, thái độ
khá đa dạng:
Có em chỉ ước gặp tên đê tiện dám giẫm
lên trái tim người anh hùng để cho nó 1 bài học nhớ đời! Em khác rưng rưng xúc
động vì thương anh Đankô chết rồi vẫn chẳng được yên! Có em định mang trái tim
cháy ấy đến viện bảo tàng để lưu giữ muôn đời…!
-
Riêng tôi,
có lúc muốn bắt chước Kim Thánh Thán xưa, dựng cụ Gorki dậy mà cin hỏi cho ra
nhẽ! Rõ ràng, từ cái chi tiết người giẫm trái tim Đankô đã tự nó tỏa ra những vòng sóng khác nhau, truyền lan về những
cách cảm nhận, giải thích không giống nhau, tạo nên tính đa nghĩa thú vị của hình tượng nghệ thuật.
Dưới đây là những vòng sóng – câu trả lời của tôi thu nhận được trong quá trình
đi tìm một lời giải tối ưu. Tuy nhiên, chắc chắn nó vẫn mang đậm tính chủ quan
và khó tránh khỏi việc suy diễn ít nhiều!
Trước hết, cần phải xuất phát từ phong cách, bút pháp nghệ thuật
của tác giả đã vận dụng để cắt nghĩa. Bà
lão Idécghin được sáng tác bằng 2 bút pháp kết hợp: lãng mạn và hiện thực. Tính chất đa phong cách, đa bút pháp
cùng tồn tại trong 1 tác phẩm là một trong những nét độc đáo của phong cách
nghệ thuật truyện ngắn M. Gorki thời trẻ, trong giai đoạn sáng tác
đầu tiên. Nhưng trong truyện ngắn này, phong cách chủ yếu bao trùm là phong cách lãng mạn tích cực. Nhà văn
thường sử dụng những yếu tố, những môtip,
thủ pháp nghệ thuật của chủ nghĩa lãng mạn. Ông thích vận dụng cách mở truyện, kết truyện học tập từ thần thoại, cổ tích và truyền thuyết Nga. Điều đó làm cho một số
truyện ngắn thời kỳ đầu của MG. tựa hồ như những truyền thuyết, huyền thoại dân
gian: lấp lánh, kỳ ảo những chi tiết, hình ảnh hoang đường vừa gần gũi, chân
thực như những truyện hiện thực thời hiện đại. Hiểu như vậy, thì chi tiết người giẫm trái tim Đan kô chẳng qua chỉ
là một thủ pháp nghệ thuật, một cái cớ ngẫu nhiên (mà đầy
dụng ý của người kể chuyện – bà lão Idecghin) về những ánh lửa xanh thường xuất hiện trên thảo nguyên trước cơn giông. Đó là một dụng ý nghệ thuật của
tác giả đã được phục bút ngay từ đoạn
mở đầu. Và đây cũng là một biện pháp nghệ thuật khá quen thuộc và phổ biến của
truyện cổ dân gian nhiều nước.
Một trong những biện pháp nghệ thuật
quen thuộc và phổ biến của chủ nghĩa lãng
mạn là đối lập – tương phản. Để
làm nổi bật ý đồ tư tưởng nghệ thuật, các tác giả lãng mạn thường đối lập giữa
cái phi thường với cái tầm thường, giữa
cái cao cả và và cái thấp hèn ti tiện.
(Chẳng hạn như Giăng Van giăng và Gia ve,
thằng gù Quadimôđô và Phó giáo chủ, chim ưng và rắn nước, chim báo bão
và chim hải âu…). Trong truyện ngắn Bà
lão Idecghin, tác giả đã sáng tạo hàng loạt đối lập tương phản giữa các
hình tượng với hình tượng Đankô, theo phong cách lãng mạn: Cô gái và Lara, Lara
và Đankô, Bà lão với những người yêu của bà; Bà lão với Đan kô, đoàn người với
Đankô…Trong đó, người giẫm tim tương phản
với Đan kô là đối lập cuối cùng. Đó là chiếc đòn bẩy hạng nặng cuối cùng khiến cho hành động và sự hi sinh cuối
cùng của chàng Đankô thêm chói sáng, kỳ vĩ. Nằm dưới bàn chân của người giẫm
tim cẩn thận mà tầm thường, chu đáo mà thực dụng, trái tim cháy ngọn lửa tình yêu của Đankô càng thêm cao cả, vĩ đại.
Thêm chi tiết tưởng chừng như thừa ấy, nghĩa cử của Đankô nổi bật thêm, vượt
lên tầm cao mới: vời vợi mênh mông, thần thánh!
Tượng
trưng, phúng dụ, đa nghĩa cũng là những biện pháp nghệ thuật quan trọng của
phương pháp lãng mạn. Chi tiết người giẫm
tim và trái tim tóe lửa, tắt ngấm rồi lại bùng lên mỗi lần trước cơn
giông phải chăng tượng trưng cho sức sống bất tử của trái tim Đankô. Đó
cũng là khao khát cao cả, nhân văn, niềm vui, niềm tự hào, kiêu hãnh của M.
Gorki vào Con người?
Nhưng có lẽ vấn đề không chỉ đơn giản
như vậy! Cần phân tích thêm diễn biến tâm trạng của đoàn người trên đường
đi: lúc nguy hiểm tuyệt vọng thì điên
cuồng sỉ vả, định giết Đan kô; khi
thoát hiểm, thành công thì hả hê, sung
sướng, tràn đầy hi vọng. Mê mụ vì
chiến thắng, họ đã quên bẵng chàng Đankô, người anh hùng cứu tinh của họ. Còn
Đankô thì đã chết rồi! Đankô chính là một kiểu anh hùng lý tưởng, toàn tâm toàn
ý hy sinh cuộc sống của bản thân mình vì tự do, hạnh phúc của đồng loại một
cách hồn nhiên, trong sáng. Thế mà đoàn người lại đối xử với chàng như vậy?!
Thật đáng trách, thậm chí đáng lên án về thói vô ơn, bạc bẽo của kẻ qua sông…Nhất là kẻ cẩn thận, lo xa giẫm
tim kia! Nhưng đó cũng lại là sự thật cuộc sống, một hiện tượng tâm lý dễ hiểu
của những hạng người vô ơn bạc nghĩa, cá nhân, lạnh lùng, tệ hại. Niềm vui điên
cuồng vì được sống, được tự do đã khiến đầu óc họ mê lú, đến điên rồ, không còn
nghĩ đến ai, biến thành những kẻ vô ơn đáng ghét. Trong số họ có một kẻ cẩn thận thái quá, sợ xảy ra chuyện gì
không hay! (cháy đồng cỏ chẳng hạn!) đã làm cái việc báng bổ ấy! Làm như
vậy vì ai? Hẳn không phải vì Đankô đã chết, cũng không phải vì cộng đồng, mà
trước hết và chủ yếu là vì mình, cá nhân mình, sau đó mới là vì đoàn người, bộ
lạc. Con người cẩn thận, tỉ mẩn, lo xa và giỏi tính toán, rất lý trí ấy cũng
đồng thời là kẻ thực tế đến thực dụng, lấy hiệu quả làm mục đích tối thượng cho
mỗi việc làm. Bằng chi tiết nghệ thuật này, phải chăng M. Gorki muốn thể hiện một mặt của tính cách Nga, một bộ phận
trong nhân Nga, có thể là bộ phận dưới
đáy xã hội Nga những năm 90 thế kỉ 19, những người mà lao động khổ sai, sự
dốt nát vô học, gánh nặng của số phận bi đát đã giết chết hoặc làm thui chột,
méo mó những tình cảm trong lành, nhân hậu, bình thường của con người như lòng
biết ơn, tình yêu thương đồng loại…
Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho những
người anh hùng mới của thời đại mới – những người như Đankô là có thể và sẵn
sàng hi sinh để giác ngộ, giáo dục, nâng cao tâm hồn và trí tuệ cho cộng đồng,
cảm hóa nhân dân.
Nhưng anh hùng, dù vĩ đại, mấy ai đã
hoàn thành mỹ mãn sứ mạng và gánh nặng khổng lồ ấy mà thoát nổi bi kịch? Đan kô
cũng vậy. Chàng là một anh hùng bi kịch trong giai đoạn lịch sử
mở đường của thời đại mới. Chi tiết người
giẫm tim càng khẳng định sâu đậm tính
bi kịch của người anh hùng sớm bị lãng quên ngay trong ngày chiến thắng.
Cố nhiên, còn nhiều vòng sóng khác trong những vòng sóng tỏa
lan đến vô cùng, những tầng ý nghĩa tư tưởng - thẩm mỹ cao sâu khác mà tôi chưa
phát hiện tới. Còn việc chuyển những vòng
sóng đó từ chi tiết nghệ thuật người
giẫm tim đến chuyện học sinh đọc hiểu, cảm nhận cụ thể như thế nào thì lại
nằm ngoài phạm vi bài viết này./.
·
Đã in báo Giáo dục& Thời đại, tháng 12 – 1991
Đọc lại, sửa chữa, bổ sung, vi tính… 12 – 11
– 2013. ĐV
Bài phân tích thật đặc sắc. Cám ơn nhà giáo Đường Văn
Trả lờiXóaThay mặt Đường văn, cám ơn bạn đã chia sẻ!
XóaRất sâu sắc Thày ạ!
Trả lờiXóaCám ơn Dương đã ghé trang và chia sẻ!
Xóa