Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

TÍM BIẾC HOA THƠ LẶNG LẼ DÂNG NGƯỜI


TÍM BIẾC HOA THƠ

LẶNG LẼ DÂNG NGƯỜI

 Đường Văn
(Đọc bài thơ Cháu nhớ Bác Hồ - Thanh Hải)

          Tôi muốn ví bài thơ Cháu nhớ Bác Hồ như một đóa hoa thơ tím biếc, lặng lẽ mọc giữa dòng sông Hương ngắt xanh mà nhà thơ Thanh Hải đã thành kính dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh và hiến cho đời như một nốt trầm xao xuyến, ngân nga…
          Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, kể từ cái đêm trang thu trong sáng bên dòng sông Hương, núi Ngự, mỗi lần đọc lại bài thơ, sao lòng mình vẫn thấy bồi hồi, bâng khuâng một niềm xót xa, cảm động!
          Gửi ra từ đất lửa Trị Thiên trong những năm đen tối nhất của cách mạng miền Nam (8 – 1956), Cháu nhớ Bác Hồ được bạn đọc miền Bắc đón nhận với biết bao hân hoan, đợi chờ và xúc động. Giản dị, mộc mạc như áng ca dao cổ truyền, không chút trau chuốt, đẽo gọt, 40 câu thơ lục bát giãi bày một cách hồn nhiên nỗi lòng, tâm sự khăc khoải của một cháu thiếu nhi xứ Huế, trong đêm trung thu trăng sáng như gương, càng nhớ, càng thương Bác Hồ mãi tận ngoài Hà Nọi, tận miền Bắc xa xôi. Những hình ảnh tả thực hiện tại: đêm trăng, bến Ô Lâu, hiển nhiên ở đây chỉ là cái cớ để nhân vật trữ tình hồi tưởng, nhớ thương, vọng ngóng và mơ ước. Cứ trở đi hình ảnh biểu tượng chòm râumái tóc bạc phơ tượng trưng cho vẻ đẹp sáng trong, nhân hậu, thần tiên của vị cha già dân tộc muôn vàn kính yêu. Nhớ Bác, chúng cháu nhớ biết bao những bức thư kèm thơ lại kèm cả những cái hôn trìu mến, âu yếm của Bác gửi cho các cháu khắp vùng gần xa. Nâng niu tấm hình Bác trên tay, mê mải ngắm khuôn mặt gày gầy, đôi mắt sáng như sao, cháu ôm ảnh Bác mà ngờ Bác hôn! Như cảm thấy mơn man, buồn buồn chòm râu mát rượi hòa bình  trên đôi má thơ ngây đã đầm đìa nước mắt. Nhớ Bác, cháu tưởng Người đã hóa thành ông Tiên, ông Bụt trong truyện cổ tích vụt bước ra, hóa phép thần kỳ đổi đời, hồi sinh quê hương cháu:

Nhớ ngày quê cháu tan hoang,
Lụt trôi, bác gửi lúa vàng vào cho.
Nhớ khi nhà cháu ra tro,
Bác đưa bộ đội về lo che giùm.
          Nhưng đây là cháu thiếu nhi miền Nam đang sống trong sự kềm kẹp của kẻ thù đang âm mưu chia cắt đất nước lâu dài, nên một việc làm rất chính đáng, rất hồn nhiên, tốt đẹp ấy  cũng phải làm trong lén lút, giấu giếm.Nhớ thương Bác Hồ  cũng phải thầm lén, trong đêm, lo lắng, giật mình! Bởi vậy, nỗi nhớ, nỗi đau của trẻ càng thêm đắng xót, ngậm ngùi, tủi cực, đáng thương. Mong ước Bác Hồ vào Nam ngày thống nhất càng thêm âm thầm cháy bỏng. Vời vợi bay xa, hướng ra miền Bắc, hướng về Thủ đô Hà Nội thân yêu, cháu tha thiết gọi:
Bác ơi, dù cách núi non,
Mà hình Bác vẫn trong lòng không xa.
Giặc kia muốn cắt sơn hà,
Mà miền Nam vẫn hướng ra Bác Hồ.
Hướng về sắc đỏ ngọn cờ,
Về ngày Nam Bắc cõi bờ liền nhau.
          Đâu chỉ là nỗi niềm đau đáu, nhức nhối, là tấm lòng kiên trinh, son sắt của một cháu bé bên dòng Hương xứ Huế mà đã thành tiếng nói chung, tâm sự chung, lời thề chung của toàn thể nhân dân miền Nam bên kia vĩ tuyến 17, từ Cách mạng tháng  Tám, qua kháng chiến chín năm chống Pháp, chưa được một lần đón Bác vô thăm.
          Niềm tin và lòng hi vọng, trung thành tuyệt đối với cách mạng, với Đảng, với Bác Hồ của đồng bào miền Nam nơi Thành đồng Tổ quốc, từng đã hơn một lần đồng vọng trong bài Gói đất miền Nam của Xuân Miễn:
Con ra thưa với Cụ Hồ,
- Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao!
Trong tiếng hát Bóng cây Kơ nia:
Hướng về mặt trời mọc
Uống nước nguồn miền Bắc
                                                                  (Ngọc Sơn)
Và trên những chặng đường Ta đi tới:
Dù ai rào dậu, ngăn sân,
Lòng ta vẫn giữ là dân Cụ Hồ.
(Tố Hữu)
          Giấc mơ tương lai hai miền Bắc Nam thống nhất, nhân dân miền Nam rước Bác Hồ vô thăm là một trong những giấc mơ ám ảnh, đẹp đẽ, chứa chan hi vọng, bao năm qua từng ấp ủ hàng chục triệu đồng bào. Giấc chiêm bao ngời sáng, ấm lòng cháu bé quê bến Ô Lâu:
Đêm nằm, cháu những chiêm bao,
Ngày vui thống nhất, Bác vào miền Nam.
Cổng chào dựng chật đường quan.
Bác đến đình làng, Bác đứng trên cao.
Bác cười, thân mật biết bao,
Bác dặn đồng bào cặn kẽ từng câu.
Nhìn mắt sáng, nhìn chòm râu,
Bác xoa đầu cháu, Bác âu yếm cười!
          Mơ mà như thực, thực mà là mơ! Sao thấy xót xa, ân hận vô cùng! Với đồng bào và thiếu nhi miền Nam, mãi mãi Bác Hồ vẫn đi về trong muôn vàn thương nhớ.
Bài thơ kết thúc bằng phút giây trở về với hiện tại, bằng nỗi mặc cảm: cháu nghèo (Bác lại càng thương hơn!), trong 2 câu thơ, có ý xô lệch 5 thanh trắc liền nhau như tiếng nấc nghẹn tủi cố kìm nén và vì thế mà tức tưởi:
Bác chắc cũng nhớ cháu nghèo,
Miền Nam đau khổ sớm chiều trông ra.
          Các cháu thiếu nhi miền Nam sau ngày giải phóng(30 – 4 – 1975) đến nay và mãi mãi về sau, càng kính yêu, càng nhớ thương Bác Hồ, nhưng chăc không có cháu nào phải trải qua hoàn cảnh và tâm trạng như cháu bé Thưà Thiên năm ấy: Nỗi nhớ Bác Hồ dằng dặc đêm cố đô, đêm Tết trung thu, từ những tháng năm đau thương đã trở thành lịch sử./.

·        Đã in báo Giáo viên và Nhà trường, số 27, năm 2000.

Đọc, sửa, vi tính lại, 9 – 11 – 2013. ĐV



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét