Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

VŨ NHO trong chương trình THƠ VÀ CUỘC SỐNG của Đài TIẾNG NÓI VIỆT NAM




VŨ NHO trong chương trình THƠ VÀ CUỘC SỐNG của Đài TIẾNG NÓI VIỆT NAM
Trò chuyện về đề tài: “ Cảm xúc thơ về nhà giáo- nhà trường.” nhân ngày 20/11.
Phát trên kênh VOV2 vào 14h30 ngày 17 tháng 11, phát lại trên kênh này vào 22h00 ngày 18 tháng 11.
Phát trên kênh VOV 1 vào 23h 20 ngày 17 tháng 11. 
Đây là nội dung chính, khi nói có thay đổi chút ít.

1, Điều đầu tiên xin cảm ơn Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho đã nhận lời tham gia chương trình Thơ và cuộc sống của Đài Tiếng nói Việt Nam với đề tài “ Cảm xúc thơ về Nhà giáo- Nhà trường” để cùng tìm hiểu về tình cảm khá đặc biệt này trong sảm xúc sáng tạo của các nhà thơ Việt Nam.

VN : - Xin chào biên tập viên Thu Viễn, xin chào thính giả Đài TNVN.

2, Thưa PGS, TS Vũ Nho,
Dân tộc ta có truyền thống “Tôn sư trọng đạo” và hình ảnh những nhà giáo mẫu mực trong lịch sử như Chu Văn An, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Ái Quốc, Võ Nguyên Giáp…từ lâu đã trở thành hình tượng rất đẹp để các thế hệ nhà giáo noi theo. PGS TS có thể phân tích những điểm khái quát nhất của thơ viết về nhà giáo trong lịch sử.


VN: - Các danh nhân văn hóa Việt Nam như bạn vừa kể tên, đồng thời cũng là những người làm việc dạy học, làm nghề thầy.Tôi muốn bổ sung thêm ba nhà thơ lớn, cũng đã từng dạy học. Đó là nhà thơ Cao Bá Quát, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và nhà thơ Nguyễn Khuyến. Cụ Nguyễn Khuyến không mở trường dạy học, nhưng có đi làm gia sư cho một vị quan to thời đó.

Người Việt có truyền thống tôn sư trọng đạo. Tôn sư là tôn kính thầy dạy. Trọng đạo là coi trọng đạo học, trọng kiến thức thầy truyền dạy, cũng là coi trọng đạo làm trò, đạo làm người. Vai trò của thầy dạy học được tôn trọng còn hơn cả người sinh thành vì thầy dạy học là người thầy về tinh thần, là người khai tâm. Nước ta trong lịch sử đề cao vai trò người thầy dạy học chỉ sau đức quân vương. Quân – Sư – Phụ ( Vua- Thầy dạy – cha đẻ). Đối với thầy giáo, người học coi là cha tinh thần của mình. Thời phong kiến, dù người học trò có lớn tuổi thế nào đi nữa, vẫn gọi thầy là thầy và xưng mình là con. Tinh thần tôn trọng ấy còn thể hiện trong tết lễ: Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết Thầy.Thơ viết về các nhà giáo trong lịch sử đều ca ngợi tài năng, đức độ của người thầy, quyết noi gương, nối chí của thầy để giúp dân, giúp nước. Tiếc là thơ ca về đề tài này ít được các nhà biên khảo sưu tập. Những vẫn có những bài tiêu biểu cho tinh thần như đã nói. Xin dẫn ra đây bài thơ của nhà thơ Trần Nguyên Đán viết về nhà thơ, nhà giáo Chu An nổi tiếng đức độ. Bài thơ chữ Hán có nhan đề:
HẠ TIỀU ẨN CHU TIÊN SINH BÁI QUỐC TỬ TƯ NGHIỆP
Mừng ông Chu Tiều ẩn được bổ chức Tư nghiệp Quốc tử giám
Học hải hồi lan tục tái thuần
Thượng tường sơn đẩu đắc tư nhân
Cùng kinh bác sử công phu đại
Kính lão sung nho chính hóa tân
Bố miệt mang hài quy khứ nhật
Thương nhan bạch phát dục Nghi xuân
Hoa Huân chỉ thị thùy ư trị
Tranh sắc Sào, Do tác nội thần

Dịch nghĩa
Làn sóng bể học trở lại phẳng lặng
Mừng được người mô phạm ở trường Quốc tử như núi Thái Sơn và sao Bắc Đẩu
Ông biết hết các sách kinh, thông hết các sách sử, công phu rất lớn
Kính trọng người già, sùng chuộng đạo Nho, chính hóa ngày nay mới mẻ
Tất vải, giày cỏ, ngày lui về khi xưa
Mặt xanh, tóc bạc, tắm mát sông Nghi
Vua Nghiêu, vua Thuấn chỉ rũ áo ngồi yên mà vẫn trị được nước
Đâu được như ngày nay có vị cao ẩn như Sào Phủ, Hứa Do làm tôi ở trong triều.
Ta thấy thầy giáo Chu An được Trần Nguyên Đán ca ngợi như Thái Sơn, Bắc Đẩu; học vấn uyên thâm, đạo đức trong sáng, sinh hoạt giản dị, tài năng không kém gì Hứa Do, Sào Phủ bên Tàu.

3, Tình cảm kính trọng, tôn vinh các nhà giáo chính là tôn vinh những giá trị đạo đức truyền thống “dạy làm người” trong cuộc sống . PGS TS có thể làm rõ hơn khía cạnh đạo đức trong câu “Tiên học lễ, hậu học văn” được khai triển trong cảm xúc thơ như thế nào?

VN : - Nhà giáo được kính trọng, tôn vinh bởi chính đạo đức trong sáng của mình. Đó là đạo đức “mài chẳng khuyết, nhuộm chẳng đen”. Thầy còn được tôn vinh vì kiến thức sâu rộng “ thiên kinh, vạn quyển”, như thầy Chu An trong bài thơ chúng ta vừa nhắc: “biết hết các sách kinh, thông hết các sách sử, công phu rất lớn”. Các nhà giáo đều dạy học theo phương châm nổi tiếng trong rừng nho biển thánh. Đó là : “ Học nhi bất yếm; Hối nhân bất quyện” ( Học không biết chán; Dạy không biết mỏi). Nhà vua Lê Thánh Tông của chúng ta sau này có câu thơ:
Trống dời canh còn đọc sách
Chiêng xế bóng chửa thôi chầu
Tự thuật
Chính là Vua đã học tập tinh thần làm việc không mỏi mệt từ những người thầy dạy đáng kính của mình.
Về vấn đề “ Tiên học lễ, hậu học văn”.
Người xưa nhấn mạnh chữ Lễ ( lễ nghĩa, đạo đức) cần phải học trước. Còn văn ( văn hóa, chữ nghĩa) thì học sau. Tôi nghĩ rằng câu có tính chất như phương châm, khẩu hiệu, triết lí giáo dục đó chỉ phù hợp và đúng đắn trong thời giáo dục phong kiến.
Trong thời hiện đại, nhà giáo luôn thấm nhuần tinh thần “dạy chữ kết hợp với dạy người” thì cái ý nghĩa “ tiên- hậu” ( trước-sau) đó có vẻ không thật thích hợp. ( Đáng buồn là không ít nhà trường mới của chúng ta vẫn hãnh diện kẻ dòng chữ không phù hợp lắm đó trên chỗ trang trọng của ngôi trường). Mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học bây giờ không giống thời phong kiến. Học văn hóa, học đạo đức, học tinh thần cần cù, hết lòng vì con người ( cụ thể là vì học sinh thân yêu). Dạy chữ đi liền với dạy người. Học văn hóa kết hợp chặt chẽ và sâu sắc với học đạo đức. Đó là nội dung của một nền giáo dục mới. Đó cũng là nội dung các bài thơ mà các nhà thơ chuyên nghiệp vốn là học sinh, các nhà thơ là thầy cô giáo, và các nhà thơ – nghiệp dư học sinh – số lượng đông vô kể đã thể hiện trong các bài thơ viết về thầy giáo và nhà trường. Nhà trường là vườn ươm kiến thức. Nhà trường là vườn ươm đạo đức, tài năng. Các thầy cô như những người chở đò đưa học sinh tới bến bờ hiểu biết; cũng giống như người ươm trồng - ở đây là trồng người; lại cũng là những kĩ sư tâm hồn. Công ơn của các thầy cô mãi mãi được học trò khắc ghi, được các bậc phụ huynh trân trọng; được xã hội thừa nhận, tôn vinh và điều ấy đã thể hiện đậm nét trong thơ về nhà giáo, nhà trường.


4, Mời các bạn nghe bài thơ “ Trước mộ thầy Chu Văn An” của tác giả Hoàng Huy qua giọng đọc nghệ sĩ Ngọc Thọ để hiểu thêm sự tri ân thầy học và đạo học đã được tiếp nối trong thơ ca:
( Băng thơ 1071- 2’38’’).



5, Hình ảnh quen thuộc trong nhà trường với những “ phấn trắng, bảng đen’” từ lâu đã đi vào trong thơ. Theo quan sát và chia sẻ của PGS thì những yếu tố này đã có dấu ấn trong thơ như thế nào? ( thơ Hữu Thỉnh, Đặng Hấn, Duy Phi…)

VN: - Đúng là một hình ảnh có tính chất biểu tượng cho nhà trường của chúng ta trong một thời gian dài. Xin nói là khoảng chục năm nay, bảng đen đã được thay thế bằng bảng xanh rồi bảng xanh chống lóa, bây giờ thì lại tồn tại song song bảng đen, bảng xanh và bảng trắng dùng cho máy tính và máy chiếu…Nhưng một thời gian dài, chiếc bảng đen và viên phấn trắng là một trong các phương tiện dạy học không thể thiếu của mỗi lớp học. Từ viên phấn trắng, đến bụi phấn trắng. Từ mái tóc xanh đến mái tóc muối tiêu, rồi mái tóc trắng như mây của thầy…Tất cả đã để lại ấn tượng sâu sắc cho bao thế hệ học sinh. Viến phấn ngắn đi, như cuộc thời thầy cô hao gầy. Bụi phấn trắng, tưởng như qua thời gian đã đọng trắng trên mái tóc thầy cô…Vừa gợi một nỗi xót xa, thương cảm; lại vừa gợi niềm cảm phục, biết ơn. Có nhiều bài hát đã thể hiện thành công và cũng không ít các bài thơ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Bạn vừa nhắc đến thơ của Hữu Thỉnh, Duy Phi, Đặng Hấn. Tôi muốn bổ sung thêm thơ của nhà thơ Vũ Quần Phương cũng nhắc đến bảng đen phấn trắng:
Tôi quay nhìn chớp mắt tuổi thơ tôi
Phấn trắng bảng đen háo hức chân trời
Tất cả đó mà không còn đó nữa
Phấn vẫn trắng, bảng vẫn đen chỉ lòng tôi hăm hở
Đã lắng dần theo năm tháng dồn xô
Trường xưa
Nhà thơ Hà Đức Toàn không viết về phấn trắng bảng đen, nhưng lại viết về tấm bản đồ vô cùng đặc biệt. Người thầy giáo đã lấy tấm vải diềm bâu tiêu chuẩn may áo để vẽ bản đồ làm giáo cụ trực quan dạy học sinh :
Năm tháng qua nhanh tóc thầy trắng xóa
Lũ chúng con cũng điểm bạc mái đầu
Muôn nẻo nước non kẻ còn người mất
Đều biết mình ở điểm nào
Trên tấm bản đồ bằng vải diềm bâu
Tấm bản đồ bằng vải diềm bâu
Và đây bảng đen phấn trắng trong bài thơ của Nguyễn Thái Vận về “ Buổi dạy cuối cùng” của một thầy giáo sắp về hưu:

Bao thứ quen gần một đời, bỗng hoá thiêng liêng
Chiếc bảng đen, viên phấn tròn trắng mịn
Những trang vở thơ ngây màu mực tím
Hàng gạch vuông quên lãng dưới chân

Thân thiết vô chừng những cặp mắt long lanh
Chờ đợi uống lời thầy như suối ngọt
Những ngón tay lật vội vàng trang sách
Mái đầu nghiêng theo nét chữ xiêu xiêu

Mắt thầy sững sờ. Ngày mai về hưu
Tất cả còn nguyên mà ngày mai như mất
Mất niềm vui thầy trò chung câu hát
Mất nỗi buồn có em chưa ngoan

Còn Lê Huy Hòa thì rưng rưng về “Người học trò ấy”, người từ giã sân trường rợp bóng bàng xanh lên đường chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Người đã gửi lại một cánh tay nơi chiến trường, nay về học lại “ lặng lẽ ở dãy bàn cuối lớp. Áo quân nhân một tay áo buông chùng”:
Lời tôi giảng thật hơn khi tôi nói đến ước mơ
Khi mắt tôi dừng lại ở tay áo buông chùng của em -
người học trò ấy
Niềm tin yêu lớn dậy
Những chân trời sau nét phấn xôn xao…
Người học trò ấy
Nhà thơ Hữu Thỉnh thì nghĩ đến người thầy với tất cả sự kính trọng, yêu tin và cả ngậm ngùi, thương cảm:
Đã vấp ngã
thưa thầy
nhiều vấp ngã!
Chẳng ở đâu xa, ở ngay giữa con người
Em bước đi lặng lẽ nghĩ về thầy
Đời mau quá, vui buồn chưa kịp cũ.
Đời mau quá, tóc thầy khói phủ
Giáo án mong manh bão giật đời thường
Cây trước cửa gió ở ngoài trang vở
Thầy một mình vật vã với văn chương.
Thưa thầy
Mời các bạn nghe bài thơ “ Thưa thầy” của nhà thơ Hữu Thỉnh qua giọng ngâm nghệ sĩ Trang Nhung

6, Các bạn đang nghe chương trình “ Thơ và cuộc sống” của Đài TNVN. Chúng tôi trao đổi với PGS TS Vũ Nho, chuyên viên cao cấp Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, về cảm xúc thơ viết về Nhà giáo- Nhà trường.

7, Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà thơ xuất thân từ nhà giáo đã thành công trong mảng thơ khá đặc biệt này, nhất là các nhà thơ nữ. PGS TS Vũ Nho có thể phân tích sự trải nghiệm trong nghề dạy học đã truyền cảm xúc sáng tác cho thơ như thế nào? ( ví dụ thơ Bùi Kim Anh, Thu Nguyệt…)

VN: - Tôi nghĩ có thể phân chia ra ba loại thơ viết về thầy giáo và nhà trường. Thứ nhất là thơ của những nhà thơ chuyên nghiệp, viết về thầy, về trường chủ yếu qua kỉ niệm, hồi ức. Thứ hai là thơ của các thầy cô giáo đứng lớp làm thơ rồi thành nhà thơ. Có thể sau rời bỏ mái trường, rời bỏ nghề dạy học, nhưng có người vẫn gắn bó với nghề dạy học suốt đời. Những nhà thơ như Nguyễn Thái Vận, Thanh Ứng, Hà Đức Toàn, Bùi Kim Anh, Nguyễn Thị Mai, Phạm Dạ Thủy, Lê Khánh Mai, Trần Chấn Uy, Thai Sắc, Trần Thị Vân Trung, Đặng Hiển, Chu Linh Quang, Lê Ngọc Bảo…Đông lắm không kể hết. Và thứ ba là thơ của các em học sinh làm thơ ca ngợi trường, ca ngợi thầy cô trên các báo tường, tập san, báo Hoa học trò, báo Nhi đồng, báo Thiếu niên tiền phong, tạp chí Văn học và Tuổi trẻ…
Với các nhà thơ làm nghề dạy học, giáo án, phấn trắng, bảng đen, giờ dạy thành công, giờ dạy thất bại, nỗi lo lắng các em bỏ học, nỗi băn khoăn còn có em chưa ngoan…đều là những công việc, sự kiện cụ thể tác động vào cảm xúc để có thể thành thơ. Không phải đi thực tế, không phải trải nghiệm gián tiếp, tất cả đều tự nhiên mà vào thơ. Những bài thơ của các nhà giáo bao giờ cũng có những nét riêng, từ những sự kiện cụ thể, riêng biệt, không lặp lại và rất giàu tính học đường.
Chẳng hạn, nhà thơ Hà Đức Toàn viết về một bạn nữ đồng nghiệp:
Vừa vào nghề dạy học
Lên lớp giảng còn run
Học sinh đùa : cô khóc
Học sinh khóc : cô buồn
Hoặc nhà thơ Thanh Ứng lo lắng về “tháng Ba đến lớp” của những em học sinh “ chẳng no cơm”:
Sáng ra tôi đứng cổng trường
Đón từng em đến lớp
Miệng nhẩm tính bốn mươi, bốn mốt
Những ngày này thấy quý các em hơn
Tôi biết có em ngày chẳng no cơm
Ăn hai bữa một phần độn củ
Nhưng hành trang đến trường bao giờ cũng đủ
Bài học thuộc trong đầu, sách vở gọn trong tay
Nhà thơ Nguyễn Thái Vận “gặp thầy giáo cũ đi bán sách cũ”:




Phút thầy trò vừa nhận ra nhau
Đôi tay thầy tuột rơi chồng sách cũ
Giữa quán sách nghèo bán mua lặng lẽ
Mười năm xa gặp lại sững sờ.
[…]
Sách với thầy là báu vật trong nhà
Là bộ óc, là trái tim nhân loại
Bìa quăn mép thầy đưa tay vuốt lại
Mỗi chữ in sai có nét chữ của thầy.

Kho báu đời thầy có thể đã vơi
Vì sách cứ thành mớ rau hạt gạo
Tôi cúi nhặt giùm thầy đôi tay nặng trĩu
Không dám hỏi đâu, chỉ lặng lẽ nhìn thầy.

Nhà thơ Đặng Hiển dạy thơ Bác. Chính việc học tập và dạy thơ Người đã cho nhà giáo kiêm nhà thơ cảm xúc để viết những vần thơ chân thực của một người giảng dạy trực tiếp trên bục giảng:
Người hồn nhiên sao con lại nghẹn lời
Người giản dị con e mình kiểu cách
Người tinh tế con lo mình thô kệch
Chỉ lòng con dâng trọn trước thơ Người

Nên dẫu vụng về con vẫn thấy lòng vui
Nhìn ánh mắt của đàn em rực sáng
Con thấy mình bay trong lời thơ giảng
Hồn thơ của Người nâng dắt con bay

Mời các bạn nghe bài thơ “ Dạy thơ Bác” của nhà thơ Đặng Hiển qua giọng ngâm của nghệ sĩ Vương Hà.
Cám ơn thính giả

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét