Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

LẠI MỘT MÙA THU ĐI



LẠI MỘT MÙA THU ĐI
Trần Năng Tĩnh

1. Ông nhà thơ Xuân Diệu từng có câu thơ ý vị, đa mang, đa tình… mà tôi rất thích: Mây đa tình như thi - sĩ ngày xưa.
Tôi lại chợt nhớ tới nhà thơ Chân quê - Nguyễn Bính - đồng hương cùng tôi, cũng từng có câu thơ vừa rất đỗi thành thực, lại vừa giăng mắc Tình Ái: Anh đi dan díu với Kinh thành
Vâng, kể cả Xuân Diệu và Nguyễn Bính, mà người đời đã phong tặng biệt danh “Hai ông Vua thơ tình trong Thơ Hiện Đại” - nhất là trong phong trào Thơ - Mới (Thơ Lãng mạn Việt Nam 1932 – 1945), đều có mẫu-số-chung của hồn cốt - hồn gốc: Đa Tình.
Chẳng cần phải giữ ý, giữ tứ, tôi cứ tự tình - tự phô bầy: Tôi - chính tôi cũng thuộc giống đa tình, nòi tình!
Từ những năm học lớp ba, lớp bốn gì đó, tôi đã mê nhạc Tiền chiến và thơ Lãng mạn. Bởi, tự thuở ấu thơ - cái thằng tôi, khi còn oắt con, đã được sống và thấm vào Máu - Thịt - Tâm - Tư những giọng điệu của Con thuyền không bến (Đặng Thế Phong); Suối mơ (Văn Cao); Thu quyến rũ (Đoàn Chuẩn); chưa hết… Cây đàn bỏ quên (Phạm Duy)… Bên cạnh đó là những thi sĩ hàng đầu của Phong trào Thơ - Mới, như: Thế Lữ, Nguyễn Bính, Huy Cận, Hàn Mặc Tử…
*
*                                        *
Con người đa tình, đa cảm nơi tôi, lại hay giăng mắc nỗi niềm hoài niệm…
Ấy là khi tôi nhớ lại, thế hệ cha mẹ tôi sao mà mê thơ văn lãng mạn và nhạc trữ tình Tiền chiến đến thế. Nhớ lại thuở xa xôi, mẹ tôi thường hát ru các em tôi bằng thơ Nguyễn Bính và nhạc xưa.
Rồi, cũng từ những năm lớp bốn, lớp năm, Tôi đã yêu thích đến nghẹn ngào xúc động trước những tình - khúc - truyện - ngắn. Ngoài nước có G. Đơ Mô-pa-xăng; An-phông-xơ Đô-đê; A. P. Sê-khốp… Và, trong nước với những tên tuổi lừng danh dịu dàng về giọng điệu mà cũng rất đỗi sang trọng. Đấy là các nhà văn Hồ Dzếnh; Thanh Tịnh… và, nhất là Thạch Lam.

*
*                                         *
Tôi đã lớn lên từ chất phù sa mẫu mỡ và tinh chất đậm đà tình cảm - lãng mạn ấy. Duyên cớ nào đã góp phần nảy sinh dòng văn chương, dòng nhạc… ấy? Mà, nếu nói rộng ra, sự lây lan, lan tỏa còn tới nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác: hội họa, điêu khắc, sân khấu… Hình như, đã thành quy luật của sự tồn tại và phát triển phải chăng chính là nằm ở lý do gốc rễ: cảm hứng và tự do mới tới tận đáy hồn của người nghệ sĩ.
Lại, cũng hình như - quy luật muôn đời của sáng tạo nghệ thuật, không chỉ dừng lại ở hiện - thực - bề - mặt mà chính là chất - đời, chất - tình nằm sâu kín thầm trong hiện thực - tâm tư!
2. Lại trong bối cảnh quen thuộc của Lòng - Tôi: những ngày tôi mới lên Hà Nội.
Một lần, tôi ngồi uống rượu với mấy ông bạn cố trí - Hà Nội có; Nam Định có. Buổi ấy, vào một đêm thu ở Hồ Tây lộng gió. Chợt, một đôi chiếc lá vàng rơi, vào giữa bàn rượu của mấy đứa. Anh bạn học phổ thông ở Nam Định của tôi “lên cơn” cao hứng mà ra đề: Này, thằng bạn học! Cậu vốn hay thơ, vậy cậu đọc cho bọn tôi bài thơ của cậu gắn với cảm xúc mùa thu lá bay đi!
Đáp lại tức thì, tôi không ngần ngại mà ứng tác; mà đọc luôn một cặp lục bát vụt hiện trong tâm tưởng:
“Lá vàng rớt xuống lòng tay
Hồ Tây
         hương cốm
                     rót đầy
                           Lòng đêm…”
Thế là, cũng tức thì, anh bạn tôi đứng phắt lên mà dõng dạc tuyên ngôn: Trần Công (ông Trần) ơi! Thơ cậu dường như mang phong vị hài hòa, tương hợp của kẻ Sĩ đất thành Nam và Hà thành đấy!
Đến đây, không ai bảo ai, mấy ông bạn rượu cùng bàn, bật dậy hoan hỉ vỗ tay như mấy thằng rồ. Chao! Một kỷ niệm thật khó quên.
3. Trong những ngày này, Hà Nội của tôi vừa vĩnh biệt trong vô vàn yêu thương và ngưỡng vọng cùng tiếc nhớ vị Đại Tướng, vị anh hùng dân tộc; vị thánh giữa lòng Dân - Võ Nguyên Giáp.
Tôi đã quan sát cả bằng mắt nhìn, trên cả Ti - vi nữa… Để rồi mới ngộ ra rằng: Đấy mới là hình ảnh đích thực một đi không trở lại của Đất-Nước này, xứ sở Đại Việt này. Và, trong tôi đột vọng những lời tâm tình - thành kính:
- Võ Nguyên Giáp: Thầy giáo!
- Võ Nguyên Giáp (Anh Văn): Đại - Tướng!
- Võ Nguyên Giáp: Nghệ - sĩ!
Sau khoảnh khắc gặp gỡ và xúc động ấy, với một chiếc lá vàng nâng trên tay, tôi đứng lên mà đọc hai câu thơ của thi sĩ Bích Khê:
Ôi hay! Buồn vương cây ngô đồng
Vàng, vàng rơi
                  Thu mênh mông
Mà, chẳng biết tôi đang tự tình cùng tôi hay cùng ai nữa. Lại một mùa thu đi…
Hà Nội, 24/10/2013



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét