Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

MỘT THỜI… BUỒN VUI ĐIỆN THOẠI

MỘT THỜI…
BUỒN VUI ĐIỆN THOẠI

Trần Năng Tĩnh

1. “Dạ vâng, em chào bác ạ! Cảm ơn bác, em và nhà em vẫn khỏe ạ…”
Quái lạ, hay là mình nhầm số máy. Đúng là giọng của cô ấy rồi. Mà sao cô ấy dở hơi hay sao, tự dưng đang yên, đang lành lại thay đổi cách xưng hô bác bác, em em… nghe “quê” quá. Lại xa lạ nữa. Nhưng rồi tôi cũng tĩnh tâm lại rất nhanh và nhạy bén nhận ra rằng: chắc ấy là lúc ông chồng có máu ghen của cô bạn tôi đang “tại gia”. Như thế cũng có nghĩa là cô ta đang cẩn trọng, đang phải giữ ý, giữ tứ đây.
Tôi hiểu lắm cùng cô: “an toàn” vốn là bạn và “tai nạn là thù” mà. Té ra, câu khẩu hiệu trong lao động sản xuất của một thời xa lắc, vẫn vẹn nguyên giá trị như thường. Tôi cũng hiểu và cảm thông cùng cô ấy tội nợ gì mà tự dưng hứng lấy “tai nạn” không đáng mắc. Cũng là tránh cho đức lang quân của nàng sự hiểu lầm không cần thiết. Rồi thì suy luận, rồi thì phán đoán lung tung về quan hệ ra sao với người gọi điện. Tôi gác máy rồi mà vẫn ngơ ngác buồn. Buồn cho cô. Buồn cho tôi. Buồn cho cả cái ông mà cô gọi là chồng. Tôi cũng buồn luôn cho cả … điện thoại nữa.
2. Chuông điện thoại réo. “Anh nghe điện thoại đi” – cô giáo Hương nhắc chồng. “Giờ này còn ai điện cho anh nữa! Chắc lại là của em đấy!” – anh chồng lửng tửng nói. Rồi anh chắp hai tay sau lưng, đi vào buồng trong với bộ mặt chẳng mấy dễ chịu.
Mặc dù không lạ lẫm gì với tính nết của chồng, cô giáo Hương vẫn thấy khó chịu với cách cư xử của anh ta. Là một cô giáo dạy có tiếng, cô Hương quan hệ rộng. Quả là có nhiều người hay gọi điện cho cô. Lại vào những lúc khác nhau. Lúc thì phụ huynh muốn xin cho con học thêm. Lúc thì lũ học trò lại gọi đến để hỏi cô điều này, điều nọ. Thậm chí, chúng còn muốn tâm sự cả với cô giáo, những chuyện “con cà con kê” qua điện thoại nữa. Lúc đầu thì cô Hương thấy ấm lòng. Bởi cô thấy rõ chúng có quí mến mình mới trò chuyện, tâm tình. Nhưng rồi cũng mệt. Bởi đi dạy dỗ cả ngày đã mệt bã cả người rồi. Cô Hương còn thấy mệt hơn nữa bởi thái độ khó chịu ra mặt của chồng. Anh ấy là sĩ quan thông tin, nhưng lại là người rất ngại giao tiếp. Nhận hoặc trao gửi thông tin với người xung quanh, với anh ta như một cực hình.
Cô giáo Hương biết rõ, mặc dù đã đi vào buồng trong, anh chồng cô vẫn sẽ không bỏ qua một lời nào khi cô trả lời điện thoại. Có khi anh ấy lên mặt giận đến mấy ngày vì những lý do chẳng đâu vào đâu.
Hay là bỏ quách điện với chả thoại đi cho “yên bề gia thất” – có lúc Hương đã nghĩ như vậy.

3. Lại một hồi chuông đổ. Tôi nhấc máy. Tôi ậm ừ. Rồi tôi cao giọng đến thất thanh (hơi mất bình tĩnh mà!): “A! Chào chú mày. Khỏe chứ! Có gì mới không…”. Rồi cứ thế, theo cái đà ấy, tôi xổ ra những chuyện đẩu đâu, chuyện đâu về làm ăn, về công tác, về trật tự an toàn xã hội… Thôi thì đủ thứ chuyện trên trời, dưới bể mà chính tôi cũng chẳng hiểu mình nói gì nữa. Và, hỡi ôi – chắc hẳn cô bạn gái ở đầu dây bên kia vừa gọi đến cho tôi, sẽ suy luận có lý rằng: tôi đã có dấu hiệu ban đầu của chứng tâm thần; bao giờ thì ông ấy (tức là tôi đấy!) sẽ “gâu – tu” Trâu Quì (một bệnh viện tâm thần). Cô bạn quý hóa ấy có biết đâu rằng thần kinh của tôi còn “nghiêm’ lắm, còn “tỉnh” lắm. Tôi phải cao giọng đến thất thanh giống như chất giọng ai ái của các hoạn quan xưa trong triều đình, vì một nỗi lúc ấy bà xã Hà Đông (chứ không phải sư tử Hà Đông) nhà tôi đang ngự chễm chệ ngay cạnh điện thoại nhà.
4. Điện thoại ơi, tiện lợi lắm. Chẳng thế mà sao có lần khi vừa nhận được một thông tin nào đó, anh bạn thân của tôi nhảy cẫng lên như đứa trẻ trong cơn sài giật, mắt long lanh sung sướng: “điện thoại muôn năm!”. Vâng, tôi nhớ rõ lúc đó hình như anh bạn tôi nhận được tin vui về chuyện tình cảm hay làm ăn gì đó. Cũng là thời điểm anh ấy mới lắp đặt điện thoại trong nhà.
Còn bây giờ… biết bao nhiêu là chuyện xoay quanh cái điện thoại trong nhà. Tôi chỉ xin được tạm trích ra đây một vài mẩu, gọi là cho … vui. Chẳng biết cái chuyện buồn vui điện thoại này, tổng đài một linh tám (108) có trả lời giùm tôi được không? Và, tôi đoán chừng họ sẽ trả lời tôi thế này: Xin quí ông hãy… “bảo trọng”!
Vâng, ghi lại những dòng này tôi như sống trong những hoài niệm chưa xa của một thời buồn vui điện thoại – Buồn vui nhưng cũng rất đỗi trong sáng và… thành thật ấy mà.


3 nhận xét:

  1. Cuộc sống là như vậy. Hay hành hạ nhau vì sự tưởng tượng của một người

    Trả lờiXóa
  2. Rất đồng cảm với những chuyện bác viết, đây là những chuyện rất thời sự trong xã hội Việt Nam. Qua đây cũng thấy phần đông người Việt Nam mình chưa văn minh trong sinh hoạt, giao tiếp hằng ngày. Thứ nhất người gọi điện gọi bất cứ lúc nào mà không biết lúc đó người ta có muốn nghe không ? Thứ hai, trong sinh hoạt vợ chồng chưa có sự tôn trọng " quyền riêng tư cá nhân trong giới hạn" của nhau. Đây cũng là sự khác biệt văn hóa giữa Việt Nam và các nước văn minh.

    Trả lờiXóa