Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

NGHỀ NÔNG



NGHỀ NÔNG  LÀNG TRÈM

(Tản văn)

ĐƯỜNG VĂN


                   Trong xã hội, nghề nào cũng có cái mạnh, yếu, cái hay, dở của nó. Một cách tương đối, không thể nói nghề nào vinh quang, cao quý hơn nghề nào, nghề  nào hèn mọn, bỉ lậu hơn nghề nào. Xúc phạm đến danh dự nghề nghiệp của người khác là một trong những hành vi khiếm nhã, ngu xuẩn nhất. Nghề nào được hình thành và phát triển, gắn liền với lao động chân chính, cũng đều đáng tự hào. Nhưng những nghề lao động trí óc chưa chắc đã nhàn hạ, thanh thản hơn nhiều nghề lao động chân tay nặng nhọc, và ngược lại. Nỗi buồn, lo thất nghiệp, đợi việc vẫn là một trong những nỗi lo buồn cổ điển mà mới tươi tính thời sự, vẫn hiện hữu và đe dọa một số lượng người không nhỏ trên khắp mặt địa cầu này. Tiền của bề bề không bằng rành 1 nghề trong tay. Một nghề cho chín, hơn chín, mười nghề. Các cụ dạy chí lý vậy thay! Thạo nghề, lành nghề, đạt tới mức thượng thừa, cao thủ nghề nghiệp, tới tầm nghệ nhân không chỉ là kết quả quá trình tu luyện công phu suốt đời của một cái đầu thông minh nhạy bén, một tư duy năng động, sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo (bàn tay vàng); mà còn bởi trái tim nhiệt huyết chứa chan, bởi tình yêu nghề luôn âm ỷ và cháy bỏng, bởi tâm nguyện sinh ư nghệ, tử ư nghệ (sống chết với nghề), bởi quan niệm nghề không chỉ là nghề, mà còn là nghiệp, là khoa học, là nghệ thuật, là tình yêu đam mê, là lẽ sống quý hơn mạng sống của chính mình…
                   Nhưng giữa một buổi chiều thu nắng vàng, heo may se sắt, thanh thảnh khoan thai, mây bông man mác… như chiều nay, tôi không hề muốn và không thể luận bàn về những điều cao siêu, sâu sắc, những cạnh khía tinh vi, những triết lý nông sâu, chung quanh 2 chữ nghề nghiệp quen mà lạ ấy. Tôi chỉ dám tản mạn vài câu sơ sài về nghề nông làng Trèm quê tôi, xưa và nay. Vì, xét cho cùng, so với các làng khác trên cùng dải hữu Hồng này, nghề nông làng Trèm cũng chẳng có gì thật nổi trội, khác biệt cho lắm. Nếu nói đến nghề tinh xảo có thương hiệu nổi tiếng một vùng thì phải nói tới nghề làm giò kia. Bởi giò Trèm nem Vẽ, từ bao đời đã trở thành món ăn đặc sản, tinh tế trong mâm cỗ cúng cụ ngày lễ tết, trong tiệc cưới của dân huyện Từ Liêm, chẳng kém chi giò lụa Ước Lễ. Thế nhưng, đó là một nghề rất kén người theo, không phải nghề phổ biến đại trà. Làng tôi chỉ có một vài gia đình làm nghề gia truyền ấy mà thôi. Và tất nhiên, ngoài con cái ruột thịt, họ cũng không có ý định truyền rộng ra cái nghề nghiệp kiếm ăn tổ truyền ấy cho hàng xóm.
                   Các nghề khác như nghề làm chè lam, bánh cuốn, cháo cái (se) cũng tương tự như thế. Nghề đánh cá, bủa lưới, kéo vó, chân sào thả bè trên sông, cắt may trong cửa hiệu, cửa hàng, cắt tóc rong, … Cho đến các nghề buôn bán lớn, vừa, và nhỏ, góp mặt cùng thương lái ngồi bán, mua tận chợ Đồng Xuân, Hà Nội hay mở cửa hàng trên phố Trèm, thuê sạp hàng trong chợ Vẽ… Rồi các nghề làm hàng xay, hàng sáo, thợ rèn, thợ sắt, thợ hàn, thợ nề, thợ mộc, làm nan, đan dây, máy mũ (học nghề từ làng Bãi Hoa (Liên Ngạc, xã Đông Ngạc), gánh gồng, kiếm củi, đánh gốc cây thuê… làng tôi đều không thiếu. Nghề giáo viên dạy học, làng tôi cũng chiếm con số khá đông trong toàn huyện, rải khắp 3 cấp: từ mầm mon, qua phổ thông tới đại học. Giáo Trèm dạy học khắp huyện, khắp tỉnh, rộng ra nhiều nơi trong nước. Nhưng xem xét kỹ, theo sự hiểu biết còn rất hạn chế của tôi về lĩnh vực này, nhứng nghề nghiệp ấy, ở quê Trèm, đều không có gì thật riêng, thành tựu hơn hẳn. So với bạn nghề làng khác, chưa có gì đặc sắc. Khách quan là vậy.
                   Hiện nay ở làng Trèm – xã Thụy Phương đang tồn tại bao nhiêu nghề nghiệp? Một câu hỏi thật khó trả lời minh xác. Chỉ có thể nói chung chung, ước phỏng: Cũng dễ đến hàng trăm. Còn số nghề Trèm ngày xưa? (cách đây khoảng một thế kỷ về trước) cũng nhiều. Nhưng chiếm tuyệt đại đa phần là nghề làm ruộng (Nông nghiệp: nghề nông, nghề cày cấy…). Có thể nói, làng Trèm là làng nông nghiệp cổ truyền. Các nghề khác đều phát sinh sau và đều được coi là nghề phụ. Làng nhỏ nhưng ruộng đất khá nhiều. Mỗi gia đình trung nông sở hữu vài ba mẫu ruộng là chuyện thường. Địa chủ, phú nông thì  từ 5 – 7  đến hàng chục mẫu. Người Trèm tự gắn  cuộc sống của mình với nghề cày cấy lấy hạt gạo mà ăn. Dù vất vả, lam lũ nhưng đã quen cần cù một nắng hai sương. Không đủ kinh phí để học lên cao, đành nhì nhằng tiểu học, giành được cái xéctiphica, tuơng đương với lớp 4, 5 ngày nay là cậu thiếu niên làng Trèm, dù  đã yên tâm và sung sướng hoặc băn khoăn và tiếc nuối, nhưng vẫn phải về làng, ra đồng cùng cha mẹ tiếp nối nghiệp nhà! Hiếu học mà ít được học cao cũng vì lý do bất khả kháng ấy. Cái khó nó thường bó cái khôn! Mẹ tôi hay chép miệng: - Học hành dở dang thì rồi cuối cùng cũng lại chỉ có cày sâu cuốc bẫm mới có ăn mà thôi! Làng mình, ngoài một số nhà giàu, còn nhìn chung, con cái nông dân mình, mấy đứa nào được học hành đến đầu đến đũa, đến nơi đến chốn?! Trong bốn anh em chúng tôi, thì tôi và thằng em kế, thầm quyết tâm hứa với chính mình, bằng mọi cách phải cố học cho tinh, cho nhiều, cho giỏi, để cố chứng minh với bố mẹ rằng, con cái nông dân vẫn có thể học tốt, nếu quyết chí lập thân, lập nghiệp. Và chúng tôi cũng đã thành công phần nào. Còn hai đứa em sau thì chỉ học hết cấp 2 là đã vui vẻ rẽ ngang, mau mắn trở thành những chàng lực điền, nông dân tri điền trẻ tuổi của làng Trèm.

                   Nông dân làng Trèm thường có tâm lý ngại đi xa. Họ không muốn, không thích xa mảnh ruộng thân yêu, ruột thịt, vượt khỏi lũy tre xanh, ngại chuyển nghề, xa lạ và coi thường nghề buôn bán. Trọng nông khinh thương, Buôn giả bán dối, Mồm miệng lái buôn, lái trâu, Dĩ nông vi bản, Dĩ thương tất mạt!... Quan niệm ấy, cố nhiên là lạc hậu, phiến diện và có phần cổ hủ nhưng từng được coi là tư tưởng chính thống của nông dân làng Trèm trải bao nhiêu thế kỷ!
                   Như chuyện nhà tôi chẳng hạn. Đã từng có vài cơ hội khách quan thuận lợi đưa tới cho phép bố tôi có thể đi thoát ly công tác trên huyện, trên tỉnh. Nhưng chỉ được vài ngày là mẹ tôi lại lên tận cơ quan nằng nặc xin, gọi cho bố về, để… đi cày, bừa cho kịp vụ! Vì trong gia đình, người làm chính, xốc vác chẳng còn ai! Bố tôi khi ấy cũng thật khó xử giữa sự nghiệp riêng và cuộc sống gia đình: cha mẹ già, vợ con bìu ríu… Và ông đành quay về làm bạn với con bò, cái cày, mảnh ruộng làng cho đến hết đời. Mỗi khi nhớ về giấc mơ đi học để làm cán bộ, kỹ sư, bác sỹ… ông lại thoáng thở dài, tiếc nuối! Những gia đình có người đàn ông trụ cột rơi vào hoàn cảnh như bố tôi, không hiếm.
                   Trở lại quang cảnh làng Trèm làm nông một thưở. Già nửa cánh đồng làng tôi (phía bên kia Cầu Sông) là đồng đất pha cát nghèo chất dinh dưỡng cho cây (hậu quả của trận vỡ đê Liên Mạc năm 1915) nên tuy dễ cày cấy nhưng thu hoạch rất thấp. Nó chỉ thích hợp với loại cây hoa màu: ngô, vừng, lạc, đỗ, khoai lang, khoai tây, khoai sọ. Dân làng tôi trong nhiều lăm liền vừa phải ra sức cải tạo đất (bằng cách đổ nhiều phân chuồng (lợn, trâu, bò) hơn) và trồng xen canh hoa màu bên cạnh những ruộng sâu chỉ có thể cấy lúa. Đi làm đồng xa, đất xấu, vất vả cực nhọc hơn nhiều mà kết quả thu hoạch lại kém, dân Trèm chỉ còn biết chống cuốc trách trời mà chịu đựng, chịu khó vất vả, cần cù hơn nữa, chứ còn biết làm sao!
                   Cũng có năm được mùa, đường làng ngày mùa ngàn ngạt rơm phơi, ngày thường thỉnh thoảng lại lổn nhổn đây đó vài bãi phân trâu, phân bò đi bậy! Tiếng gọi nhau ra đồng ơi ới từ tinh mơ mờ đất. Những năm thời HTX bao cấp, thì nghe kẻng dóng dả tới hồi thứ 2 mới đủng đỉnh, dẫn diệu tới nhà đội trưởng để nghe phân công sớm, chiều nay sẽ phải làm việc gì, sẽ được bao nhiêu điểm, mà liệu bề tính toán khôn ngoan chọn lựa. Tối tối, ngoài sân kho rực sáng ánh đèn điện, máy tuốt lúa chạy ầm ầm, thóc tươi vun từng đống cao như đồi nhỏ, tiếng cô đội phó đọc, xướng mã cân từng thúng thóc chia nóng kịp thời luôn cho từng gia đình xã viên. Những bước chân gánh thóc, gánh rơm từ kho về nhà rình rịch, hối hả. Những năm 60 – 70 thế kỷ trước, xã Thụy Phương với HTXNN Hải Phong cùng với các HTX Đánh cá Hồng Phương, HTX Dệt Phương Thành, HTX May mặc Đông Phương náo nức thi đua làm ăn sản xuất, giành hết cờ này đến danh hiệu nọ đua tài cùng các xã bạn trong huyện Từ Liêm. Ấy là cái thời huy hoàng của CNXH trên miền Bắc XHCN, như trong mơ: Chào 61, đỉnh cao muôn trượng! (Bài ca xuân 61) Dân có ruộng, dập dìu hợp tác/Lúa mượt đồng, ấm áp làng quê/Chiêm mùa, cờ đỏ ven đê/Sớm trưa, tiếng trống đi về trong thôn.(Ba mươi năm đời ta có Đảng; Tố Hữu).
                   Tuy nhiên, nền sản xuất nông nghiệp tập thể nhiều chục năm, từ hình thức tổ đổi công lên HTX các cấp thời gian đầu: khí thế ào ạt, đông vui; nhưng dần dần càng bộc lộ năng lực  cán bộ quản lý chưa chặt chẽ, minh bạch nên đã nảy sinh tư tưởng ỷ lại, dựa giẫm, chọn việc. Rong công phóng điểm dẫn đến thói làm giả, làm dối, việc chung đại khái, qua loa. Vì hơi sức đâu mà làm việc bằng hai/để cho cán bộ mua đài, mua xe! Tệ nạn tham nhũng (tuy chưa lớn) ấy, cũng đã bắt đầu xuất hiện ở xã tôi, khiến cho bà con xã viên bực bội, chán nản. Tâm sức, của cải các gia đình bắt đầu tập trung hết vào đầu tư cho mảnh ruộng 5%. Vì đó  mới là hoàn toàn miếng chín của riêng nhà mình.
                   Mãi đến thời đổi mới, khoán hộ, mô hình HTX kiểu cũ được thay bằng mô hình HTXNN dịch vụ, cung cảnh làm ăn mới đổi khác. Cũng đã tới cả chục năm, dường như đến bấy giờ mới trở lại không khí náo nức, hồ hởi: tay làm hàm nhai, chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa, nhịp nhàng, cặm cụi, cần cù xưa. Nghề nông ngỡ chừng có cơ hưng thịnh trở lại. Nhưng chẳng được bao lâu, từng khu đất ruộng rộng lớn đươc/bị giao cho các chủ dự án công nghiệp lớn, nhỏ. Nông dân làng Trèm mất đất, nhượng đất, bán đất thu về những khoản tiền lớn tưởng như nằm mơ. Họ sung sướng xây biệt thự, tậu xe máy, (thậm chí cả ô tô), gửi ngân hàng, tiết kiệm, chơi đề, cờ bạc, ăn nhậu và rong chơi tối ngày. Thói quen ăn chơi, ngại việc, ngại làm xuất hiện, một phần vì cũng chẳng còn ruộng mà làm! Một vài mảnh còn lại chẳng bõ động tay, chân. Vả lại sâu bọ đục, chuột ăn, phá kinh khủng, trị không sao xuể! Có khi được giá lại bán nốt mảnh cuối cùng để xây nhà cấp 4 cho thuê, ăn dần; hoặc lại nướng vào lô đề, xóc đĩa. Nhìn cảnh làm ăn ngày mùa trên cánh đồng càng có nguy cơ co nhỏ lại dần như miếng da lừa trong tiểu thuyết của Bandắc, giữa những khu công nghiệp bao quanh, lơ thơ vài cái lưng lom khom cày cuốc. Đường làng vắng bóng trâu bò đi, cũng thấy buồn buồn, nao nao…
                    Bây giờ thì nhiều ông bà nông dân làng Trèm đã trở thành ông, bà chủ chuyên nghề cho thuê nhà trọ. Tháng tháng đều đặn thu tiền. Thật ra, cũng chỉ hơn gửi tiết kiệm ở ngân hàng tí chút. Nhưng mà chắc chắn và an toàn. Tất cả phụ thuộc vào lượng khách thuê. Chiều chiều bên gốc bàng, ngã tư Đông Quan xưa, cầu 7, cầu – cống Liên Mạc 2, thanh niên các thôn đứng, ngổi ngất ngưởng nhâm nhi cốc bia lạc, vại bia mực và chém gió một tấc lên giời! Con mương máng dẫn nước cầy cấy bắt nguồn từ Trạm bơm Thụy Phương (xây dựng từ năm 1959), giờ đây gần như bị bỏ không. Nước, bùn lõng bõng. Ếch, nhái tha hồ trú ngụ râm ran, inh ỏi sau những trận mưa rào. Sân kho, kho HTX biến thành nhà, xưởng của một xí nghiệp nhựa tư nhân đến thuê dài hạn. Buồn tênh! Nhà nhà làm dịch vụ! Ngõ ngõ mọc ra chềnh ềnh chợ cóc, dẹp mãi vẫn không dứt điểm. Dẹp rồi lại mọc khỏe hơn. Như cỏ gấu. Xe máy, xe đạp điện các kiểu thi nhau phóng ào ào, vun vút, bất chấp luật lệ trên các nẻo đường làng. Quán cắt tóc, gội đầu, mát xa, làm đẹp thi nhau mọc lên, chào khách rủng ỉnh túi tiền. Thi thoảng có gã Chí Phèo hiện đại, mặt đỏ lựng hơi men, vừa đi vừa cười nhăn nhở vừa lảm nhảm, làm mấy con chó vàng, chó lai béo ních nhốt trong nhà sát đường sủa váng đuổi theo.
                   Tôi sợ rằng cứ đà này, chẳng mấy nỗi nữa sẽ đến cái ngày hoàn toàn cáo chung, khai tử nghề nông cổ truyền, lâu năm, lâu đời nhất từ xưa đến nay của làng Trèm thuần nông – xã Thụy Phương. Thế sự như vậy, nên mừng vui hay nên buồn tiếc? Tôi biết rõ, đó là quy luật kinh tế - xã hội tất yếu đã, đang và sẽ xảy ra đối với những làng - xã như làng tôi trong hiện tại và tương lai. Mà đã là quy luật khách quan thì dù muốn, dù không, con người đều phải tuân thủ, nếu không muốn trở thành vật cản, trước sau sẽ bị loại bỏ, vô hiệu hóa, đè bẹp, thậm chí nghiền nát. Lớp người già như chúng tôi đành thở dài mà lực bất tòng tâm, tiếp nhận trong tâm trạng ngơ ngác, ngậm ngùi rồi, tặc lưỡi theo cháu con chuyển làng lên đô thị, thành phường, thành quận để tận hưởng cùng gánh chịu cả hai mặt cuộc sống với môi trường hiện đại, văn minh sáng lòa bên cạnh không ít góc khuất tối tăm.
                   Hỡi ơi! Nghề nông làng Trèm! phải chăng đã tới ngày cáo chung! Bao năm dĩ nông vi bản, dĩ thực vi tiên, nhất nông, nhì sỹ. Bây giờ thì sang trọng, hấp dẫn nhất là nghề gì? gì? vi gì?... Hở người? Hở giời?!

Chiều thu, 14 – 10 – 2013. ĐV











1 nhận xét:

  1. Rất đồng cảm với những suy nghĩ trăn trở của bác. Kêu gọi đầu tư nước ngoài, phát triển khu công nghiệp là đúng đắn. Nhưng sai ở chỗ các địa phương tranh nhau ưu đãi nên đã thu đất nông nghiệp màu mỡ canh tác bao đời của dân để cho đầu tư, thay vì chỉ kêu gọi đầu tư vào những nơi vùng sâu vùng xa, đất hoang hóa bạc màu không canh tác nông nghiệp được. Tôi có dịp ra Bắc đi trên đường 5 từ Hải Phòng đi Hà Nội thấy 2 bên đường những cánh đồng màu mỡ nhất đồng bằng bắc bộ trước đây, ngay mặt tiền đường giờ cho đầu tư, phát triển khu công nghiệp. Thật quá phí phạm, bao nhiêu đời ông cha cải tạo đất mới có đồng ruộng màu mỡ như vậy giờ bỗng chốc mất đi. Thật đáng tiếc, cho đầu tư khu công nghiệp chỉ nên dành những khu đất trống đồi trọc, hoang hóa, đất nhiễm mặn, đất chưa có hạ tầng, Những nơi ấy đất nước mình chưa có khả năng khai phá thì cho đầu tư. Nhưng ở đây chính sách chung thì đúng nhưng do lợi ích nhóm, do cục bộ địa phương, chuyện trên bảo dưới không nghe mới nên chuyện này.

    Trả lờiXóa