Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

XÃ HỘI - VĂN HỌC - NHÀ TRƯỜNG MỘT CÔNG TRÌNH MỚI VỀ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC VĂN

   GS Phan Trọng Luận

XÃ HỘI - VĂN HỌC - NHÀ TRƯỜNG

MỘT CÔNG  TRÌNH MỚI

VỀ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC VĂN

ĐƯỜNG VĂN

          Đó là chuyên luận của GS Phan Trọng Luận; NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1996. Tư tưởng cốt yếu xuyên suốt cả 3 phần chuyên luận, nhưng nổi bật nhất là phần 1 - được lấy làm nhan đề chung cho cuốn sách. Với tầm nhìn bao quát, sâu rộng, với kiến văn quảng bác của 1 chuyên gia đầu ngành có bề dày hơn nửa thế kỉ dạy học, nghiên cứu khoa học PPDH Văn trong các nhà trường phổ thông và đại học, tác giả đã phân tích thấu đáo, căn kẽ, làm sáng tỏ mối quan hệ hữu cơ, gắn bó biện chứng giữa xã hội, văn học với nhà trường, cố gắng đi tìm ẩn số và đáp số cho bài toán giáo dục nước ta ở cả tầm vĩ mô và vi mô. Theo tác giả, đó là vấn đề của nhiều người và của nhiều vấn đề. Sau khi mô tả khái quát thực trạng đáng lo ngại và sự khủng hoảng về nội dung chất lượng và PPDH Văn học, nhà nghiên cứu quyết tâm tiếp tục khai mở con đường đi tìm đáp số cho 1 vấn đề có nhiều nghịch lý, vừa dũng cảm, năng đọng vừa thận trọng cân mực (tr. 9 – 34).
          3 bài về Hoài Thanh:
          Con đường nâng cao chất lượng phê bình văn học, Hoài Thanh với chuyện sống và viết của nhà phê bình Tâm sự của một nhà văn được viết rải trong suốt 25 năm (1967 – 1992) là những bài viết công phu, thấu tình, đạt lý tới mức hình như đã chạm tới một cái nút nào đó trong tâm sự của nhà văn, nhà bình thơ tài hoa bậc nhất có nhiều duyên nợ với nghề dạy Văn nhọc nhằn mà xiết bao thú vị! Chính trên cơ sở những ý tưởng trong các bài viết này và một vài bài khác của giáo sư đã gợi ý, xác định hướng nghiên cứu liên ngành được thực hiện thành công bước đầu qua một số luận án PTS (TS) chuyên ngành PPDH Văn học, được bảo vệ trong những năm 1996 – 2000.*
          Các bài: Trí thức với thông tin, Giao lưu văn hóa - Thách đố và triển vọng, Từng bước vươn theo ánh sáng khoa học, Con đường đến với văn hóa Pháp… bàn về những vấn đề thời sự nóng bỏng, bức xúc nhất đã và đang diễn ra ở nước ta trong những năm bản lề giữa 2 thế kỷ phức tạp và sôi động. Những ý kiến, khuyến nghị của tác giả chuyển tới các cấp lãnh đạo về việc tạo điều kiện thiết thực để các giáo sư tiếp cận thông tin khoa học hiện đại thế giới, là rất chính đáng cần được thực thi càng sớm càng hay. Nỗi lo giá lạnh tâm hồn hay là Hội chứng vô cảm trong 1 bộ phận thế hệ trẻ hôm nay không phải là lời báo động giả mà rõ ràng là căn bệnh đau đầu, khó chữa đang có nguy cơ lan rộng trên toàn cầu. Bởi vậy, một cuộc đổi mới thực sự về nội dung và PPDH Văn cần được tiến hành càng sớm càng tốt nhằm tăng cường hiệu quả giáo dục bản chất nhân văn của tuổi trẻ học đường (tr. 112).

          Thu hoạch nhỏ từ một nhân cách văn hóa lớnXin được đến với Người đúng là những thu hoạch nhỏ, nhưng rất sâu sắc, thấm thía của một người con, người cháu trong một gia đình khoa bảng yêu nước – cách mạng, thể hiện lòng kính yêu và biết ơn sâu nặng  đối với Đảng và Bác Hồ. Có lẽ chính nhờ sự khiêm cung nhất mực ấy, nên dù viết về những danh nhân văn hóa tầm cỡ như Chủ tịch Hồ Chí Minh hay nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tác giả vẫn phát hiện, đúc rút được những bài học gần gũi và sâu sắc, mới mẻ, từ chân dung những con người đẹp nhất của dân tộc và thời đại chúng ta.
          Trong phần 2, tác giả đi sâu bàn luận, đề xuất một số ý kiến quan trọng về chuyên ngành PPDH Văn trên cơ sở các mối quan hệ giữa xã hội, văn học với nhà trường. Người viết nhấn mạnh:
          Văn học nhà trường không chỉ là chuyện giáo dục, giảng dạy văn chương mà là chuyện giáo dục tư tưởng, con người, xã hội và bao nhiêu chuyện khác trong, ngoài nhà trường.
          Để nhận định, đánh giá, góp ý với các soạn giả chương trình và SGK Ngữ văn phổ thông, cần đổi mới thực sự, toàn diện và dồng bộ quan niệm và phương pháp mới có thể giải được bài toán quá tải của chương trình và SGK phổ thông hiện nay; mới có thể làm sống lại cái chốt đã bị liệt nhiều năm ở các trường đại học. Đối thoại với 1 vài ý kiến cực đoan hoặc ngộ nhận, phiến diện về vai trò trung tâm của học sinh trong nhà trường, tác giả đã khéo trình bày lịch sử vấn đề này gọn, đủ, giúp người đọc trong, ngoài ngành nhận thức đúng bản chất của 1 nguyên lý cơ bản, 1 khẩu hiệu phổ biến trong công cuộc đổi mới giáo dục, đổi mới PPDH ở nước ta. Tuy nhiên, đề cao vai trò trung tâm của học sinh trong quá trình giáo dục, dạy học với tư cách là chủ thể năng động, tự giác, sáng taọ, hoàn toàn khác với với việc tuyệt đối hóa vai trò của học sinh – nhân vật trung tâm duy nhất trong nhà trường. Bài Học sinh là trung tâm góp 1 tiếng nói khoa học trung thực, đầy sức thuyết phục và rất kịp thời.
          Một trong những nguyên nhân làm cho chất lượng dạy học Văn kém hiệu quả là do trình độ nhận thức và vận dụng lý luận văn học còn hạn chế của đội ngũ giáo viên phổ thông. Mỗi bước tiến của khoa học lý luận văn học hiện đại phải được phản ánh và in dấu ấn tốt đẹp thúc đẩy những chuyển biến tích cực vào việc dạy học văn trong nhà trường. Muốn thế, chỉ có cách không ngừng vươn lên học tập, nghiên cứu để tiếp cận và thấm nhuần những kiến thức mới mẻ trong các lĩnh vực thi pháp học, tiếp nhận văn học, lý luận văn học hiện đại và những vấn đề quan trọng, cơ bản khác của khoa lý luận văn học cũng cần được nhìn nhận lại m,ột cách tỉnh táo, thấu triệt, toàn diện hơn. Có như vậy  mới chống lại được căn bệnh trầm kha xã hội học dung tục hay chủ nghĩa hình thức đơn thuần, chủ nghĩa nghiệp vụ tầm thường trong dạy học văn chương tồn tại ở Việt Nam suốt mấy thập kỷ qua. (Lý luận văn học với chất lượng giảng dạy văn học; Lý luận văn học – Kiến thức siêu kiến thức. (tr. 153 – 167).
          Riêng tôi, rất tâm đắc với 2 bài: Tuyên ngôn Độc lập, một áng văn thời đạiĐôi mắt của Nam Cao với đôi mắt hôm nay (tr. 167 – 174). Tuyên ngôn Độc lập - Áng Thiên cổ hùng văn của thời đại mới, không còn nghi ngờ gì nữa, rất xứng đáng có mặt và thực sự đã có mặt trở lại trong sách GK Ngữ văn lớp 12 từ năm học 1995 – 1996 như 1 tác phẩm trọng điểm của chương trình môn Văn học THPT, đáp ứng yêu cầu chính đáng và tha thiết của đông đảo đội ngũ giáo viên, học sinh và tất cả mọi người dân Việt Nam.
          Dạy học truyện ngắn Đôi mắt (1948) hôm nay, tất nhiên không thể bằng đôi mắt hôm qua, mà nhất định phải bằng đôi mắt mở của hôm nay. Nhưng không thể không nhấn mạnh ý nghĩa phỏ quát về nhân sinh, về lý tưởng thẩm mỹ, cái hạt nhân chân lý thể hiện ở lẽ sống và lối sống không vị kỷ mà vị tha, sống háo nhập và hữu ích cho cộng đồng, cho con người… vẫn mãi mãi là lẽ sống cao thượng cần vươn tới của mỗi người và mỗi nghệ sỹ.(tr. 177). Tôi hoàn toàn chia sẻ với giáo sư những trăn trở, tìm tòi để có thể khẳng định cái bất biến trong cái vạn biến một cách thâm trầm, mềm mỏng như cương quyết.
          Hơn 1 lần, chuyên luận dẫn  ý kiến của Lê nin: Không ai có thể thay thế được ông thầy trong nhà trường! Hẳn là tác giả có ý thêm 1 lần khẳng định, rằng người thầy giáo, trong bất cứ chế độ xã hội nào, hoàn cảnh lịch sử nào cũng đều được đặt ở vị thế đặc biệt. lao động của người thầy là 1 thứ lao động đặc thù, sáng tạo, hai lần sáng tạo, kết hợp nhuần nhuyễn khoa học, nghệ thuật và giáo dục. Bởi thế, hiển nhiên phương thức đào tạo giáo viên – nhiệm vụ chủ yếu của các trường sư phạm cũng phải là phương thức đặc thù, đồng bộ. Cần làm gì để giải quyết điều nhức nhối là Đại học Sư phạm mà tụt hậu về khoa sư phạm hiện đại, mà đi sau phổ thông? Làm gì để trường ĐHSP trở thành trường ĐH Mô phạm, có tầm cỡ quốc gia và vị trí xứng đáng trong các nước khu vực? Câu trả lời đầu tiên và quan trọng là xác định vị thế và tính chất đặc thù của nghề sư phạm, của người Thầy giáo khi đất nước ta bước vào thế kỷ 21.
          Nối tiếp mạch suy ngẫm về người thầy, nghề thầy, tác giả thành kính đốt 2 nén hương tưởng niệm 2 vị sư biểu, 2 học giả, 2 tấm gương nhà giáo, nhà văn mẫu mực nổi tiếng một thời: GS Dương Quảng Hàm và GS Đặng Thai Mai, trong niềm hạnh phúc của thế hệ sinh viên sư phạm đầu tiên, sau hơn 40 năm, đi tiếp con đường các thầy đã đi, hôm nay bồi hồi nhớ lại với biết bao kỷ niệm ấm lòng.
          Chuyên luận khép lại bằng bài viết súc tích, thấm thía Qua tấm gương Bác Hồ, suy nghĩ về người giáo viên Văn học. Tâm nguyện suốt đời của giáo sư là:
          Làm  sao cho học sinh luon luôn hướng theo cuộc đời cao đẹp của Bác Hồ để học tập, lao động và chiến đấu cho Tổ quốc ta, nhân dân ta dưới lá cờ vẻ vang của Đảng. Đó cũng chính là tâm thành, sở nguyện của mỗi giáo viên Ngữ văn chúng ta.
          Với cách lập luận khúc triết, chặt chẽ, kín kẽ, sắc sảo, tác giả nhìn nhận và lý giải các vấn đề từ nhiều góc độ, bình diện khác nhau và thể hiện bằng văn phong trong sáng, uyển chuyển. Có những trang dào dạt cảm xúc, có những trang sôi nổi, hùng biện, có đọan như lời giãi bày nghiêm cẩn, mà cương trực cùng các cấp lãnh đạo cùng bạn đồng nghiệp gần xa. Có đoạn như lời tâm tình gan ruột, nhắn gửi tới lớp lớp đồng nghiệp, học trò trẻ tuổi. Người đọc không hề có cảm giác khô khan, kinh viện khi đọc chuyên luận rất giàu tính lý luận này. Hệ thống luận điểm của tác giả được thiết kế và thi công rất vững chắc, sâu sắc, cơ bản, lại được luận chứng thuyết phục bởi những dẫn chứng phong phú, cụ thể, sống động, dí dỏm, rút tỉa từ nhiều nguồn hoặc từ chính từ vốn tích lũy của GS sau bao năm tháng hết mình giảng dạy, nghiên cứu khoa học nhiệt tình tự học bền bỉ, mở lối dọn đường, đặt những viên gạch đầu tiên cho 1 chuyên ngành khoa học sinh sau để muộn đến nay vẫn chưa được nhìn nhận và đánh giá đúng mức. Chuyên ngành PPDH Ngữ văn ở Việt Nam.
          Cố nhiên, trước thực trạng giáo dục nói chung, chuyên ngành PPDH Ngữ văn nói riêng ở nước ta hiện nay vẫn đang còn bộn bề biết bao nhiêu ván đề phức tạp, nan giải, dù với tài sức của một giáo sư đầu ngành rất tài năng và uy tín, cũng vẫn khó có thể bao quát và giải quyết hết được mọi ván đề. Hình như tác giả đã quá thận trọng khi tuyển chọn những công trình nghiên cứu của mình? Tỉ lệ 29/100 phải chăng là quá chặt chẽ? Tôi vẫn ước ao được đọc thêm những ý kiến mới mẻ, khoáng đạt, cẩn mực của GS, gợi mở những cách nhìn, cách hiểu, cách tiếp cận và dạy học những tác phẩm văn chương cụ thể trong chương trình phổ thông, nhất là ở cấp THCS.
          Về bố cục của cuốn sách: Theo thiển ý của tôi: bài Xin được đến với Người, hiện để cuối phần 1 nên đưa xuống phần 3, trước bài Qua tấm gương của Bác Hồ…… thì có lẽ hợp ký hơn chăng? Cố ý không ghi năm thấng, nơi in đầu tiên của mỗi bài có lẽ dụng ý để tạo nên sự thống nhất sâu hơn của mỗi bài trong cơ cấu chung của cuốn sách chăng?
          Đọc kỹ 29 bài viết rải rác trong nhiều năm nay gom thành 1 tập, tôi càng thấy rõ hơn tính hệ thóng, tầm bao quát chiến lược, tầm nhìn xa rộng, thấu suốt, sức liên kết các vấn đề lý luận chung, lý luận chuyên ngành, thực tiễn đời sống, thực tiễn văn học, thực tiễn dạy học Ngữ văn ở nước ta của tác giả. Chuyên luận thể hiện công phu tích lũy vốn sống phong phú toàn diện, đặc biệt là kiến thức chuyên ngành rất sâu rọng của tác giả. Cuốn sách cuốn hút và cảm động người đọc còn bởi nhiệt huyết sôi nổi, dồi dào, bởi cái tâm trong sáng và cởi mởi của một nhà giáo lão thành, nhà khoa học chân chính suốt đời phấn đấu  và cóng hiến cho sự nghiệp giáo dục, cánh chim đầu đàn, một trong những người góp công đầu khai mở và phát triển chuyên ngành PPDH Ngữ văn ở nước ta./.

  • Đã in trong Thông báo khoa học của các trường Đại học, Hà Nội, năm 1997; (tr. 91 – 94)
  • Các luận án TS: Nghệ thuật bình thơ của Hoài Thanh và PPGB Thơ  trong nhà trường Việt Nam (NCS Nguyễn Văn Đường, bảo vệ năm 1996); Phương pháp giảng văn của GS Đặng Thai Mai (NCS Hoàng Thị Mai bảo vệ năm 1997) và 1 số luận án khác do GS PTL hướng dẫn.)
1997,
Đọc lại, chỉnh sửa, bổ sung,
11 – 2013
ĐV


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét