Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

MÙA XUÂN CHÍN của HÀN MẶC TỬ với lời bình VŨ NHO


MÙA XUÂN CHÍN
                                               HÀN MẶC TỬ
Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng chợt nhớ làng
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang ?

Lời bình của Vũ Nho
Không hiểu sao mỗi khi giở đến Mùa xuân chín, đầu óc lại mang mang những trái chín thơm của vườn quả, những cặp má ửng chín trong giá sương của những thiếu nữ, những vầng trăng chín trong thơ Xuân Hương. Ấy là những cái chín của sự vật. Còn sự chín của thời gian, chín của mùa xuân có lẽ chỉ riêng thấy trong thơ Hàn Mặc Tử, mặc dù xuân "xanh" đã thấp thoáng đây đó trong thơ Xuân Hương, trong thơ Nguyễn Du. Có cả mùa xuân xanh trong thơ Nguyễn Bính. Mùa xuân "thiều quang chín chục" thì lúc chín là khi nào ? Phải chăng là khi mà trong Truyện Kiều đã có thể nhìn thấy : "Cỏ non xanh tận chân trời", và ở đây, trong bài thơ này là :
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Cứ theo ý tứ mà suy thì xuân chín về mặt thời gian không thể là lúc đầu xuân. Vì ta nhìn thấy cảnh vật ở đây sáng lắm. Nắng ửng (phải chăng nắng xuân cũng đang sắp chín !) và khói mơ đang tan, để lộ ra mái nhà tranh lấm tấm vàng. Lấm tấm và sột soạt những từ láy tượng hình, tượng thanh gợi cảnh vật như cũng đang chuyển mình đang đi vào độ chín.

Sột soạt gió trêu tà áo biếc 
Gió quả thật là tinh nghịch. Nhưng tà áo biếc là áo thanh nữ, mà gió trêu đùa hẳn là gió không còn là trẻ con. Gió cũng đang độ chín. Áo biếc có phải là áo cô thôn nữ đang du xuân ?  Hay đây chính là áo của nàng xuân ?
             Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang
Theo ngữ pháp chặt chẽ được phân định bởi dấu chấm giữa dòng thơ, gió trêu áo biếc trên giàn thiên lý chỉ có thể là hình ảnh ảo, hình ảnh liên tưởng chứ không phải tà áo thật. Vì vậy thì chỉ có thể là áo nàng xuân. Vừa mới nghe thấy tiếng "sột soạt" thế mà nhìn lên chỉ còn thấy "bóng xuân sang". Nàng xuân như cũng có chút vội vàng.
Không khí mùa xuân chín thật thơ mộng, rộn ràng. Đến đây ta gặp hai mùa xuân, mùa xuân của thiên nhiên đất trời, mùa xuân của con người, mà tiêu biểu nhất là những cô thôn nữ trong "đám xuân xanh". Xuân của trời đất trên trục thời gian vòng tròn. Xuân chín, xuân rụng để hè sang, để Thu qua, Đông hết rồi Xuân lại trở về. Xuân lại non, lại xanh, lại chín. Còn xuân của con người đã đi là đi mãi. Bởi thế mà ở khổ thơ thứ hai thoáng một chút chạnh lòng :
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi
Vậy là trong đám xuân xanh sẽ có những nàng xuân chín theo chồng, thế là không còn du xuân, chẳng còn ca hát. Nhưng phút giây chạnh lòng ấy qua ngay vì tiếng hát mùa xuân đang thật náo nức, thật đắm say và khêu gợi. Nghe thấy tiếng hát của bao cô thôn nữ (nghĩa là tiếng hát thật) thế mà tiếng hát ấy đã thành ảo khi hóa ra :
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Tiếng ca thành khối, thành sinh linh có thể đu vắt vẻo, có thể thở hổn hển, nồng nàn gấp gáp. Mà đâu còn là tiếng hát người nữa. Đây là lời của nước mây rồi xiết bao là bổng trầm, réo rắt. Lưng chừng núi rồi tới trời mây là là độ vút cao ; lan đến dưới trúc là độ xuống thấp. Vắt vẻo, hổn hển ấy là độ du dương, réo rắt ; thầm thì, ấy là độ lắng đọng, trầm sâu. Nó là tiếng ca của những cô thôn nữ, những mùa xuân cuối cùng của đời người đang ửng chín. Nó cũng là tiếng ca của thiên nhiên, của mùa xuân đất trời đang chín. Thiên - nhân giao hoà. Con người và thiên nhiên đang cùng đến độ chín, độ mê ly để rồi con người sẽ ra đi, sẽ giã từ vĩnh viễn... Thế là cái chạnh lòng về việc theo chồng bỏ cuộc chơi giờ hiện ra gay gắt, chói chang.

Mùa xuân đang chín gợi nhớ làng, gợi nhớ mùa xuân dĩ vãng. Người thôn nữ ấy hẳn đã theo chồng. Cô thôn nữ thành ra chị ấy. Con người của quá vãng, của mùa xuân chín trong quá vãng giờ  này ra sao ? Hẳn là không ca hát, chẳng du xuân mà thành ra người đàn bà gánh thóc đòn gánh tre chín dạn hai vai. Không có hình ảnh nào gây ấn tượng mạnh mẽ như hình ảnh trong câu hỏi này :
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang
Thấp thoáng hình bóng con cò gánh gạo bờ sông của ca dao. Nhưng sông trắng nắng chang chang thật là một sắc màu chói lói. Nắng chang chang càng chang chang nắng khi chiếu vào sông trắng. Màu trắng càng gay gắt khi rực lên trong nắng chang chang. Còn đâu là nắng ửng với khói mơ? Còn đâu là lời ca vắt vẻo, ý vị, thơ ngây? Còn đâu là thôn nữ du xuân? Chỉ thấy sự nhọc nhằn, vất vả, tảo tần. Mà ngay cái hình ảnh ấy thì liệu bây giờ có còn nhìn thấy, hay chị ấy đã không còn gánh thóc, đã kiệt sức, đã thành già, đã thành bà hay thành người muôn năm cũ?
          Nỗi đau nhói về sự ngắn ngủi của đời thiếu nữ, đời người làm cho bài thơ đằm tính nhân văn. Nó hòa nhập vào cảm thức muôn thuở của các thi nhân Đông Phương về sự ngắn ngủi thái quá của cuộc đời. Đời như chớp mắt. Đời như chiêm bao. Đời như bóng câu qua cửa sổ…
          Biết được bản chất của cuộc đời không phải là để rồi than khóc, bi quan. Có nỗi đau nhưng bài thơ vẫn đẹp, vẫn tràn đầy nhưng rạo rực của mùa xuân chín. Và như thế, tự nhiên bài thơ sẽ được tiếp nhận bằng nhiều cách thức, nhiều góc độ khác nhau. Trong số đó có cách bình tĩnh và tự chủ như là cách mà X.Ê xê nhin đã từng yêu:
          Những gì đến với thanh xuân
          Hãy tươi thắm để héo tàn mai sau.

                                                          Hà Nội, mùa Xuân.


        

5 nhận xét:

  1. Bài viết rất hay. Em sẽ còn đọc thật kỹ. Cảm ơn bác Vũ Nho.

    Trả lờiXóa
  2. Chào bác Nho Hôm lâu rồi có đọc bài bình Mùa xuân chín của bác Ngô Minh thấy không ưng ý lắm nay tình cờ đoc được bài bình cua Bác thấy rất hợp tình hợp lý hợp lý xuên suốt bài thơ không đứt đoạn ý thơ câu thơ được thể hiện rất tinh tế. Thích nhất đoạn kết đó là một lối mở cho cuộc sống khi lâm vào hoàn cành bế tắc cần phải lạc quan cuộc đời còn cả một phía trước Cảm ơn Bác
    Tôi có thắc mắc muốn hỏi Bác Trong bài hát ( Hà tĩnh mình thương của nhac sĩ An Thuyên có câu. "trời chang chang nắng ai quàng áo tơi " có phải lấy ý từ câu " chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình" của Tố Hữu và Tố Hữu lấy ý từ câu ( Dọc bờ sông trắng nắng chang chang)hay không?vậy thi sĩ họ Hàn lấy ý ấy từ đâu? Bác tìm hiểu giùm.
    P/s. Mấy hôm nay suy nghĩ kỹ những lời Bác nhắc nhỏ tôi biết là mình sai sai tai hại .Không thể đem tư tưởng phản biện trong kinh.doanh vào văn học được Mình đã làm buồn lòng những người mà mình mến trọng Cảm ơn những lời chỉ dạy của bác tôi sẽ tự răn dạy bản thân Một lần nữa tôi xin gửi lời xin lỗi đến Bác và bác Đình Văn Thân

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã đồng cảm với tôi trong việc cảm thụ bài thơ Mùa xuân chín!
      Đây cũng chỉ là một góc nhìn, một cách tiếp cận chủ quan của cá nhân tôi. Nhưng nếu cái riêng ấy được bạn đọc như anh Xuân Lai, như bạn chia sẻ, đồng tình thì thật là một niềm vui, một sự cổ vũ lớn cho tôi.
      Về chuyện nắng chang chang thì tôi xin thưa thế này. Chang chang là từ láy, chỉ cái nắng gay gắt. Hàn Mặc Tử dùng trong câu thơ " Dọc bờ sông trắng nắng chang chang" là rất đắc địa. Từ TRẮNG bắt vần với NẮNG. Nắng chang chang chiếu trên sông trắng thì tính chất gay gắt càng mạnh mẽ. Người Việt mình, ai cũng có thể nói và viết " NẮNG CHANG CHANG". Tố Hữu viết trong bài thơ bạn dẫn. Tất nhiên là sau Hàn thi sĩ. An Thuyết viết ca từ của bài hát. Cả cô bé Phan Thị Vàng Anh sau này cũng viết : Hôm nay trời nắng chang chang/ mèo con đi học chẳng mang thứ gì/ Chỉ mang theo mẩu bút chì/ Và mang một cái bánh mì con con. Tôi nghĩ khi đó Vàng Anh chưa chắc đã đọc các vị mà chúng ta nói đến ở trên. Nhà thơ Vũ Quần Phương mà tôi có viết nhiều về ông. Ông cũng viết về nắng. Nhưng thay vì "chang chang" chói gắt, ông lại dùng "chan chan" chỉ sự đầy ắp, lấp lánh: Chúng mình đi giữa người ta/ Áo CHAN CHAN nắng , môi NGÀ NGÀ say! Về chuyện này, khó có bằng chứng để bảo người này VAY người khác vì từ chang chang quá thông dụng.

      Xóa
  3. Xin lỗi vì đánh máy nhanh, không soát kĩ. Xin sửa An Thuyết thành AN THUYÊN!

    Trả lờiXóa