Thứ Hai, 13 tháng 3, 2017

BÌNH YÊN CÔN ĐẢO




BÌNH YÊN CÔN ĐẢO
(Tản văn)
Nguyễn Thị Lan

Côn Đảo nổi tiếng với hệ thống nhà tù Côn Đảo khắc nghiệt bạo tàn. Trong suốt 113 năm thống trị (1862 - 1975), thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã giam cầm, đầy đọa hàng chục vạn chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước thuộc nhiều thế hệ. Chúng biến hòn đảo xinh đẹp này thành “địa ngục trần gian”. Nơi đây, đầy rẫy những ác ôn và quỷ dữ, mỗi giây mỗi phút mạng người tù bị treo bằng sợi tóc mong manh. Đây là nơi yên nghỉ của hơn 2 vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước Việt Nam.




Hơn 40 năm sau ngày Côn Đảo hoàn toàn giải phóng (1/5/1975), chúng tôi đã đến hòn đảo này và đã gặp một Côn Đảo khác – một Côn Đảo bình yên….

1. Một ngày đầu Đông, từ quê nhà vượt qua ngót 2000 km, chúng tôi đến thăm Côn Đảo.
Khi chiếc máy bay nhỏ của hàng hàng không VietnamAirlines từ từ hạ độ cao, nhìn qua cửa sổ, Côn Đảo hiện dần trước mắt chúng tôi. Giữa biển khơi mênh mông với muôn ngàn đợt sóng nhấp nhô, phía dưới kia một vệt xanh đậm nổi lên. Vệt xanh đậm càng rõ, càng to dần. Rồi những đỉnh núi cao sừng sững, những vệt rừng xanh thẳm mượt mà lan ra tận chân sóng trắng phau, những con đường trải nhựa uốn mình lượn quanh. Côn Đảo mênh mông giữa nước và trời, báu vật của Tổ Quốc ta đó. Mỗi chúng tôi vỡ òa trong niềm xúc động.
Sân bay nhỏ, đường băng hạn chế nên máy bay hạ cánh rất sát mặt biển. Cảm giác bạn như thể được ngồi trên một chiếc du thuyền lướt qua ngọn sóng vậy. Đó là một trải nghiệm thú vị. Bước xuống máy bay là một không gian đầy nắng, gió và vắng vẻ. Lần đầu tiên trong đời tôi đặt chân lên Côn Đảo – mảnh đất bi hùng.

2. Côn Đảo là một quần đảo gồm 16 đảo nhỏ với tổng diện tích cả quần đảo là 76 km 2. Nằm ở tận cùng phía Đông Nam của Tổ Quốc, hòn đảo tiền tiêu này thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, cách Vũng Tàu 97 hải lý và cách sông Hậu 45 hải lý. Côn Lôn tức Côn Đảo (còn gọi là Phú Hải) là hòn đảo lớn nhất có hình dáng như một con Gấu lớn quay lưng về đất liền, chân hướng ra biển Đông, chung quanh có 15 đảo nhỏ như những con Gấu con vây quanh gấu mẹ. Với diện tích 51,520 km2, chiều dài khoảng 15 km, chiều ngang chỗ rộng nhất khoảng 9 km, chỗ hẹp nhất khoảng 1 km, Côn Đảo chiếm gần 2/3 diện tích của cả quần đảo.
Có đi đến mới biết, Côn Đảo không chỉ là một nhà tù nghiệt ngã mà còn là điểm du lịch thiên đường cho những ai tìm về Lịch sử, tìm về Tâm linh, những ai đi tìm Hòa bình và Cái Đẹp. Với vẻ đẹp vô cùng hoang sơ quyến rũ, Côn Đảo là một thiên đường giữa hạ giới đã từng là địa ngục trần gian. Chẳng thế mà Côn Đảo đã được những tạp chí du lịch nổi tiếng ở nước ngoài bình chọn là một trong những hòn đảo bí ẩn và tốt nhất thế giới và ca ngợi là hòn đảo quyến rũ bậc nhất thế giới, một hòn đảo xa xôi hẻo lánh nên ghé thăm, trải nghiệm một lần trong đời.
3. Ở đây chúng tôi đã đắm mình trong một Côn Đảo xanh: xanh trời, xanh biển, xanh núi, xanh rừng, xanh những hàng cây, 84% diện tích đảo nằm trong vườn quốc gia Côn Đảo. Đảo nhỏ “xanh đến vô cùng”
Biển khơi Côn Đảo xanh biếc màu ngọc bích, bờ biển được bảo tồn đa dạng sinh học. Nơi đây là ngôi nhà của cá heo, rùa biển và những rặng san hô ngoạn mục.
Rừng nguyên sinh Côn Đảo xanh ngút ngàn cùng vô vàn loài động thực vật quý hiếm.
Con đường từ cảng hàng không về thị trấn thật thơ mộng, cảnh quan trên núi, dưới vịnh tuyệt đẹp. Ở đây, rừng được giữ còn gần như nguyên vẹn. Đường nhựa mịn màng, quanh co trở nên xinh đẹp quyến rũ khi hai bên đường xanh um những tán lá cây, những dải dây leo quấn quýt và những loài hoa khoe sắc quanh năm. Tất cả còn rất nguyên sơ, hình như bàn tay còn người ít chạm tới nơi đây.
Thị trấn nhỏ được bao quanh bởi biển xanh và bãi cát trắng mịn cùng núi đồi. Những đường mòn đi bộ tuyệt vời. Những con đường lát đá thẳng tắp dưới bóng mát của cây bàng. Khắp thị trấn sừng sững những cây đại thụ xanh tươi đầy sức sống được vinh danh là “Cây di sản Việt Nam”. Tất cả có 79 “Cây di sản Việt Nam” bao gồm: 53 cây bàng, 15 cây bằng lăng, 5 cây thị rừng, 2 cây điệp vàng. Đây là những cây lâu năm, có độ cao trung bình 15 m, chu vi trung bình 3.5 m (2,3 người ôm không xuể), mỗi cây độ tuổi ước tính 130-150 năm (chúng tôi gọi đùa là các “cụ cây”) với hình dáng to lớn, hùng vĩ, trầm mặc.
Đặc biệt, Côn Đảo có rất nhiều cây bàng, nó trở thành loài cây đặc thù khi nhắc đến mảnh đất này. Những cây bàng to lớn, cổ lão, vững chãi, xanh tốt, vỏ cây sần sùi nổi nhiều u mấu, gân guốc khác hẳn những cây bàng ở đất liền ta có thể thấy trên đường Tôn Đức Thắng, đường Lê Duẩn, trong khu di tích nhà Chúa Đảo, trong sân trại giam Phú Hải, Phú Sơn. Chính những hàng cây cổ thụ đã tạo nên một không gian trầm mặc, cổ kính vốn có rất riêng của Côn Đảo. Đây là những chứng nhân sinh động nhất, cụ thể nhất về một tiến trình phát triển của lịch sử Côn Đảo từ buổi là “Địa ngục trần gian” đến thời kỳ Côn Đảo đổi mới tươi đẹp như ngày hôm nay. Chúng tôi đã xúc động, âu yếm đặt tay lên những u, cục của những cây bàng di sản có tuổi đời gấp đôi, gấp ba tuổi mình và nghĩ: “nếu những cái “u” này biết nói thì sẽ kể cho du khách nghe biết bao chuyện đã xảy ra ở nơi đây suốt hơn một thế kỷ đã qua…”
4. Ở đây chúng tôi đã ngỡ ngàng trước một Côn Đảo sạch. Thật không quá khi nói rằng Côn Đảo có môi trường sạch gần như nhất cả nước.
Dân cư trên đảo thưa thớt. Hiện Côn Đảo có khoảng 7.000 người chủ yếu là cán bộ, công chức, kiểm lâm và gia đình cùng người lính đảo xa. Vì vậy Côn Đảo vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên và tinh khiết.
Biển ở đây xanh mát, trong lành, nước trong vắt xuyên suốt đến tận đáy, không gợn chút phù sa, tưởng như chẳng biển nơi nào trong và xanh hơn. Những bãi biển sạch hầu như không có rác chạy dài dưới vòm trời cao xanh bát ngát. Những bãi tắm đẹp và sạch còn nguyên vẹn nét hoang sơ như thuở ban đầu của nó.
Không khi nơi đây thật “tịnh vô trần”
Những con phố cổ nhỏ nhắn, u hoài, cũng thật sạch sẽ . Nếu vào tham quan hệ thống nhà tù bạn như đang đi vào chốn địa ngục chín tầng thì về với biển, với rừng, với thị trấn nhỏ xinh đẹp bạn như đang đến với thiên đường. Đó là hai màu sắc tương phản ở Côn Đảo.
5. Ở đây, chúng tôi đã nao lòng trước một Côn Đảo bình yên: bình yên trời, bình yên biển, bình yên mặt đất, bình yên trong cõi lòng người. Nơi này có một sự tĩnh lặng dịu dàng cứ len lỏi vào trái tim ta.
Sinh ra ở xa đất liền, lùi sâu vào ẩn dật giữa đại dương, cách ly với những hối hả, phiền tạp, xô bồ của đất liền, Côn Đảo dường như đã được tạo hóa phú cho một bình yên vĩnh viễn. Ở đây “yên đến vô cùng”. Côn Đảo đẹp mê đắm và hoàn toàn cô lập. “Đây từng là một trong những bí mật được giữ kín nhất thế giới”. Chính vì vậy Côn Đảo là một lựa chọn cho những ai muốn sống chậm.
Nhìn toàn cảnh, Côn Đảo có khung cảnh thanh bình, yên tĩnh, hài hòa giữa một bên là đồi núi trùng điệp xanh thẳm, một bên là biển xanh bao la. Tất cả đẹp như trong một bức tranh thủy mặc.
Biển Côn Đảo dịu dàng với bờ sóng vỗ êm đềm, với dải cát trắng dài miên man và phẳng lì. Bãi biển Côn Đảo thu hút khách du lịch nước ngoài bởi sự yên tĩnh, thanh bình, an toàn, sạch sẽ. Đến Côn Đảo không tắm biển một lần ở đây, ra về chắc bạn sẽ tiếc mãi.
Thị trấn nhỏ, dân thưa. Những con phố cổ rêu phong rất xinh xắn, yên vắng, mang dáng vẻ cổ kính, vẫn còn nguyên vẹn dòng tên thời Pháp thuộc. Những dãy nhà trệt nền cao với bậc thềm duyên dáng và dãy hành lang phía trước, ngói dốc, vẫn nguyên vẹn vẻ đẹp tinh tế của kiến trúc Pháp nhưng lại rất phù hợp với khí hậu nhiệt đới của Côn Đảo. Vẫn còn những nét rêu phong cổ xưa trên từng ngôi nhà và từng con phố nằm ngủ yên bình dưới những tán bàng xanh trên đường Lê Duẩn, Nguyễn Huệ, Nguyễn An Ninh. Đường Tôn Đức Thắng, con đường ven biển đẹp nhất Côn Đảo với nhiều tòa nhà có từ thời Pháp thuộc. Rồi những bức tường đá, những hàng rào được cắt tỉa cẩn thận, những chùm hoa giấy trắng hồng phủ kín những ngôi nhà bung mình trong nắng, hoa điệp vàng dựng thành bức tường vàng rộm trên các vỉa hè. Tất cả gợi cảm giác yên bình.
Ở Côn Đảo không hề có bóng dáng các khu ăn chơi sôi động, bởi ở Côn Đảo người ta sống khác. Ngoài vài quán cà phê dưới bóng mát cây bàng, không có quán rượu, không có những người bán hàng rong chèo kéo khách, không có ăn xin. Côn Đảo không phải là một thiên đường mua sắm, Côn Đảo giản dị và bình yên. Chỉ có tiếng gió hát, tiếng sóng vỗ. Chỉ có nắng vàng và biển xanh. Chỉ có tiếng chim ríu rít. Chim ở đây cũng thân thiện và hiền lành, có thể từ đâu bay tới và đậu trên vai người.
Giản dị và bình yên, đấy là một sớm mai bước dọc con đường hai bên là hàng cây bàng cổ thụ râm mát, không khí trong lành. Bước vài bước nữa đến biển, lòng thanh thản….Ở đây nhịp sống chậm, bạn như quên thời gian trôi. Côn Đảo là một thiên đường dịu dàng.
Côn Đảo nổi tiếng với hệ thống nhà tù Côn Đảo khắc nghiệt, bạo tàn. Người dân Côn Đảo tin rằng đây chính là sự bù đắp mà Thượng đế dành cho Côn Đảo sau những đau khổ mà vùng đất này đã trải qua.
Cảnh đã thế, còn người ? Trong cái Đại tự nhiên – vũ trụ, con người, cái “Tiểu vũ trụ” ở đây sống ra sao ?
Đoàn kết, tương thân tương ái, thuận hòa là một điều đáng quý của người Côn Đảo.
Khảo sát từ năm 2010, cư dân ở đây đến từ 60/63 tỉnh thành trong cả nước. Côn Đảo là “tiểu Hợp chủng quốc” của Việt Nam. Không có người dân bản địa. Không có gia đình nào định cư ở đây từ trước 1965. Rời quê hương bản quán lên sinh cơ lập nghiệp ở hòn đảo hoang vu vắng vẻ, những cư dân đầu tiên của Côn Đảo hơn ai hết mong muốn tiếp nhận thêm nhiều đồng bào của mình từ mọi miền đất nước đến hòn đảo này sống quần cư, để xóa dần nỗi buồn xa xứ, xa đất liền, phát huy sức mạnh cộng đồng để tồn tại. Đây là tiền đề và cơ sở quan trọng nhất để tạo nên tình đoàn kết, tương thân tương ái giữa những cư dân từ nhiều miền đất khác nhau về đây cùng sinh sống; giải thích tại sao Côn Đảo có nhiều người gốc gác khác nhau, phong tục tập quán tín ngưỡng khác nhau, thổ âm khác nhau mà vẫn không hề có định kiến, phân biệt đối xử, vẫn sống đoàn kết gắn bó với nhau trong tình quê hương, nghĩa đồng bào. Ở Côn Đảo “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, khi một người dân đảo nằm xuống, rất nhiều người đến viếng thăm đưa tiễn; khi một người chẳng may bị tai nạn lập tức sẽ nhận được sự giúp đỡ của người khác. Những cảnh sách nhiễu, vòi vĩnh, cửa quyền nơi công sở, bệnh viện….hình như xa lạ với nơi đây. Du khách đến đây không gặp bất cứ sự cố cãi lộn, đánh nhau. Cũng do thành phần dân cư, cuộc sống ở Côn Đảo có sự hòa trộn văn hóa đáng yêu, từ ẩm thực, ca nhạc, đến phong tục, tập quán, lễ nghi, tôn giáo…
Cởi mở, thân thiện, mến khách là một điều đáng quý nữa của người Côn Đảo. Mến khách không chỉ là một tình cảm mà trở thành lẽ sống của người Côn Đảo. Ở đây bạn rất dễ gặp những nụ cười thân thiện, những chỉ dẫn giúp đỡ chu đáo, ân cần của những con người sống giản dị, ân tình, đôn hậu, dễ mến, thật thà. Để rồi ai đến đây ra về là nhớ, nhớ như nhớ người thân.
Côn Đảo là hòn đảo không mất cắp. Đến đây bạn sẽ được nghe kể chuyện nhiều về tính thật thà của người Côn Đảo: Ban đêm, khách sạn, nhà dân không bận lo khóa cửa, xe chạy qua ngã tư nửa đêm vẫn dừng khi đèn đỏ, điện thoại lỡ bỏ quên ngoài quán, cả ngày sau quay lại vẫn còn nguyên. Chúng tôi đã gặp những chiếc xe máy vất đầy đường và bãi biển. Người Côn Đảo thường nói đùa: Du khách đến đây chỉ lo việc thăm thú, mua sắm, không lo trộm vặt….
Thật là một xứ sở bình yên.
6. Đêm cuối cùng ở Côn Đảo, chúng tôi ngồi uống cà phê ở quán “Coffee Côn Sơn”. Đêm rằm, trăng sáng, bầu trời mặt đất như mênh mông hơn, gió thổi mát rượi. Ngoài kia, biển lấp lánh ánh vàng, cầu tàu lịch sử 914 (nơi 914 người tù chính trị đã ngã xuống vì lao dịch, vì tai nạn trong quá trình khổ sai xây cầu) chìm trong màn đêm. Mọi đau thương đã và sẽ vĩnh viễn qua đi. Giọng ca sương khói, liêu trai của Khánh Ly từ chiếc catxet vẳng tới…Chợt thấy nhớ và thương rất nhiều thứ trong đời mình qua một tiếng hát ấy. Đêm nay Côn Đảo thật bình yên, bình yên…Câu thơ của Trần Nhật Thu về Côn Đảo lại vọng về:
“Mai xa rồi hỡi đảo nhỏ yêu thương
Đêm nay thức bên một triền sóng trắng”
Chưa xa Côn Đảo mà đã thấy nhớ.
Đến đây chúng tôi có những khoảnh khắc bình yên và những khoảnh khắc ấy đâu phải có nhiều trong cuộc sống xô bồ, hỗn tạp này. Trong cái không gian yên bình, trong lành ấy, trong cái yên ả, êm đềm ấy ta được sống chậm, được tĩnh tâm. Những bất an của sự sinh tồn, những lo âu phiền muộn, những vết thương lòng…. ở đây như được rũ sạch, ta thấy lòng thư thái bình yên. Vậy thì hãy nhớ từng khoảnh khắc này, hãy chi chút dành dụm, hãy trân trọng từng khoảnh khắc này để mai kia trở lại đất liền ta lại nhớ về chốn bình yên xa khuất ấy, để lòng ta lại gọi về nơi ấy. Biết đâu, sẽ chẳng bao giờ ta có dịp trở lại hòn đảo xinh đẹp này lần nữa?
Trưa nay, tại “Cảng hàng không Côn Đảo” tôi đã ngoái nhìn Côn Đảo ở những giây phút cuối, hít đầy lồng ngực một Côn Đảo trước khi trở lại đất liền.
Giã biệt Côn Đảo yêu thương!
Giã biệt đất Mẹ Việt Nam giữa trùng dương xa thẳm!

Hải Dương cuối năm 2016

1 nhận xét:

  1. Một bài viết thật hấp dẫn, thú vị về Côn Đảo.
    Cám ơn tác giả đã cho tôi "du lịch ke" hòn đảo ở phía nam Tổ quốc mà mấy lần định ra thăm, nhưng...không đi được!

    Trả lờiXóa