Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2017

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đường viết về sách "Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều" ( tiếp theo và hết))



 Tiến sĩ Nguyễn Văn Đường viết về sách "Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều" (tiếp theo và hết)

4. Phần 3, tác giả so sánh 11 nhân vật, cả nhân vật trung tâm (Thúy Kiều) cả nhân vật chính (Từ Hải, Thúc Sinh, Kim Trọng) cả nhân vật phụ (Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến, Thúy Vân), thậm chí nhân vật rất phụ như Kế thị (Hoạn Bà, mẹ Hoạn Thư); nhưng lại rất tiếc, không thấy tác giả đả động đến nhân vật Lưu Đạm Tiên?! Tôi có đem thắc mắc này trao đổi trực tiếp với Vũ quân. Ông cho rằng Đạm chỉ là một hồn ma, một cái bóng mù mờ, không phải là một nhân vật thực sự nên không nằm trong tầm ngắm của mình. Trong bài này, tôi chưa có điều kiện để trình bày cặn kẽ ý kiến riêng của mình, nhưng vẫn cho rằng, tuy chỉ là bóng ma thấp thoáng xuất hiện 2, 3 lần trong TK, nhưng Đạm Tiên vẫn là một nhân vật phụ rất quan trọng, không thể thiếu trong cả KVK và TK. Bóng ma này tượng trưng cho số mệnh, định mệnh đã an bài, báo trước tương lai thê thảm cuộc đời Kiều, phủ lên đời nàng một đám mây đen u ám mà Kiều từ buổi thanh nữ đôi tám đến lúc nhảy xuống sông Tiền Đường tự kết liễu cuộc đời sắc tài mệnh bạc đã không sao vùng thoát ra được! Tôi muốn biết so với nàng Lưu Đạm Tiên trong KVK, nàng Đạm Tiên, dưới ngòi bút thơ của thiên tài ND đã được hoán cốt đổi hồn ra sao?!...

          Còn lại, với hầu hết các nhân vật khác, ở những mức độ khác nhau, thủy chung đều được nhà nghiên cứu soi chiếu, đối sánh, phân giải khá kỹ lưỡng, thấu lý, đạt tình. Người khảo cứu hậu sinh ở đây đã không ngần ngại sử dụng, trích dẫn kết quả nghiên cứu của bậc tiền bối nổi tiếng từ lâu (Hoài Thanh với bài khảo cứu so sánh văn học tài hoa, sâu sắc: Một phương diện của thiên tài Nguyễn Du: Từ Hải (1943). Tuy vậy, nhà nghiên cứu phê bình văn học hôm nay, thừa kế và tiếp tục công việc của những người đi trước, chỉ trong một đoạn Kiều - Từ gặp gỡ, đã chỉ ra được 5 điểm khác nhau mới mà Hoài Thanh năm nào chưa để ý (tr. 124 – 127). Và cũng chỉ so sánh nội trong một đoạn ấy thôi. Nếu nhà nghiên cứu theo dõi tiếp những đoạn sau: đoạn giằng xé nội tâm giữa Kiều – Từ, khi Hồ Tôn Hiến thuyết hàng, đoạn Kiều thuyết Từ, đoạn Từ đấu tranh vật vã nội tâm rồi mới quyết định ra hàng, đoạn Kiều trong đau đớn, hối hận cùng cực, vẫn đàng hoàng ca ngợi Từ Hải trước mặt Hồ Tôn Hiến… nghĩa là so sánh đầy đủ, toàn diện hơn, chắc sẽ còn tìm thấy nhiều điều thú vị khác thể hiện thiên tài Nguyễn Du qua nhân vật Từ Hải – giấc mơ biển cả (Đỗ Đức Hiểu).

          So sánh nhân vật Thúy Kiều của ND với KVK của TTTT là bài khảo cứu so sánh triệt để, kỹ lưỡng, công phu và tương đối toàn diện. Phân giải, đánh giá những chi tiết Nguyễn Du thêm vào cảnh Kiều quyết chịu gia hình mà không chịu về lầu xanh, không một lần xưng con, gọi má với mụ Tú Bà, đã thể hiện bản lĩnh và tính cách cứng cỏi của Thúy Kiều, điều không thấy ở KVK. Đó là đóng góp của nhà nghiên cứu. Kết luận của Vũ Nho, theo tôi, là thỏa đáng, thuyết phục:

          Nàng Kiều của ND chẳng những đẹp hơn, tài hơn mà còn là người tế nhị, vị tha mà cư xử có tình nghĩa hơn. Nàng là chị em với  Vương Thúy Kiều của TTTT, nhưng nàng đã khác xa người chị của mình. Sự khác biệt ấy có được chính là nhờ thiên tài Nguyễn Du, nhờ tấm lòng nhân đạo vô cùng mênh mông, sâu sắc của nhà thơ. (tr. 144).

          Nhưng ở đây, tôi muốn có đôi điều trao đổi cùng tác giả.


          Thứ nhất, như vậy, Kiều của ND, trong mắt nhà khảo cứu so sánh hôm nay, đã hoàn toàn mười phân vẹn mười, không hề có chút tì vết, nhược điểm, hạn chế, trong tính cách, sai lầm trong hành động, ứng xử? Có thể là vậy! Tuy Nguyễn Du quá yêu nàng mà khéo che giấu, nương nhẹ đi, nhưng vẫn lộ rõ như không ít nhà nghiên cứu nổi tiếng xưa nay từng chỉ ra. Chẳng hạn, Phan Ngọc trong “Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều” (1985), Trần Đình Sử: “Thi pháp Truyện Kiều” (2001): Ấy là tham lam, nhẹ dạ, nông nổi, cầu an, dễ tin người, hám danh... Những nhược điểm mà chính nàng về sau cũng nhận ra và đã vô cùng ân hận! (Tin tôi nên quá nghe lời/Bởi nghe lời thiếp nên cơ sự này/Mặt nào trông thấy nhau đây?! Giết chồng rồi lại lấy chồng/Còn gì mà sống ở trong cõi này?!). Chắc hẳn Vũ quân cũng biết rõ những điều này? Giá như ông đối sánh rõ thêm so với KVK xem ND đã làm mới hơn TTTT ở những điểm nào thì còn thú vị hơn biết mấy!?

          Thứ hai, về chi tiết ND cắt bỏ chi tiết giấc mơ của Thúy Kiều trong KVK mong Kim Trọng hiện ra cứu mình, nhân đối thoại với Đinh Bá Anh. Ông(VN) cho rằng đoạn giấc mơ là bình thường và nhạt nhẽo. ND cắt bỏ là cao tay! (tr. 150 – 151).

          Tôi cũng không tán thành ý kiến cực đoan và phiến diện của ông Đinh, khi cho rằng Kim Trọng  mới là nhân vật vĩ đại của ND trong TK, nhưng cũng chưa thể tán thành đánh giá của Vũ quân về đoạn giấc mơ của Kiều và sự cao tay của cụ Nguyễn, khi cụ cắt bỏ đoạn ấy trong TK.

          Có lẽ cụ vội vàng chăng? Hay cụ chưa biết, chưa tin vào hiệu quả của những giấc mơ nghệ thuật trong văn chương, điều mà từ Sêcxpia, Puskin, đến Tônxtôi… đã thể hiện rất giỏi trong kịch và tiểu thuyết của mình, qua những giấc mơ của Mácbet, Hămlét, Tachiana, Anđrây, Pie và Natasa…?! Nhưng sự thật, trong văn bản, là ND đã cắt. Đó là cách làm của cụ, khiến cho người đời sau, kẻ khen, người tiếc…! Âu cũng là sự thường tình và khó hiểu, gây tranh cãi , thảo luận trong hậu thế… vậy!

          Khi so sánh hình tượng nhân vật Kim Trọng, Vũ Nho có tiện thể bình luận  1 nhận xét có vẻ tếu táo, trái chiều của Tạ Quang Khôi trong bản dịch Kim Vân Kiều ra tiếng Pháp (XB ở Bỉ, 1986), rằng Kim Trọng con nhà giàu, đẹp trai, học giỏi, chỉ có tội ăn cắp vặt! mà chỉ dựa vào câu văn dịch ra tiếng Pháp, từ câu Kiều: “Giơ tay với lấy về nhà”… theo Vũ quân:

          Xem xét như thế, tác giả cũng áy náy là có vẻ bới bèo ra bọ. Liệu có đúng với chàng Kim hay không?

          Tôi cũng băn khoăn như thế. Hoặc giả như có thật thì đó cũng là hành vi ăn cắp vặt rất đáng yêu của một gã trai đang tương tư say đắm, dám làm tất cả để tỏ tấm si tình!

          Về nhân vật Thúy Vân, tuy tính cách và số phận không phức tạp, đa diện như nhân vật Thúy Kiều, nhưng xưa nay vẫn có những cách hiểu, cách phân tích khác nhau. Trong đối sánh của mình, Vũ Nho góp một cách nhìn nhận đánh giá mới, không giống ai, khá tinh tế và chân thực:

          Thúy Vân của ND khác xa TV của TTTT. Khác biệt lớn nhất là TV của ND nói ít hơn, đúng với tinh thần nhà thơ mô tả: “ Hoa cười, ngọc thốt, đoan trang”… Ông đồng tình với nhận xét của Kim Thánh Thán:

          Tác giả chỉ điểm vài nét lờ mờ. Vì nó xa, thuộc về mối tình xa nên khi gặp 2 Kiều thì trong đó  chỉ thấp thoáng hình ảnh Thúy Vân lần thứ hai, thấp thoáng bóng Vân, khi 2 chị em trò chuyện. Lần thứ ba thể hiện ở đôi má đỏ bừng, rồi chạy vào giường ngủ. Như vậy là tả một cách rất kín đáo. Với ND, ông đã bỏ hết đối thoại 2 chị em, cả chi tiết má đỏ bừng… nhưng ta vẫn thấy một nàng Vân rất có cảm tình với Kim Trọng và có “mối tình xa” với chàng (tr. 250).

          … chứ không phải là 1 nàng Thúy Vân một mực vô tình, thờ ơ, vô cảm đến trơ lỳ như 1 bài nghiên cứu, xem xét lại nhân vật TV trong TK của 1 nhà thơ có danh là nhà Kiều học vừa đăng tải trên trang fb cá nhân.



          5. Phần 4: So sánh một số vấn đề, trong đó có 3 vấn đề quan trọng và nổi bật được nhà khảo cứu đề cập tới: vấn đề tiền bạc; vấn đề số phận người phụ nữ và vấn đề triết lý trong Truyện Kiều.

          * Đóng góp mới của bài so sánh vấn đề tiền bạc trong TK là ở chỗ:

          - Một là, tác giả đã thống kê, đối sánh, phân tích cụ thể, khoa học, dựa trên các dị bản TK và KVK xưa nay để đi tới một kết luận mở có thể chấp nhận về từ ngữ, khái niệm trong TK. Nguyễn Du đã nhiều lần dùng 2 từ bạcvàng (nhiều nhất là vàng) để chỉ tiền bạc, không nói cụ thể số lượng cụ thể bạc hay vàng, chỉ chú ý đến giá trị cao. Kiều bán mình với giá ngoài 400 lạng (vàng); trong khi TTTT nhiều lần viết 450 lạng bạc. Nhà nghiên cứu đã góp phần giải đáp về cơ bản một trong những thắc mắc, bức xúc của anh chị em giáo viên Ngữ văn phổ thông về 1 từ trong TK: vàng hay bạc? vàng hay vâng?... Thật là thú vị! (tr. 274 – 275).

          - Điều thú vị thứ hai là, tác giả đã bình luận 5 khái quát và bình luận trực tiếp của Nguyễn Du về đồng tiền  như những câu tục ngữ, châm ngôn, triết lý đúc kết, chiêm nghiệm từ bản thân và dân gian về tiền bạc.

          ** Về vấn đề số phận người phụ nữ trong Truyện Kiều, so với KVK của TTTT, cũng vừa được gợi mở vừa đào sâu thêm những tầng nấc mới.

          Khái quát: Đau đớn thay phận đàn bà! đã hơn một lần được láy đi láy lại, chứa chan nước mắt trong Đoạn trường tân thanhVăn chiêu hồn, trở thành khúc bi ca mang tầm nhân loại, vượt thời gian và không gian xuất phát từ một trái tim lớn của một nghệ sỹ lớn (Hoài Thanh).

          Có nhà thơ nổi tiếng cho rằng đó là câu thơ nhân đạo nhất và cũng là giản dị nhất, hiện thực nhất, hay nhất trong Truyện Kiều!

          Chúng ta hoàn toàn biểu đồng tình, chia sẻ với đánh giá trân trọng của Vũ Nho:

          Nguyễn Du là nhà thơ của phụ nữ, của những cuộc đời bị chà đạp, khổ đau. Ông luôn luôn bênh vực, cảm thông với số phận người phụ nữ, người kỹ nữ là vấn đề mà nhà thơ Việt Nam đặt ra bức thiết trong tác phẩm của mình (tr. 293.)

          *** Vấn đề triết lý trong Truyện Kiều, một trong những vấn đề học thuật phức tạp nhất, gây tranh cãi nhiều nhất xưa nay.

          Khiêm tốn, tự lượng sức mình, Vũ Nho đọc kỹ, đọc sâu các công trình nghiên cứu triết học Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo uyên bác của thiền sư Thích Nhất Hạnh (Thả một bè lau), Phạm Công Thiện, Cao Huy Đỉnh, Hoàng Ngọc Hiến: Nhìn sâu vào triết lý Truyện Kiều, Triết lý Phật giáo trong Truyện Kiều… tâm đắc chia sẻ những phân giải hữu lý hữu tình của các vị về chữ tâm, chữ nghiệp, chữ mệnh, chữ Trời, chữ lòng

          Chúng ta đọc lại những thu hoạch của Vũ Nho từ sách của thiền sư Nhất Hạnh:

          Nguyễn Du tin vào những điều đó (triết lý) bằng niềm tin nghệ sỹ, bằng kiến thức sách vở, bằng trải nghiệm thực tế và bằng cả những niềm tin trong quan niệm tín ngưỡng dân gian chứ không phải chỉ là niềm tin của người chuyên tâm, người được học, được đào luyện bài bản (tr. 297)… Dù không đảm bảo chính xác tuyệt đối theo quan niệm giáo lý Phật học thì Nguyễn Du vẫn đúng theo quan điểm phổ thông của chúng sinh. Triết lý Nguyễn Du đưa ra cũng là để khuyến Tâm, khuyến Thiện đối với tất cả bạn đọc. Nguyên cái thiện tâm ấy, chính tâm ấy cúng rất đáng ghi nhận và ca tụng (tr. 302).

          Từ sự học tập, chia sẻ thành thực và khiêm tốn ấy, tác giả mạnh dạn đưa ra cách thức nhận của riêng mình:

          Những vấn đề triết lý Nho, Phật, Lão trong Truyện Kiều là có, nhưng không phải là xuất sáo. Bởi Nguyễn Du chỉ dừng ở quan niệm đại chúng…. Những triết lý mà Nguyễn Du bằng trí tuệ của bậc đại trí, tiếp thu kinh nghiệm dân gian, giáo lý các tôn giáo hàn lâm và cái chính là bằng tấm lòng của bậc đại nhân, bằng sự nhạy cảm của nhà nghệ sỹ lớn, ông đã tạo ra, tự khái quát lên  mới chính là điều đáng nói, đáng bàn kỹ hơn, sâu hơn. Vì những triết lý đó là của Nguyễn Du chiêm nghiệm và đúc kết, xây dựng.

          Tác giả cho rằng Nguyễn Du đã vô cùng sâu sắc khi viết:

                            Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra…

          Vì vậy, triết lý sâu sắc nhất là triết lý xuất phát từ tấm lòng nhân đạo cao cả, có gốc từ tấm lòng cao cả (tr. 311 – 312).

          Chúng tôi rất đồng cảm, đồng tình, đồng ý với những khái quát và lý giải sâu sắc đó.

          Tiếp theo, nhà khảo cứu phân giả và minh chứng 10 triết lý đời sống của Nguyễn Du đã rút ra có ý nghĩa như là châm ngôn, tục ngữ đời sống không chỉ của của người Việt Nam mà hầu như của mọi dân tộc, quốc gia, mọi chế độ. Ví dụ những câu thơ  về triết lý về sức mạnh của đồng tiền, về lẽ phải có người có ta, về tâm lý con người khi tả cảnh thiên nhiên: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ, về thời gian tâm lý: Ba thu dọn lại một ngày dài ghê, về sự bất tử của con người tài hoa: Thác là thể phách, còn là tinh anh…, câu thơ  về sự mâu thuẫn giữa vẻ bên ngoài và tinh thần bên trong, quan sát, so sánh ngầm mình với người khác, về chữ chữ tài và đạo đức, số phận (mệnh) gắn với chữ tai

          Và ông chân thành, bình tĩnh khuyên người đọc thời @ những lời khuyên gan ruột:

          Nếu chúng ta đọc Truyện Kiều một cách chậm rãi, suy ngẫm thì chắc chắn sẽ còn tìm ra nhiều điều thú vị, bất ngờ về những triết lý mà Nguyễn Du đã tổng kết, đúc rút bằng “con mắt nhìn thấu  sáu cõi, bằng tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời” (Mộng Liên Đường chủ nhân). Chính điều này mới góp phần làm nên giá trị tư tưởng cùng với giá trị văn chương Truyện Kiều (tr. 312 – 324).

          Theo tôi, phần này là một trong trong những đoạn viết cẩn trọng, mức độ, thể hiện công phu học hỏi, vận dụng; tâm huyết, đóng góp về nhận thức lý luận triết học và phương pháp luận nghiên cứu triết học trong tác phẩm văn học của tác giả.

          2 trang Kết luận chung của Tác giả không chỉ là lời tổng kết súc tích ngắn gọn thành quả của công trình mà còn là lời mời gọi mọi người và các thế hệ tương lai tiếp tục tiến sâu hơn vào lĩnh vực nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều dưới góc độ so sánh và nhiều góc độ khác. (tr. 326).



 6. Phần 5: Phụ lục, chọn lọc 10 bài viết của Vũ Nho trong những năm gần đây về Nguyễn Du và Truyện Kiều góp phần làm cho nội dung cuốn chuyên khảo thêm phong phú, dầy dặn hơn. Bạn đọc rộng rãi, nhất là các giáo viên dạy Ngữ văn phổ thông các cấp, các em sinh viên, học sinh dạy học Nguyễn Du và Truyện Kiều có thể tham khảo, sẻ chia hay tiếp tục thảo luận, trao đổi, thậm chí phản biện với tác giả về nét ngài hay nét người? (mây thua nước tóc, nét ngài (người nở nang), Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần thì thanh y  có phải  2 lần thoát y  hay 2 lần Kiều phải vào chùa đi tu?! Thúy Kiều và Thúy Vân là hai chị em sinh đôi (Đầu lòng, hai ả Tố Nga/Thúy Kiều là chị (ra trước), em là Thúy Vân (ra sau)… Có phải câu thơ tả mùa xuân của Nguyễn Du thật tài tình, đặc biệt là từ điểm? (nguyên tác thơ cổ Trung Hoa: Lê chi sổ điểm hoa); Hay đó chỉ là sự dịch thơ khéo tay, bởi phép đảo từ: “Cành lê trắng điểm một vài bông hoa?!” (tr. 353 – 355). ..

          Mặt khác, việc in lại nguyên văn các bài đã đăng trên các báo như Mã Giám sinh mua Kiều, Góp phần dạy tốt đoạn trích Chí khí anh hùng ở lớp 10 THPT, Ứng xử trong buổi đầu gặp gỡ… khiến người đọc thấy hơi bị cộm vì sự trùng lặp với những nội dung phân tích so sánh ở các phần 2, 3 trong sách này. Trong lần tái bản sau, tác giả chỉ nên chú nguồn xuất xứ trích dẫn 2 văn bản so sánh (Kim Vân Kiều đối chứng (Phạm Đan Quế) Truyện Kiều chú giải (Đào Duy Anh) 1 lần là đủ.



7. Một trong những ấn tượng đẹp mà tôi muốn chia sẻ cùng tác giả và bạn đọc Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều là vấn đề văn phong và giọng điệu.

          Theo tôi, Vũ Nho thuộc loại nhà nghiên cứu phê bình văn học viết văn khảo cứu có văn. Nghĩa là lời văn, câu chữ không khô khan, thuần luận lý mà khá dồi dào cảm hứng và hình tượng, hình ảnh, trong khi vẫn giữ được sự mực thước, chặt chẽ, điềm đạm trong quá trình luận chứng. Đó là văn phong nghiên cứu phê bình với giọng điệu ôn hòa, bình tĩnh, khiêm tốn, nhưng tự tin vào những ý kiến, luận điểm, lập luận và thực chứng mà mình đã từng cẩn trọng tìm tòi, khảo sát, phát hiện, đối sánh, cân nhắc, phân tích, trước khi khái quát, kết luận. Không khoe khoang ra vẻ hàn lâm, uyên bác, càng không thích dựa hơi, mượn tiếng, núp bóng những đa đề quá khứ hay hiện tại, trong hay ngoài nước, người viết chỉ viết ra những những suy nghĩ của mình đã thu hoạch, đã nấu nung, nghiền ngẫm kỹ càng, có khi thành thật bộc lộ cả những vấn đề bản thân còn đang băn khoăn, trăn trở chưa tìm ra lời giải đáp thỏa đáng. Đó là văn phong của một nhà giáo dạy Ngữ văn lâu năm, một nhà sư phạm thâm niên cao và một nhà quản lý chuyên môn Ngữ văn cấp phổ thông già dặn kinh nghiệm. Về cơ bản, giọng điệu văn khảo cứu so sánh của Vũ quân là giọng đối thoại, chia sẻ, tâm sự cùng bạn đọc và với chính mình nên dễ gây được sự đồng cảm, sẻ chia,… nhưng tôi thấy thi thoảng đôi chỗ, có lẽ do ảnh hưởng của nghề nghiệp đứng trên bục giảng quá lâu, làm công tác chỉ đạo chuyên môn nhiều năm ở cấp Bộ nên cũng hơi bị miên man sang lối thuyết giảng, giảng giải chi ly, cặn kẽ như nói với học trò hoặc với các giáo viên trẻ… Mặt khác, trong sách còn thưa vắng những đoạn luận bình thơ Kiều say bốc, tràn trề nhiệt hứng, mang dấu ấn của tâm hồn thi nhân, mà tác giả cũng là một ngòi bút thơ trữ tình được nhiều bạn đọc yêu thơ biết tới. Có lẽ tác giả đã chủ ý tiết chế, kìm nén cảm xúc thơ, cảm hứng nghệ sỹ, khi biên soạn một công trình khảo cứu so sánh văn học trung đại nghiêm túc chăng? Nhưng đọc Đi giữa miền thơ, Bình thơ, Thơ cho tuổi thơ…tôi thấy giọng bình, lời bình thơ của Vũ Nho có phần mềm mại, uyển chuyển và linh hoạt hơn?! Hay đây mới chính là giọng điệu văn phong nghiên cứu văn học đích thực của Vũ quân? Hay tôi đã quá khó tính, đòi hỏi quá cao nơi một ngòi bút đa dạng về phong cách?!...

***

          Tóm lại, cuốn sách Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều (So sánh – Bình luận) của PGSTS. Vũ Nho là một công trình nghiên cứu khoa học có ý nghĩa thực tiễn và lý luận rất đáng ghi nhận trên mặt bằng chung của tình hình và thực trạng nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam hiện nay.

          Nó góp phần khẳng định vững chắc hơn nữa giá trị tư tưởng - thẩm mỹ rất cao sâu của Truyện Kiều – Nguyễn Du nếu so sánh toàn diện và hệ thống với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.

          Nó có ý nghĩa gợi mở phương pháp luận sư phạm và giáo dục, một tài liệu tham khảo hữu ích đối với anh chị em giáo viên, sinh viên và học sinh trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu và học tập Nguyễn Du và Truyện Kiều trong các nhà trường Việt Nam.

          Nó càng chứng tỏ Truyện Kiều là một trong những kiệt tác thuộc loại “không đáy”của muôn đời, của Việt Nam và nhân loại; Truyện Kiều và Nguyễn Du luôn luôn gọi mời và thử thách những cách đọc hiểu mới, mở ra những hướng tìm tòi, nghiên cứu mới, đồng sáng tạo mới, đầy triển vọng, trong hiện tại và cả tương lai…

           Đó chính là ý nghĩa khoa học - giáo dục – thời sự sâu sắc của cuốn sách nghiên cứu mà Vũ Nho là tác giả./.



Trèm, Bắc Từ Liêm ngày đầu tháng hai Đinh Dậu,

29/2/ 2017  

ĐV




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét