MỘT CÔNG TRÌNH
NGHIÊN CỨU SO SÁNH VĂN HỌC
CÓ GIÁ TRỊ
Đọc Từ Kim Vân Kiều
đến Truyện Kiều
So sánh& Bình luận của Vũ Nho; NXB Hội Nhà văn, 2016
ĐƯỜNG VĂN
Có thể nói, dưới góc độ và
phương pháp so sánh văn học hiện đại nhằm một mục tiêu duy nhất, chứng minh cho
một tiền đề xác định từ lâu, nhưng chưa được luận chứng cụ thể, chi tiết và đầy
đủ, thì công trình của Vũ Nho, ở Việt Nam, cho đến nay, có lẽ là công trình khảo cứu so sánh khoa học đầu
tiên về Truyện Kiều đạt kết quả
khả quan, thuyết phục, đáng ghi nhận và tin cậy.
Trước hết, về kết cấu, bố cục
công trình: vừa chặt chẽ, mạch lạc, các
phần, mục hô ứng, nối tiếp, liên hệ, bổ sung cho nhau cùng nhằm giải quyết một
yêu cầu chung như một định đề, một tiên đề đã có sẵn, nhưng hãy còn khá mơ hồ,
chưa tường minh bằng chứng lý. Tuy vậy, mỗi phần, mục lại có tính độc lập tương
đối, có thể tách ra thành một bài
nghiên cứu độc lập, chững chạc (mà thực tế là như vậy).
Mô hình chung của mỗi bài trong các phần 2, 3, 4
được cấu trúc như sau:
+ Lời dẫn
+ Đối chiếu trích đoạn văn
bản Kim Vân Kiều (KVK) và Truyện Kiều (TK)
+ Liệt kê cụ thể từng điểm,
từng chỗ, từng chi tiết, từ ngữ, hình ảnh, nhân vật, sự việc… mà Nguyễn Du đã
dụng công làm khác, làm mới, đã sáng tạo trong TK so với KVK
+ Phân giải, bình luận
Một mô hình trình bày như thế là thống
nhất, xuyên suốt, mạch lạc, logich, chặt chẽ và hiệu quả. Thống kê sơ bộ, thấy chỉ riêng phần 2: Đối chiếu, so sánh các đoạn (12
bài/mục), tác giả đã phát hiện, đối sánh được tới 111 điều khác biệt về
nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật mà Nguyễn Du đã làm khác, làm mới, đã
sáng tạo so với Thanh Tâm Tài Tử (TTTT).
Nếu tính cả phần 3, phần 4 nữa thì
tổng cộng số lượng tìm tòi, phát hiện và phân giải của tác giả đã lên tới hơn 300
điều. Quả thật là những con số biết nói, rất đáng ghi nhận công phu, tinh
thần say sưa kiếm tìm và hiệu quả của nhà nghiên cứu.
Nhưng số lượng mới chỉ là một vấn đề.
Quan trọng hơn là chất lượng và hiệu quả của sự tìm kiếm, đối sánh ấy ra
sao?
T
Theo chúng tôi: rất khả quan. Hầu hết
những điều, những điểm, những vấn đề mà tác giả soi chiếu, phát hiện để thấy rõ
sự khác biệt trong TK so với KVK đều
chính xác, đều được minh chứng cụ thể bằng ý kiến, câu chữ rõ ràng, thuyết
phục. Các biện pháp so sánh văn học
được thực hiện một cách cẩn trọng, nghiêm túc, đúng quy trình, khách quan và
trung thực cho nên vừa quen vừa lạ, hấp dẫn và thuyết phục.
Chẳng hạn đoạn Từ Hải từ biệt Thúy Kiều. Đó là thêm. Còn bớt?
Đoạn Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều từ 8 trang văn xuôi trong KVK, chỉ còn
28 câu, rồi 8 câu tuyệt tác trong TK với 17 sự điều chỉnh, thêm/bớt của Nguyễn
Du đã làm cho buổi TS từ biệt TK trở nên đặc biệt độc đáo. Có điều, tôi thấy hơi lạ là không thấy
tác giả đối sánh đoạn đoàn viên Kiều –
Kim tái hồi có hậu. Hay là trong đoạn
này, so với TTTT, ND không có sáng tạo gì thật mới mẻ, đáng để
so sánh?!
Phần 3, tác giả so sánh 11 nhân
vật, cả nhân
vật trung tâm (Thúy Kiều) cả nhân vật
chính (Từ Hải, Thúc Sinh, Kim Trọng…)
cả nhân vật phụ (Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến, Thúy Vân), thậm chí nhân vật rất phụ như Kế thị (Hoạn Bà, mẹ Hoạn Thư); nhưng lại rất tiếc, không thấy tác giả đả động đến nhân vật Lưu Đạm Tiên?!
Còn lại, với hầu hết các nhân vật khác, ở những mức độ khác nhau,
thủy chung đều được nhà nghiên cứu soi chiếu, đối sánh, phân giải khá kỹ lưỡng,
thấu lý, đạt tình. Người khảo cứu hậu sinh ở đây đã không ngần ngại sử dụng,
trích dẫn kết quả nghiên cứu của bậc tiền bối nổi tiếng từ lâu Tuy vậy, nhà
nghiên cứu phê bình văn học hôm nay chỉ trong một đoạn Kiều - Từ gặp gỡ, đã chỉ ra được 5 điểm khác nhau mới mà Hoài Thanh năm nào chưa để ý (tr. 124 – 127). So sánh nhân vật Thúy
Kiều của ND với KVK của TTTT là bài khảo cứu so sánh triệt để, kỹ lưỡng,
công phu và tương đối toàn diện. Phân giải, đánh giá những chi tiết Nguyễn Du
thêm vào cảnh Kiều quyết chịu gia hình
mà không chịu về lầu xanh, không một lần xưng
con, gọi má với mụ Tú Bà, đã thể hiện bản lĩnh và tính cách cứng cỏi của
Thúy Kiều, điều không thấy ở KVK. Đó là đóng góp của nhà nghiên cứu. Kết luận
của Vũ Nho, theo tôi, là thỏa đáng, thuyết phục.
Nhưng ở đây, tôi muốn có
đôi điều trao đổi cùng tác giả.
Thứ nhất, như vậy, Kiều của ND, trong
mắt nhà khảo cứu so sánh hôm nay, đã hoàn toàn mười phân vẹn mười, không hề có chút tì vết, nhược điểm, hạn chế,
trong tính cách, sai lầm trong hành động, ứng xử? Có thể là vậy! Nguyễn Du quá
yêu nàng mà khéo che giấu, nương nhẹ đi, nhưng vẫn lộ ra như nghiên cứu Phan Ngọc và Trần Đình Sử… từng chỉ ra. Ấy là tham lam, nhẹ dạ, nông nổi, cầu an, dễ tin người, hám
danh... Giá như ông đối sánh rõ thêm so với KVK xem ND đã làm mới hơn TTTT ở những điểm nào thì còn thú vị hơn biết mấy!?
Thứ hai, về chi tiết ND cắt bỏ chi tiết giấc mơ của Thúy Kiều trong
KVK mong Kim Trọng hiện ra cứu mình,
nhân đối thoại với Đinh Bá Anh. Ông(VN) cho rằng đoạn giấc mơ là bình thường và
nhạt nhẽo. ND cắt bỏ là cao tay! (tr. 150 – 151).
Tôi không tán thành ý kiến cực đoan và phiến diện
của ông Đinh, khi cho rằng Kim Trọng mới là nhân vật vĩ đại của ND trong TK,
nhưng cũng chưa thể tán thành đánh giá của Vũ quân về đoạn giấc mơ.
Về nhân
vật Thúy Vân, tuy tính cách và số phận không phức tạp, đa diện như nhân vật
Thúy Kiều, nhưng xưa nay vẫn có những cách hiểu, cách phân tích khác nhau.
Trong đối sánh của mình, Vũ Nho góp một cách nhìn nhận đánh giá mới, không
giống ai, khá tinh tế và chân thực:
Thúy
Vân của ND khác xa TV của TTTT. Khác biệt lớn nhất là TV của ND nói ít hơn,
đúng với tinh thần nhà thơ mô tả: “Hoa cười, ngọc thốt, đoan trang”… Ông đồng tình với nhận xét của Kim Thánh Thán và cho rằng ND
đã bỏ hết đối thoại 2 chị em, cả chi tiết má đỏ bừng… nhưng ta vẫn thấy một
nàng Vân rất có cảm tình với Kim Trọng và có “mối tình xa” với chàng (tr. 250).
Phần 4: So sánh một số vấn đề, trong đó có 3 vấn đề quan trọng và nổi bật
được nhà khảo cứu đề cập tới: vấn đề tiền
bạc; vấn đề số phận người phụ nữ và
vấn đề triết lý trong Truyện Kiều.
Đóng
góp mới của bài so sánh vấn đề
tiền bạc trong TK là ở chỗ:
- Một
là, tác giả đã thống kê, đối sánh, phân tích cụ thể, khoa học, dựa trên các
dị bản TK và KVK xưa nay để đi tới một kết luận mở có thể chấp nhận về từ ngữ,
khái niệm trong TK. Nguyễn Du đã nhiều lần dùng 2 từ bạc và vàng (nhiều nhất
là vàng) để chỉ tiền bạc, không nói
cụ thể số lượng bạc hay vàng, chỉ chú ý đến giá trị cao.
- Điều
thú vị thứ hai là, tác giả đã bình luận 5 khái quát và bình luận trực tiếp
của Nguyễn Du về đồng tiền như những câu tục ngữ, châm ngôn, triết lý
đúc kết, chiêm nghiệm từ bản thân và dân gian về tiền bạc.
Về vấn đề số phận người phụ nữ trong
Truyện Kiều, so với KVK của TTTT, cũng vừa được gợi mở vừa đào sâu thêm
những tầng nấc mới.
Vấn đề triết
lý trong Truyện Kiều, một
trong những vấn đề học thuật phức tạp nhất, gây tranh cãi nhiều nhất xưa nay.
Khiêm tốn, tự lượng sức mình, Vũ Nho
đọc kỹ, đọc sâu các công trình nghiên cứu triết học Phật giáo, Nho giáo, Đạo
giáo uyên bác của thiền sư Thích Nhất Hạnh (Thả
một bè lau), Phạm Công Thiện, Cao Huy Đỉnh, Hoàng Ngọc Hiến: Nhìn sâu vào triết lý Truyện Kiều, Triết lý Phật giáo trong Truyện Kiều… tâm đắc chia sẻ những phân giải hữu lý hữu tình
của các vị về chữ tâm, chữ nghiệp, chữ mệnh, chữ Trời, chữ lòng…
Tác giả cho rằng Nguyễn Du đã vô
cùng sâu sắc khi viết:
Cội nguồn cũng ở
lòng người mà ra…
Vì
vậy, triết lý sâu sắc nhất là triết lý xuất phát từ tấm lòng nhân đạo cao cả,
có gốc từ tấm lòng cao cả (tr. 311 – 312).
Chúng tôi rất đồng cảm, đồng tình, đồng ý với những khái quát và lý giải
sâu sắc đó.
Tiếp theo, nhà khảo cứu phân giả và
minh chứng 10 triết lý đời sống của Nguyễn Du đã rút ra có ý nghĩa như là châm
ngôn, tục ngữ đời sống không chỉ của của người Việt Nam mà hầu như của mọi dân
tộc, quốc gia, mọi chế độ.
Theo tôi, phần này là một trong trong những
đoạn viết cẩn trọng, mức độ, thể hiện công phu học hỏi, vận dụng; tâm huyết,
đóng góp về nhận thức lý luận triết học và phương pháp luận nghiên cứu triết
học trong tác phẩm văn học của tác giả.
Phần 5: Phụ lục, chọn lọc
10 bài viết của Vũ Nho trong những năm gần đây về Nguyễn Du và Truyện Kiều góp phần làm cho nội dung cuốn chuyên khảo
thêm phong phú, dầy dặn hơn. Bạn đọc rộng rãi, nhất là các giáo viên dạy Ngữ
văn phổ thông các cấp, các em sinh viên, học sinh dạy học Nguyễn Du và Truyện Kiều
có thể tham khảo, sẻ chia hay tiếp tục thảo luận, trao đổi, thậm chí phản biện
với tác giả.
Một trong những ấn tượng đẹp mà tôi muốn chia sẻ cùng
tác giả và bạn đọc Từ Kim Vân Kiều đến
Truyện Kiều là vấn đề văn phong và
giọng điệu.
Theo tôi, Vũ Nho thuộc loại nhà nghiên
cứu phê bình văn học viết văn khảo cứu có
văn. Nghĩa là lời văn, câu chữ không khô khan, thuần luận lý mà khá dồi dào
cảm hứng và hình tượng, hình ảnh, trong khi vẫn giữ được sự mực thước, chặt
chẽ, điềm đạm trong quá trình luận chứng.
Tóm lại, cuốn sách Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều (So sánh – Bình luận) của PGSTS. Vũ Nho là một công
trình nghiên cứu khoa học có ý nghĩa thực tiễn và lý luận rất đáng ghi nhận
trên mặt bằng chung của tình hình và thực trạng nghiên cứu phê bình văn học
Việt Nam
hiện nay.
Trèm, Bắc Từ Liêm ngày đầu tháng hai Đinh Dậu,
29/2/ 2017
ĐV
In trên Văn Nghệ công an số 332 ngày 9 đến 16 tháng 3 năm 2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét