Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

NHỮNG NGƯỜI THỢ LÒ TRONG QUẦNG SÁNG





                                               Vũ Nho đang đọc tham luận tại Mạo Khê

NHỮNG NGƯỜI THỢ LÒ TRONG QUẦNG SÁNG
             Đọc Ánh đèn lò của Vũ Thảo Ngọc, nhà xuất bản Lao Động, 2016
                                      Vũ Nho
Vùng than có một đội ngũ viết văn hùng hậu kể từ khi nhà văn Võ Huy Tâm khai sinh tác phẩm “Vùng mỏ” đến nay. Trong những tên tuổi quen biết với bạn đọc cả nước, Vũ Thảo Ngọc là một cái tên khác đặc biệt. Đặc biệt vì chị trưởng thành từ một người thợ. Hơn thế nữa, đặc biệt vì sức viết của chị. Xuất hiện năm 1997 với tập truyện ngắn “Đêm chuyển mùa”, đến năm 2016, chị đã có 18 đầu sách trình làng. Một điều đặc biệt nữa là cây bút nữ này rất “đa năng”. Truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, bút kí, nghiên cứu phê bình, chị đều đã thứ sức. Mặc dù, sở trường của chị là truyện ngắn và tiểu thuyết. Riêng về lĩnh vực tiểu thuyết, đây là tập sách thứ 5 của tác giả.
          Về những người công nhân mỏ đã có nhiều nhà văn của vùng mỏ viết thành công. Nhưng viết về thợ lò, những người “làm việc âm phủ, ăn cơm dương gian”  bằng một tiểu thuyết dày dặn thì có lẽ Vũ Thảo Ngọc là nhà văn đầu tiên. Đúng như lời giới thiệu của anh Đoàn Kiển, người tự nhận là “đồng nghiệp của gã thợ lò Đào Văn Đáo và Giám đốc mỏ Làng Bang Vũ Quốc Nam” : “Đã có truyện ngắn, truyện dài viết về thợ lò nhưng chưa có chuyện nào chạm sâu đến công việc chuyên môn dưới lòng đất cùng với đời sống của một gia đình và cộng đồng thợ lò ở phố thợ như “Ánh đèn lò” của nữ nhà văn thợ mỏ Vũ Thảo Ngọc” (Ánh đèn lò lấp lánh như những vì sao).
          Có lẽ không ai là không biết đến bài hát nổi tiếng về thợ lò qua giọng ca có một không hai của ca sĩ Trần Khánh: “Tôi là người thợ lò. Sinh ra trên đất mỏ…”. Nhưng nữ nhà văn không chọn  nhân vật thợ lò  trung tâm là con trai của một người thợ mỏ. Chị lại chọn Đào Văn Đáo, một chàng trai nông thôn ở làng Trong thuộc tỉnh Đông. Cái cậu trai nhà quê  hiếu động, mạnh bạo” nghịch ngợm, gan lì với các trò cuốc chuột, quấn trăn làm xiếc với gánh xiếc rong, lúc nào cũng đói… Nhân vật sau này trở thành anh hùng, nhưng có một lí lịch rất bình thường, thậm chí dưới bình thường.
Vốn được nuông chiều vì út ít nên cậu bé Đáo phá phách nghịch ngợm nhất làng, học hành thì chểnh mảng, vì thế mới đến lớp 5 đã nổi tiếng quậy phá trong làng. Học đến hết lớp 7 thì ở nhà theo trâu cùng bố. Cái lí của Đáo đơn giản là, học chỉ để tính công điểm, thế thì học đến lớp năm là đủ tính được công điểm cho thày u rồi. Mà học mãi có hết đói đâu. Năm nào nhà cũng thiếu gạo, đói thế học nhiều làm gì”. ( tr.37). Cậu trai ấy đi ra mỏ, đi làm thợ lò với suy nghĩ thật hồn nhiên, giản dị : “Đi làm có sổ lương, sổ gạo, ngoài mỏ rộng, mát mẻ lắm. Thợ lò còn được hăm bốn cân gạo cơ. Có nhiều gạo con gửi về cho thầy mẹ đỡ được đận đói ngày ba tháng tám nhá” ( trang 38).  Người trai làng chưa bao giờ đi xa đã ra tận vùng mỏ “đến chân trời lạ”. Những khó khăn, thử thách có làm cho anh định bỏ về quê, nhưng lòng tự trọng và lời hứa sẽ làm việc để có gạo đỡ đần bố mẹ đã làm cho chàng trai trụ lại và gắn bó cả cuộc đời với hầm lò, với mỏ. Không những là một thợ mỏ có gia đình êm ấm, anh Đáo cù mì còn trở thành người thợ xuất sắc, “lên được cái chức anh hùng” như lời bà Huệ tổ trưởng dân phố.
          Bên cạnh anh thợ lò tên Đáo được tác giả viết kĩ về quá trình trưởng thành, về việc xây dựng gia đình, tự hào vì con cái thành đạt, tập quen với nếp sống ngoài lò khi sắp cầm sổ hưu, người đọc còn biết đến những người thợ khác. Anh Cạnh đẹp giai nhất tổ, tán vợ khoe mình là “kĩ sư lò”, bị cô nàng chê khi biết anh chỉ là một minnơ ( thợ lò). Chàng Huyên nghệ sĩ quyết tâm tán đổ cô Mận nhà sàng,  cậu Hoạch “tào phào” hi sinh trong sự cố “bục nước”. Anh Chúng mất cả vợ con trong tai nạn đắm tàu khi về quê ăn tết, gượng dậy cùng với cô Lý ( cũng mất chồng trong tai nạn đắm tàu) làm lại cuộc đời. Chàng thợ lò tên Thông   biệt  danh Thông Rượu “cuốc lò thuộc diện vô địch, nhưng uống rượu cũng vô địch của mỏ Làng Bang luôn”. Rồi anh chàng Tuyn hiền lành “ nhờ liên hoan tổ” mà thành ra có vợ, trong khi “suýt nữa thì về quê kiếm vợ không xong ấy chứ”. Trong những người thợ ấy, có tay thợ lò “lập dị”, thu nhập cao nhất mỏ, nhưng để nhà cửa trống tuềnh. Cái hạnh phúc riêng của anh ta là  cứ để tiền ở ngân hàng, mỗi tuần ra “quẹt thẻ” để biết số tiền của mình  là bao nhiêu cho…sướng. Cũng là hạnh phúc riêng của mình mà” ( tr. 151).  Còn có cả một tay Phô gian manh, lươn lẹo. Tuy là con của một ông thợ lò già của mỏ nhưng “Hắn có giọng nói nửa nam nửa nữ, véo von mà đầy mĩ từ sáo rỗng”. Và cánh thợ không ưa Phô vì anh ta chả có tẹo nào “chất thợ”, làm quản đốc mà ăn chặn tiền của mọi người…
          Viết về người thợ lò, nhà văn cho bạn đọc thấy cái nghề vất vả, nặng nhọc nhất của vùng mỏ.  Một chi tiết thôi cũng đủ cho người đọc hình dung ra nỗi vất vả đó. “Dù đã có những chiếc ống thông gió to đùng thổi sâu vào trong lò gió tươi để duy trì dưỡng khí mà thở nhưng áo của cánh thợ chống cuốc lúc nào cũng ướt sũng mồ hôi. Những chiếc áo có thể vắt ra cả vài lít nước trong một ca lao động” ( tr. 145). Không chỉ vất vả, nặng nhọc mà nghề thợ lò còn là nghề nguy hiểm. Các tai họa luôn rình rập họ. Bục nước, sập lò có thể xảy ra bất kì lúc nào “Chỉ khi nào được ra “nuy” ở nhà tắm công cộng mới có thể nói yên tâm sau một ca làm việc”.(tr. 65). Những người vợ thợ lò khi chồng đi làm lo lắng, bồn chồn không khác các chị có chồng là phi công bay lên bầu trời. Chỉ khi chồng về nhà mới thực sự an tâm. Có lẽ vì thế chăng nên việc lấy vợ của cánh thợ lò cũng…nhiều chuyện để nói. Thợ lò mang tiếng là nhát gái, bởi vì bàn tay thợ khác thường, nên ngày đầu không dám chìa tay để nắm tay bạn gái. Bàn tay  cũng dài, cũng nuột, cũng khỏe như muôn triệu triệu bàn tay bình thường khác. Nhưng bàn tay thợ lò “có cơ man những vết chằm xanh lam tím ngang dọc mảnh như sợi chỉ đan chằng chéo nhau trên bàn tay[…] Những vết chằm từ mảnh những hòn than kíp lê găm vào da thịt đã tạo nên màu lam tím, thoạt nhìn ngỡ đó  là một bệnh lạ gì đó, không dám gần” ( tr. 69). Không phải là người công nhân mỏ, gần gũi những người thợ lò, không thể viết những dòng văn chi tiết, cụ thể như thế.
          Có hai nhân vật lãnh đạo được nhà văn quan tâm động bút. Ông phó giám đốc tên  kèm biệt danh “ông Chu hắc xì dầu”, ông hay quát nạt cấp dưới nên ông tự là mất thanh danh vì những điều vụn vặt. Ông chỉ hiện ra thoáng qua để làm nổi bật hình ảnh giám đốc Nam hòa đồng cùng mọi người, “ngồi bệt” với cánh thợ lò. Nam là người được học hành, được ra nước ngoài, có thể công tác ở Hà Nội. Nhưng anh đã chọn mỏ làm nơi gắn bó.  Vì những người thợ thiệt thòi hơn mình, Nam đã luôn luôn nghĩ đến các công nhân dưới quyền. Anh cho xây cầu cho công nhân đi lại dễ dàng, xây nhà văn hóa, tổ chức sinh hoạt  văn nghệ, thể thao.  Anh chạy đôn đáo để làm “ngoại giao nhân dân” lo cho anh em được túi quà Tết xôm. Vốn là dân địa chất lãng mạn như những nhà thơ. Và Nam cũng thực sự làm thơ, được bạn bè tôn làm “thi sĩ”.Vợ chồng đằng đẵng xa nhau. Nam đã khéo léo động viên vợ. Và anh đã có cái tâm, cái tầm hơn các vị giám đốc khác. Ông giám đốc khác chỉ lo sản xuất nhiều than là hoàn thành nhiệm vụ. Còn giám đốc Nam thì lo xây trường học, trạm xá, nhà văn hóa nâng cao đời sống thợ mỏ, tác thành đôi lứa cho họ, bỏ qua những lỗi lầm trong sinh hoạt. Người giám đốc gắn bó sâu sắc đó được công nhân tin tưởng vì anh không chỉ là cấp trên (thường là xa cách). “Giám đốc Nam luôn là một người anh, người bạn đáng kính, là một diễn giả số một trên thế giới, với cái giọng truyền cảm của anh, cái ánh mắt luôn hướng về người nghe luôn làm cho  những người đối diện được chia sẻ và tôn trọng. Cái ấm áp tình thân đó đã lưu giữ trong họ (công nhân) những tình cảm chân thật xen lẫn kính trọng” ( tr.105). Hai nhân vật Đáo và Nam đã là những thợ lò và lãnh đạo mà anh Đoàn Kiển tự nhận là đồng nghiệp, chứng tỏ sự thành công của tác giả.
          Trong lời bạt, tác giả bộc bạch “mới có ba lần được đi thực tế vào lò chợ cùng cánh thợ lò ở mỏ than Nam Mẫu, mỏ than Khe Chàm và mỏ than Mạo Khê khi còn là sinh viên trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội”. Và do đó viết về thợ lò là một công việc khó khăn. Nhưng tình yêu những người thợ vĩ đại âm thầm làm việc nơi âm phủ tối thui đã khiến tác giả quyết tâm viết về họ. Với những năm làm thợ, gần gũi những người thợ mỏ, với lòng kính trọng những người thợ lò, và với vốn sống phong phú tích lũy trực tiếp và gián tiếp tác giả Vũ Thảo Ngọc đã thành công khi  dựng lên một tập thể những người thợ lò, nhiều số phận, nhiều tính cách khác nhau, nhưng đều gắn bó với nghề, với mỏ. Đánh giá của một người  gắn bó với mỏ, là đồng nghiệp của thợ mỏ thật khách quan,  khi nhận xét  tác giả “đã vận dụng ngôn ngữ của thợ lò, mô tả rất đúng và sinh động công việc, tính cách và tâm lí của họ lúc bình thường cũng như lúc có sự cố” (Ánh đèn lò lấp lánh như những vì sao). Theo ý riêng tôi điều đó nói lên những cố gắng để “tri ân và chia sẻ cùng những người thợ mỏ” của Vũ Thảo Ngọc đã được đền đáp xứng đáng.
                                                                          Hà Nội, 5 tháng Ba, 2017

In trên báo Văn Nghệ của Hội nhà Văn Việt Nam, số 12 tháng 3/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét