Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đường viết về sách "Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều"



Tiến sĩ Nguyễn Văn Đường viết về sách "Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều"

TS Nguyễn Văn Đường ( Đường Văn) đã đọc và viết một bài công phu và dài về cuốn "Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều - so sánh và bình luận". Trang vunhonb đã giới thiệu bài viết rút gọn 2000 từ đăng trên Văn Nghệ Công An. Nay xin công bố toàn  văn bài viết để những bạn quan tâm có thể xem và trao đổi. 



MỘT CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU SO SÁNH VĂN HỌC

CÓ GIÁ TRỊ



(7 cảm luận khi đọc chuyên luận: Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều

(So sánh& Bình luận của PGS.TS Vũ Nho; NXB Hội Nhà văn, 2016)



ĐƯỜNG VĂN



1. Đónhận xét tổng quát và ấn tượng nổi bật của chúng tôi, khi đọc xong cuốn sách mới của PGSTS. Vũ Nho, một công trình nghiên cứu văn học trung đại, Việt Nam, dưới góc độ so sánh. Thực ra, ở nước ta, trong lịch sử nghiên cứu phê bình Nguyễn Du ( ND) và Truyện Kiều(TK) có đối sánh với Kim Vân Kiều ( KVK) của Thanh Tâm Tài Tử (TTTT), tác phẩm của Vũ Nho không phải là công trình mở đầu. Trong phạm vi đọc của chúng tôi, ít nhất cũng đã thấy thấp thoáng mặt này, mặt khác, ở những mức độ nông sâu khác nhau khi so sánh Kim Vân Kiều  (KVK) của Thanh Tâm Tài Tử với Truyện Kiều - (Đoạn Trường tân thanh) của Nguyễn Du. Nếu bài viết công phu và tài hoa, đầy phát hiện của Hoài Thanh: Một phương diện của thiên tài Nguyễn Du: Từ Hải (1943) có thể được xem như phát súng mở đầu vang dội nhưng lẻ loi và mới chỉ khuôn trong phạm vi một hình tượng nhân vật trong Truyện Kiều thì sách Truyện Kiều đối chiếu của Phạm Đan Quế; NXB Hải Phòng (1999) mới chỉ dừng ở mức độ đối chiếu đơn thuần: (so sánh lần lượt toàn bộ 2 văn bản theo trình tự cốt truyện), cứ một trang văn xuôi KVK đặt bên cạnh 1 trang thơ lục bát TK mà thôi! Người biên soạn không hề có  một câu, một dòng phân tích, chỉ rõ hay nhận xét, bình luận nào.

          Công trình nghiên cứu văn học mới của Vũ Nho đã sử dụng triệt để kết quả nghiên cứu, đối chiếu của Phạm Đan Quế như là 1 trong 2 tài liệu tham khảo cơ bản nhất (cùng với văn bản Truyện Kiều hiệu hảo và chú giải của Đào Duy Anh (1984). Các công trình nghiên cứu và khảo đính Truyện Kiều của Trần Trọng Kim, Tản Đà, Nguyễn Bạch Khoa, Bùi Kỷ, Nguyễn Thạch Giang, Hoài Thanh, Lê Văn Hòe, Lê Đình Kỵ, Phan Ngọc, Trần Đình Sử… đều ít nhiều có sử dụng phương pháp so sánh văn học giữa TK và KVK trên các bình diện và cấp độ khác nhau, nhưng đều không phải là phương pháp trọng tâm, chủ yếu và chỉ nhằm mục đích phục vụ cho chủ đích chung của từng công trình ấy.

          Bởi vậy, có thể nói, dưới góc độ và phương pháp so sánh văn học hiện đại nhằm một mục tiêu duy nhất, chứng minh cho một tiền đề xác định từ lâu, nhưng chưa được luận chứng cụ thể, chi tiết và đầy đủ, thì công trình của Vũ Nho, ở Việt Nam, cho đến nay, có lẽ là công trình khảo cứu so sánh khoa học đầu tiên về Truyện Kiều đạt kết quả khả quan, thuyết phục, đáng ghi nhận và tin cậy.


          Theo tác giả khẳng định: Luồng ý kiến thứ nhất, cho rằng Nguyễn Du chẳng qua chỉ dịch hoặc phỏng dịch (chuyển thể) từ KVK (tiểu thuyết chương hồi, văn xuôi bằng tiếng Hán (chữ Hán) sang tiểu thuyết thơ tiếng Việt (chữ Nôm), đã trở thành hoàn toàn sai lầm, thiếu căn cứ trước luồng ý kiến thứ hai: Nguyễn Du, bằng thiên tài, cái tâm nhân ái bao la, cái tầm nhân văn sâu thẳm đã sáng tạo TK  trên cơ sở KVK, đã hoán cốt đổi hồn một tác phẩm văn xuôi trung đại Trung Hoa cỡ trung bình thành một thiên tiểu thuyết thơ Việt Nam - kiệt tác mang tầm nhân loại.

          Qua sự đối chiếu, so sánh, chứng giải, bình luận công phu, cặn kẽ, chặt chẽ của Vũ Nho, không còn nghi ngờ gì nữa, từ một luận điểm khái quát chưa được minh chứng tường minh, khách quan, đã trở thành một hiện thực nhỡn tiền, một xác tín hiển nhiên, một chân lý tư tưởng – nghệ thuật đầy sức thuyết phục, cụ thể, rõ ràng và hấp dẫn.

          Theo chúng tôi, đó chính là giá trị và ý nghĩa quan trọng nhất, nổi bật nhất của cuốn sách Từ KVK đến TK.

          Nói  cách khác, mục tiêu duy nhất mà tác giả đặt ra khi viết công trình này “là so sánh KVK với TK và bình luận để thấy sự sáng tạo to lớn của Nguyễn Du (tr. 7)… dụng công làm mới  tác phẩm mà ông (ND) vay mượn” (tr. 325), một công việc không mới nhưng đã đạt được  thành công, rực rỡ (tr. 326). Như chính người biên soạn tự tin, tự đánh giá kết quả công việc của mình là “viết thành cả một cuốn sách đã là một thành công” (tr. 326).

          Với tư cách một bạn đọc vô cùng kính ngưỡng Nguyễn Du và yêu say Truyện Kiều, tôi cũng thấy nói như vậy không phải là tự thị hay khoa trương, tự đề cao bản thân và cuốn sách của mình. Không những thế, tôi cho rằng công trình của PGSTS. Vũ Nho còn có ý nghĩa phương pháp luận và thực tiễn không nhỏ, góp phần thúc đẩy ngành lý luận so sánh nghiên cứu văn học nói chung và ngành Kiều học ở nước ta tiến lên một bước trên con đường hiện đại hóa và hội nhập với khu vực và thế giới.

          Dưới đây, chúng tôi sẽ lần theo bố cục và nội dung từng phần, mục của cuốn sách, trình bày những cảm luận của mình về những thành công của tác giả trong kỹ thuật so sánh, đối chiếu và bình luận để làm sáng tỏ thiên tài Nguyễn Du so với Thanh Tâm Tài Tử, đồng thời cũng nêu lên một vài điều chủ quan muốn trao đổi cùng người biên soạn.



2. Trước hết, về kết cấu, bố cục công trình: vừa chặt chẽ,  mạch lạc, các phần, mục hô ứng, nối tiếp, liên hệ, bổ sung cho nhau cùng nhằm giải quyết một yêu cầu chung như một định đề, một tiên đề đã có sẵn, nhưng hãy còn khá mơ hồ, chưa tường minh bằng chứng lý. Tuy vậy, mỗi phần, mục lại có tính độc lập tương đối, có thể tách ra thành một bài nghiên cứu độc lập, chững chạc (mà thực tế là như vậy. Nhiều mục trước khi sửa chữa, nâng cao, đưa vào sách đã được đăng tải trên các báo, tạp chí trong nước những năm trước đó, kể cả những bài trong phần Phụ lục).

          Lời nói đầu như 1 cái tự tựa, giãi bày tâm sự của tác giả về quá trình và kết quả học tập, nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều mà còn muốn nói lên nguyên nhân và mục tiêu của cuốn sách của mình.

          Phần I: Khái lược về sáng tạo của Nguyễn Du trong Truyện Kiều so với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Tử:

          Ngắn gọn, súc tích, nhưng vẫn không thiếu những con số đối chiếu và so sánh cụ thể, tác giả đã khái lược nội dung cuốn sách của mình bằng cách đặt ra và trả lời câu hỏi cơ bản nhất: - Nguyễn Du đã sáng tạo điều gì và như thế nào để có TK khác với KVK của TTTT? Trên các bình diện và vấn đề: Cốt truyện và kết cấu, các đoạn quan trọng, các chi tiết, các nhân vật, và một số vấn đề khác…

          Một trong những giới thuyết cần thiết mang tính lý luận – phương pháp luận cần được luận giải và tác giả đã luận giải thuyết phục, đó là vấn đề: đối chiếu, so sánh, bình luận một tác phẩm văn xuôi (tiểu thuyết chương hồi Trung Hoa (chữ Hán) thuộc loại hình tự sự với một tác phẩm tiểu thuyết (truyện) thơ Việt Nam (chữ Nôm) bằng thể thơ lục bát thuộc loaị hình tự sự - trữ tình, có bất cập hoặc khiên cưỡng không? (tr. 20 – 24).

          Kết luận của Vũ Nho: Hoàn toàn có thể so sánh  như vậy… “Cốt yếu là bằng con mắt khách quan, trung thực”.

          Tôi cho rằng, đó là một kết luận về phương pháp nghiên cứu thỏa đáng, mạnh dạn, không hề chủ quan, duy ý chí mà đầy tự tin, hoàn toàn dựa vào sự đối sánh, tìm tòi, phát hiện qua 2 văn bản và sự luận giải cẩn trọng của người viết, nhằm báo trước những dự kiến thiết kế mà mình sẽ thực thi trong những phần tiếp theo. Tuy nhiên, xét cho cùng, bất cứ sự so sánh nào mà chẳng khập khiễng ít nhiều! Ở đây, Vũ Nho chỉ chủ tâm làm có một công việc tưởng dễ mà khó, giản đơn mà phức tạp là làm rõ Nguyễn Du đã làm khác, làm mới hơn, sáng tạo lớn, thậm chí rất lớn trong TK so với mẫu gốc – nguyên bản KVK ra sao?

          Về dung lượng (14 trang), bố cục phần Khái quát, theo thiển ý, giá như người viết nhập phần này vào nội dung Lời nói đầu có lẽ phù hợp và liền mạch hơn. Nhập vào như thế, kết cấu nội dung phần chính văn sẽ chỉ gồm 3 phần lớn, tương đối cân phân cả về khối lượng và chất lượng. Chúng sẽ liên kết, nối tiếp và hô ứng nhau như 3 cái chân kiềng vững chắc, bề thế.



3. Mô hình chung của mỗi bài trong các phần 2, 3, 4 được cấu trúc như sau:

                   + Lời dẫn

                   + Đối chiếu trích đoạn văn bản KVK và TK

                   + Liệt kê cụ thể từng điểm, từng chỗ, từng chi tiết, từ ngữ, hình ảnh, nhân vật, sự việc… mà Nguyễn Du đã dụng công làm khác, làm mới, đã sáng tạo trong TK so với KVK

                   + Phân giải, bình luận

          Một mô hình trình bày như thế là thống nhất, xuyên suốt, mạch lạc, logich, chặt chẽ và hiệu quả. Nhưng người đọc cảm giác có lẽ vì chỉ sử dụng một lối viết như vậy trên gần 40 đơn vị bài/ mục của 3 phần nên cũng bắt đầu thấy xuất hiện cảm giác đơn điệu, trùng lặp, chưa thật linh hoạt trong cách thức thể hiện. Hoặc tác giả chỉ chủ yếu hướng đến cái đích nội dung tìm tòi, phát hiện, chứng minh vấn đề mà chưa chú ý đúng mức đến hình thức trình bày vấn đề chăng?

          Quả thật, lần đầu tiên, qua công trình khảo cứu rất tỉ mỉ, rất bài bản của Vũ Nho, tôi mới được thực chứng một cách cụ thể, rành rõ nhiều điểm, nhiều sự việc, nhân vật, vấn đề khác nhau đến thế giữa TK và KVK. Lần theo bảng thống kê, kiểm điểm, so sánh của tác giả, chúng ta thấy, một vài ví dụ:

          Đoạn mở đầu: 9 điểm; đoạn Kim Trọng gặp chị em Kiều trong tiết Thanh minh: 14 điều; đoạn Kiều – Kim thề nguyền: 16 điểm, đoạn Thúc ông kiện Thúc Sinh, 9 lần thay đổi…Thống kê sơ bộ, thấy chỉ riêng phần 2: Đối chiếu, so sánh các đoạn (12 bài/mục), tác giả đã phát hiện, đối sánh được tới 111 điều khác biệt về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật mà Nguyễn Du đã làm khác, làm mới, đã sáng tạo so với TTTT. Nếu tính cả phần 3: So sánh các nhân vật (11 bài/mục), phần 4: So sánh một số vấn đề (3 bài/mục)… nữa thì tổng cộng số lượng tìm tòi, phát hiện và phân giải của tác giả đã lên tới hơn 300 điều, xấp xỉ 10% tổng số câu Truyện Kiều (3254 câu). Quả thật là những con số biết nói, rất đáng ghi nhận công phu, tinh thần say sưa kiếm tìm và hiệu quả của nhà nghiên cứu.

          Nhưng số lượng mới chỉ là một vấn đề. Quan trọng hơn là chất lượng và hiệu quả của sự tìm kiếm, đối sánh ấy ra sao?

          Theo chúng tôi: rất khả quan. Hầu hết những điều, những điểm, những vấn đề mà tác giả soi chiếu, phát hiện để thấy rõ sự khác biệt trong TK so với KVK đều chính xác, đều được minh chứng cụ thể bằng ý kiến, câu chữ rõ ràng, thuyết phục. Các biện pháp so sánh văn học được thực hiện một cách cẩn trọng, nghiêm túc, đúng quy trình, khách quan và trung thực cho nên vừa quen vừa lạ, hấp dẫn và thuyết phục.

          Chẳng hạn đoạn Từ Hải từ biệt Thúy Kiều. Vũ Nho so sánh và bình luận:          Trong KVK, Từ Hải từ biệt TK ra đi chỉ vỏn vẹn có hơn 1 dòng gồm 2 câu ngắn: “Từ bèn mua riêng 1 sở để cùng ăn ở với nàng. Được hơn 5 tháng thì Từ dứt áo ra đi”. Nếu tính chi li ra, câu văn xuôi thứ nhất trên đã được ND viết thành 4 câu lục bát tương tứng: “Buồng riêng sửa chốn thanh nhàn…Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng”. Như vậy, cả đoạn chỉ còn có 1 câu ngắn thứ 2 mà thôi! Thế mà, trong TK, ND đã chỉ căn cứ vào 1 câu ngắn ấy để sáng tạo hoàn toàn mới thành 1 đoạn thơ dài gồm 18 câu lục bát với bao nhiêu điều khác biệt: “Nửa năm hương lửa đang nồng… Gió mây bằng tiện đến kỳ dặm khơi!”... 18 câu lục bát tâm lý và tài hoa cho thấy chí khí anh hùng của Từ Hải. Có đối đáp, có nguyện vọng và từ chối, có hứa hẹn, an ủi, có cả bình luận  của nhà thơ. Tất cả đều nhằm khắc họa sâu thêm, rõ thêm chí khí, khát vọng của người anh hùng Từ Hải. Đó chẳng phải là một sáng tạo tuyệt vời của Nguyễn Du hay sao?! (tr. 95 – 99).

          Đó là thêm. Còn bớt, rút gọn…?

          Đoạn Thúc Sinh (TS) từ biệt Thúy Kiều(TK) từ 8 trang văn xuôi trong KVK, chỉ còn 28 câu, rồi 8 câu tuyệt tác trong TK với 17 sự điều chỉnh, thêm/bớt của Nguyễn Du đã làm cho buổi TS từ biệt TK trở nên đặc biệt độc đáo. Bạn đọc được chứng kiến một bậc thầy về miêu tả cảnh vật thiên nhiên, một bậc thầy về phân tích tâm lý nhân vật cũng như tấm lòng yêu thương, trân trọng của Nguyễn Du đối với mối tình TK – TS (tr. 85 – 87).

          Bắt chước Kim Thánh Thán bình Tây Sương ký, đọc Vũ Nho, lắm lúc, tôi cũng vỗ đùi mà kêu lên rằng: So sánh - bình luận như vậy, chẳng đã thống khoái sao?!

          Cũng có khi chỉ đối sánh một chi tiết nhỏ nhặt, dường như rất ít người để ý, vậy mà  tác giả vẫn tìm thấy và làm rõ sự mới  mẻ, tinh vi, sâu sắc của Nguyễn Du. Ví dụ, khi Vũ Nho phân tích, bình luận:

          Có thể thấy thêm rằng trong KVK, nàng Kiều vừa quyết định bán mình thì đã trao duyên ngay cho Thúy Vân. Như vậy là nàng vẫn nghĩ cho tình riêng của mình khá sớm. Trong khi ở TK, ND để cho các sự việc mua bán xong xuôi, Vương ông  được tha về nhà, Mã Giám sinh đã trao bạc… Lúc đó Kiều mới nghĩ tới tình riêng, mới trao duyên cho Vân. Như thế, tính cách của Kiều coi trọng chữ Hiếu hơn chữ Tình, hy sinh tình riêng làm nghĩa vụ cứu gia đình càng được khắc hoạ nổi bật (tr. 65).

          Có điều, tôi thấy hơi lạ là sau 11 đoạn so sánh, từ đoạn mở đầu đến 7 lần nhớ của Thúy Kiều… vẫn không thấy tác giả đối sánh đoạn đoàn viên Kiều – Kim tái hồi có hậu, đoạn kết KVK và TK mà theo Xuân Diệu thì sự có hậu chỉ là cái vỏ bên ngoài, còn thực chất là một bản cáo trạng đặc biệt, một bi kịch không có hồi kết! hay là trong đoạn này, so với TTTT, ND không có sáng tạo gì thật mới mẻ, đáng để so sánh, bình luận?! Tôi chưa đọc qua đoạn ấy trong KVK nên không dám có ý kiến dứt khoát, chỉ thấy tiêng tiếc mà thôi!

( còn tiếp)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét