Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

NHỚ - SỨC MÊ HOẶC CỦA MỘT BÀI THƠ


NHỚ - SỨC MÊ HOẶC CỦA MỘT BÀI THƠ
                                HOÀNG KIM BẢO

Người viết bài này là một trong số những người luôn tin rằng Cuộc Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc sẽ không thể thành công nếu thiếu đi sự góp sức của lớp lớp Văn Nghệ sĩ. Và một Nhà nước nếu như chỉ dụng thuần sức mạnh vũ lực hay kinh tế, Nhà nước ấy sẽ biến con người thành cỗ máy với những ông chủ quân phiệt hay trọc phú. May mắn thay, trong cả hai cuộc kháng chiến của dân tộc ta ở thế kỷ XX, nhiều thế hệ Văn Nghệ sĩ đã lên đường, trong đó có những Nhà thơ, và trong những Nhà thơ lại có những Nhà thơ trí thức, Nhà thơ nông dân, Nhà thơ Quân đội…
HỒNG NGUYÊN là một nhân tài trong số đó.

Sinh năm 1924, mất năm 1951. Cảm thọ ở tuổi 27. Hồng Nguyên là nhà thơ hiếm hoi thuộc hiện tượng tên tuổi được làm nên bởi duy nhất một bài.
*
Hồng Nguyên, tên khai sinh là Nguyễn Văn Vượng, quê ở huyện Đông Sơn. Ông tham gia hoạt động Văn hóa Cứu quốc từ trước Cách mạng Tháng Tám, viết bài cho các tờ báo Dân mới, Sáng tạo, Thép mới. Trước khi mất, ông là Trưởng ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Thanh Hóa.
Bài NHỚ do ông sáng tác năm 1946, Giải thưởng văn nghệ khu IV năm 1948, rất được người đọc, nhất là giới bộ đội, yêu thích. Bài thơ đã được phổ nhạc từ rất sớm. Mãi sau này, khi Hoà bình lập lại, những Sĩ quan quân đội, có người lên cấp Tướng, và chiến sĩ khi gặp nhau vẫn đọc NHỚ, vẫn hát bài NHỚ như một kỉ niệm không quên.
Bài thơ ghi lại những hồi tưởng của người chiến sĩ trong quá trình nhập ngũ và hành quân chiến đấu trong những ngày đầu chống Pháp.
Bài thơ như sau:
Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ
Gặp nhau hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi “một hai”
Súng bắn chưa quen
Quân sự mươi bài
Lòng vẫn cười vui kháng chiến

Lột sắt đường tàu
Rèn thêm dao kiếm


Áo vải chân không
Đi lùng giặc đánh
Ba năm rồi gửi lại quê hương
Mái lều gianh
Tiếng mõ đêm trường
Luống cày đất đỏ
Ít nhiều người vợ trẻ
Mòn chân bên cối gạo canh khuya
Chúng tôi đi
Nắng mưa sờn mép ba lô
Tháng năm bạn cùng thôn xóm
Nghỉ lại lưng đèo
Nằm trên dốc nắng
Kỳ hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng
Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa…
- Đằng nớ vợ chưa?
- Đằng nớ ?
- Tớ còn chờ độc lập
Cả lũ cười vang bên ruộng bắp
Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu
Chúng tôi đi mang cuộc dời lưu động
Qua nhiều nơi không nhớ hết tên làng
Đã nghỉ lại rất nhiều nhà dân chúng
Tôi nhớ bờ tre gió lộng
Làng xuôi xóm ngược mái rạ như nhau
Có nắng chiều đột kích mấy hàng cau
Có tiếng gà gáy sớm
Có “khai hội, yêu cầu, chất vấn”
Có mẹ gìa bắt rận cho những đứa con xa
Trăng lên tập họp hát vang nhà
Tôi nhớ
Giường kê cánh cửa
Bếp lửa khoai vùi
Đồng chí nứ vui vui
Đồng chí nứ dạy tôi dăm tối chữ
Đồng chí mô nhớ nữa
Kể chuyện Bình Trị Thiên
Cho bầy tôi nghe ví
Bếp lửa rung rung đôi vai đồng chí:
“Thưa trong nớ hiện chừ vô cùng gian khổ
Đồng bào ta phải kháng chiến ra ri”
Đêm đó chúng tôi đi
Nòng súng nghiêng nghiêng
Đường mòn thấp thoáng
Trong điếm nhỏ
Mươi người trai tráng
Sờ chuôi lựu đạn
Ngồi thổi nùn rơm
Thức vừa rạng sáng
Nhìn trời sương nhẩm bước chúng tôi đi

Chúng tôi đi nhớ nhất câu ni
Dân chúng cầm tay lắc lắc :
“Độc lập nhớ rẽ viền chơi với chắc”
1948
*
Theo đánh giá của các nhà thơ và nhiều Học giả, “xuất hiện vào những năm đầu của cuộc kháng chiến, cùng với ĐÈO CẢ của Hữu Loan, TÌNH SÔNG NÚI của Trần Mai Ninh, TÂY TIẾN của Quang Dũng , BÊN KIA SÔNG ĐUỐNG của Hoàng Cầm, NHỚ của Hồng Nguyên đã làm nên bộ “Ngũ tư bất tử” của thơ chống Pháp nói riêng và trong lịch sử thi đàn Việt Nam nói chung”.
Ra đời vào năm thứ hai của cuộc Kháng chiến 9 năm, bài thơ ngay lập tức đã được truyền đi như một làn sóng, như một phác đồ đầu tiên và tuyệt đẹp của Thiên Anh hùng ca cách mạng.
Tính phóng sự linh hoạt kết hợp với tính biểu cảm, những bức tranh, những khung cảnh, những con người Việt Nam của một thời lịch sử - chống Pháp, kháng chiến, giành độc lập - hiện ra trong vẻ đẹp trong sáng, giản dị và tươi mới chưa từng có trong Thi ca Việt Nam.
Sức mê hoặc của bài thơ còn là ở sự tái hiện rất chân thực không khí của thời đại, cái không khí mới mẻ “Có “khai hội, yêu cầu, chất vấn”- dấu ấn căn bản của một Nhà nước dân chủ sơ khai, tinh khôi như nhân loại với Nhà nước Dân chủ đầu tiên - Cộng hoà Dân chủ Aten!
Bài thơ đạt tới chất cổ điển của thể loại thơ mới những năm đầu của nửa sau thế kỷ bởi sức tuyên truyền và biểu cảm xuyên suốt thời đại với một ấn tượng thuyết phục. Bởi hình tượng người chiến sĩ mà bài thơ dựng nên đã trở thành một biểu tượng trong sáng nhất về anh bộ đội, người anh hùng của thời đại mới đi ra từ nhân dân, trong phong thái và ánh sáng thuần khiết của vẻ đẹp truyền thống và lý tưởng yêu nước:
Lột sắt đường tàu
Rèn thêm dao kiếm
Áo vải chân không
Đi lùng giặc đánh…
Bài thơ cũng để lại những dấu ấn không phai mờ về hình tượng làng thôn đẹp mê hồn trong những bức tranh quê đầu thế kỉ:
Ba năm rồi gửi lại quê hương
Mái lều tranh
Tiếng mõ đêm trường
Những luống cày đất đỏ
Ít nhiều người vợ trẻ
Mòn chân bên cối gạo canh khuya. …
Và nữa:
Tôi nhớ bờ tre gió lộng
Làng xuôi xóm ngược như nhau
Có nắng chiều đột kích mấy hàng cau…
Nó khiến ta liên tưởng tới những lời ca hay những lời thơ êm ái, du dương nhất về quê hương, như “Làng tôi” (Làng tôi xanh bóng tre; Làng tôi sau lũy tre mờ xa…), “Bên kia sông Đuống”, “Nhớ con sông quê hương”...
Bài thơ cũng để lại những dấu ấn không phai mờ về hình tượng nhân dân, hình tượng quân dân yêu thương trừu mến:
Có mẹ già bắt rận cho những đứa con xa…
Hay:
Giường kê cánh cửa
Bếp lửa khoai vùi
Đồng chí nứ vui vui
Đồng chí nứ dạy tôi dăm tối chữ
Đồng chí mô nhớ nữa…
Bài thơ mang lại cho người đọc cái cảm giác tuyệt đẹp với con người, không phải chỉ một thời, mà đó là những sự kiện, những khoảnh khắc vĩnh viễn chiếu sáng.
*
Khả năng mạnh nhất của thi ca là khả năng biểu cảm. NHỚ đã tái hiện nhiều sự kiện nhưng vẫn đạt được tối đa sức mạnh của sự biểu cảm. Đó là vì bài thơ đã đặt câu chuyện kể như một thước phim vừa mới trôi qua, và luôn để nỗi nhớ hiện hữu cùng những hồi tưởng êm dịu của nhân vật trữ tình. Chất phóng sự của bài thơ phong phú, sáng sủa, gọn gang, tới mức bất cứ người đọc nào cũng có thể hình dung ra không gian, thời gian, địa điểm, quân số, quân trang, chiến lược, hành tàng, diện mạo,...
Cũng qua sự mô tả và biểu cảm ngôn từ, qua đường nét, ánh sáng và màu sắc, mà những nhân vật, những khung cảnh, đã trở nên những phác thảo trữ tình tuyệt đẹp.
Về ngôn ngữ, tính tới lúc bấy giờ, chưa khi nào văn chương Việt Nam, đặc biệt Thơ Việt Nam, khi đưa một ngôn ngữ địa phương vào thơ với một trữ lượng, một tần suất cao đến thế, lại nhuần nhuyễn và hay đến thế!
Và với CHÚNG TA, CHÚNG TA tin trong rất nhiều thời gian về sau nữa, khi thực tại này đã đi qua, những người nước ngoài nếu được đọc NHỚ, nhất định sẽ đi tìm xem nước Việt Nam đó là gì, vùng đất đó là gì, mà lại sinh ra một thời đại và những con người hay đến thế! *
HÀ NỘI-Tháng Giêng 2017
…………………………………………………………………………….
* Để tiện cho việc giới thiệu bài NHỚ trong luận bàn và đưa vào CT-SGK MỚI, xin trích bài viết của Nhà Nghiên cứu, Phê bình Văn học Đặng Tiến – GS. ĐH Paris
*
…”Không cứ gì những nhà thơ lãng mạn có tác phẩm trước 1945 như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, mà ngay trong thơ Tố Hữu cũng đã có sự “chuyển mình”: suốt thời gian “kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ”, ông chỉ làm được khoảng hai mươi bài thơ liên hệ đến kháng chiến. Huy Cận làm được mươi bài, ngắn và chiếu lệ. Những bài nổi tiếng là của những thi sĩ vô danh – những chiến sĩ vô danh – như các bài Nhớ của Hồng Nguyên, Viếng bạn của Hoàng Lộc, Lời quê của Hồ Vi, Nhà tôi của Yên Thao, mà Xuân Diệu là một trong vài người hiếm hoi còn nhắc đến với chân tình cảm động: “Ở chót bên kia của sự sáng tác tập trung [= tập thơ]là những “hiện tượng một bài”, đây cũng là đặc điểm của thơ mười lăm năm [bài viết 1960, Đ.T];cuộc sống mãnh liệt qua đấu tranh, qua hi sinh, đã làm bật thơ trong những tâm hồn người. [...]Tôi nói cái vui sướng hồn nhiên, thành thật của chúng ta, những khi trải mười lăm năm nay, chúng ta gặp những “một bài” đó; của những người đã khuất, Hoàng Lộc, Hồng Nguyên; …“Một bài” có thể ánh lên đột xuất đến như là duy nhất, cũng có thể là một hoa đẹp giữa một chùm còn tiếp tục nở thêm,
Đồng chí được nhiều người biết một phần nhờ được phổ nhạc, và được phổ biến ngay ở miền Nam thời kỳ đất nước còn bị chia cắt. Cũng như bài Bộ đội về làng của Hoàng Trung Thông được hát ở miền Nam dưới tựa đề Các anh đi, (do) Văn Phụng phổ nhạc. …
Bốn mươi năm sau ngày Toàn quốc kháng chiến, hơn mười năm sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, khi những người trực tiếp làm nên cuộc kháng chiến đó đã dần dần vĩnh viễn ra đi, những Nguyễn Công Hoan, Tú Mỡ, Xuân Diệu, Như Phong..., thì dường như Việt Nam đang có sự nhìn lại quá khứ.
Viện văn học Hà Nội đã thu thập tư liệu để in cuốn Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học (1945-1954), tập I, những “hồi ức”, “kỷ niệm” của các nhà thơ nhà văn, mà tôi đã trích dẫn dồi dào trong bài này. Những u hoài lặng lẽ, thoai thoải chạy dài đến một chân trời xa vắng. Tôi buồn bã đọc lời nói đầu của ban biên soạn, hứa rằng đây chỉ là “bước đầu cung cấp một số tài liệu sống, nếu để chậm, chắc chắn sẽ mòn mỏi”. Hay nhất là chữ “nếu”. Bốn mươi năm rồi, còn “nếu”...
Rồi tự mình an ủi: văn thơ bất quá chỉ là những trang giấy. Mà cơn gió lịch sử đã lật qua rất nhanh. Hay là đã thổi bay đi, mịt mù tít tắp”. Đặng Tiến
Tháng 12-1986/ tháng 6-1987

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét