Khúc
hát cho những trái tim
Lời giới thiệu
tập thơ Khúc hát buổi tối
Vũ Nho
Đánh giá một nhà thơ có lẽ không phải chỉ là những gì đã
viết, đã in của tác giả, mà còn phải chú ý đến hiệu quả thẩm mĩ đối với độc giả
- nghĩa là những câu thơ hay, những khổ thơ hay, những bài thơ hay và cả những
tập thơ hay nữa. Dù xét thế nào thì Lê Thị Mây vẫn là một nhà thơ nữ nổi trội
nhất sau hai nữ sĩ lớp trước là Xuân Quỳnh và Phan Thị Thanh Nhàn. Về số lượng
tập thơ, chị có: Những mùa trăng mong chờ, Dịu dàng, Tặng riêng một người,
Một mình, Giấc mơ thiếu phụ, Tuổi mười ba, Du ca cây lựu tình, và tập thơ
bạn đang có trên tay: Khúc hát buổi tối. Về chất lượng, Tặng riêng
một người được giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam. Những bài thơ nổi tiếng như Đám
cỏ xanh, Gió quả phụ, Những mùa trăng mong chờ. Giấc mơ thiếu phụ , Nỗi buồn...
Nếu anh Tô Hà còn đến bây giờ “những
câu thơ trong trí nhớ”
chắc là anh sẽ chọn của Lê Thi Mây không ít.
Nhưng chúng ta đang có trong tay “Khúc hát buổi tối”
một tập thơ hầu như toàn là thơ tình của Lê Thị Mây. Đây không phải là một tập
tuyển chọn những bài thơ tình của tác giả. Trước đó chị đã có bao nhiêu là thơ
tình rồi. Song với chị thì càng làm thơ tình thì chị càng khát tình yêu “Em
dốc cạn... Và uống. Cũng không sao hết khát một mình” (Bí mật mùa xuân- trong tập thơ Tặng riêng
một người). Nhà thơ có lẽ cảm nhận trước được ý bạn chăng, nên đã giãi bày:
Không ai như tôi yêu nhiều đến thế
Tuổi tình yêu dài trọn cuộc đời tôi
Bi khúc
Có lẽ nào ta nỡ trách người phụ nữ yêu nhiều, nhất là người
phụ nữ đó chỉ có những phút giây yêu ngắn ngủi trong khoảnh khắc chiến tranh:
Anh khoác ba lô về
Đất trời dồn chật lại
Em tái nhợt niềm vui
Như trăng mọc ban ngày
(Những mùa trăng mong chờ –
trong tập Giấc mơ thiếu phụ)
Còn tất cả là sự vò võ khắc khoải đợi chờ, tất cả chỉ là
những giấc mơ “lang
thang, trôi giữa rạng ngày xanh tái, ơi giấc mơ - bị cắt hết máu” (Giấc mơ thiếu phụ). Hơn thế
nữa, trong tình yêu của Lê Thị Mây, chị đã yêu bằng cả tình yêu của “Những cô gái ngủ trong rừng
trẻ lắm... Họ ngủ say đất ấm che lên mặt”
(Những bài ca – trong tập
Du ca cây lựu tình). Chị đã yêu bằng cả tình yêu của “Những người đàn bà chết bom
trong thành phố... người đàn bà góa bụa nuôi con sau chiến tranh đã qua được
mười năm” (Gió quả
phụ – trong tập Tặng
riêng một người).
Có phải từ những bài thơ có nhiều tên gọi là “khúc hát”, “bài hát”
“tấu khúc”... mà tên chung của tập thơ
là “khúc hát buổi tối” chăng. Nhưng rõ ràng đây là
những “bài
ca buồn” những “bi khúc”, “bi
ca” nên hát cho buổi tối
là rất hợp (Dành cho ca bình minh là thơ tình của người nào khác). Đây đó có
lóe lên những cảnh sắc tươi tắn , trong trẻo:
Ngày hôm nay trong trẻo đến nhường kia
Nắng vàng khoác tấm áo choàng thiếu nữ
Chân trời nghiêng làn mây trắng quàng vai
Nhưng hình như nó chỉ
làm tăng thêm ấn tượng buồn của cảnh: cảnh về khuya “còi tàu khuya quyến luyến. Đầu ga lựu đỏ sương” (Tiễn) “Vừng trăng đầy khuyết nỗi
cô đơn” (Ngày chia
li); cảnh mùa đông “Có
nỗi lo âu gõ cửa. Mùa đông ảm đạm sẽ về”
(Nỗi lo âu); cảnh mưa trăng vỡ ở sông Hương “Mưa
lại thêm cơn vây mịt lối... Dưới sông trăng ướt chừng run rẩy. Hay mảnh hồn em
vỡ dạt dào...”.
Cảnh ban ngày thì ban ngày của chị cũng mang một sắc riêng “xanh xao” hay “xanh tái”,
“nhợt nhạt” không thể lẫn:
Ngả đường để gặt được tình yêu
Anh có nhận ra em nhợt nhạt
Giữa dòng người...
Ngã ba
Tất nhiên thơ nói
về tình yêu thì hình ảnh trái tim được nhắc đến nhiều là một điều dễ hiểu.
Nhưng trái tim thơ của chị Mây không giống như “Trái tim sinh nở”của chị Lâm Thị Mỹ Dạ. Ở đây có lần tim
hóa chiếc lồng chim để nhốt bóng hình người tình:
Chỉ tim em tội nghiệp
Nhốt giữ bóng hình anh
(Bài hát chiếc lồng chim, trong tập Tặng riêng một người).
Có lần nó vỡ dạt
dào cùng hồn chị dưới sông mưa (Mưa ở sông Hương). Nó “hóa đá lát thềm hoa”rồi “Trái tim em hóa đá lại đỏ hồng” (Nếu anh còn trở lại ). Nó thành vòm nhà
hát để cho “Những
mối tình tàn phai – Trong tim em giao hưởng”
(Người đến sau cùng). Nó trở thành đồ cũ nhưng không thể sắm mới:
Mưa gió ấy tim thành đồ cũ
Trái tim sao sắm mới mà mong
Nhà thơ muốn có
trái tim như thỏi son “Để tô lên làm rạng rỡ tâm hồn”, nhưng chị đã từ kinh nghiệm cay đắng của đời
mình nhận ra “Chỉ
có máu mới hồi sinh rạng rỡ – cái không thể nhìn không thể thấy trong tim” (Thỏi son). Chính vì lí do rất phụ nữ mà
chị cao giọng đầy kiêu hãnh:
Tôi từ chối trái tim nhân tạo
Sợ
khi yêu trái tim ấy nằm im
Du khúc của trái tim
Trái tim ấy làm ta
nhớ đến trái tim của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh trong “Tự hát”:
Em
trở về đúng nghĩa trái tim
Là
máu thịt đời thường ai chẳng có.
Nhưng khác Xuân
Quỳnh say đắm với yêu đương, Lê Thị Mây đau đớn mà dâng hiến, hào hiệp mà chua
xót:
Em
vẫn thường đi qua phố nhà anh
Trái tim bán lời rao cây chết lặng
Rằng rao bán nhưng riêng anh em tặng
Bài hát đi qua
phố
Ta không khỏi chạnh
lòng khi chị dùng hình ảnh tượng trưng:
Em
xin lửa, nếu còn lửa
Nếu còn tro em xin tro về bếp mình
Để
em vùi vào đấy trái tim
Lửa
Từng có chuyện như
vậy vì cũng đã có “Trái
tim anh tan vỡ với tên em” (Ràng
buộc) đã từng có “Trái
tim trên cát” “khi chạm tay cầm lên. Trái tim cất tiếng
hát” (Trái tim trên cát).
Nhưng cũng đã từng có những trái tim cỗi cằn:
Trong trái tim đồ đạc cũng chất đầy
Chó giữ nhà sẽ sủa vang đầu ngõ
Cắn tha đi những kỷ niệm từ
đây...
Nỗi lo âu
Trái tim “Dẫu kiệt sức qua nhiều lần đắm đuối” của nhà thơ vẫn là một “Trái tim nồng bốc lửa” (Bi khúc) đi theo chị trọn cuộc đời này.
Có một điều ai là
người yêu chị, ai là người chị yêu và ai là “người đến sau cùng”? Đây là một bí mật.
Người thứ nhất mối tình đầu li biệt
Chợt đến kia người sau chót đến rồi
Đến bây giờ cơn khát của chị vẫn chưa hề dịu
bớt bởi vì:
Vâng anh đến giẫm bước chân người trước
Trong tay anh không chìa khóa mở hồn tôi
Bi
khúc
Vậy là chưa có người sau chót.
Đi vào tâm hồn của một người đàn bà đang yêu là hẳn phải có
chìa khóa riêng. Nhưng đi vào thơ tình của người đàn bà ấy đâu phải là đơn
giản. Với bạn đọc, chắc hắn sẽ có nhiều nẻo tới. Nhưng xin mách với bạn ngả
đường này:
Những dấu chân trong kén
Em giam giữ tình
Trong tơ thắm tình em
Bài hát
Những bài thơ
trong tập là cuộn dây tơ thắm. Bạn hãy nhẹ lần theo như người trong cổ tích
thường đi...
Hà Nội, hè 1998
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaBác ạ! em vẫn yêu thích thơ của Chị Mây khi là lính chiến, đọc trong những tờ văn nghệ ở chiến trường.
Trả lờiXóaCây hoa gạo đầu làng sao rồi em
Chỗ em tiễn trời xanh trôi tới
Em nhớ đến Ngã Ba Thá, trưa ngày 16/4 năm đó, cây Gạo nay vẫn còn; nơi các bạn nữ tiễn bạn sinh viên vào bộ đội. Cùng lứa đó, ông Vũ Đình Văn có viết 'Nửa sau khoảng đời', khi nhớ lại rưng rưng.
Cảm ơn Bác cho em theo như người trong cổ tích thường đi..
PS.
Em xóa còm trên vì mạng thế nào đó. Sao người lạ cứ làm khó chúng ta: blogspot
Cám ơn bác VanPham đã để lại những cảm nghĩ và sẻ chia! Chị Lê Thị Mây là một trong các tác giả nữ nhiều thành công. Một gương mặt thơ rất đáng trân trọng!
Trả lờiXóaBlog mới, rất khó quản trị. Máy tính để bàn của tôi chỉ có thể vào đọc như một người khách. Và khi Còm thì nhất thiết phải chọn Ẩn danh họ mới cho hiện.
Thật là rầy rà!
Chủ trang Vũ Nho Ninh Bình.
Bác ơi, bác sắp in hay đã in vậy ạ
Trả lờiXóaBài này đã in như là lời giới thiệu trong tập thơ KHÚC HÁT BUỔI TỐI của nhà thơ Lê Thị Mây, nxb Thanh Niên, 1998 và trong Vũ Nho - Đi Giữa miền thơ tập 1, nhà xuất bản Văn Học, năm 1999.
Trả lờiXóaChủ trang Vũ Nho Ninh Bình.