Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

HÀNH TRÌNH CỦA MỘT KIỂU XƯNG HÔ






HÀNH TRÌNH CỦA MỘT KIỂU XƯNG HÔ
                                           Vũ Nho

Thơ Trần Đăng Khoa làm cho người ta ngạc nhiên, khoái trá vì cách quan sát tinh tế, cách nhìn nhận sự vật hồn nhiên, cách liên tưởng rất riêng cùng với cách nói lên những gì nghĩ ra, cảm được và trông thấy. Một phần làm nên cái gọi là giọng điệu thể hiện trong cách xưng hô. Chính xác hơn là trong một kiểu xưng hô. Giữa ban ngày, giá có thắp đuốc lên để tìm kiếm, hẳn là khó có thể tìm ra mấy chữ “mày, tao” rất dân dã, đời thường trong các trang văn học viết Việt Nam. Nghịch ngược như Hồ Xuân Hương kia, một người được mệnh danh “bà chúa thơ Nôm” cũng chỉ xưng “chị”, xưng “đây”. Bản lĩnh, ngông nghênh như Tú Xương nọ, cũng chỉ đôi ba lần xưng “tớ” (Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn - Chẳng sang Tàu tớ cũng tếch sang Tây). Phải nói cho sòng phẳng rằng chữ “mày” chữ “tao” ấy đã được dùng thoải mái trong lĩnh vực thơ ca dân gian, nhưng gần như là một thứ cấm kị trong thơ ca bác học(1) . Bởi thế mà kiểu xưng hô “mày, tao” của Trần Đăng Khoa vừa có cái tươi tắn hồn nhiên, lại vừa như bổ sung thêm một kiểu xưng hô suồng sã, dân dã, đời thường làm cho thơ ca thêm được phần giàu có. Một điều lí thú là người ta quen nghe “lời hay ý đẹp” thành ra không muốn nghe những lời “thô” ở trong thơ. Chú bé Khoa viết:
Trăng bay như quả bóng
Đứa nào đá lên trời.
Chữ “Đứa nào” hồn nhiên, trẻ con kia đã được người biên tập sửa lại thành “bạn nào” cho hợp với cách nói năng của thiếu niên ngày ấy. Thế nhưng “mày, tao” thì sao? Chả lẽ “mày, tao” lại không thô hơn so với “đứa nào”? Dứt khoát là phải sửa. Nhưng đứa nào chỉ chữa tí tẹo là thành bạn nào. Còn “mày tao” thì chữa thành kiểu xưng hô nào cho tương đương? Làm sao có thể thay 6 chữ “tao” và 4 chữ “mày” ở bài “Đánh thức trầu” mà không làm hỏng mất cái hồn của bài thơ, chí ít là không hỏng mất sự tiếp nối với mạch câu hát dân gian của bà bé Khoa? Giả sử ông tác giả trẻ con ấy chỉ xưng hô “mày tao” duy nhất ở bài thơ trên thì kì khu bỏ công bỏ của ra cố mà chữa cũng đáng. Nhưng ở một bài thơ đáng xếp vào kiệt tác khác, bài “Sao không về Vàng ơi” Trần Đăng Khoa đã 11 lần xưng “tao” và 15 lần gọi “mày”. Rồi trong những bài thơ khác nữa: “Đánh tam cúc”, “Nói với con gà mái”, “Câu cá”, “Nhớ bạn”, thì sửa thế nào? Phải chăng vì tần số “mày, tao” quá nhiều? Phải chăng vì không thể thay thế được? Nên đành cứ để cho Khoa gọi hàng ngày ra sao thì viết vào thơ như thế?
Quả là một kiểu xưng hô mới. Nhưng rõ ràng không phải lúc nào Trần Đăng Khoa cũng cứ “mày tao”. Khi bé Khoa lớn dần, khôn dần thì cái kiểu “mày tao” đó cũng dần dần rời bỏ thi nhân. Bài thơ “Câu cá” có thể xem như một bước chuyển tiếp trong cách xưng hô đó. Trần Đăng Khoa gọi cá là “chúng mày” nhưng lại không xưng “tao” nữa, mà xưng “ta”:
Cá cá chúng mày ơi
Dù con to con nhỏ
Nếu chạm vào mồi TA
Đều nằm khoèo trong giỏ
Với những bài thơ đã in, có lẽ bài “Nhớ bạn” viết vào mùa hè năm 1972 là bài thơ cuối cùng nhà thơ - chú bé họ Trần còn xưng “mày, tao”. Cũng liền trong năm ấy, ở bài thơ “Bến đò”, chú bé Khoa thường xưng em, xưng cháu và rất nhiều lần xưng tao như đã dẫn ở trên, lần đầu tiên xưng TA, một chữ TA trọn vẹn (không phải TA với Chúng mày như trong bài “Câu cá”). Chữ TA vừa kiêu hãnh lại vừa xót xa. Chữ TA thể hiện sự lớn khôn nhưng vĩnh viễn mất đi phần thơ ngây quí giá:
TA thèm nhìn những kỉ niệm ấu thơ
...
Gió thổi cồn cào mặt nước
Mất một nỗi gì không thể tìm lại được
TA đi lòng vẫn ở nơi đây
Ai cũng chỉ có một lần
Cái thuở thơ ngây
          1972
Tính tuổi thì năm ấy là năm Trần Đăng Khoa mười bốn, cộng thêm tuổi mụ vừa chẵn mười lăm.
Còn nhớ anh Phạm Tiến Duật có lần nhận xét rất sâu sắc rằng đó là cái tuổi không thể nói chuyện “mày, tao” với những con chó, con mèo được nữa. Nhưng lại cũng chưa thể làm một chàng trai để viết được những câu thơ yêu đắm say hay viết sâu sắc về trách nhiệm một công dân. Trần Đăng Khoa bắt đầu thời kì khủng hoảng. Một sự khủng hoảng cần thiết để trưởng thành. Lớn, Trần Đăng Khoa vẫn tiếp tục làm thơ. Không thấy nhà thơ xưng hô “mày, tao” nữa. Cái hay của thơ ca thần đồng bỏ anh Khoa vĩnh viễn ra đi. Biết rằng khi ấy tuổi thơ “dẫu van chẳng ở” nên Trần Đăng Khoa tỉnh táo lắm, nhắc lại một chân lí xưa hơn trái đất, nhưng rất mới với chú bé Khoa vừa “lớn lên rồi”:
Ai cũng chỉ có một lần
Cái thuở thơ ngây
                                                trích Trần Đăng Khoa thần đồng thơ ca
                                                nxb. Văn hóa thông tin, H.,2000



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét