Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

NGHỆ THUẬT BÁN SÁCH



                                     


 NGHỆ THUẬT BÁN SÁCH

                                                                                                  Lưu Quế Tiên
                                                                                             Vũ Công Hoan dịch

          Trải qua hơn hai năm khổ chiến, cuối cùng cuốn tiểu thuyết tự truyện của Kiều Sở đã ra mắt bạn đọc. Từ sau khi cuốn tiểu thuyết ra đời,Kiều Sở chưa bao giờ hết buồn phiền. Bởi bỏ tiền túi ra in sách, tác giả phải nhận bao tiêu năm ngàn cuốn.Nhưng chạy vạy mấy tháng liền, Kiều Sở vẫn không bán được cuốn nào.Nhìn từng bó sách mới, Kiều Sở ngán ngẩm tự hối hận đã in sách.

          Hôm nay Kiểu Sở gặp Lý Phong bạn học phổ thông trung học. Lý Phong khoe đã lập một công ty truyền bá văn hoá ở tỉnh thành chuyên trách vạch sách lược, hoạt động kinh doanh liên quan đến văn hoá. Biết tin Kiều Sở đang buồn phiền với năm ngàn cuốn sách, Lý Phong có thể giúp vạch sách lược. Nghe Lý Phong nói, Kiều Sở hét sức ngượng ngùng khó xử, vội giải thích,
          - Có lẽ người đọc còn chưa nhận thức ra giá trị của cuốn sách, mình đã tìm nhà phê bình  văn học viết bài bình luận, tin rằng sẽ rất nhanh chóng được bạn đọc  chú ý.
          - Bạn học ơi, mình không đả kích bạn đâu, kiểu làm truyền thống của bạn đã lỗi thời bị xếp xó từ lâu rồi, mình chờ bạn đến tìm mình.

          Nói xong Lý Phong đưa cho bạn một tấm các vi dít. Lời Lý Phong khiến Kiều Sở có vẻ do dự, liền hỏi:
-         Bạn thử nói xem làm cách nào?
Lý Phong cười hì hì bảo:
          - Không thể tiết lộ thiên cơ. Hiện giờ cần phải giữ kín để có một hiệu ứng rầm rộ, giành hiệu quả tốt nhất.


          Lối làm ăn của Lý Phong khiến Kiểu Sở dò không ra, Anh không tin cách bán sách truyền thống đã lỗi thời. Ngay hôm ấy, được một người bạn giới thiệu, Kiều Sở đến thăm nhà phê bình trẻ Vương Nhất Kiếm tiên sinh. Vương tiên sinh  thờ ơ thủng thẳng nói:
          - Tôi không có thì giờ, không thể đi đọc sách của anh, chẳng thà anh tự viết một bài bình luận, ký tên tôi vào là được.

          Chưa được vài hôm, Kiều Sở tự viết bài, ký tên nhà phê bình Vương Nhất Kiếm, đăng trên báo “Bạn đọc”, nhưng mấy bó sách dầy cộp vẫn không bớt được quyển nào.
          Không biết làm cách nào, Kiều Sở gọi điện cho Lý Phong, Đầu máy bên kia nhiễu quá, khó khăn lắm anh mới nghe rõ giọng Lý Phong khản đặc. Lý Phong bảo anh đang bận mải công việc ở công viên Nhân dân, hẹn  Kiều Sở tối nay gọi điện thoại cho anh. Lý Phong bận làm gì ở công viên nhân dân? Lòng hiếu kỳ thôi thúc Kiểu Sở đáp xe ta xi đến công viên Nhân dân.

          Tuy không phải ngày nghỉ, nhưng công viên người dạo chơi như mắc cửi, song tại sao mọi người đều ùn ùn đổ về phía bờ sông Đấu Long ở tây nam công viên. Kiều Sở cũng rảo bước theo họ, xem rút cuộc đã xảy ra chuyện gì tại đó.

          Bên sông Đấu Long, đàn bà đàn ông người già người trẻ chen chúc đông nghịt. Trong tiếng âm nhạc êm ru, một cô gái trẻ da trắng bóc, dáng cao cao, mái tóc chầm vai, chỉ mặc một cái yếm che bụng dưới, đang múa thư dãn thân thể  như cây dương liễu vờn gió trên bãi cỏ bên sông… Đột nhiên cô gái rất nhẹ nhàng  nhún người nhảy tòm xuống nước sông đầu hè bơi tắm một cách tự nhiên như không có ai bên cạnh.

          Giữa lúc này, tiếng âm nhạc đã nhỏ đi, một giọng nói cất lên:
          - Đây là một con sông nhỏ khiến ai nấy khó quên, nước sông trong vắt lau sậy xanh xanh, A Thanh của chúng ta từ thủa nhỏ đã sinh ra và lớn lên tại đây…
          Thảo nào nghe quen thế, té ra là tiếng Lý Phong, chỉ thấy anh đang cầm mi cờ rô đọc một đoạn văn như đọc thơ…Tiếng nhạc lại to dần, dưới sông Đấu Long không biết từ lúc nào  đã có thêm một chàng trai tuấn tú khoẻ mạnh, chỉ mặc có một chiếc quần tắm đang cùng cô A Thanh khi thì nghịch  nước, khi thì té nước lên người tắm, khi lại ôm hôn nhau. Giọng Lý Phong lại vang lên:
          - Trong tiếng nước sông dào đạt, A Thanh của chúng ta đã lớn khôn, một chàng trai anh tuấn đã đến bên cô gái, đi vào trái tim cô… Nhìn kìa, hai anh chị đang dắt tay nhau đi vào khóm lau sậy bên sông…
         
          Đúng như Lý Phong nói, A Thanh và chàng trai tuấn tú ôm nhau mất hút trong lau sậy. Giữa đám đông bỗng xôn xao ồn ã hẳn lên.
          - Thưa các ông các bà,chúng tôi vừa diễn dịch câu truyện trong tiểu thuyết tự truyện của nữ nhà văn xinh đẹp A Thanh: “Dòng sông tình yêu” Nếu chư vị  muốn biết câu truyện đã xảy ra trong rừng lau sậy giữa cô gái A Thanh và chang trai, xin mời quí vị hãy mua cuốn tiểu thuyết “Dòng sông tình yêu” thể tự truyện của tiểu thư A Thanh vừa xuất bản. Bây giờ  chúng ta hãy nhiệt liệt vỗ tay hoan nghênh tiểu thư A Thanh ký tên bán sách. Lý Phong đã tuyên truyền một cách rất đúng lúc.
          - Ôi, xin chào anh chị em!
          Dưới sự dẫn dắt của một đám nam nữ ăn mặc sặc sỡ, A Thanh đột nhiên tung  một nụ hôn gió, chui ra khỏi đám lau sậy. Cô vẫn mặc chiếc yếm bó sát bụng dưới còn ướt rượt. Mọi người đổ dồn về phía cô, móc tiền mua sách xin chữ ký tác giả. Đám nhà baó biết tin  nháo nhào chạy đến chĩa thẳng ống kính vào cô bấm chụp lia lịa, Kiều Sở cũng chen theo đám đông nhích đến gần. Đột nhiên có ai đó kéo vai anh,Kiểu Sở ngẩng lên nhìn, thì ra là Lý Phong. Thấy Kiều Sở xuất hiện, Lý Phong hình như không hề ngạc nhiên một chút nào.
          - Rõ rồi chứ anh bạn. Đây là thủ đoạn quảng cáo bán hàng hiện đại mình đã nói với bạn, cũng chính là cách bán hàng bằng vay mượn nghệ thuật hành vi hiện đại. Bạn xem là được rồi, chỉ mấy hôm, sách của A Thanh sẽ  bán hết sạch và sẽ  tái bản đi tái bản lại cho mà xem, A Thanh cũng sẽ nổi lên như cồn khắp đất nước, thậm chi còn đi ra khỏi châu Á, đi ra thế giới là đằng khác.
         
          Thấy Kiều Sở cứ đứng ngây tại chỗ, Lý Phong vỗ vai anh giục:
          - Còn tần ngần gì nữa, hãy mau mau đem đống sách xếp xó của bạn đến đây mình bán cho!
- Mình, mình không cần…

          Kiểu Sở  xuýt xoa rồi quay người bỏ đi. Lý Phong kéo bạn lại:
-         Chúng mình là chỗ bạn học cũ. Mình không đòi cậu nhiều tiền đâu.
-         Mình … cám ơn cậu…
         
          Kiều Sở đã khéo léo từ chối ý định tốt của Lý Phong. Anh rảo bước đi thật nhanh ra khỏi cổng công viên.

          Thật ra, anh không quan tâm đến tiền nhiều hay ít, mà là anh không dám. Quả tình anh không dám đề nghị Lý Phong vận dụng biện pháp bán sách bằng hành vi hiện đại để tiêu thụ cuốn tiểu thuyết của mình, Bởi vì anh  không đặt tên sách của mình bằng một cái tên có tính giật gân khiêu khích “Kẻ độc thân trần như nhộng”.

                                                Vũ Công Hoan dịch ngày 19 tháng 4 nnăm 2012
                                          (Theo “Tuyển san tiểu thuyết vị hình” số 9 năm 2005)       .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét