Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

Sau mưa thôi nã đạn





ẤN TƯỢNG CUỐN SÁCH     Sau mưa thôi nã đạn của Bruce Weigl
 Nguyễn Phan Quế Mai biên soạn và chuyển ngữ, Nhà xuất bản Trẻ, 2010


                                                                    Vũ Nho

Đọc hết cuốn sách có tựa đề rất gợi này, mới có thể hiểu vì sao tác giả và người dịch lại ghép chung phần thơ với phần hồi kí. Có thể nói thơ cho chúng ta thấy tâm trạng và cảm xúc của Bruce Weigl, một người lính, một cựu chiến binh, một tâm hồn thi sĩ của nước Mĩ. Hồi kí là phần bổ sung, là tấm gương soi chiếu những chỗ mà thơ, với đặc điểm riêng của mình có thể lướt qua, hoặc có thể không tới được. Thơ và văn xuôi nâng đỡ nhau, hòa quyện với nhau, bổ sung lẫn nhau, soi sáng cho nhau. Có thể nói đây là một sự kết hợp rất thành công. Nhà thơ và nhà văn xuôi hé mở cho bạn đọc Việt Nam thấy tình cảm và tấm lòng của một người Mỹ, một người từng là kẻ thù đang muốn và đã trở thành một người bạn Việt Nam.
          Tập thơ mở đầu với bài thơ Bài hát bom Na pan. Đấy là ấn tượng mạnh mẽ và kinh hoàng của tác giả về cô bé bị cháy bom Na pan. Cô bé chạy từ ngôi làng bị đốt của mình. Để thêm hiểu bài thơ này, nhất thiết cần phải đọc hồi kí Nóng quá trong phần hai của cuốn sách mà tác giả dành cho Phan Thị Kim Phúc.  Bruce Weigl viết : “ Đối với tôi, đôi tay của cô luôn trông như đôi cánh, cố gắng đập để giải thoát cô ra khỏi ngôi làng đang cháy, khỏi chính thân thể  của cô”. Còn trong thơ anh  diễn tả:
          Tiếng sấm vẫn là tiếng súng cối nã đạn
          Cả bây giờ cả khi nhắm mắt
          Anh vẫn nhìn thấy bé gái chạy ra từ ngôi làng
          Bom na pan dính chặt cô vào máu
          Đôi bàn tay với ra phía trước
          Nhưng không ai đón cô trong biển lửa trước mặt
                                      Bài hát bom Na pan
Ấn tượng đó ám ảnh người lính-nhà thơ dai dẳng đến nỗi anh trở về quê hương, cùng vợ đứng trong cửa sổ nhìn ra ngoài, vẫn nghe thấy tiếng “súng cối nã đạn”, vẫn bị ám ảnh bởi cô bé cháy bom :
          Cô bé bị đốt cháy sau võng mạc của anh
          Không gì có thể thay đổi được điều đó
          ...
          Không điều gì có thể chối bỏ được sự thật đó.

Không thể chối bỏ một sự thật là những người lính Mĩ càng  bước sâu vào cuộc chiến đã “càng nhận thấy có điều gì sai trái, rằng chúng tôi không có vai trò gì chính đáng ở Việt Nam” ( Trở về ngôi nhà Việt). Bruce Weigl là người lính nhạy cảm ấy đã sớm  hiểu rằng:
          Đó là cuộc chiến tranh chống lại chính chúng ta
          chống lại những đứa trẻ đã biết rõ chúng ta
          trước khi chúng bị nổ tan thành bụi
                                      Cửa ngõ

Bây giờ, cả thế giới đều biết câu cách ngôn : “Trẻ em hôm nay- thế giới ngày mai”. Cuộc chiến tranh chống lại những đứa trẻ chính là chống lại tương lai của nhân loại. Một cuộc chiến như thế là phi nghĩa, là điên rồ. Thế nhưng khi ấy, chàng trai mười tám tuổi Bruce Weigl, người chỉ có mơ ước giản dị là vào học đại học và có thể trở thành vận động viên chuyên nghiệp đâu có hiểu biết gì nhiều về chính trị. Nhưng anh đã cảm thấy rất chính xác sự bất lực của  một người  lương thiện:
          Tôi bị lôi vào cuộc chiến tranh này!
          Tôi bị lôi vào cuộc chiến tranh này!
Tôi chẳng thể làm gì
Để ngăn được cái chết đơn độc
Chỉ một cái chết tôi cũng không ngăn được
                             Bộ phim
Vừa tới chiến trường xa lạ, nơi mà anh lính “không cảm thấy có sự thù hận đặc biệt nào với người Việt bởi vì tôi chưa từng gặp họ”,  và  Tôi chưa kịp căm ghét cuộc chiến “cao cả” này, thì anh đã phải chứng kiến cảnh người anh em cùng chí hướng đánh bà lão cõng hoa, một bà lão hiền lành  Hàm răng đen bà cười với chúng tôi. Một ấn tượng mà anh coi là nỗi buồn vây bủa trên đường xuống địa ngục:
Tôi không có lí do tha thứ cho mình
Tôi ngồi trong xe zíp của người đàn ông đó dưới mưa
Nhìn hắn đánh bà lão khuỵu xuống
Báng súng M16 bổ gập xuống bà
                Nỗi buồn vây bủa trên đường xuống địa ngục     

Thực tế chiến trường với cái chết của người đồng đội ám ảnh “ Nhiều tháng sau, nhiều cuộc đời sau
Anh nằm cạnh một chàng trai khác trong cỏ lau
Bụng người ấy rách toang
Lấp lánh trong ánh sáng
Xuyên qua những tầng xanh
          Đêm trước khi nhập ngũ
Còn đây là một khoảnh khắc:
          Giây phút ngắn ngủi kinh hoàng
          Khói đen dập tắt mặt trời
          Mũi, miệng, mắt con người
          ngập bụi vương quốc đã bị nghiền nát
          Những khuôn mặt ròng máu
                             Ngôi nhà của những người dũng cảm
Chàng lính trẻ hiền lành xuất thân từ tầng lớp “lao động nghèo” đã sớm nhận ra rằng:
Chiến tranh là con ong sắt cháy đỏ
Hút cạn mật đời
                   Tết đến
Và cuộc chiến ấy đã hút cạn những gì tốt đẹp trong anh, để lại đó những vết thương không bao giờ kín miệng, không bao giờ có thể chữa lành. Để lại đó nỗi buồn chết chóc, mà cái chết kinh khủng hơn cả là cái chết tâm linh. Người lính ấy đã ra khỏi cuộc chiến trở về và nhớ lại:
“Giống như nhiều người lính phục vụ “trên mặt trận”, tôi đã chứng kiến nhiều sự việc khủng khiếp, và bây giờ tôi hiểu những sự việc này khiến tôi tổn thương tinh thần vĩnh viễn. Thoát trở về Mĩ, tôi bị trầm cảm, hoảng loạn và mất ngủ một thời gian dài. Những cơn ác mộng theo đuổi tôi và chỉ cần nhắm mắt lại, tôi đã nghe tiếng pháo cối và tiếng bom đạn gầm rú. Tôi đã mất phương hướng, không còn niềm tin vào cuộc sống” ( Trở về ngôi nhà Việt, trang 157).
Đây là hình ảnh của một người lính trở về. Có thể là bạn anh mà cũng có thể chính là anh- Bruce Weigl:
Tôi bơm xăng từ năm giờ sáng đến nửa đêm
với mức lương thấp nhất
vì tôi phải nuôi gia đình
Và chiến tranh làm tôi ngu muội
Chiến tranh chỉ giết tôi đến mức
còn đủ sức lau kính chắn gió ô tô
chỉ dành cho tôi đủ hi vọng
để lê tôi từ xe này sang xe khác
                             Bố thí
Làm việc quần quật như thế, nhưng giấc ngủ không sâu và không thanh thản:
Giấc ngủ không sâu hơn bề mặt nó bắt đầu
Một giấc ngủ méo mó như sợi dây kẽm trong thân thể ta
Cả đêm sợi dây kẽm cố duỗi thẳng ta ra
Có ai véo dây thần kinh khi ta ngủ
Khiến ta xé toạc ga trải giường
Ngăn nhịp đập rầm rập xương sống
Một giấc ngủ bất an, không giá trị
                   Suy sụp tinh thần
Đọc tập thơ và hồi kí này, chúng ta có thể hiểu thêm một phần vì sao mà quân đội Mĩ trang bị hiện đai và tối tân đến vậy mà vẫn phải chịu thất bại ở Việt Nam. Một trong những lí do đó chính là vì  trong  đội ngũ của họ có nhiều người lính như Bruce Weigl.
Đó là những ấn tượng mạnh mẽ khi đọc tập thơ và hồi kí Sau mưa thôi nã đạn. Nhưng bên cạnh đó, một ấn tượng cũng mạnh mẽ không kém là sự vượt lên khỏi hoàn cảnh bi đát của một nghị lực phi thường với một tình yêu lớn:
Xuyên qua rừng rậm, xuyên qua cao nguyên
xuyên qua tất cả cái chết xanh
tôi chạm những ngón tay mình
vào nụ hôn cha tôi
                   Nụ hôn
Tác giả đã tự hào mà nói rằng “ luôn cảm thấy giàu có bởi tình yêu cha mẹ dành cho mình”. Chính tình yêu giàu có đó đã góp phần làm cho người lính trở về tìm được hướng đi đúng đắn : “ Tôi lao vào con đường học để giải cứu mình”. Chẳng những tốt nghiệp Đại học, tác giả còn có bằng Tiến sĩ, trở thành Giáo sư. Và điều quan trọng là Bruce Weigl đã trở thành một nhà thơ danh tiếng “ Một trong những nhà thơ quan trọng nhất của thời đại chúng ta” như đánh giá của nhà thơ Carolyn Forché.
Khi làm thơ về cuộc chiến tranh, mà những bài thơ đó, theo đánh giá của nhà văn Russell Banks “  Những bài thơ đẹp khắc khoải và đau đớn. Bruce Weigl có lẽ đã viết một tiểu thuyết thơ về chiến tranh Việt Nam hay nhất từ trước đến nay”. Tôi tin đây là một đánh giá khách quan.
Nhưng thơ Bruce Weigl không chỉ có thế. Mặc dù trong phạm vi một cuốn sách chủ yếu nói về đề tài Việt Nam, bạn đọc cũng có thể cảm thấy những tinh tế và độc đáo trong hồn thơ  đôn hậu và đa cảm.
Đây là một sớm mai thanh bình Hà Nội năm 1990:
Tôi nghe tiếng chim dìu ban mai
Về trên mặt hồ bằng tiếng hát
Trên những chiếc thuyền nan
Những người hái sen chèo xa
Giữa những bông hoa trắng muốt
Được ngắt đi nhưng sẽ lại dâng lên sức sống
          Đời cô tung bay lá cờ lụa đỏ
Còn đây là sự tinh tế và nhạy cảm;
          Trong ánh nhìn của cô, hàng vạn nỗi buồn sống dậy
                             Đời cô tung bay lá cờ lụa đỏ
        Trong cặp mắt đen của con, chảy dòng sông Bình Lục
vẫn nổi sóng, dâng lên và vặn mình đổ ra biển lớn
ngày con đến với cha
                          Con Gái Của Bố
Và một khúc nhạc du dương trong bài hát đêm:
          Có nỗi cách xa nơi hai trái tim
          kết nối với nhau để sự chia li biến mất
         và họ lại bên nhau quấn quýt
          Tóc em trên môi anh
          Tiếng em trong tim anh, tiếng em trong tim anh
                                      Bài hát đêm
Tôi muốn dành tình cảm đặc biệt cho bài thơ Lời thơ tặng Mẹ Nguyễn Thị Vẻ mà        tác giả viết thay cho con gái Nguyễn Thị Hạnh Weigl. Tình yêu với Việt Nam, tình yêu với cô con gái nuôi, và tình yêu của một tâm hồn thi sĩ lớn đã tạo nên một bài thơ sâu sắc và xúc động về một người mẹ cụ thể trong muôn ngàn người Mẹ Việt Nam. Không có một hiểu biết về văn minh lúa nước của Việt Nam và một  tấm lòng, không thể viết những câu thơ ám ảnh:
          Như cuộc đời mẹ đã bắt đầu
dưới bầu trời vẫn vũ của chiến tranh
Rồi Mẹ như cây mạ
sẵn sàng cho số phận bứng lên
từ mảnh ruộng Mẹ đã được gieo
để lại được cấy xuống
trong hàng hàng những người sống sót
Mẹ vươn lên từ bùn, Mẹ vươn lên trong bão táp

Dậy thì khi lúa trổ đòng
bóng tối hậm hực muốn nhấn chìm vẻ đẹp
Mẹ vẫn rì rào xanh mướt xanh
Và đoạn kết của bài thơ, nói về sự bất tử của Mẹ, nhà thơ đã góp vào một kiểu kết đặc biệt đó là sự tái sinh:
Giờ đây Mẹ trở về thóc giống
để chúng con cùng nâng niu, cất giữ, gieo trồng
để những hạt- gạo-Mẹ chúng con ăn vào cơ thể
lại trổ đòng
lại xanh mướt xanh
                    Lời thơ tặng Mẹ Nguyễn Thị Vẻ
 Thật là  một may mắn kì diệu trong chiến tranh khi Bruce Weigl không nhận một viên đạn của một du kích ở Khe Sanh lúc hai người bất ngờ đụng độ và đều chọn giải pháp “co cẳng chạy. Mỗi thằng chạy dạt về một phía” (  Trần Đăng Khoa - Chân Dung và đối thoại, nhà xuất bản Thanh Niên, 1998, trang 157). Và vì thế mà chúng ta có nhà thơ Mĩ nổi tiếng hôm nay. Chúng ta được đọc nhiều tập thơ của anh, trong đó có tập thơ-hồi kí “ Sau mưa thôi nã đạn”. Kết cho bài viết này, tôi muốn dẫn lại đây những lời của nhà thơ Trần Đăng Khoa, người bạn gần gũi của Bruce Weigl, in trên bìa bốn của cuốn sách ( mặc dù tôi không  hoàn toàn tán thành với nhận định rằng thơ của Bruce Weigl dễ hiểu, bởi đâu có dễ hiểu khi chúng ta đến với nhau từ hai nền văn hóa khác biệt ?) :
“ Thơ Bruce Weigl giản dị, trong sáng và dễ hiểu, bởi lối tư duy mạch lạc và khúc chiết. Nhưng đằng sau những con chữ giản dị kia là một tâm hồn nhạy cảm cùng những chiêm nghiệm rất sâu sắc về lẽ đời và thế cuộc. Anh đã viết bằng sự ám ảnh. Đọc Bruce Weigl, ta chập chờn trong cơn mê sảng, lại sống lại những khoảnh khắc hào hùng và đau thương. Ta được ngắm chính ta bằng con mắt của một người lính ở bên kia chiến tuyến, ta cũng cảm thông hơn với số phận của những người bị đẩy vào cuộc chiến tranh tàn khốc. Bằng những bài thơ của mình, Bruce Weigl đã tạo dựng được một bảo tàng chiến tranh Việt – Mĩ. Cầu mong những đau thương mất mát chỉ có ở trong bảo tàng, không còn diễn ra trên trái đất mỏng manh và quá nhiều đau khổ của chúng ta”.
                                                          Hà Nội, 26/12/2010











         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét