Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

ẤN TƯỢNG VIỆT NAM CỦA TÔI






ẤN TƯỢNG VIỆT NAM CỦA TÔI
          Nadia Stiuơt ( Ca na đa)
          Vũ Nho dịch từ tiếng Anh

Mùa hè này (1994) tôi có mười tuần ở Hà Nội cùng với 5 sinh viên khác và một giáo sư từ trường Đại học tổng hợp Sanh Mari ở Haliphac, tỉnh Nova Scotia, Ca na đa. Chúng tôi học các ngành khác nhau, tôi theo ngành nghiên cứu phát triển quốc tế, và một mùa hè ở Việt Nam là cơ hội cho tôi hiểu sự phát triển theo một hướng mà không một cuốn sách nào có thể chỉ dẫn cho tôi. Nhóm chúng tôi đến Việt Nam thông qua chương trình liên kết Canađa Đại Tây Dương – Việt Nam. Mục tiêu của chương trình này là xúc tiến sự hiểu biết và liên kết giữa hai khu vực.
          Chúng tôi dùng hai tuần đầu tại Trường Đại học ngoại ngữ Hà Nội để học một chương trình tiếng Việt cơ bản cấp tốc. Một số người trong nhóm đã trở nên thành thạo hơn so với những người khác về ngôn ngữ, chẳng may, tôi học không được nhiều. Sau định hướng sơ bộ, chúng tôi chia ra tiến hành các nhiệm vụ khác nhau. Tất cả chúng tôi làm các công việc đa dạng trong tám tuần còn lại. Tôi dạy và kèm cặp tiếng Anh tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.
          Tôi đã học rất nhiều thứ trong mùa hè này, không chỉ việc dạy tiếng như thế nào. Tôi chưa hề dạy một lớp học nào trong đời mình trước khi đến Việt Nam. Các học viên làm tôi tin rằng ai biết nói tiếng Anh thì có thể dạy học được, nhưng sự việc chẳng dễ dàng như thế. Dạy học là một sự thử thách nhưng các học viên của tôi đã rất nhiệt tình ủng hộ tôi và dạy tôi nhiều như tôi dạy họ. Điều này thật tốt đẹp. Tôi nghĩ một giáo viên phải luôn luôn học hỏi các học viên của mình cũng như họ. Tôi hi vọng rằng, trong tương lai, khi tôi dạy học, các học viên của tôi cũng sẽ tuyệt vời như những người tôi dạy năm nay. Chúng tôi trở thành những người bạn tốt và các bạn tôi đã dạy tôi rất nhiều về đất nước Việt Nam.

          Vâng, học tập là hướng chính của mùa hè đối với tôi. Tôi học về văn hóa, ngôn ngữ, cách sống Việt nam. Mười tuần là một thời gian quá ngắn để  gắng hiểu một nền văn hóa nước ngoài, tuy vậy, vẫn có thể học rất nhiều trong thời gian ngắn đó. Rất ít người Canada hiểu biết nhiều về Việt Nam. Phản ứng của những người tôi trò chuyện tại Canada chúng tôi thường là tiêu cực : “ Tại sao cô lại muốn dùng kì nghỉ hè tới Việt Nam?”. Họ hỏi tôi. Để đáp lại, tôi cố gắng bày tỏ đôi điều về tình yêu và cảm xúc của tôi với đất nước và con người các bạn.
          Thật là một nơi hết sưc sôi động, sôi động rất nhiều so với Canada. Phố phường Hà Nội thú vị hơn nhiều so với phố phường của Canada. Trong vẻ ngoài lộn xộn của sự giao thông có sự nhịp nhàng và mực thước. Canada, vỉa hè dành cho những người đi bộ, còn ở Hà Nội, các vỉa hè là nơi chứa đựng hầu hết các khía cạnh của cuộc sống ngày thường: nấu nướng, giặt giũ, mua bán, trò chuyện, xây dựng, chơi bời, và tất cả các hoạt động nào mà bạn có thể nghĩ tới. Hà Nội tràn đầy sức sống, luôn luôn nhìn thấy điều gì đó mới mẻ hàng ngày. Những người tôi gặp luôn luôn thân mật và hào phóng. Mặc dù có sự khó khăn trong giáo tiếp, họ luôn cố gắng làm cho tôi cảm thấy như ở nhà, và họ luôn luôn muốn thực hành tiếng Anh, tìm hiểu về Canada.
Tôi không có nhiều dịp để tham quan, nhưng tôi tự coi mình là may mắn được ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của vịnh Hạ Long, vẻ đẹp Tam Đảo, vẻ đẹp các hang động Ninh Bình, của bãi biển Sầm Sơn. Tất cả các chuyến đi nghỉ cuối tuần này có rất nhiều điều lí thú. Những chuyến đi dài ngày qua các vùng quê cho tôi hình dung một phần khác của Việt Nam, cuộc sống nông thôn. Ở Hà Nội, tôi thăm các bảo tàng Lịch Sử, Nghệ Thuật, bảo tàng Hồ Chí Minh, Hồ Tây, Văn Miếu, các công viên, khi đi bộ, khi đạp xe qua nhiều nơi khác nhau của thành phố.
          Tôi có cảm giác rằng các thứ ở Hà Nội thay đổi rất nhanh chóng, và tôi chờ đợi sẽ được nhìn thấy những thay đổi ấy xuất hiện. Tôi nghĩ tôi thật may mắn thăm đất nước quyến rũ này một mùa hè. Tôi hy vọng rằng nó không chỉ là một chuyến thăm, và tôi đã phải lòng Việt Nam của các bạn. Tôi có kế hoạch nâng cao kĩ năng giảng dạy và những kiến thức về sự phát triển, và tôi hi vọng mai này tôi sẽ trở lại Việt Nam và ở lâu hơn mười tuần ngắn ngủi.

Đăng báo Người Hà Nội số 40 ngày 9-10-1994


         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét