Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

TIN THẮNG TRẬN (BÁO TIỆP) CỦA HỒ CHÍ MINH - ĐỘC ĐÁO HOÀN CẢNH THÀNH THƠ



 

TIN THẮNG TRẬN (BÁO TIỆP) CỦA HỒ CHÍ MINH - ĐỘC ĐÁO HOÀN CẢNH THÀNH THƠ


                                                        Vũ Nho

Đã có nhiều bài viết về bài Báo tiệp (Tin thắng trận) này của Bác, nhưng chưa chú ý đầy đủ đến hoàn cảnh thành thơ của bài, vì thế mà chưa thấy hết cái hay và sự độc đáo của bài thơ.
                   Nguyên văn chữ Hán
                             Báo tiệp
          Nguyệt thôi song vấn thi thành vị
          Quân vụ nhưng mang vị tố thi
          Sơn lâu chung hưởng kinh thu mộng
          Chính thị liên khu báo tiệp thì
                   Dịch nghĩa
                             Tin thắng trận
          Trăng đẩy cửa hỏi thơ xong chưa
          Việc quân bận rộn chưa làm thơ
          Tiếng chuông lầu núi làm kinh động giấc mộng thu
          Chính là lúc tin thắng trận liên khu báo về
                   Dịch thơ ( bản dịch của Huy Cận)
                             Tin thắng trận
          Trăng vào cửa sổ đòi thơ
          Việc quân đang bận xin chờ hôm sau
          Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu
          Âý tin thắng trận Liên khu báo về
         
          Bài thơ có hai phần. Hai câu đầu là cuộc trò chuyện của nhà thơ với vầng trăng về việc làm thơ. Hai câu sau ghi lại việc tỉnh giấc mơ thu, đúng lúc tin thắng trận báo về từ Liên khu. Vấn đề đặt ra là Bác nói chuyện với trăng, rồi sau người đi ngủ và giật mình tỉnh dậy hay là Bác đang mơ chuyện trò với trăng rồi giật mình tỉnh dậy? Giải quyết điều này thỏa đáng, sẽ thấy được nét thú vị của hoàn cảnh thành thơ.
          Chúng tôi không cho rằng cuộc trò chuyện với trăng là cuộc trò chuyện được Bác tưởng tượng ra  do Người với trăng vốn là bạn tâm giao. Giống như là Bác đã  từng hình dung “Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ” thuở Người bị tù đầy. Cuộc trò chuyện này cần được hiểu là cuộc trò chuyện trong mơ. Và như thế, xem xét, bình giá bài thơ phải chú ý đến đặc điểm đầu tiên: bài thơ này được khởi làm từ trong mộng.
          Sau một ngày lo lắng việc quân Bác chợp ngủ và mơ thấy trăng đẩy cửa vào đòi thơ. Nguyên văn là trăng đẩy cửa hỏi thơ đã làm xong chưa. Với tư cách là một người bạn thân quen, Bác đã không khách khí, không rào đón, mà trả lời rất thật : Bận rộn việc quân chưa làm thơ được. Cần lưu ý câu trả lời này ở chỗ không phải là không có thơ, cũng không hẹn là hôm sau sẽ làm.

          Như vậy, hai câu thơ trên  ghi lại cuộc gặp gỡ và trò chuyện của Bác với vầng trăng ở trong giấc mơ của Người. Một vài người bình bài thơ đã đúng khi nói rằng trăng đã theo Bác vào trong cả giấc mơ. Lại càng đúng hơn khi nói rằng, cả trong giấc mơ, Ngươì cũng không quên lo nghĩ về việc quân, việc nước. Cả đến trong giấc mơ, Người cũng không một phút giây sao nhãng việc cứu nước, cứu dân.
          Nhưng nếu  làm thơ trong mơ thì tuy khác thường, độc đáo nhưng chắc chắn Bác không phải là người thứ nhất, càng không phải là người duy nhất.
          Tính chất độc đáo của  hoàn cảnh thành thơ bài Báo tiệp  ở  chỗ từ bắt đầu hình thành đến hoàn thiện một bài thơ là một sự thống nhất, liền mạch. Nó là sự tiếp nối tự nhiên từ tĩnh (giấc mơ) đến động (tỉnh mộng đón tin thắng trận), từ mộng đến thực, từ mơ màng đến tỉnh thức.
          Trong giấc mộng, Người trả lời trăng là việc quân bận rộn nên chưa làm thơ. Câu chuyện đang ở đấy thì Sơn lâu chung hưởng kinh thu mộng -  bỗng có một tiếng chuông vọng từ lầu núi làm kinh thu mộng. Đây là câu thơ chuyển tiếp từ mộng  sang thực, từ mơ đến tỉnh. Và câu kết Chính thị liên khu báo tiệp thì là câu thơ kết thúc trạng thái mộng, chuyển hẳn sang trạng thái thực, kết thúc trạng thái mơ, chuyển sang trạng thái tỉnh thức.
Những người bình thơ đã băn khoăn không biết tiếng chuông là chuông chùa, chuông nhà thờ hay chuông điện thoại. Mặt khác,  nguyên văn bài thơ lại viết rõ ràng rằng sơn lâu (lầu núi). Lầu núi là lầu nào xây trên núi? Xung quanh chiến khu  hồi ấy lấy đâu ra nhà lầu? Cái lán của Bác ở có thể thi vị hóa thành sơn lâu - lầu núi được không? Lại còn chữ kinh thu mộng nữa. Giấc mộng mùa thu là giấc mộng của ai? Của Bác? Của núi rừng? Hay của cả hai?
          Trước hết cần phải thấy rằng, Bác làm thơ chữ Hán, cho nên một số thi liệu của thơ chữ Hán như sơn lâu, chung hưởng, thu mộng, thu địch, tửu vị tàn có tính ước lệ, không nên hiểu  theo nghĩa đen một cách rành rẽ. Mặt khác, như đã nói ở trên,  khi câu chuyện của Bác với trăng trong giấc mộng bị gián đoạn thì cái cảm nhận “sơn lâu chung hưởng” kia cũng là cảm nhận  đang từ cõi mộng về cõi thực, đang từ mơ màng trở về tỉnh thức cho nên nó lãng đãng nửa thực nửa hư. Không nên hiểu là “tiếng chuông điện thoại”, “tiếng kẻng chòi canh” hay “tiếng chuông lầu trên núi”. Đây chỉ là một  tiếng như  là tiếng chuông, một tiếng gây tác động mạnh, làm tỉnh giấc mơ gặp gỡ, trò chuyện cùng trăng mà thôi. Thu mộng có thể hiểu là giấc mộng mùa thu của núi rừng. Nhưng chắc chắn sẽ có giấc mộng của nhân vật trữ tình là Bác.
          Trở lại với toàn bài thơ, ta thấy hiếm khi người đọc có thể theo dõi và nhận thức toàn bộ quá trình hình thành và hoàn chỉnh một bài thơ, thấy được sự kì diệu từ không đến có xảy ra như thế nào.
          Cái hay của bài thơ, cái độc đáo của nó chính là  có một sự liền mạch, thống nhất từ khi hình thành cho đến khi hoàn chỉnh. Từ giấc mơ đến hiện thực, từ mơ màng đến tỉnh thức. Trong mơ thì “quân vụ nhưng mang vị tố thi”. Nhưng khi tỉnh thì “Chính thị liên khu báo tiệp thì”. Trong mơ thì chưa có thơ. Nhưng khi tỉnh thức thì đúng là lúc Tin thắng trận liên khu báo về. Tin thắng trận là tứ của bài thơ,  là câu thơ làm hoàn chỉnh bài thơ. Tin thắng trận là nguồn cảm hứng lớn để Bác hoàn thành bài thơ mà trăng đang đòi hỏi trong mơ. Vì vậy mà Tin thắng trận(Báo tiệp) được Bác lấy để đặt tên cho cả bài. Đây cũng là kiểu cảm xúc  thành thơ mà sau này chúng ta sẽ còn bắt gặp duy nhất một lần nữa ở bài thơ vui vô đề của Bác : Bỗng nghe vần thắng vút lên cao.
          Trong những lời bình cho bài thơ này, người ta chú ý nhiều đến sự nhân hóa và tưởng tượng của Bác, đến mối quan hệ gắn bó, thân thiết giữa Bác với trăng. Hầu như ít người chú ý đầy đủ đến cảnh trăng đẩy cửa sổ hỏi thơ xong chưa và câu trả lời của Bác : việc quân đang bận chưa làm thơ được, đều là hỏi và đáp ở trong mơ. Và cũng ít chú ý đến câu thơ “Sơn lâu chung hưởng kinh thu mộng” là câu thơ trong trạng thái chập chờn đang từ mộng về thực, đang từ ngủ sang thức và đặc điểm thi liệu cổ có tính ước lệ trong thơ chữ Hán của Bác. Tin thắng trận báo về như là một kết quả tất yếu được chuẩn bị, được xuất phát từ “quân vụ nhưng mang”. “Chính thị liên khu báo tiệp thì”- Tin thắng trận từ chiến khu báo về đúng thời điểm tỉnh hẳn giấc mơ. Và bài thơ được viết xong. Đây chính là điểm độc đáo nhất của hoàn cảnh thành thơ bài Báo tiệp.
                                                          Hà Nội, tháng 9/2007
              Bài đã đăng trên báo Giáo dục & Thời đại số 9, ngày 19/1/2008 trang 9.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét