NHÀ THƠ KỂ CHUYỆN LÀNG MÌNH
Đọc Cổ pháp cố sự của Nguyễn Khôi, nxbVăn hoá
dân tộc, 2003
Vũ Nho
Hẳn không phải ngẫu nhiên mà làng thành một đơn vị
hành chính vô cùng quan trọng trong tâm thức người Việt. Thậm chí đã có câu phép
vua thua lệ làng. Bởi vậy, đã có người làm thơ chỉ viết về làng mình, viết
tiểu thuyết về một ngôi làng tưởng tượng nhưng cũng là bóng dáng làng mình. Đã
có nhiều bài báo viết về những ngôi làng nổi tiếng đăng trên tuần báo Văn Nghệ.
Và bây giờ, bạn đọc lại thú vị được đọc một tập tuỳ bút về phong tục , lịch sử
của làng. Đó là tập Cổ Pháp cố sự của Nguyễn Khôi. Với một người từng
viết khảo cứu văn học dân gian, làm thơ, viết tuỳ bút về xứ Thái mù sương thì
cuốn sách này có thể sẽ phát huy hết được những kinh nghiệm và thế mạnh vốn
có của anh. Nhưng có lẽ cái tình yêu
làng, yêu quê da diết, thăm thẳm của một người trai Đình Bảng mà hoàn cảnh đưa
đẩy luôn phải phiêu bồng li hương mới là điều
quyết định làm nên căn cốt, hồn vía cho tập sách này.
Không tính những lần đi đi về về nơi
làng quê thân thiết gần suốt cả đời người. Không tính những lần thư thả được về
lại mái nhà xưa, ngẩn ngơ nhìn cảnh vật đổi dời, cảm khái nhắc câu thơ Vũ Đình
Liên : Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ. Không tính những kỉ niệm ăm
ắp về làng ngày còn nhỏ với bao nhiêu
chuyện hội hè , cưới xin, giỗ chạp, làm ăn. Đó là những cái vốn tự có phong phú
dồi dào, đảm bảo cho thành công của tập sách. Chỉ tính riêng 37 tài liệu tham khảo mà Nguyễn Khôi đã xem và nghiền ngẫm, tìm chứng cứ liên quan
đến tên làng, phong tục của làng, những người làng nổi tiếng từ ngày xửa ngày
xưa, chúng ta cũng phần nào thấy được sự công phu và tình yêu làng của tác giả. Cái việc to lớn ấy, không phải người
trai Đình Bảng nào cũng có thể làm cho làng mình. Ấy là còn chưa tính đến số
tiền tự bỏ ra để những chuyện về làng có thể đến được tay bạn đọc.
Đình Bảng là một làng cổ, là nơi phát
tích của vương triều Lí, nơi có đội du kích thiếu niên và phong trào kháng
chiến chống Pháp lừng danh, được nhà nước phong đơn vị anh hùng lực lượng vũ
trang, nơi con người năng động, sáng tạo. Một làng cổ nổi tiếng trong vùng đất
địa linh tam cổ, ngũ phù - đất đế vương rất đáng để mọi người tìm hiểu.
Nhà khảo cứuNguyễn Khôi có một lợi thế
rất cơ bản : anh là trai Đình Bảng. Cổ Pháp, Đình Bảng quê anh đã ngấm vào máu
thịt khi anh bắt đầu cuộc sống của một “thằng cò” cháu ông Quản Hiển ở xóm Bà
La. Những câu chuyên dân gian, những chuyện dã sử truyền miệng của bao đời dân
Cổ Pháp đã rất tự nhiên đi vào trái tim khối óc non dại của một người trai Đình
Bảng. Anh có bao nhiêu là kỉ niệm , những câu chuyện sống động của làng. Kết
hợp với những sử liệu mà anh dày công tìm hiểu, Nguyễn Khôi đã có một vị thế
đáng nể để viết, để kể về làng.
Về mảng lịch sử, người đọc có thể hiểu
thêm về tên làng, về các nhân vật quan trọng của triều Lí gắn bó với làng.
Những chuyện đó có thể rải rác đâu đó trong các bộ sử kí, nhưng ở đây nó được
kể ngắn gọn theo lớp lang. Biết những chuyện này, ta mới càng hiểu vì sao, ngày
nay dân thập phương vẫn hướng về đền Đô với lòng ngưỡng mộ, thành kính trước
những người đã khai mở ra một triều đại hùng cường của nhà nước phong kiến Việt
Nam. Đặc biệt là vị vua đã chọn nơi định đô Thăng Long, mở ra một kỉ nguyên mới
cho đất nước. Những câu chuyên lịch sử, Nguyễn Khôi viết lại bằng văn của mình,
kèm thêm những câu thơ, khi do chính anh sáng tác, khi trích của Huy Cận hay
của các nhà thơ khác làm cho thêm phần
mềm mại. Cũng có khi anh đưa lời bình ngắn gọn, nhưng thật xác đáng. Ví dụ như
khi viết về Ỷ Lan : “ Bà là người phụ nữ Việt Nam duy nhất tham gia quốc chính,
trị vì đất nước khi còn rất trẻ. Hai lần nhiếp chính để vua chồng, vua con ra
trận “. “ Từ cô Tấm trở thành phi tần…ở Việt Nam
ta xưa nay không hiếm, khác hẳn nhiều nước trên thế giới ( giới quý tộc thường
không lấy thứ dân), tính dân tộc, tính bình dân của người Việt Nam ta quả là
một đặc thù. Giữa vua và dân không có sự cách biệt quá lớn…” ( trang 30).
Những phiếm đàm về ăn uống, bàn về làm thơ tuy chỉ thấp thoáng… nhưng cũng gợi
nhiều suy nghĩ về quan niệm của một
người Đình Bảng.
Có lẽ đặc sắc nhất của tập sách này
chính là những câu chuyện liên quan đến những con người, phong tục, đời sống
văn hoá tinh thần của người Đình Bảng. Người đọc sẽ được giải thích sự khác
biệt của một làng Đình Bảng là tuy buôn bán, nhưng làng lại không có chợ. Nhiều điều thú vị khác nữa, như cái váy Đình
Bảng nổi tiếng đã vào thơ Hoàng Cầm “ Váy
Đình Bảng buông chùng cửa võng” là thế nào, cỗ thịt chuột ở Đình
Bảng hư thực ra sao, vì sao người Đình
Bảng không lấy vợ lấy chồng ở ngoài, vì sao trong vùng lại có câu “ Vật thú
Đình Bảng thê” ( không lấy vợ người Đình Bảng), trong khi con gái Đình Bảng vừa
xinh đẹp ( Mặt Báng, dáng Giầu) vừa giỏi giang tay nải gió đưa buôn chợ, buôn
chuyến khắp nơi tung hoành, đem về không biết bao nhiêu tiền bạc, của cải cho
gia đình. Biết bao cái thú tao nhã như
hát quan họ, hát tuồng, chơi hoành phi câu đối, uống rượu quê, uống chè, ăn
bánh xu xuê, ăn xôi vò, chè đường… đều được tác giả trân trọng ghi lại.
Trong khi kể chuyện quê, dù cố gắng
khách quan, nhưng tác giả luôn không giấu niềm tự hào, sung sướng được là một
người con Đình Bảng, tự hào về làng mình. Nhân bàn về tục ăn uống ở quê, anh viết : “ Cứ vậy, dân làng tôi
giỏi kinh doanh, buôn bán kiếm tiền giầu có… nhưng ăn uống vẫn gĩư nếp xưa của
ông cha , không xa hoa lãng phí, cần thì chi, không keo kiệt, nhưng không ăn
chơi xả láng như các người mới phất thời nay”. Bài viết cảm động là bài Người
Đình Bảng. Những câu khái quát rất mộc mạc, nhưng phải là người hiểu làng mình
lắm, yêu làng mình lắm mới có thể viết như vậy. Và đặc biệt là những bài anh
viết về những người thân thiết, ruột thịt của anh. Tình cảm ông cháu, cha con,
mẹ con đã làm cho những trang viết rưng rưng. Đây là những cá thể bình dị,
những người dân Đình Bảng của một làng truyền thống văn hoá được vua ban “mĩ
tục khả phong”.
Dù không đặt mục đích khảo cứu là
chính, nhưng dẫu sao, viết về một thời làng Cổ Pháp tên cũ của làng Đình Bảng
thì nhất định phải khảo cứu rồi. Nguyễn Khôi đã cố gắng tìm hiểu từ Kẻ Báng áp
sang chữ Hán là Dịch Bảng. Từ Diên Uẩn đổi tên thành Cổ Pháp. Nhưng người ta
vẫn không rõ mối liên quan của bốn tên khác nhau của một làng như thế nào. Đã
là Cổ Pháp trước khi xuất hiện tên Đình Bảng, vậy không cần dùng chữ Hán để áp
sang nữa. Lẽ ra ngay ở tên làng, Nguyễn Khôi nên để ngỏ như khi anh viết
về có một thôn Đình Bảng ở Thanh Hoá để
mọi người suy ngẫm tiếp. Bài Thọ Lăng Thiên Đức cần được đối chiếu lại
với sử sách, ghi rõ thời gian trị vì và tuổi thọ của mỗi vị vua để tránh cho
người đọc nhầm lẫn. Lí Chiêu Hoàng được ghi là làm vua trong 2 năm 1225-1226 (
trang 54). Thế nhưng trong bài Lục Tổ, lại viết là Lí Chiêu Thánh lên
ngôi được một năm, năm Canh Dần (1230) trao quốc chính cho chồng là Trần Nhật
Cảnh”( trang 67). Điều này mâu thuẫn với sự kiện được nói ở trang 50 là tháng
chạp năm Ất Dậu ( 1925) lễ truyền ngôi từ Lí sang Trần. Tất nhiên, Nguyễn Khôi
không phải là nhà khảo cứu, không phải nhà lịch sử, nhưng nếu những chỗ sử liệu
chưa chính xác hay mâu thuẫn thì cũng nên có ghi chú để bạn đọc lưu ý tìm hiểu thêm. Ngay cái tên Cổ
Pháp cố sự mà dịch là Chuyện làng Đình Bảng xưa thì cũng là dịch phóng thôi. Cố sự là chuyện cũ. Nhan đề
phải dịch là Chuyện cũ làng Cổ Pháp, hay Chuyện xưa làng Cổ Pháp mới
chính xác. Không phải là Nguyễn Khôi không biết điều này. Phải chăng anh thích
đặt chữ xưa xuống sau cùng và
thay Cổ Pháp bằng tên khác là Đình Bảng cho nhan đề thêm sức gợi?
Điều quan trọng nhất là những câu chuyện làng độc đáo và thú vị của
Nguyễn Khôi còn chưa dứt. Đây mới chỉ là tập một mà thôi. Liệu Nguyễn Khôi còn
đem đến cho ta những gì mới mẻ về ngôi
làng độc đáo của anh, và cũng là ngôi làng cổ rất đáng tự hào của đất nước?
Chúng ta hãy hi vọng và chờ xem.
Hà
Nội 22/2/2004
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét