TRỞ LẠI VỚI CƠN MƯA TUỔI THƠ CỦA TRẦN ĐĂNG KHOA
Vũ Nho (VN): - Xin chào Trần Đăng Khoa. Hôm nay đột nhập vào tư gia, mình muốn ông dành chút thời gian cho một bài thơ viết hơn ba chục năm về trước của cậu bé Khoa.
Trần Đăng Khoa (TĐK) : - Sẵn sàng hầu chuyện bác.
VN: - Trước hết mình muốn biết chú bé Khoa đã viết bài thơ "Mưa" trong hoàn cảnh nào? Có phải từ một đề tập làm văn "Em hãy tả lại cơn mưa rào" của thầy cô giáo hay không?
TĐK: - Ồ! Không phải một bài tập làm văn được viết bằng thơ đâu. Không có đề văn nào như vậy cả. Nhưng bác có cảm giác ấy cũng một phần vì bài thơ thuộc loại tả cảnh. Còn vì sao em viết ư? Chính là từ gợi ý của một bài ca dao về mưa:
Trời mưa
Quả dưa vẹo vọ
Con ốc nằm co
Con tôm đánh đáo
Con cò kiếm ăn
Hồi ấy, tuy mới học lớp ba nhưng em đọc dữ lắm. Bạn bè chúng gọi em là "ông cụ non". Em chẳng biết là có già thật không, nhưng em có ý định dựng một cơn mưa theo kiểu của mình....
VN: - Bài thơ được viết khi quan sát một trận mưa trực tiếp hay là bằng kinh nghiệm về mưa của em bé đã lên chín tuổi?
TĐK: - Bài thơ này không viết khi đang nhìn mưa. Mưa ngấm vào máu thịt của em từ bé. Chúng em chơi trong mưa, tắm trong mưa, chăn trâu cắt cỏ trong mưa. Trẻ con nhà quê quen dãi nắng dầm mưa. Đến bây giờ em vẫn hình dung mùi nước bốc lên từ ao bèo lúc sắp mưa. Vả lại ngồi nhìn mưa mà viết thì hoá ra đó là loại văn thơ viết bằng mắt.
VN: - Trong bài thơ có câu "mối trẻ bay cao, mối già bay thấp". Đó là viết theo quan sát, theo kinh nghiệm dân gian hay chỉ là suy đoán?
TĐK: - Ấy là suy đoán thôi. Khi sắp mưa, ở thôn quê mối bay ra rợp cả sân: Có con bay cao, có con bay thấp, có con rụng cánh chỉ bò như sâu khoai. Mối trẻ khoẻ sức nên bay cao, mối già yếu hơn, bay thấp. Suy đoán thế thôi.Chứ bác bảo làm sao mà em phân biệt được mối trẻ với mối già. Em có phải là nhà sinh vật học nhìn đời sống bằng kính hiển vi đâu (cười)
VN: - Trong thơ, có hai lần Khoa viết "tóc tre", "Bụi tre tần ngần gỡ tóc" (Mưa), "Chị tre chải tóc bên ao. Nàng mây áo trắng ghé vào soi gương" (Buổi sáng nhà em). Liệu có phải là do ảnh hưởng của nguồn nào không? Lúc ấy Khoa đã đọc "Nước gương trong soi tóc những hàng tre" của Tế Hanh chưa?
TĐK: - Em đọc nhiều nhưng lại chưa đọc câu thơ ấy của Tế Hanh. Em viết thế là phóng bút mà viết thôi. Cánh nhà quê hay nói “tóc rễ tre” chỉ loại tóc thô và cứng. Thế thì lá tre cũng có thể so với tóc được chứ. à mà câu thơ của Tế Hanh bác vừa nhắc là câu thơ hay. Lớ ngớ thế nào mà cả một câu thơ sau này của em nữa lại cũng trùng câu của Tế Hanh. Cái câu "Biển một bên và em một bên" ấy. Chỉ khác có một chữ và.Nhưng bác lưu ý cho em điều này: câu thơ về biển của Tế Hanh không phải là câu thơ hay. Và em viết câu thơ ấy cũng là thuận tay thì viết chứ không phải dụng công hay nghĩ ngợi gì nhiều.Tất nhiên, câu thơ viết sau, lại trùng với Tế Hanh, nên em đã trả lại nó cho Tế Hanh.
VN: - Việc giống nhau nhưng không chịu ảnh hưởng là chuyện bình thưuờng: Ngẫu nhiên thôi. Ông Nguyễn Du không gặp ông Puskin ngày nào, lại càng không thể đọc tác phẩm của nhau, thế mà tính tình và cả khuôn mặt của hai cô Tachiana và Onga giống in Thuý Kiều với Thuý Vân. Huống hồ Trần Đăng Khoa và Tế Hanh cùng viết về cây tre, về cô gái và biển Việt Nam . Ta hẵng tạm xếp chuyện này sang một bên. Thế nguyên cớ nào đã dẫn đến sự liên tưởng hàng bưởi với những bà mẹ bế lũ con đầu trọc?
TĐK: - Trước hết là cái đầu trọc rất ngộ nghĩnh và ấn tượng. Tục ngữ nói: "Túm kẻ có tóc không túm đứa trọc đầu". Đồng dao có câu hát: "Đầu trọc long lóc, như củ bình vôi...". Thơ Tú Xương: "Một thằng trọc tếch ngồi khua mõ"... Đầu trẻ con cũng hay cắt trọc cho mát và khỏi bị chấy. Quả bưởi vốn giống hình dáng đầu trẻ con. Hơn nữa trong mưa gió nó lại lúc lắc, đua đưa, ngọ nguậy hệt như đứa trẻ tung tẩy nghịch ngợm. Bưởi quả đã như trẻ con thì bưởi cây như bà mẹ là tất nhiên....
VN: - Dẫu sao thì liên tưởng như thế cũng rất thú vị và bất ngờ. Đã có ai nhìn bưởi như Khoa nhìn đâu, mặc dù bưởi là thứ cây có ở vườn từ đời nảo đời nào, phải vậy không?
TĐK: - Cái đó thì em chịu!
VN: - Vì sao thơ tả mưa mà tác giả lại nghĩ đến chiến trận đến gươm và những cuộc hành quân? Phải chăng không khí chiến tranh lúc ấy có ảnh hưởng tới lối nghĩ, lối viết này?
TĐK: - Ấy, câu hỏi này hay. Cũng lại là phát hiện của bác đấy. Em đã từng viết trực tiếp về những khẩu pháo, những băng đạn, những hố bom, những trận địa bỏ không. Bài "Mưa" không có bom đạn trực tiếp nhưng em nghĩ đến áo giáp của Thánh Gióng, đến những thanh gươm và các cuộc hành quân. Bác thấy mấy ông lí luận nói có đúng không: người viết nào chẳng chịu ảnh hưởng của thời mình sống!
VN: - Đọc kĩ bài thơ thấy lớp lang rất mạch lạc. Tả cơn mưa từ cao xuống thấp, từ xa đến gần, từ rộng đến hẹp. Cuối cùng thu lại chỉ tả mưa ở vườn và sân. Đó có phải là một dụng ý nghệ thuật không? Hay chỉ đơn giản là vì chưa mưa thì còn nhìn được xa rộng, mưa đã "mù trắng nước" thì tầm nhìn thu hẹp chỉ còn thấy vườn và sân?
TĐK: - Đây là sự phát hiện của bác đấy, chứ em viết hồn nhiên không bố trí lớp lang gì cả. Nhưng cũng có chút bài binh bố trận, có dụng ý. Đó là em chỉ tả thiên nhiên và đến cuối bài mới cho con người xuất hiện. "Bố em đi cày về. Đội sấm, Đội chớp, Đội cả trời mưa". Với đứa trẻ ở nhà quê, người thợ cày là lực sĩ, oai phong như thần. Em có thoáng nghĩ đến Sơn Tinh - Thuỷ Tinh. Nhưng câu thơ ấy lại chịu ảnh hưởng của Anh Thơ là chính.
Ngoài đường lội một vài người về chợ
Trĩu gánh hàng như trĩu cả quang mưa
Ban đầu em viết "Bố em đi cày về. Đội nước, Đội cả trời mưa". Bài thơ in ở báo Văn nghệ. Trước khi in lại vào tập "Thơ Trần Đăng Khoa" của Ty Giáo dục Hải Hưng (1970) em đã chữa. Bác biết không, có mấy lí do phải chữa. Thứ nhất, em học Anh Thơ, nhưng câu thơ gần quá, không ổn, phải biến hoá hơn. Thứ hai, "đội nước" dễ gây hiểu nhầm là đội lọ, đội vò đi hứng nước. Thứ ba, đội trời mưa cũng là đội nước rồi.Câu thơ hoá ra thừa. Bởi thế em mới chữa thành "đội sấm, đội chớp". Nhân tiện em nói với bác rằng hơn bốn chục lần thơ em tái bản lần nào em cũng đọc lại, rà lại...
VN: - Nghĩa là vẫn "thôi xao" suốt đời?
TĐK: - Không hẳn là như vậy!
VN: - Có nhiều người bảo rằng Trần Đăng Khoa chữa thơ tuy có hợp lí hơn nhưng có bài lại làm mất vẻ hồn nhiên và trẻ con đi. Cái đó ta sẽ bàn vào dịp khác. Xin hỏi câu cuối chót. Bây giờ nhà thơ Trần Đăng Khoa bốn mươi mốt tuổi đánh giá thế nào về bài "Mưa" của chú bé Khoa?
TĐK: - Câu hỏi thật thú vị. Trước đây Xuân Diệu cho rằng "Mưa" là bài thơ hay nhất của đời thơ Trần Đăng Khoa. Bấy giờ em còn bé nhưng cũng cảm thấy Xuân Diệu đẩy bài thơ lên quá tầm của nó. Bài đó vẫn là bài thơ khá. Song không phải là nhất của em đâu. Có những bài viết cứ như không như bài "Trăng sáng sân nhà em". Bây giờ đọc lại, em lại thấy kinh ngạc. Không hiểu tại sao hồi ấy mình lại viết được một bài thơ như thế. Còn "Mưa" thì em không có cảm giác như vậy. Nếu bây giờ cho em chọn những bài thơ tâm đắc nhất của đời mình, chắc em sẽ chọn những bài ở phần sau Góc sân và khoảng trời, nhất là những bài viết gần đây.
VN: - Cám ơn Trần Đăng khoa. Vậy là cùng với những câu hỏi của Xuân Diệu trong sách "Chân dung và đối thoại" của Trần Đăng Khoa (tr. 32 - 33) chúng ta đã có một tư liệu kha khá chung quanh bài thơ "Mưa" rồi!
Rút từ tập: “ Trần Đăng Khoa thần đồng thơ ca”
Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2000.
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaNgười hỏi và người trả lời hiểu nhau quá
Trả lờiXóaKhoe với bác rằng Vũ Nho viết cả một cuốn sách về thơ thiếu nhi của Trần Đăng Khoa. Vì thế đọc khá kĩ, nên mới có kết quả như bác khen đấy!
XóaCám ơn bác đã chia sẻ!
ôi cuộc đối thoại của hai người làm cho người đọc cứ ngẩn ra mà nghe- rất hay ạ- bài thơ này k biết em đã đọc chưa( thôi tí ra goole tìm..) nhưng nói về thơ TRẦN ĐĂNG KHOA em cứ nhớ những câu thơ:
Xóađàn kiến nó đi:
một đàn kiến nhỏ
chạy ngược chạy xuôi
chẳng ra hàng một
chẳng thành hàng hai
chúng em vào lớp
sóng bước hai hàng
chẳng như kiến nọ
rối tinh cả đàn
hiiiii